Trung Quốc - Trang mới ngoại giao nước lớn của Indonesia?

Thứ tư, 10/8/2022 | 15:29 GMT+7

Truyền thông Indonesia hình dung chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Tổng thống Joko Widodo là một cơ hội vàng và chuyến đi của ông Widodo đã thu được thành quả mỹ mãn.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tạp chí Tuần san châu Á số 31/2022, việc Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm Trung Quốc và hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phá vỡ chiến lược bao vây Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Dự án đường sắt cao tốc kết nối Jakarta và Bandung do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng sẽ thông tuyến vào năm tới và giúp quan hệ song phương bước lên nấc thang cao hơn. Đồng thời, Trung Quốc sẽ hỗ trợ Indonesia xây dựng thủ đô mới và Indonesia cũng học hỏi những kinh nghiệm quan trọng của Trung Quốc trong việc xóa đói giảm nghèo để nỗ lực hướng tới thịnh vượng chung.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo bắt đầu khởi động chuyến thăm ba nước Đông Á vào ngày 25/7 với trạm dừng chân đầu tiên là Bắc Kinh.

Ngày 26/7, ông Joko Widodo tổ chức hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, nguyên thủ hai nước đã trao đổi ý kiến sâu sắc toàn diện về quan hệ Trung Quốc-Indonesia cũng như các vấn đề quốc tế, khu vực hai bên cùng quan tâm.

Cùng ngày, ông Joko Widodo cũng tổ chức hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Chuyến đi lần này của ông Joko Widodo phản ánh tầm quan trọng của Trung Quốc với Indonesia, đồng thời sự tiếp đãi trọng thể mà Trung Quốc giành cho ông Joko Widodo cũng đã làm nổi bật tính đại diện của Indonesia trong các nước ASEAN, cũng như địa vị nước lớn của Indonesia với tư cách là nước Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay.

Tổng thống Joko Widodo là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, cũng như sau khi Trung Quốc áp dụng biện pháp “Zero COVID linh động” đối với các chính khách nước ngoài.

Ông Joko Widodo bày tỏ, tuyến đường sắt cao tốc kết nối Jakarta và Bandung là biểu tượng của sự phát triển nhanh, dự kiến có thể thông xe vào năm tới.

Dự án này là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc ở Indonesia, sẽ trở thành di sản chính trị của ông Joko Widodo.

Dự án tuyến đường sắt cao tốc kết nối Jakata và Bandung nằm trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), do Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB) tài trợ vốn.

Công ty đường sắt cao tốc Indonesia-Trung Quốc được thành lập bởi các doanh nghiệp Trung Quốc và Indonesia chịu trách nhiệm xây dựng, trong đó các doanh nghiệp Indonesia chiếm 60% cổ phần, doanh nghiệp Trung Quốc chiếm 40% cổ phần.

Dự án đường sắt cao tốc này có chiều dài khoảng 142km, sẽ rút ngắn thời gian giao thông từ thủ đô Jakarta và đô thị quan trọng của Indonesia là Bandung từ 3-4 tiếng trước đó xuống còn 40 phút.

Kiểm tra an toàn tại một đường hầm của đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, tháng 2/2020. (Ảnh: Dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung)

Tuy nhiên, sau khi khởi công vào năm 2018, dự án này đã xảy ra tranh chấp quyền sở hữu đất đai, đồng thời bị chỉ trích giá thành kinh tế quá cao, cũng như gây tác động không tốt đối với môi trường, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng thống Joko Widodo, các vướng mắc từng bước được tháo gỡ.

Trong cuộc hội đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Tổng thống Joko Widodo là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên mà Trung Quốc tiếp đón sau Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, điều này đã thể hiện đầy đủ sự coi trọng cao độ của hai bên đối với việc phát triển quan hệ Trung Quốc-Indonesia. Những năm gần đây, dưới định hướng của chúng ta, quan hệ Trung Quốc-Indonesia phát triển vượt bậc, thể hiện sức sống và khả năng chống chịu phục hồi mạnh mẽ. Lòng tin chiến lược của hai bên không ngừng được củng cố, cục diện hợp tác ‘bốn trục’ chính trị, kinh tế, nhân văn, hàng hải không ngừng đi vào chiều sâu, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, thúc đẩy thế giới đoàn kết và hợp tác, xây dựng hình mẫu cùng tự cường, cùng có lợi của các nước lớn đang phát triển.”

Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, các giai đoạn phát triển của Trung Quốc và Indonesia tương đồng nhau, lợi ích chung gắn kết, xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-Indonesia” là tiếng nói chung và kỳ vọng của nhân dân hai nước.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình còn nói rằng, những thay đổi của thế giới hiện nay đang diễn ra theo phương thức chưa từng có, Trung Quốc và Indonesia cần thể hiện trách nhiệm của các nước lớn đang phát triển, thực hiện chủ nghĩa đa phương thực sự, kiên trì chủ nghĩa khu vực cởi mở, cung cấp trí tuệ phương Đông và cống hiến sức mạnh châu Á cho việc thúc đẩy quản trị toàn cầu.

Thông cáo báo chí chung về cuộc gặp của hai nguyên thủ sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joko Widodo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra nhấn mạnh, hai nguyên thủ tổ chức hội đàm trong bầu không khí thân thiện.

Tổng thống Joko Widodo đích thân mời Chủ tịch Tập Cận Bình đến Indonesia tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11, Chủ tịch Tập Cận Bình cảm ơn và chúc hội nghị thượng đỉnh thành công tốt đẹp, nhưng không tiết lộ có trực tiếp đến dự hội nghị hay không.

Trên thực tế, Trung Quốc đã sớm thể hiện ủng hộ Indonesia tổ chức tốt hội nghị thượng đỉnh, nhấn mạnh G20 nên tập trung vào vấn đề kinh tế, không nên bị chính trị hóa, “địa vị các thành viên bình đẳng, không ai có quyền chia rẽ G20.”

Xuất phát từ việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine tác động sâu rộng đến trật tự và kinh tế thế giới, lập trường của các nước thành viên G20 đối với cuộc xung đột khác nhau.

Mỹ và đồng minh phương Tây trừng phạt Nga, ủng hộ Ukraine, trong khi Trung Quốc và Indonesia không sẵn sàng chỉ trích Nga, ngoài việc không tham gia vào các lệnh trừng phạt còn nhập khẩu quy mô lớn năng lượng của Nga.

Mỹ và các nước phương Tây không muốn Tổng thống Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh được tổ chức ở Indonesia vào tháng 11, nhưng Trung Quốc thể hiện sự phản đối.

Indonesia đối diện với sự rạn nứt của G20

Việc làm thế nào điều tiết lập trường khác nhau trong G20, tránh hình thành sự đối lập Mỹ-Trung, làm cách nào phối hợp lập trường của các nước thành viên ASEAN để tránh chọn bên và duy trì đoàn kết đều là những vấn đề gai góc mà Indonesia phải đối diện trong thời gian gần đây.

Tổng thống Joko Widodo đã tìm cách hàn gắn rạn nứt của nội bộ G20. Vào tháng 6/2022, ông đã hội kiến Tổng thống Ukraine Zelensky, đồng thời chuyển thông điệp đến Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Dưới sự hỗ trợ của Trung Quốc, liệu ông Joko Widodo có thể thuận lợi trong việc hòa giải hay không là vấn đề rất đáng quan tâm.

Trước đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói rằng: “Trong tình hình quốc tế đầy rẫy sự cạnh tranh không lành mạnh và giá trị của chủ nghĩa đa phương liên tục sụt giảm, Indonesia sẽ xây dựng tinh thần hợp tác, đoàn kết và hòa bình tích cực hơn trên thực tế.”

Năm 2023, Indonesia sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, phụ trách điều tiết các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng giữa các nước thành viên.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ Trung Quốc sẽ ủng hộ hết mình để Indonesia thực hiện tốt vai trò nước chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm tới, sẵn sàng tăng cường đoàn kết và hợp tác với ASEAN, tập trung xây dựng “5 khu vườn lớn” (hòa bình, an ninh, phồn vinh, tươi đẹp, hữu nghị), không ngừng tạo ra năng lượng mới của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-ASEAN.

Trung Quốc cũng hoan nghênh Indonesia tiếp tục tích cực tham gia hợp tác với Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới mở rộng, hay còn gọi là BRICS+.

Truyền thông Indonesia hình dung chuyến thăm của Tổng thống Joko Widodo là một cơ hội vàng. Trung Quốc từng bước mở rộng cánh cửa đối với bên ngoài, ngay cả khi vẫn ở trong giai đoạn “Zero COVID linh động” thì Trung Quốc vẫn rất quan tâm đến quan hệ với khu vực xung quanh, và Indonesia có thể có được thời cơ tuyệt vời.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại cuộc họp ở Bogor, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Joko Widodo nhấn mạnh: “Trong bối cảnh tình hình quốc tế đầy rẫy tính không xác định hiện nay, sự hợp tác tích cực giữa Indonesia và Trung Quốc đã thể hiện tính chiến lược của quan hệ song phương, đều là năng lượng tích cực đối với thế giới và khu vực. Indonesia sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để không ngừng thúc đẩy sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hai nước, đóng góp lớn hơn vào việc thúc đẩy hòa bình khu vực và phát triển toàn cầu.”

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 110 tỷ USD trong năm 2021. Về phương diện đầu tư, Trung Quốc là nước đầu tư lớn thứ ba ở Indonesia với tổng vốn đầu tư khoảng 320 triệu USD trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng duy trì vị trí là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Indonesia trong nhiều năm liên tiếp.

Indonesia học hỏi công cuộc xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc

Tổng thống Joko Widodo cũng nhấn mạnh, Indonesia khâm phục những thành tựu nổi bật mà Trung Quốc đạt được trên phương diện xóa đói giảm nghèo, sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm thành công của Trung Quốc.

Indonesia cũng hoan nghênh Trung Quốc tích cực tham gia xây dựng thủ đô mới của Indonesia và khu công nghiệp xanh Bắc Kalimantan, tăng cường kết nối chiến lược ý tưởng “Trục hàng hải toàn cầu” với sáng kiến cùng xây dựng BRI, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đầu tư, công nghệ, vaccine, chăm sóc sức khỏe.

Sau hội đàm, hai bên ra “Thông cáo báo chí chung của nguyên thủ hai nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Indonesia,” đồng thời ký bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến việc cùng thúc đẩy Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, ý tưởng “Trục hàng hải toàn cầu,” cũng như các văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực vaccine, phát triển xanh, an ninh mạng, hàng hải…

Tháng 3/2022, Tổng thống Joko Widodo đã điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Khi đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng, ông Joko Widodo bày tỏ Indonesia mong muốn cùng Trung Quốc triển khai hợp tác ba bên để hỗ trợ Indonesia xây dựng thủ đô mới. Đồng thời, ông Joko Widodo hy vọng Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ Indonesia xây dựng “Hành lang kinh tế tổng hợp khu vực” và xây dựng khu công nghiệp xanh.

Về các dự án hợp tác cụ thể, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, hai bên cần thúc đẩy hợp tác cùng xây dựng BRI chất lượng cao không ngừng đi vào chiều sâu. Trong đó, nỗ lực hoàn thành chất lượng cao đúng thời hạn dự án đường sắt cao tốc kết nối Jakarta và Bandung được quan tâm nhất.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ hết sức Indonesia xây dựng trung tâm sản xuất vaccine khu vực, hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực y tế công cộng, sẵn sàng tiếp tục mở rộng nhập khẩu các hàng hóa chiến lược và sản phẩm phụ nông nghiệp chất lượng cao của Indonesia.

Trung Quốc cũng sẵn sàng tích cực tham gia xây dựng thủ đô mới của Indonesia và khu công nghiệp Bắc Kalimantan, mở rộng phát triển hợp tác tài chính, bồi dưỡng điểm tăng trưởng mới trên lĩnh vực kinh tế số, phát triển xanh…

Về phần mình, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh, Indonesia sẵn sàng cùng Trung Quốc nỗ lực để đảm bảo dự án đường sắt cao tốc kết nối Jakarta và Bandung đưa vào vận hành đúng thời hạn.

Trước đó, ngày 7/2, Tổng Giám đốc công ty đường sắt cao tốc Indonesia-Trung Quốc Dwiyana Slamet Riyadi tiết lộ, dự án đường sắt cao tốc sẽ đội vốn khoảng 2 tỷ USD.

Cộng thêm chính phủ đang triển khai kế hoạch chuyển thủ đô, điều này chắc chắn sẽ khiến cho lưu lượng người tham gia giao thông tuyến đường sắt cao tốc này sau khi hoàn thành giảm mạnh so với kỳ vọng, trước mắt ước tính dự án này cần khoảng 40 năm mới có thể thu hồi vốn.

Cũng trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Joko Widodo cũng đã hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc phụ trách chính sách kinh tế Lý Khắc Cường.

Ông Lý Khắc Cường cam kết Trung Quốc sẽ nhập khẩu hơn 1 triệu tấn dầu cọ từ Indonesia, đồng thời cho biết hai bên đã thảo luận việc hợp tác trên các phương diện như thương mại, đầu tư, tài chính và hàng hải… Có thể nói rằng, chuyến đi lần này của Tổng thống Joko Widodo thu được thành quả mỹ mãn./.