Vệ tinh tiết lộ tàu ngầm tấn công hạt nhân mới của Trung Quốc

Thứ năm, 26/5/2022 | 14:43 GMT+7

Các chuyên gia hải quân Trung Quốc nhận định những hình ảnh trên vệ tinh cho thấy tàu ngầm mới của Trung Quốc lớn hơn tàu ngầm SSN Type 093 hiện có nhưng nhỏ hơn tàu ngầm Type 094 SSBN.

Ảnh minh họa. (Nguồn: thechive.com)

Theo trang mạng asiatimes.com, Trung Quốc có thể đang đóng một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) lớp mới, thể hiện qua hình ảnh vệ tinh chụp cảng Hồ Lô Đảo ở Đông Bắc Trung Quốc từ tháng 4 cho đến đầu tháng này.

Các bức ảnh cho thấy một tàu ngầm tấn công hạt nhân có thân tàu lớn hơn và dài hơn, với phần đuôi tàu được sơn màu xanh lá cây che phủ hệ thống động cơ đẩy của nó, qua đó làm gia tăng những suy đoán liệu loại tàu ngầm này có động cơ đẩy bằng máy bơm phản lực, êm hơn các hệ thống chân vịt truyền thống, hay không.

Không rõ liệu tàu ngầm này có phải là một mẫu mới, một phiên bản nâng cấp của các tàu ngầm tấn công hạt nhân Type 093 (SSN) hiện có của Trung Quốc, hay các tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân Type 094 (SSBN), hoặc một thứ gì đó hoàn toàn khác, vì các bức ảnh vệ tinh có độ phân giải quá kém để có thể đưa ra bất kỳ sự khẳng định nào.

Hiện tại, Trung Quốc đang vận hành 6 SSN Type 093 và 6 SSBN Type 094. Tàu ngầm SSN Type 093 có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm YJ-18, trong khi phiên bản nâng cấp SSBN Type 094A được trang bị các tên lửa đạn đạo JL-3 phóng theo phương thẳng đứng có tầm bắn 10.000 km và có thể tấn công lục địa Mỹ.

Các chuyên gia hải quân Trung Quốc đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến chiếc tàu ngầm mới. Chuyên gia hải quân Lý Kiệt (Li Jie) tại Bắc Kinh nhận định rằng những hình ảnh đó cho thấy tàu ngầm mới của Trung Quốc lớn hơn tàu ngầm SSN Type 093 hiện có nhưng nhỏ hơn tàu ngầm Type 094 SSBN.

Ông cũng cho biết thêm rằng Trung Quốc đang chế tạo các phiên bản nâng cấp của tàu ngầm SSBN Type 094 và thân tàu lớn hơn của chiếc tàu ngầm mới có thể được thiết kế để chứa các ống phóng của hệ thống phóng theo phương thẳng đứng (VLS).

[Trung Quốc hiện đại hóa quân đội với tàu sân bay năng lượng hạt nhân]

Một nhà nghiên cứu khác ở Bắc Kinh là Chu Thần Minh (Zhou Chenming) thì suy đoán rằng chiếc tàu ngầm mới có thể có sức mạnh tương đương với tàu ngầm SSN lớp Sói biển của Mỹ, và là một nơi để thử nghiệm công nghệ động cơ hạt nhân mới cho các tàu ngầm mới hơn của các loại tàu ngầm SSBN, SSN và thậm chí cả các tàu sân bay.

Lầu Năm Góc theo dõi chặt chẽ

Một báo cáo của Lầu Năm Góc năm ngoái cho biết rằng đến khoảng giữa thập niên 2020, Trung Quốc có khả năng sẽ chế tạo được tàu ngầm SSN Type 093B, qua đó nhằm tăng cường khả năng tác chiến đối đất của Trung Quốc, và nếu được trang bị các tên lửa hành trình tấn công đất liền (LACM), nó có thể còn mang lại cho Trung Quốc một lựa chọn tấn công đất liền bí mật.

Báo cáo cũng nêu rõ rằng tàu ngầm SSBN Type 096 thế hệ tiếp theo của Trung Quốc sẽ được trang bị một loại tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới và có khả năng bắt đầu được chế tạo vào những năm 2020.

Do vậy, tàu ngầm mới và các đơn vị trong tương lai của Trung Quốc có thể được giao nhiệm vụ bảo vệ lực lượng tàu sân bay đang ngày càng lớn và hạm đội SSBN của nước này. Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ sở hữu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên vào năm 2025 và cuối cùng sẽ sở hữu 6 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2035.

Loại tàu ngầm mới này cũng có thể sẽ góp phần vào thiết kế của tàu ngầm SSBN Type 096 và có nhiệm vụ bảo vệ các đơn vị chiến lược nói trên. Một báo cáo khác của Lầu Năm Góc từ năm 2020 nói rằng Trung Quốc có thể vận hành đồng thời 8 tàu ngầm Type 094 và Type 096 vào năm 2030.

Nỗ lực phát triển tàu ngầm SSN mới của Trung Quốc có thể liên quan đến chiến lược pháo đài hải quân của Trung Quốc. Mục tiêu chính của chiến lược này là bảo vệ các tàu ngầm SSBN và cơ sở hạ tầng quan trọng bằng hình thức phòng thủ nhiều lớp, ám chỉ rằng Trung Quốc không có ý định chủ động tìm kiếm và tiêu diệt các lực lượng hải quân của Mỹ và đồng minh ở biển khơi, mà chủ trương bảo vệ hạm đội SSBN của họ khỏi bị tấn công.

Theo chiến lược này, các tàu ngầm SSBN của Trung Quốc sẽ vẫn an toàn trong các vùng nước ven biển được bảo vệ của họ và sẽ chỉ tìm cách đột nhập Thái Bình Dương trong một kịch bản khủng hoảng để các tàu ngầm SLBM của họ có thể vươn tới lục địa Mỹ.

Điều này đòi hỏi phải tiến hành các hoạt động răn đe trên biển ở Biển Hoa Đông và Biển Đông và nâng cao nhận thức tình huống trên biển của họ bằng cách bổ sung các vị trí radar, tên lửa chống hạm đặt trên bờ, các hệ thống tên lửa phòng không cùng với việc thiết lập các căn cứ không quân và hải quân để tạo thành một lớp bảo vệ ở bên trong các vùng duyên hải của những khu vực đó.

Một chiến lược như vậy cũng cho thấy rằng Trung Quốc thích triển khai các tàu ngầm SSBN của mình ở trong các căn cứ như vậy hơn là sử dụng chúng để theo đuổi các cuộc tuần tra công khai trên biển.

Bắt đầu từ cuối những năm 2000, Trung Quốc đã nâng cấp các căn cứ của họ ở Biển Hoa Đông, mở rộng căn cứ hải quân Tượng Sơn với một đường hầm tàu ngầm dưới mặt đất và các căn cứ Định Hải và Chu Sơn với một số cầu tàu và các cơ sở sửa chữa.

Các căn cứ được nâng cấp

Trung Quốc cũng đã nâng cấp căn cứ không quân của hải quân Đan Dương với việc cải tiến đường băng cho máy bay ném bom H-6, và những cải tiến tương tự tại các căn cứ khác như Longtian và Huian.

Mặc dù việc mở rộng các căn cứ này rõ ràng là nhằm chuẩn bị cho khả năng xảy ra một sự kiện bất ngờ liên quan Đài Loan, nhưng chúng cũng nhằm đảm bảo cho Trung Quốc tiếp cận được Eo biển Miyako, vì các tàu chiến từ Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc dựa vào eo biển này làm con đường chính tiến ra Thái Bình Dương.

Tầm quan trọng chiến lược của Eo biển Miyako càng được đề cao trước việc Mỹ triển khai các tàu chiến tiên tiến tới Nhật Bản trong thời gian gần đây, với mục tiêu có vẻ là nhằm ngăn chặn sự bao vây của hải quân Trung Quốc đối với Đài Loan từ phía Bắc, và săn lùng các tàu ngầm SSBN của Trung Quốc trong trường hợp có một nỗ lực đột nhập Thái Bình Dương.

Các tàu ngầm SSN mới của Trung Quốc có thể hộ tống các tàu ngầm SSBN của họ nếu chúng phải xông vào Thái Bình Dương để phóng các tên lửa SLBM.

Theo cách tương tự, những cải tiến đối với căn cứ hải quân Du Lâm (Yulin) của Trung Quốc ở Hải Nam (Hainan) trong cùng khung thời gian cho thấy giá trị chiến lược của nó với tư cách là cảng nhà của các tàu ngầm SSBN của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vị trí địa lý đáng gờm của căn cứ hải quân Du Lâm, cùng với những hàng rào hệ thống phòng thủ nhân tạo rộng lớn như các tên lửa chống hạm đặt trên bờ và các hệ thống tên lửa phòng không khiến nó trở thành một khu vực lý tưởng để triển khai năng lực răn đe hạt nhân dưới lòng biển của Trung Quốc.

Ngoài ra, Du Lâm còn được cho là có một căn cứ tàu ngầm dạng hang ngầm có khả năng chứa tới 20 tàu ngầm hạt nhân, bao gồm các tàu ngầm Type 093 và Type 094, và trong tương lai là các loại tàu ngầm mới hơn như SSN Type 093B và SSBN Type 096.

Điều này cho thấy rằng Trung Quốc đang coi Biển Đông là một khu vực tuần tra được bảo vệ nghiêm ngặt cho các tàu ngầm SSBN và SSN của họ. Các phần phía Bắc và trung tâm vùng biển này được coi là đủ sâu để các tàu ngầm lớn hoạt động, và các điều kiện về nhiệt độ, độ mặn và giao thông hàng hải rộng rãi giúp che chắn cho chúng khỏi bị phát hiện.

Hơn nữa, các tàu ngầm SSBN của Trung Quốc trong khu vực có thể được bảo vệ bởi các đơn vị hải quân và không quân từ Hạm đội Nam Hải, các thực thể đã được quân sự hóa gần đây và tàu ngầm SSN lớp mới của nước này, biến Biển Đông thành một pháo đài khác cho việc răn đe hạt nhân dưới lòng biển của Trung Quốc./.