Trung Đông và cuộc “đại hòa giải,” cài đặt lại các quan hệ

Thứ bảy, 05/2/2022 | 14:23 GMT+7

Các nhân tố quốc tế nên tích cực hỗ trợ các bên trong khu vực Trung Đông thông qua các khuôn khổ đa phương nhằm củng cố và tạo ra lợi ích bền vững qua hợp tác thay vì xung đột.

Khu định cư của Israel ở Đông Jerusalem. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, Trung Đông dường như đang bước vào công cuộc cài đặt lại quan hệ. Các đối thủ và kẻ thù trong khu vực đang nỗ lực để hàn gắn và khôi phục quan hệ.

Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh dường như đã được giải quyết thông qua Hội nghị thượng đỉnh Al Ula. Sau gần một thập kỷ thù địch, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã tham gia vào một quá trình quan hệ hợp tác nhanh chóng.

Tương tự, hiện đã có một sự tan băng trong quan hệ giữa UAE và Iran. Các cuộc đàm phán bình thường hóa giữa Cairo và Ankara đang diễn ra, trong khi quan hệ ngoại giao giữa Ankara và Riyadh đã được cải thiện trong những tháng gần đây.

Thêm vào đó, Mùa xuân Arab và Hồi giáo chính trị, hai nguyên nhân chính gây ra mối bất hòa trong thập kỷ qua, không còn nổi bật trong chương trình nghị sự của khu vực.

Tuy nhiên, bất chấp sự sôi nổi trong hoạt động ngoại giao, không có xung đột nào trong khu vực gần tới điểm có thể giải quyết được. Vùng Vịnh, Libya, Syria, Yemen, Đông Địa Trung Hải và vùng Sừng châu Phi vẫn là những điểm nóng về địa chính trị.

Những diễn biến trái ngược như vậy đặt ra hai câu hỏi liên quan đến nhau: Chính xác thì điều gì đang xảy ra trên khắp Trung Đông, và quan trọng hơn, điều gì đang thúc đẩy nó?

Các động lực thúc đẩy hòa giải

Thứ nhất, việc Mỹ rút quân một phần khỏi Syria và Iraq, rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan, không sẵn sàng gánh thêm trách nhiệm an ninh nào khác cũng như việc xoay trục xoay sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã khiến các bên trong khu vực phải suy nghĩ lại về cái giá phải trả của bất ổn địa chính trị.

Theo quan điểm của họ, Mỹ không chỉ cắt giảm các cam kết an ninh mà còn trở thành một đối tác khó lường. Ví dụ rõ ràng nhất về điều này là chính quyền Biden không đứng về phía nào trong cuộc đối đầu giữa các quốc gia Arab-vùng Vịnh và Iran.

Đây là một sự thay đổi lớn so với chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, vốn hết lòng ủng hộ phe chống Iran. Thay vào đó, chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đang thúc đẩy khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, nhưng không mấy thành công.

Những yếu tố này đã thúc đẩy các nhân tố trong khu vực phải bảo vệ các lựa chọn của họ, hàn gắn mối quan hệ với các đối thủ và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các cường quốc bên ngoài khác như Trung Quốc và Nga.

[Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ thay đổi chính sách Trung Đông của Mỹ?]

Thứ hai, tại nhiều khu vực xung đột, thế bế tắc vẫn bao trùm. Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh năm 2017 đã kết thúc mà không có người chiến thắng, trong khi có rất nhiều kẻ thua cuộc. Ở Syria, phe đối lập đã thua, nhưng chế độ vẫn chưa giành chiến thắng.

Tương tự như vậy, bất chấp cuộc bùng phát ở Đông Địa Trung Hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một nhóm các quốc gia liên minh với Hy Lạp và Síp (Pháp, Israel, Ai Cập và UAE), bản đồ xung đột vẫn không thay đổi. Hai bên không thể thống nhất được điều gì ngoài việc tạm thời đóng băng tranh chấp.

Tương tự, chiến dịch quân sự kéo dài một năm của Khalifa Haftar nhằm kiểm soát Tripoli với sự hỗ trợ từ Ai Cập và UAE đã kết thúc sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đồng ý đình chiến. Sự thiếu vắng một chiến thắng rõ ràng này tạo thêm cơ sở cho sự tham gia và đàm phán giữa các bên xung đột và những người ủng hộ quốc tế.

Thứ ba, khu vực đang chứng kiến sự kiệt quệ về ý thức hệ, điều này đổi lại đã làm giảm cường độ của các cuộc chiến ý thức hệ nổi bật trong thập kỷ qua. Một thập kỷ sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab, không ai có thể tuyên bố chiến thắng.

Ngược lại, danh sách những kẻ thua cuộc khá dài. Các tổ chức chính trị Hồi giáo vốn được coi là người chiến thắng ngay từ đầu trong các cuộc chuyển giao chính trị đó đã trải qua những thất bại và mất mát. Từ cuộc đảo chính Ai Cập năm 2013 đến số phận bi thảm của phe đối lập Syria biến thành lính đánh thuê và việc Tổng thống Tunisia Kais Said đình chỉ Quốc hội, các đảng Hồi giáo đã phải hứng chịu những thất bại lớn.

Mặc dù cuộc chiến về ý thức hệ sẽ không phải là đặc điểm quyết định chính trường khu vực ở cấp quốc gia, nhưng giới tinh hoa và các xã hội trên khắp Trung Đông vẫn bị phân cực rất lớn, đặc biệt là ở các quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi và xung đột.

Đặc biệt, ranh giới giữa dân chủ và độc tài đã trở nên rõ rệt hơn với các chế độ chuyên quyền ngày càng trở nên đàn áp hơn. Theo nghĩa đó, tình thế bấp bênh do Mùa xuân Arab gây ra đối với các nhà lãnh đạo chuyên quyền đã giảm bớt, nhưng nó vẫn chưa tan biến.

Thứ tư, địa chính trị và hệ tư tưởng đã thống trị chương trình nghị sự của khu vực trong thập kỷ qua. Kết quả là đã có sự tách biệt giữa chính sách đối ngoại và lợi ích kinh tế của các đối thủ trong khu vực.

Sau sự sụt giảm giá dầu năm 2014, khoảng cách này đã ảnh hưởng đến hợp tác thương mại và đầu tư giữa các nước láng giềng. Vụ phong tỏa Qatar vào năm 2017 đã gây tổn thất tài chính lớn cho tất cả các bên, trước khi đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm các căng thẳng và đẩy khu vực vào một cuộc suy thoái mạnh.

Với tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục không chắc chắn, các quốc gia đã ưu tiên phục hồi kinh tế bao gồm cả việc khôi phục các quan hệ kinh tế ở nước ngoài. Động lực này đã được thể hiện rõ trong mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-UAE và quan điểm tương ứng của họ trước các đối thủ.

Chủ nghĩa dân tộc trong lĩnh vực kinh tế vốn đang ngày càng định hình các mối quan hệ đối ngoại của Saudi Arabia rất có thể mở ra cánh cửa để cải thiện mối quan hệ với các đối thủ như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Triển vọng trong tương lai

Mặc dù nhiều người cho rằng khu vực đang bước vào thời kỳ hậu Mùa xuân Arab, nhưng từ Liban đến Algeria, Iraq đến Sudan và Tunisia, các cuộc biểu tình công khai trên khắp Trung Đông vẫn tiếp tục. Những cuộc biểu tình này có thể làm gia tăng tình trạng bất bênh của các chế độ độc tài và kích động trở lại các cuộc đấu tranh ý thức hệ.

Để tránh làm cho tình hình xấu đi, các nhân tố quốc tế nên tích cực hỗ trợ các bên trong khu vực thông qua các khuôn khổ đa phương nhằm củng cố và tạo ra lợi ích bền vững qua hợp tác thay vì xung đột. Các sáng kiến như Hội nghị Hợp tác và Đối tác ở Baghdad, được tổ chức vào tháng 8/2021 và với sự tham gia của các nhà lãnh đạo khu vực, nên được tổ chức thường xuyên.

Với sự hỗ trợ của Mỹ, sáng kiến này nên trở thành một nền tảng và quy trình cho một cuộc đối thoại đa phương về những thách thức chung về an ninh và phát triển mà Trung Đông phải đối mặt ngày nay, bao gồm khủng bố, người tị nạn, an ninh lương thực và di cư./.