Vai trò của phối hợp đa phương trong ứng phó với khủng hoảng tài chính

Thứ sáu, 27/1/2023 | 11:12 GMT+7

Giáo sư kinh tế học Jomo Kwame Sundaram, cựu trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về phát triển kinh tế, đã kêu gọi cần có sự phối hợp toàn cầu trong việc ứng phó với khủng hoảng tài chính.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Duesseldorf, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bài viết đăng trên tờ The Edgemarket (Malaysia), giáo sư kinh tế học Jomo Kwame Sundaram, cựu trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về phát triển kinh tế, đã kêu gọi cần có sự phối hợp toàn cầu trong việc ứng phó với khủng hoảng tài chính cũng như phục hồi kinh tế.

Sau đây là nội dung bài viết:

Trong các cuộc khủng hoảng, việc kêu gọi chính phủ ban hành thêm quy định và tăng cường can thiệp để ứng phó với tình hình là điều thường thấy. Tuy nhiên, khi khủng hoảng lắng xuống, áp lực cải cách nhanh chóng biến mất trong khi các can thiệp trước đó từ chính phủ được yêu cầu rút lại. Khi đó, cơ hội và mô hình tài chính mới được khuyến nghị thay vì những cải cách cần thiết từ lâu.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu và những hệ lụy

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào giai đoạn từ năm 2007-2009 bắt đầu từ thị trường nhà ở tại Mỹ. Sự xuất hiện của Nghĩa vụ nợ được thế chấp (CDO), hợp đồng hoán đổi nợ xấu (CDS) và các hợp đồng liên quan khác… đã làm lan truyền rủi ro trên toàn thế giới, vượt xa thị trường thế chấp của nền kinh tế này.

Những đặc tính dễ bị tổn thương nhanh chóng của các mạng lưới tài chính xuyên quốc gia đã lan sang các nền kinh tế và lĩnh vực khác, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế sự lây lan.

Ngoài ra, những thiếu sót trong việc ứng phó với khủng hoảng đã khiến nhiều quốc gia và doanh nghiệp buộc phải giảm nợ bằng cách vội vàng bán tài sản bất chấp những hậu quả nghiêm trọng.

Khủng hoảng tài chính cũng cho thấy sự phân bổ sai nguồn lực để tự do hóa tài chính, khi việc đưa ra quy định tối thiểu đối với các thị trường được nhận định là hiệu quả. Với chênh lệch lãi suất ngày càng tăng và ngoại trừ tại các mô hình kinh tế chính thống, kinh tế toàn cầu không thể tái đạt được trạng thái cân bằng.

Tài chính hóa có nghĩa là nợ nhiều hơn và mức độ rủi ro cũng như tính dễ bị tổn thương đối với nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp tăng cao. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng toàn cầu, được thể hiện qua thâm hụt và thặng dư tài khoản vãng lai và thương mại lớn hơn.

Trong những hoàn cảnh không thuận lợi, việc các doanh nghiệp và hộ gia đình chịu ảnh hưởng từ tài sản và nợ rủi ro đủ để gây ra tình trạng vỡ nợ.

Những nỗ lực tài khóa táo bạo đã thành công trong việc tạo ra sự phục hồi kinh tế khiêm tốn, tuy nhiên đã bị dập tắt nhanh chóng trước khi thành quả thực sự xuất hiện.

Nhiều loại tài sản vốn không hề liên quan tới nhau nhưng cùng tăng giá theo cách có sự phối hợp không thể được giải thích bằng kinh tế học thông thường. Do đó, đầu cơ trên thị trường hàng hóa, tiền tệ và chứng khoán đã được thừa nhận một cách miễn cưỡng là làm xấu đi nền kinh tế toàn cầu.

Tỷ giá hối đoái của nhiều loại tiền tệ cũng chịu áp lực lớn hơn khi người dân vay bằng các loại tiền tệ có lãi suất thấp như đồng yen Nhật. Đổi lại, họ thường mua các tài sản tài chính hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao hơn.

Lãi suất cao hơn sẽ thu hút dòng vốn chảy vào, khiến giá hầu hết giá tài sản trong nước tăng. Biến động tỷ giá hối đoái được cho là phản ánh sức mạnh so sánh của nền kinh tế quốc gia mặc dù hiếm khi người ta thừa nhận và tuân theo điều này. Các phản ứng tiền tệ thông thường đã làm tình hình trở nên tiêu cực đi, thay vì cải thiện tình hình.

[Dự báo năm yếu tố sẽ định hình nền kinh tế thế giới năm 2023]

Cùng với đó, toàn cầu hóa thương mại và tài chính đã tạo ra những áp lực trái ngược nhau. Tất cả các quốc gia đều chịu áp lực tạo ra thặng dư thương mại hoặc thặng dư tài khoản vãng lai trong khi việc tất cả các nền kinh tế đều có thể đạt mức thặng dư trong cùng một thời điểm là không thể xảy ra.

Nhiều quốc gia cố gắng tạo ra thặng dư bằng cách phá giá đồng tiền của mình hoặc cắt giảm chi phí bằng các biện pháp khác. Tuy nhiên, chỉ Mỹ mới có thể sử dụng đặc quyền của mình để duy trì thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai bằng cách phát hành trái phiếu kho bạc.

Thị trường tiền tệ cũng có thể làm suy yếu những nỗ lực này khi cho phép kinh doanh chênh lệch lãi suất. Sự mất cân bằng quốc tế càng trở nên tồi tệ hơn, được thể hiện qua thâm hụt và thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn.

Trái ngược với kinh tế học chính thống, đầu cơ tiền tệ dẫn đến sự mất cân bằng trong tổng lực quốc gia và càng không thể đạt được sự cân bằng trong thị trường quốc tế khi không phản ánh nền tảng thật sự của nền kinh tế, đảm bảo tỷ giá hối đoái biến động và gây tác hại ngược trở lại nền kinh tế.

Do chênh lệch tiền tệ, nhiều công ty và hộ gia đình phải đối mặt với rủi ro lớn hơn. Ngược lại, những biến động tỷ giá hối đoái lại làm trầm trọng thêm biến động giá cả và gây ra những hậu quả tiêu cực do sự biến động.

Đồng USD tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Những thay đổi nền tảng cơ bản không còn giải thích được sự biến động của giá cả hàng hóa. Trong khi đó, đầu cơ hàng hóa nhiều hơn đã dẫn đến biến động giá lớn hơn và giá thực phẩm, dầu, kim loại và các nguyên liệu thô khác cao hơn.

Kết quả là sự biến động về giá ảnh hưởng đến tất cả mọi người, với tư cách là người tiêu dùng thực phẩm và nhà sản xuất nông nghiệp tại các nước đang phát triển.

Giá hàng hóa tăng mạnh kể từ giữa năm 2007 phần lớn xuất phát từ hoạt động đầu cơ, chủ yếu liên quan đến các quỹ xếp hạng. Trong cuộc suy thoái toàn cầu 2009 (Đại suy thoái) đến sau khủng hoảng tài chính, hầu hết nhà sản xuất hàng hóa ở các nước đang phát triển đều gặp khó khăn.

Chính vì vậy, gần như tất cả giá hàng hóa đều giảm kể từ giữa những năm 2010 do suy thoái kinh tế thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt, cho đến khi các lệnh trừng phạt kinh tế vào năm 2022 một lần nữa đẩy giá lương thực, năng lượng, phân bón và các loại hàng hóa thiết yếu lên cao.

Bên cạnh việc ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu, giá cả hàng hóa thấp hơn và thậm chí biến động lớn hơn đã đẩy nhanh tốc độ khấu hao các khoản đầu tư trước đó vào thiết bị và cơ sở hạ tầng sau khi giá hàng hóa tăng đột biến.

Giải pháp tích hợp cần thiết

Sự sụp đổ không đồng đều của hệ thống tài chính sau khủng hoảng đã làm dấy lên lo ngại rằng mô hình tài chính phổ thông sẽ không bao giờ quay trở lại.

Tuy nhiên, giải pháp lâu dài cho các mối đe dọa như đầu cơ tiền tệ và hàng hóa cần có sự hợp tác toàn cầu cùng các quy định quốc tế, đặc biệt là khi thị trường hàng hóa và tài chính đã trở nên gắn kết với nhau hơn.

Chính vì vậy, cách tiếp cận hợp tác đa phương thực sự phải được xây dựng và áp dụng trong các mối liên kết phức tạp liên quan đến thương mại và tài chính quốc tế.

Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau một cách bất đối xứng hiện tại, việc cải cách chính sách là điều rất cần thiết. Tất cả các quốc gia cần có khả năng theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô ngược chu kỳ phù hợp.

Ngoài ra, các nền kinh tế nhỏ sẽ có thể đạt được ổn định tỷ giá hối đoái với chi phí hợp lý thấp./.