Trung Quốc khởi động "cuộc lật đổ" sự thống trị của đồng USD

Thứ ba, 01/3/2022 | 11:59 GMT+7

Trung Quốc có các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với hàng chục quốc gia. Mục đích chính của họ là vượt qua hệ thống USD.

(Nguồn: ledgerinsights.com)

Theo trang mạng asiatimes.com, Trung Quốc đang triển khai đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), đánh dấu sự thay đổi triệt để nhất về tiền tệ kể từ khi nước này ra mắt tiền giấy cách đây 1.000 năm.

Khoảng 270 triệu người Trung Quốc đã tải ứng dụng ví điện tử CBDC từ các ngân hàng và nhà cung cấp thanh toán tư nhân.

Đầu ra của hệ thống này được cung cấp bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC - ngân hàng trung ương), vốn đang triển khai một hệ thống khổng lồ có thể xử lý hàng triệu giao dịch mỗi giây.

Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) là một phần của Hệ thống Thanh toán Điện tử Tiền kỹ thuật số (DCEP) mới của Trung Quốc, một hệ thống sẽ thay thế tiền mặt trong tương lai.

Tiền điện tử mang lại cho chính phủ Trung Quốc những công cụ mới để quản lý nền kinh tế. Nếu những người nông dân ở miền Tây Trung Quốc phải đương đầu với lũ lụt, chính phủ có thể trực tiếp gửi tiền viện trợ khẩn cấp vào ví điện tử của họ.

Tiền điện tử có tính tức thời và linh hoạt: Nó có thể được lập trình để chỉ được sử dụng cho việc mua một loại hàng hóa nhất định. Chính phủ cũng có thể đặt ra “thời hạn sử dụng” đối với số tiền này.

[Lý do đằng sau việc Trung Quốc phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số]

Người dùng có thể chọn từ 4 loại ví điện tử với các giới hạn số dư và thanh toán khác nhau, cũng như các yêu cầu đăng ký khác nhau. Cấp độ đầu tiên là ví điện tử Loại 4, chỉ yêu cầu số điện thoại di động và có số dư tối đa là 10.000 Nhân dân tệ (1.575 USD).

Mức tối đa đối với mỗi lần thanh toán là 2.000 Nhân dân tệ (315 USD) và mức thanh toán tối đa mỗi ngày là 5.000 Nhân dân tệ (788 USD). Nếu muốn có số dư và giới hạn chi tiêu cao hơn, người dùng sẽ phải xác minh danh tính với ngân hàng.

Đến nay, đã có 8 triệu doanh nghiệp, bao gồm cả các thương hiệu phương Tây như McDonald’s và Starbucks, đã đăng ký e-CNY. Các doanh nghiệp sẽ không mất phí lập tài khoản và phí giao dịch.

Họ cũng không phải lắp đặt thiết bị mới mà chỉ cần in và trình diện mã QR tại quầy thanh toán. Khách hàng quét mã, nhập số tiền trên điện thoại và bấm “thanh toán.” Đầu năm 2022, Trung Quốc đã triển khai ứng dụng tiền điện tử của nước này trên các hệ điều hành iOS và Android.

Người dân Trung Quốc không quan tâm đến những vấn đề bảo mật. Họ chỉ ra rằng e-CNY không cung cấp cho chính phủ bất kỳ quyền hạn nào họ không có.

Hồ sơ về các hoạt động tài chính từ các nền tảng thanh toán tư nhân hoặc thẻ tín dụng do ngân hàng thương mại phát hành có thể bị chính phủ tịch thu nếu bị nghi là có mục đích phi pháp.

David Li thuộc Phòng nghiên cứu sáng tạo mở Thâm Quyến chỉ ra rằng DCEP của Trung Quốc cũng sẽ cung cấp quyền truy cập vào các dịch vụ ngân hàng cho một bộ phận lớn người dân “không sử dụng các dịch vụ ngân hàng.” Ở Trung Quốc, 20% dân số không sử dụng các dịch vụ này.

Ngân hàng trung ương của nhiều nước trên thế giới đang theo dõi sát sao việc triển khai e-CNY, đồng thời không chỉ để nghiên cứu các khía cạnh kỹ thuật và pháp lý mà còn cả tác động tiềm tàng của nó đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Mỹ rõ ràng có nhiều lý do để lo ngại. Đồng USD đã trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới kể từ những năm 1940 và đóng vai trò quan trọng trong việc tái thiết sau chiến tranh.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Mỹ đã làm suy yếu đồng tiền này khi in mới thêm hàng nghìn tỷ USD. Mỹ cũng đã sử dụng đồng USD cho những mục đích địa chính trị bằng cách loại các đối thủ của mình khỏi hệ thống đồng USD. Điều đó đã dẫn đến những lời kêu gọi chấm dứt sự thống trị của đồng tiền này.

Trung Quốc được cho là quốc gia duy nhất có tiềm lực tài chính để dẫn đầu phong trào phá bỏ quyền bá chủ của đồng USD. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cho biết đồng nhân dân tệ kỹ thuật số không nhằm mục đích thay thế đồng USD.

Về cơ bản, điều này có thể đúng nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó. Trung Quốc có các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với hàng chục quốc gia. Mục đích chính của họ là vượt qua hệ thống USD.

Tháng 2/2022, Trung Quốc và Pháp đã công bố một hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên quốc gia giúp quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Hệ thống này sẽ tạo cơ hội cho các nước sử dụng chung đồng Euro giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Theo thỏa thuận này, trước tiên, Pháp sẽ chấp nhận đồng nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán để thực hiện đầu tư và thanh toán xuyên quốc gia, sau đó thêm đồng nhân dân tệ vào danh sách tiền tệ dự trữ của nước này. Thỏa thuận trên có thể là tiền đề để các nước khác trong khu vực đồng Euro chấp nhận đồng nhân dân tệ làm đồng tiền dự trữ.

Đáng chú ý, một dự án liên kết giữa Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) và bộ phận chịu trách nhiệm về đồng e-CNY của Trung Quốc đang thăm dò việc sử dụng e-CNY trên phạm vi quốc tế.

Đồng e-CNY sẽ tác động đến cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đặc biệt là các công ty có sự hiện diện tại Trung Quốc hoặc giao dịch thường xuyên với các doanh nghiệp Trung Quốc. Đồng tiền này sẽ ảnh hưởng đến mọi việc, từ cung cấp sản phẩm đến các hoạt động kinh doanh.

Viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của Trung Quốc đã nộp hơn 80 bằng sáng chế cho công nghệ tiền điện tử. Các bằng sáng chế này cho thấy cách mà Trung Quốc điều chỉnh nguồn cung của CBDC nhờ sử dụng một thuật toán dựa trên một số yếu tố kích hoạt nhất định, chẳng hạn như lãi suất cho vay và các yếu tố kích hoạt kinh tế.

Ví dụ, ngân hàng trung ương có thể phát hành tiền điện tử bất hoạt cho một tổ chức tài chính và chỉ kích hoạt đồng tiền này sau khi tổ chức tài chính đó đáp ứng các tiêu chí nhất định.

Đồng e-CNY đang được chuẩn bị sẵn sàng cho việc thanh toán quốc tế. Một ngân hàng quốc doanh Trung Quốc và Công ty thép Baowa đã thiết lập quan hệ đối tác để tạo ra một nền tảng thương mại có thể hỗ trợ các giao dịch xuyên quốc gia.

Hai bên đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với công ty xử lý các giao dịch thanh toán Airwallex của Australia, qua đó mở ra khả năng tích hợp e-CNY ở các nước khác trong tương lai.

PBOC đang thăm dò việc thanh toán xuyên quốc gia bằng tiền điện tử với các ngân hàng trung ương ở Thái Lan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Hong Kong. Nhiều khả năng điểm đến tiếp theo sẽ là các nước tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Tất cả các dấu hiệu trên cho thấy Trung Quốc có kế hoạch dần dần quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, sử dụng cả sức mạnh về kinh tế và lợi thế đi đầu trong cơ sở hạ tầng thanh toán kỹ thuật số. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ là “kiến trúc sư” chính của một hệ thống thanh toán mới, dự báo xu hướng số hóa tất cả các đồng tiền. Với xu hướng trên cũng như ưu tiên của chính phủ Trung Quốc, sân chơi cho các nhà kinh doanh tiền tệ, nhà đầu cơ và thiên đường thuế sẽ dần bị thu hẹp.

Nhiều khả năng, các CBDC cũng sẽ định đoạt số phận của Bitcoin và các loại tiền điện tử khác, ít nhất là trên phương diện tiền tệ thanh toán. Trớ trêu thay, Bitcoin được cho là một giải pháp thay thế các đồng tiền định danh, song những lo ngại về sự phát triển nhanh chóng của tiền điện tử tư nhân được cho là đã thúc đẩy chính phủ Trung Quốc nhanh chóng triển khai tiền điện tử của riêng họ.

Sự biến động khó lường của tiền điện tử thường là trở ngại đối với việc sử dụng chúng như một phương tiện trao đổi. Các CBDC sẽ biến chúng thành các tài sản ảo đầu cơ với chi phí cơ hội đáng kể, trừ khi tìm ra cách triển khai hơn 2.000 tỷ USD được lưu trữ trong các ví điện tử vì lợi ích chung./.