Xung đột giữa Nga-Ukraine tạo ra bước ngoặt cho nước Đức

Chủ nhật, 13/3/2022 | 06:45 GMT+7

Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang, Chính phủ Đức đã không thể chống lại sức ép của các đồng minh và dư luận và đã thay đổi lập trường.

Người dân rời khỏi một tòa nhà đổ nát sau vụ pháo kích tại thành phố Kharkiv, Ukraine, ngày 8/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nước phương Tây đã liên tiếp đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với Moska. Điều đó có ý nghĩa gì đối với Đức, quốc gia hạt nhân của Liên minh châu Âu (EU)?

"Mối quan hệ đặc biệt" của Đức với Nga

Theo nhận định của Hồ Xuân Xuân - người phụ trách lớp nghiên cứu đặc biệt về Nghiên cứu văn minh châu Âu tại Viện quản trị toàn cầu và các quốc gia khu vực Thượng Hải, Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, đối với Đức - quốc gia hùng mạnh nhất trong nền kinh tế EU, cảm xúc của Berlin chắc chắn là lẫn lộn. Điều này là do Đức có mối quan hệ khá "đặc biệt" với Nga và Liên Xô.

Thứ nhất, trong số các lực lượng chính trị của Đức, Đảng Dân chủ Xã hội luôn ủng hộ việc duy trì đối thoại với Nga, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã thiết lập mối quan hệ cá nhân sâu sắc. Từ góc độ của Nga, ông Putin tin rằng Đức đang trở thành một "siêu cường."

Trong những ngày đầu cầm quyền, ông Putin từng ấp ủ ý tưởng bắt tay với Đức và châu Âu cùng định hình tương lai. Ông đã có một bài phát biểu bằng tiếng Đức tại Quốc hội Đức vào ngày 25/9/2001, trích dẫn các nhà sử học Đức nói rằng "giữa Nga và Mỹ là một đại dương và giữa Nga và Đức là một lịch sử vĩ đại." Các nghị sỹ Đức đã vỗ tay nhiệt liệt hưởng ứng phát biểu của ông Putin. Việc Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, mối quan hệ Đức-Nga kể từ đó đã rơi xuống đáy.

Thứ hai, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Đức và Nga từng là trụ cột giữa EU và các nước phương Tây. Năm 2013, trước khi xảy ra sự kiện Crimea, thống kê cho thấy Đức chiếm 30,21% tổng lượng xuất khẩu của các nước EU sang Nga, trong khi Italy, nước xuất khẩu lớn thứ hai của EU sang Nga, chỉ chiếm 9,04% và Pháp chiếm 6,46%. Trên toàn cầu, Đức cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga, sau Trung Quốc.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và Đức phải gánh chịu thiệt hại. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương giữa Đức và Nga giảm 23,9% và năm 2016 giảm thêm 6,8 % trước khi được phục hồi. Hiện tại, thị phần của Nga trong thương mại nước ngoài của Đức chỉ là 2,3% (số liệu thống kê từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức năm 2021).

Tuy nhiên, nguồn cung cấp năng lượng của Đức phụ thuộc nhiều vào Nga, chiếm 55% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ của nước này. Kể từ thời cựu Thủ tướng Schroeder, Đức và Nga bắt đầu xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên "Dòng chảy phương Bắc 2" để Nga cung cấp trực tiếp khí đốt cho Đức qua biển Baltic, mà không cần quá cảnh qua các nước Đông Âu như Ukraine, điều từng gây ra sự bất mãn ở các nước Đông Âu và các nước EU khác.

[Tổng thống Nga thảo luận với Thủ tướng Đức về Ukraine]

Cả chính phủ của cựu Thủ tướng Angela Merkel và chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đều từ chối coi “Dòng chảy phương Bắc 2” kết nối trực tiếp giữa Đức và Nga như một con bài thương lượng địa chính trị, khẳng định rằng đường ống này là một dự án kinh tế. Cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder hoàn toàn bảo vệ quan hệ hợp tác năng lượng Đức-Nga. Và điều này hoàn toàn khác biệt với lập trường của Ukraine bởi Ukraine cho rằng mình là vật hy sinh của việc khai thông “Dòng chảy phương Bắc 2.”

Mỹ đã ngăn chặn việc xây dựng đường ống này từ thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama hay Donald Trump, họ thậm chí còn dùng đến biện pháp trừng phạt các công ty và nhân viên có liên quan của Đức.

Bên cạnh đó, Đức từng phản đối việc sử dụng các biện pháp tài chính “cấp độ vũ khí hạt nhân” để trừng phạt Nga, tức là loại Nga ra khỏi hệ thống của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Đức hiểu rằng trừng phạt kiểu này là "con dao hai lưỡi" điển hình, không chỉ Nga chịu thiệt hại mà EU, đặc biệt là nguồn năng lượng nhập khẩu của Đức sẽ bị ảnh hưởng lớn. Và Đức chưa thể từ bỏ khí đốt tự nhiên như một loại "năng lượng chuyển tiếp" trong bối cảnh chính phủ mới nhấn mạnh đến việc chuyển đổi năng lượng. 

Đức buộc phải xem lại các lựa chọn năng lượng

Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang, Chính phủ Đức đã không thể chống lại sức ép của các đồng minh và dư luận và đã thay đổi lập trường: Lần đầu tiên tuyên bố đình chỉ đánh giá năng lực hoạt động của "Dòng chảy phương Bắc 2" và sau đó tuyên bố cung cấp 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger cho Ukraine, đồng thời hỗ trợ loại trừ các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống SWIFT.

Liên quan đến những lựa chọn khó khăn về kinh tế trong cuộc khủng hoảng Ukraine, báo Le Monde cũng chỉ ra rằng tác động kinh tế của các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ rất nhiều và cũng không hề dễ dự đoán, nhưng tác động lớn nhất chắc chắn liên quan đến an ninh của nguồn cung cấp năng lượng cho Đức. Mặc dù Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố tạm dừng xem xét hoạt động của đường ống "Dòng chảy phương Bắc 2" do xung đột giữa Nga và Ukraine, nhưng rất khó để Đức tìm được nhà cung cấp năng lượng ổn định và đáng tin cậy bên ngoài nước Nga trong một thời gian.

Đức nhập khẩu 55% lượng khí đốt tự nhiên, 35% lượng dầu thô và 50% lượng than từ Nga. Hydrocacbon không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng, chúng còn là nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa chất quan trọng của Đức.

Cho đến nay, khí đốt vẫn được coi là năng lượng tiên phong tốt nhất cho phép Đức chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trước khi trông cậy vào sự tiếp sức của hydro như một vectơ năng lượng thay thế, khi năng lượng tái tạo sản xuất hạn chế hơn. Tuy nhiên, sau khi dự án đường ống khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2," vốn được kỳ vọng sẽ cung cấp cơ bản khí đốt giá rẻ từ Nga sang Đức, bị đình chỉ, tất cả những điều cấm kỵ từ trước đến nay về năng lượng đều đang bị xô đổ.

Ngoại trưởng Annalena Baerbock (đảng Xanh) đã không loại trừ khả năng gia hạn các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm nặng nề để đảm bảo an ninh năng lượng. Ngày 27/2 vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Robert Habeck, một nhà hoạt động môi trường, đã thông báo ý định xây dựng hai cơ sở tiếp nhận khí đá phiến của Mỹ (khí tự nhiên hóa lỏng, LNG) mà đảng của ông lâu này vẫn bác bỏ. Ngày 1/3 vừa qua, ông Habeck đã có mặt ở Washington để thảo luận về an ninh cho nguồn cung ứng này.

Ngay cả thay đổi nhạy cảm nhất cũng không còn là điều không tưởng. Đó là quyết định gia hạn ba nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động nhưng về lý thuyết sẽ đóng cửa vào cuối năm 2022. Về vấn đề này, ông Robert Habeck tuyên bố sẽ “không phản đối vì lý do ý thức hệ.”

Ngày 28/2 vừa qua, hai trong số ba công ty vận hành các nhà máy điện này, Eon và EnBW, đã tuyên bố sẵn sàng thảo luận với Chính phủ về các điều kiện gia hạn, bao gồm các vấn đề quan trọng về kỹ thuật và một khuôn khổ pháp quy mới. Đây là những trở ngại khó vượt qua trước mắt, chưa kể đến sự phản đối của người dân đối với điện hạt nhân.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. (Nguồn: Getty Images)

Hai bộ trưởng môi trường, những vị trí có ảnh hưởng trong chính phủ, đang có dịp củng cố thêm lời kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga được đưa ra từ vài năm qua. Họ đang trông chờ vào thực tế rằng cú sốc ở Ukraine sẽ đẩy nhanh quá trình chấm dứt các nhiên liệu hóa thạch. Nhu cầu này không chỉ được biện minh vì lý do khí hậu, mà còn vì lý do cấp thiết về an ninh. Trong thời gian chờ đợi, mọi nhượng bộ đều được phép. Và Đức dường như đang bước vào giai đoạn năng lượng giá rất cao, có thể tác động mạnh đến nền công nghiệp và khả năng cạnh tranh lâu dài của nước này.

Đối nội và đối ngoại của Đức sắp có những chuyển biến mạnh mẽ?

Theo báo Le Monde (Pháp), rõ ràng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và thương mại giữa các quốc gia đã không đủ để đảm bảo hòa bình và an ninh. Đây chính là thông điệp mà Thủ tướng Olaf Scholz, các Bộ trưởng của đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do trong cùng liên minh cầm quyền, cũng như của đảng Dân chủ Cơ đốc giáo, đã thống nhất đưa ra tại một “kỳ họp lịch sử” ngày 27/2 tại Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag).

Đây là một sự đột phá trong nhận thức của người Đức về vai trò của đất nước trên trường quốc tế. Là một gã khổng lồ kinh tế nhờ xuất khẩu, nhưng lại là một nhân tố địa chính trị dè dặt và nhất là hòa bình chủ nghĩa, Đức đã quen với việc tận hưởng hòa bình và an ninh do những nước khác đảm bảo.

Học thuyết mà Đức áp dụng bấy lâu, được gọi là “Wandel durch Handel” (Thay đổi bằng thương mại), đã chi phối chính sách đối ngoại của nước này. Nhưng tất cả đã thay đổi sau khi xung đột Nga-Ukraine leo thang gần đây. Các nghị sỹ thuộc cả cánh tả lẫn cánh hữu, gồm những người gắn bó nhất với “Wandel durch Handel,” đã cùng nhau hành động theo cách không thể bất ngờ hơn tại kỳ họp Quốc hội Đức ngày 27/2 vừa qua.

Các đảng phái lớn đã nhất trí ủng hộ kế hoạch tăng 100 tỷ euro (khoảng 110,7 tỷ USD) cho quân đội, cũng như quyết định tăng ngân sách quốc phòng của Đức lên 2% GDP. Sự đảo ngược các ưu tiên này chắc chắn sẽ dẫn đến việc phải xem lại sự phụ thuộc của Đức vào các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Và giới doanh nghiệp bắt đầu nhận thấy rằng trao đổi thương mại không còn có thể độc lập với địa chính trị.

Xung đột Nga-Ukraine không loại trừ khả năng phát triển thành xung đột quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và hậu quả chính trị đối với cả hai bên xung đột và thế giới hiện nay là khó lường. Điều chắc chắn duy nhất là cục diện chính trị và an ninh của thế giới, các vấn đề đối nội và đối ngoại của EU và Đức sẽ có những thay đổi lớn. Ngày 27/2, Thủ tướng Đức Scholz đã có bài phát biểu về tình hình Ukraine tại Hạ viện Đức, được dư luận Đức và quốc tế coi là bước ngoặt lớn nhất trong đối nội và đối ngoại của Đức kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.

Trong bài phát biểu của mình, ông Scholz tóm tắt các ưu tiên hàng đầu mà Đức phải đối mặt thành năm điểm: Một là hỗ trợ Ukraine; hai là trừng phạt Nga; ba là tái khẳng định các nghĩa vụ liên minh của NATO và tổ chức lại quân bị của Đức và châu Âu; bốn là thay đổi chiến lược năng lượng, “thoát khỏi sự phụ thuộc đối với các khu vực cung cấp cá biệt;” năm là thay đổi chính sách đối ngoại, cùng với việc tiếp tục phối hợp ngoại giao, sẽ không còn "đối thoại chỉ để đối thoại."

Rõ ràng, kế hoạch của chính phủ Đức hiện tại về sự phát triển của nước Đức trong tương lai đã hoàn toàn bị phá vỡ bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. So với thỏa thuận liên minh cầm quyền của 3 đảng liên minh trong chính phủ ban hành cách đây 3 tháng, ý tưởng tiến bộ đầy tham vọng đã phải nhường chỗ cho việc tái cơ cấu lại cục diện an ninh châu Âu và những điều chỉnh hạn chế về chính sách kinh tế và năng lượng. Cách đây không lâu, chủ đề quan trọng áp đảo mọi tiếng nói trong xã hội Đức là biến đổi khí hậu, hiện đã biến mất khỏi chương trình nghị sự của Thủ tướng Scholz.

Ông Scholz đã công bố một loạt các biện pháp nhằm tăng cường sức mạnh quân đội: bổ sung 100 tỷ euro để trang bị vũ khí, thực hiện cam kết của các nước thành viên NATO về chi tiêu quân sự vượt quá 2% GDP và đẩy nhanh sự phát triển của các hệ thống vũ khí tiên tiến của châu Âu...

Thông báo chính trị vào thời điểm khủng hoảng đã che giấu những khó khăn mà xã hội Đức có thể phải đối mặt: làm thế nào để chủ trương gấp rút xây dựng quân đội hùng mạnh của ông Scholz, vốn chưa được cả xã hội Đức thảo luận để hình thành đồng thuận, có thể cùng tồn tại với văn hóa phản chiến và quan niệm chủ nghĩa hòa bình đã ăn sâu ở Đức? Quan niệm chủ nghĩa hòa bình là quan niệm giá trị cốt lõi dựng lên Cộng hòa Liên bang Đức.

Vào ngày ông Scholz phát biểu, các nhóm thanh niên của đảng Cánh tả và đảng Xanh bày tỏ sự bất đồng quan điểm. Nhìn từ góc độ này, bài phát biểu của ông Scholz có thể không phải là khởi đầu cho sự thay đổi mạnh mẽ đối nội và đối ngoại của Đức, nhưng đã mở ra một cuộc tranh luận lâu dài ở Đức về việc lựa chọn con đường tương lai./.