Truyền thông Hàn Quốc khuyến nghị chính sách đối ngoại với Tổng thống

Chủ nhật, 27/3/2022 | 17:05 GMT+7

Truyền thông Hàn Quốc khuyến nghị Tổng thống mới cần có cách tiếp cận thực tế, cân bằng hơn vì tương lai đất nước phụ thuộc vào cách ứng xử ngoại giao, trật tự thế giới đang đứng trước bước ngoặt mới.

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo tờ Korea Times và Hankyoreh của Hàn Quốc, mới đây, những cam kết đã đưa ra và các động thái gần đây của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol, bao gồm thứ tự các cuộc điện đàm và cử các đặc phái viên tới các nước đối tác chủ yếu của Hàn Quốc, đang gây ra những quan ngại về ngoại giao và an ninh.

Theo đó, truyền thông Hàn Quốc khuyến nghị ông cần đưa ra cách tiếp cận thực tế và cân bằng hơn bởi tương lai của Hàn Quốc phụ thuộc vào cách ứng xử ngoại giao và trật tự thế giới đang đứng trước bước ngoặt mới.

Quan hệ của Hàn Quốc với các đối tác chủ chốt

Ủy ban Chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đang xem xét cử các đặc phái viên đến Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), thời gian dự kiến là vào nửa đầu tháng Tư tới.

Trong khi đó, dư luận cho rằng ông Yoon sẽ đợi đến sau lễ nhậm chức chính thức mới cử các đặc phái viên tới Trung Quốc và Nhật Bản. Cam kết xây dựng lại và củng cố liên minh Hàn Quốc-Mỹ, nhấn mạnh mối liên kết an ninh và kinh tế vào thời điểm trật tự quốc tế đang bất ổn như hiện nay là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, thật đáng lo ngại khi Ủy ban Chuyển tiếp hạ thấp ưu tiên trong việc cử đặc phái viên đến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và có ảnh hưởng lớn đến tình hình bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, ông Yoon cũng đã xác định xây dựng quan hệ với Nhật Bản theo định hướng tương lai.

So sánh với việc thực hiện thông lệ này trong quá khứ, thứ tự ưu tiên của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol cho thấy sự khác biệt. Tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in từng cử các đặc phái viên tới Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và EU ngay trong thời gian đầu của nhiệm kỳ. Người tiền nhiệm Park Geun-hye cử đặc phái viên tới Trung Quốc đầu tiên khi vẫn còn trên cương vị tổng thống đắc cử.

“Khoảng trống” ngoại giao của Hàn Quốc với Bắc Kinh trong thời gian vừa qua là đặc biệt đáng chú ý. Chỉ 5 giờ sau khi có kết quả bầu cử, ông Yoon đã có các cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay trong buổi sáng 10/3, tiếp đến là với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Anh Boris Johnson.

[Tổng thống đắc cử Hàn Quốc công bố nhân sự ủy ban chuyển tiếp] 

Dù ông Yoon đã nhận được thư chúc mừng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng hai người vẫn chưa tiến hành điện đàm. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc-Trung Quốc. Các bước đi ngoại giao đầu tiên sẽ có tác động kéo dài trong 5 năm nhiệm kỳ của ông Yoon và đối với tương lai của Hàn Quốc.

Người Hàn Quốc ngày càng lo lắng về chiến thuật ngoại giao của ông Tập Cận Bình, trong đó có các biện pháp trả đũa đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Không sai khi nhiều người tin rằng Hàn Quốc cần giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và đưa ra quan điểm rõ ràng về những hành động được cho là “sai trái” của Trung Quốc.

Với mục tiêu đã xác định là điều chỉnh lại mối quan hệ với Trung Quốc, điều khẩn thiết hiện nay là cần có một cách tiếp cận ngoại giao khôn ngoan thông qua việc liên lạc nhiều hơn với Bắc Kinh.

Thách thức đối với Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol trong xử lý quan hệ với Trung Quốc là rất lớn. Một mặt, các phương tiện truyền thông Trung Quốc được cho là đã đưa ra những phản ứng tiêu cực với việc ông đắc cử, họ cố gắng làm sáng tỏ những cam kết được cho là chống Trung Quốc của ông, chẳng hạn như đề xuất triển khai bổ sung THAAD. Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đã tỏ ra bối rối khi đứng trước những lựa chọn liên quan đến Trung Quốc. Ông Yoon không nên lặp lại sai lầm như vậy, ông cần áp dụng cách tiếp cận “rõ ràng về chiến lược” thay vì “mơ hồ chiến lược.”

Quan hệ Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản

Bối cảnh địa chính trị hiện nay đặt ra yêu cầu Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol phải củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ và các đối tác khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản.

Cho đến giai đoạn cuối nhiệm kỳ của Chính quyền Moon Jae-in, quan hệ đồng minh Hàn Quốc-Mỹ đã suy yếu ở một mức độ nào đó, do Hàn Quốc đặt ưu tiên vào mục tiêu theo đuổi các sáng kiến hòa bình với Triều Tiên và cân bằng quan hệ với Trung Quốc. Ngay từ đầu, Seoul đã tỏ ra thụ động trong việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ và tham gia các liên minh an ninh khu vực do Mỹ dẫn dắt ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, điều đáng khích lệ là ông Yoon đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai bên nhất trí về sự cần thiết phải tăng cường liên minh song phương để cùng đối phó với mối đe dọa Triều Tiên.

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, tại Seoul mới đây. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, hai nhà lãnh đạo cũng đạt được nhất trí về việc cải thiện quan hệ đang ở mức thấp nhất trong 3 thập kỷ trở lại đây. Như các bên đã nhấn mạnh trong các cuộc điện đàm, ông Yoon nên sớm thu xếp các cuộc gặp với Biden và Kishida để làm mới và củng cố mối quan hệ hợp tác ba bên.

Quan hệ liên Triều

Triều Tiên có thể đã thất bại trong nỗ lực phóng thử vũ khí được cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hôm 16/3 vừa qua, nhưng các hành động khiêu khích như vậy được cho là sẽ tiếp tục diễn ra và không loại trừ một vụ thử vũ khí hạt nhân. Ngày 13/3 vừa qua, chính quyền Biden nhận định rằng Triều Tiên đang phát triển ICBM. Nếu Bình Nhưỡng vượt qua “lằn ranh đỏ” này, bán đảo Triều Tiên có thể rơi vào một vòng xoáy bất ổn về an ninh.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đã rút ra được bài học từ cuộc khủng hoảng Ukraine liên quan đến thế trận an ninh mong manh của Kiev kể từ sau khi từ bỏ vũ khí hạt nhân vào năm 1994 để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ bên ngoài, bao gồm cả Nga và Mỹ.

Ông Yoon Suk-yeol không nên cố gắng xoa dịu nhà lãnh đạo Triều Tiên như ông Moon Jae-in từng làm trên danh nghĩa theo đuổi tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh hợp tác liên Triều, các quy tắc quốc tế đôi khi cũng nên được áp dụng để kiềm chế các hành động khiêu khích quân sự tiềm tàng của Triều Tiên.

Mặc dù đưa ra cách tiếp cận mới và khác biệt đối với Triều Tiên, tổng thống đắc cử Hàn Quốc vẫn nên tôn trọng các thỏa thuận đã đạt được giữa hai miền Triều Tiên và giữa Triều Tiên với Mỹ. Chúng có thể là cơ sở để bắt đầu những nỗ lực trong tương lai vì mục tiêu can dự và thiết lập nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ liên minh trong trường hợp xảy ra chiến sự bất ngờ. Ukraine vẫn chưa gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ và các nước thành viên NATO do dự trong việc gửi quân đến Kiev lo ngại cuộc chiến có thể lan rộng thành chiến tranh thế giới thứ ba.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Yoon Suk-yeol đã cam kết theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn, triển khai bổ sung THAAD và đề xuất “tấn công phủ đầu” Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, đã đến lúc ông nên điều chỉnh theo hướng tiếp cận thực tế hơn đối với các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia, loại bỏ nguy cơ xung đột với các cường quốc và những xung đột không cần thiết khác.

Tương lai của Hàn Quốc phụ thuộc vào chính sách ngoại giao, đây không phải là lĩnh vực có thể tiếp cận bằng “logic trắng-đen.” Đã đến lúc ông Yoon cần theo đuổi cách tiếp cận ngoại giao cân bằng và điều mà ông có thể làm lúc này là cử các đặc phái viên của mình đến Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và EU./.