Tương lai phát triển của các nền tảng tàu sân bay trên toàn cầu

Thứ ba, 01/2/2022 | 18:11 GMT+7

Chuyên gia IISS phân tích những động thái gần đây của các nước đang phát triển tàu sân bay - gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Italy, Anh và Mỹ - để đánh giá về định hướng phát triển tàu sân bay trong tương lai.

Những tiến bộ gần đây trong việc phát triển tàu sân bay của các nước đã gợi mở ra các năng lực mới của tàu sân bay trong tương lai trên toàn cầu.

Chuyên gia Nick Childs thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế (IISS) đã phân tích về những động thái gần đây của các nước đang phát triển tàu sân bay - đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Italy, Anh và Mỹ - để đánh giá về định hướng phát triển của tàu sân bay trong tương lai.

Dưới đây là nội dung bài viết của ông đăng trên trang mạng của IISS:

Đầu tháng 8/2021, khi Ấn Độ bắt đầu thử nghiệm trên biển đối với tàu sân bay nội địa mới nhất của nước này, Trung Quốc gần như đã sẵn sàng để hạ thủy tàu sân bay tiếp theo.

Cũng trong tháng Tám, Hải quân Italy đã bắt đầu quá trình thử nghiệm tàu đổ bộ chở trực thăng cỡ lớn (LHD) mới.

Ngoài ra, Anh và Mỹ đang xem xét các bước tiếp theo trong việc phát triển năng lực tàu sân bay, đặc biệt là việc kết hợp các phương tiện bay không người lái (UAV) được triển khai trên tàu sân bay.

Ông Nick Childs cho rằng những động thái này đã gợi mở về sự phát triển của các khả năng tàu sân bay trong tương lai trên toàn cầu.

Cán cân lực lượng tàu sân bay tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Đối với Ấn Độ, sau nhiều năm trì hoãn, tàu sân bay INS Vikrant với trọng tải 40.000 tấn - tàu sân bay đầu tiên do nước này tự đóng - bắt đầu được đưa vào thử nghiệm trên biển là một bước quan trọng trong tham vọng phát triển sức mạnh của lực lượng hải quân Ấn Độ trong tương lai.

Tàu sân bay Vikrant tương đối nhỏ theo tiêu chuẩn tàu sân bay hiện đại, sử dụng công nghệ phóng máy bay theo đường băng dốc thay vì máy phóng và bị hạn chế về loại máy bay có thể mang theo.

Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ (phía trước) di chuyển qua Eo biển Hormuz ngày 18/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tàu Vikrant sẽ gia nhập đội hình với tàu sân bay INS Vikramaditya đang hoạt động hiện nay. Ngoài ra, Hải quân Ấn Độ cũng lên kế hoạch đóng thêm một tàu sân bay có kích thước lớn hơn.

Tuy nhiên, liệu hải quân Ấn Độ có đủ khả năng để thực hiện tham vọng phát triển một lực lượng gồm 3 tàu sân bay hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đối với Trung Quốc, việc phát triển tàu sân bay đã đi trước Ấn Độ và sắp bước sang một giai đoạn mới.

Hải quân Trung Quốc (PLAN) hiện có hai tàu sân bay với trọng tải 60.000 tấn đang hoạt động. Ngoài ra, các hình ảnh vệ tinh và hình ảnh khác gần đây cho thấy việc chế tạo tàu sân bay tiếp theo, lớn hơn, được trang bị công nghệ máy phóng vẫn tiếp tục diễn ra.

Sau khi đi vào hoạt động, chiếc tàu sân bay thứ ba sẽ nâng cao năng lực của PLAN để triển khai hoạt động độc lập ở tầm xa. Và khả năng Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển các tàu sân bay tiếp theo với thiết kế lớn hơn, được trang bị các công nghệ hiện đại hơn hiện đang được giới quan sát hết sức chú ý.

[Kích hoạt 20.000kg thuốc nổ, thử khả năng chịu đựng của tàu sân bay]

Đáng chú ý, Tập đoàn Công nghiệp nặng Hyundai của Hàn Quốc và Tập đoàn Babcock International của Anh vừa ký một thỏa thuận hợp tác phát triển tàu sân bay hạng nhẹ đầu tiên cho Hải quân Hàn Quốc.

Nếu dự án được tiến hành, tàu sân bay này có thể sẽ được trang bị một đường băng dốc và có thể triển khai được máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35B Lightning II của Mỹ, với khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

Thay đổi thiết kế tàu sân bay để vận hành với các máy bay thế hệ mới

Đối với Hải quân Italy, việc thử nghiệm trên biển đối với tàu LHD ITS Trieste 33.000 tấn mới có ý nghĩa quan trọng bởi vì cùng với tàu sân bay Cavour hiện đang được Hải quân Italy triển khai, tàu LHD mới này có thể triển khai được máy bay F-35B.

Italy đã lên kế hoạch mua 30 chiếc F-35B và lực lượng hải quân nước này sẽ được trang bị một nửa trong số đó. Do vậy, sự xuất hiện của tàu Trieste sẽ góp phần nâng cao khả năng tác chiến trên biển của cả Italy và châu Âu.

Hiện tại, “câu lạc bộ” các lực lượng hải quân có thể triển khai máy bay F-35 chỉ bao gồm hải quân Anh và Mỹ.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh hiện đang được triển khai hoạt động lần đầu tiên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang theo một phi đội máy bay F-35B của Anh và Mỹ.

Tàu HMS Queen Elizabeth vừa thực hiện một cuộc tập trận chung với tàu đổ bộ cỡ lớn USS America của Hải quân Mỹ, cũng được trang bị máy bay F-35B.

Cả hai lực lượng hải quân này đều coi các hoạt động tích hợp như vậy là nhằm nâng cao năng lực hiệp đồng tác chiến trong tương lai, gia tăng các khả năng triển khai máy bay F-35B trên các tàu đổ bộ cỡ lớn của Hải quân Mỹ.

Nhật Bản cũng đang chuẩn bị gia nhập “câu lạc bộ” các lực lượng hải quân triển khai F-35B khi đang hoán cải hai tàu sân bay hạng nhẹ lớp Izumo để tiếp nhận và vận hành loại máy bay này.

Các máy bay F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ thực hiện các hoạt động bay thử nghiệm trên tàu Izumo vào cuối năm nay.

Trong một diễn biến khác, tàu sân bay USS Carl Vinson vừa trở thành tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Mỹ triển khai hoạt động cùng với các máy bay phiên bản C của F-35 – phiên bản dành cho các lực lượng hải quân thông thường.

Các máy bay thế hệ thứ tư F/A-18E/F Super Hornet sẽ vẫn chiếm phần lớn trong các nhóm tấn công tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Hiện nay, Hải quân Mỹ cũng đang lên kế hoạch biên chế một phi đội lên đến 14 chiếc F-35C trên mỗi tàu sân bay hiện nay thay vì hai phi đội 10 chiếc như kế hoạch trước đây.

Tuy nhiên, việc kết hợp máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm vào các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ vẫn là điều quan trọng, trong khi Hải quân Mỹ cũng đang tiến hành thay thế các máy bay Super Hornet bằng các máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu.

Trong thời gian sắp tới, chương trình thử nghiệm máy bay tiếp dầu trên không không người lái của Hải quân Mỹ, MQ-25 Stingray, vẫn đang được triển khai.

Hải quân Mỹ thấy rõ việc biên chế các máy bay có người lái thế hệ thứ tư và thứ năm và các máy bay không người lái (UAV) như MQ-25 là chìa khóa cho tính hiệu quả của tàu sân bay trong những môi trường có nhiều tranh chấp trong tương lai, tăng thêm cả khả năng sống sót và tầm hoạt động cho lực lượng không quân, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho các tàu sân bay.

Còn Pháp và Nga?

Pháp cũng đã xác nhận kế hoạch phát triển một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân vào cuối những năm 2030. Tuy nhiên, tương lai năng lực tàu sân bay của Hải quân Nga vẫn còn bỏ ngỏ với tàu sân bay duy nhất Kuznetsov đã cũ kỹ và các hoạt động huấn luyện dường như vẫn tiếp tục với các máy bay được thiết kế để hoạt động trên bờ.

Nhìn chung, các cuộc tranh luận về định hướng phát triển trong tương lai, hiệu quả chi phí của các tàu sân bay trong bối cảnh thay đổi công nghệ và cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.

Tuy nhiên, những bước phát triển gần đây của các nước khi đóng mới hoặc nâng cấp khả năng hoạt động của tàu sân bay rõ ràng đang thúc đẩy hoạt động phát triển năng lực trong lĩnh vực này, tạo ra định hướng mới khi xem xét phát triển các nền tảng tàu sân bay trong tương lai./.