Tín hiệu tích cực của kinh tế Trung Quốc bất chấp áp lực suy thoái

Thứ tư, 27/4/2022 | 13:46 GMT+7

Tăng trưởng kinh tế trong ba tháng đầu tiên của Trung Quốc đã tăng tốc từ mức 4% của quý 4/2021, được thúc đẩy bởi hoạt động xây dựng hạ tầng và đầu tư bất động sản.

Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cảng ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 18/4, trong quý đầu tiên của năm 2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, duy trì mức tăng trưởng ổn định.

Kết quả này đạt được bất chấp "áp lực suy thoái chưa từng có kể từ quý đầu tiên của năm 2020" do những đợt bùng phát dịch COVID-19, sự đứt gãy chuỗi cung ứng và những bất ổn bên ngoài phát sinh từ xung đột Nga-Ukraine.

Tăng trưởng kinh tế trong ba tháng đầu tiên đã tăng tốc từ mức 4% của quý 4/2021, được thúc đẩy bởi hoạt động xây dựng hạ tầng ở tầng bình lưu và đầu tư bất động sản - một điểm sáng “làm đệm giảm xóc” cho xu hướng tiêu dùng suy giảm và sản lượng sản xuất suy yếu trong quý đầu tiên, và dự kiến sẽ là trụ đỡ tăng trưởng cả năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà quan sát đánh giá rằng tình hình ở Thượng Hải, trung tâm tài chính chính của Trung Quốc, và tác động trực tiếp của tình hình này đối với cơ sở sản xuất sôi động nhất đất nước ở Vùng châu thổ sông Dương Tử có khả năng làm giảm 0,5 điểm phần trăm GDP quý đầu tiên của Trung Quốc, và tác động đối với tăng trưởng có thể tiếp tục xấu đi vào tháng Tư và tháng Năm, với khả năng phục hồi trở lại vào tháng Sáu và nửa sau của năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả.

Các chuyên gia kinh tế đã nhấn mạnh rằng "sự tạm dừng" ngắn hạn ở các đô thị như Thượng Hải sẽ không biến thành cú sốc "một lần cho tất cả" và động cơ kinh tế của Trung Quốc là "đi trên một chuyến hành trình đúng đắn."

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc công bố ngày 18/4, trong quý đầu tiên, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ tăng 3,3% trên cơ sở hàng năm trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, chỉ riêng trong tháng 3/2022, con số này đã giảm 3,5% so với cách đây một năm, là lần sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 7/2020, đảo ngược so với mức tăng 6,7% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2. Tăng trưởng trong đầu tư tài sản cố định là 9,3% cùng kỳ, trong đó đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điền Vân, cựu Phó Giám đốc Hiệp hội Hoạt động Kinh tế Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng: "Dữ liệu của quý đầu tiên đã được cải thiện so với ba tháng cuối năm 2021 dựa trên một số chỉ số nhất định. Đầu tư vào tài sản cố định cũng tăng đáng kể theo quý, nhờ những điều chỉnh trong chính sách bất động sản và sự cải thiện trong đầu tư sản xuất."

Áp lực gia tăng

Kinh tế Trung Quốc đã có một bước khởi đầu tuyệt vời trong hai tháng đầu năm. Tuy nhiên, bước sang tháng thứ ba, trung tâm công nghệ của Trung Quốc, thành phố Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông thuộc miền Nam Trung Quốc, đã phải áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt trong một tuần, và Thượng Hải - trung tâm tài chính, thương mại và sản xuất - cũng bước vào giai đoạn "quản lý tĩnh" vào cuối tháng 3 khi số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến.       

Tào Hòa Bình, một chuyên gia kinh tế của trường Đại học Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng "việc tạm dừng ở hai thành phố lớn của Trung Quốc chắc chắn đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của tháng Ba... việc đóng cửa nhà máy tạm thời và trở ngại hậu cần đã làm nghẽn chuỗi cung ứng, trong khi kỳ vọng suy yếu về thu nhập và những chính sách ở yên tại nhà đã cản trở tiêu dùng." Chuyên gia này nói thêm rằng cuộc khủng hoảng Ukraine càng làm tăng thêm thách thức chuỗi cung ứng và chi phí của các nhà máy.

[Đà tăng trưởng chậm của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu]

Chuyên gia Điền Vân nói rằng áp lực suy thoái mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt trong tháng Ba là "chưa từng có" và là "lớn nhất" kể từ quý đầu tiên của năm 2020, khi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần đầu tiên tấn công thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc.

Chuyên gia Điền Vân nói: "Các số liệu tháng Ba chỉ phản ánh một phần hậu quả của tình hình ở Thượng Hải và Vùng châu thổ sông Dương Tử, vốn được cho là lớn hơn nhiều so với Thâm Quyến vì chuỗi cung ứng ở Vùng châu thổ sông Dương Tử - chiếm đến 1/4 GDP của Trung Quốc - gắn bó sâu sắc với nhau.”     

Chuyên gia Điền Vân chỉ ra rằng sự bùng phát dịch COVID-19 ở Thượng Hải có thể đã xóa bỏ khoảng 0,5 điểm phần trăm GDP trong quý đầu tiên của Trung Quốc và tác động đối với nền kinh tế có thể tăng lên vào tháng Tư và tháng Năm. Ông nói thêm rằng nếu dịch bệnh được kiềm chế vào cuối tháng Năm, các hoạt động kinh tế sẽ được khôi phục và các động cơ kinh tế của đất nước sẽ bắt đầu hoạt động mạnh trở lại, tiêu dùng cũng sẽ tăng trở lại.

Hôm 16/4, Thượng Hải đã ban hành ấn bản đầu tiên của hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cho các doanh nghiệp công nghiệp của thành phố để tiếp tục sản xuất và một số doanh nghiệp công nghiệp lớn nhất thành phố đã hoạt động trở lại vào ngày 18/4 dưới sự quản lý khép kín.

Chuyên gia Điền Vân cho biết: "Đây là một cuộc chạy đua với thời gian nhằm giảm thiểu sự gián đoạn chuỗi cung ứng, để các nhà máy sản xuất có thể khởi động lại trong hai tuần tới trước đợt tăng lãi suất tiếp theo của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 5, điều này có thể ảnh hưởng đến thương mại nước ngoài, các dòng vốn và tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ."

Ông Điền Vân nói thêm rằng "chúng ta có thể mong đợi một sự tăng trưởng phục hồi và GDP quý 2 được ước tính sẽ không thay đổi, hoặc thậm chí cao hơn một chút so với quý đầu tiên."

“Sự hy sinh cần thiết”

Các nhà kinh tế nhấn mạnh rằng chi phí ngắn hạn đối với nền kinh tế là "sự hy sinh cần thiết" để bảo vệ sự an toàn cho cuộc sống của người dân, và rằng điều này sẽ không làm chệch hướng đất nước Trung Quốc khỏi các nền tảng kinh tế cơ bản cũng như nhịp độ phát triển quốc gia.  

"Có những làn sóng xung kích ngắn hạn rõ ràng trong cả chuỗi công nghiệp trong và ngoài nước, nhưng cuối cùng sẽ giảm bớt. Về lý thuyết kinh tế, nếu tác động được kiểm soát trong vòng 90 ngày sẽ không trở thành tác động lâu dài," chuyên gia Tào Hòa Bình cho biết.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ để củng cố và chống đỡ cho nền kinh tế của mình. Hôm 15/4, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã công bố mức giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) được kỳ vọng rộng rãi là 25 điểm cơ bản, khi các nhà hoạch định chính sách áp dụng chính sách tiền tệ để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Chuyên gia Tào Hòa Bình cho biết: "Trung Quốc có đủ ‘đạn dược’. Cần phải mở rộng quy mô các công cụ tài chính và tiền tệ trong quý 2, nếu không, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 5,5% sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.”

Ông gợi ý rằng các công cụ tài chính và tiền tệ cần được đồng bộ với các biện pháp chống dịch COVID-19. Ông cũng kêu gọi cắt giảm RRR hơn nữa để "thúc đẩy các chính sách phù hợp nhằm ổn định tăng trưởng."/.