Thỏa thuận Solomon-Trung Quốc: Thất bại trong đối ngoại của Australia

Thứ hai, 02/5/2022 | 11:26 GMT+7

Solomon nhấn mạnh hiệp ước này sẽ không kéo theo việc Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự, nhưng điều này vẫn không thể xoa dịu những lo ngại của Mỹ và Australia.

Các đường phố ở thành phố Honiara thuộc Quần đảo Solomon. (Nguồn: AFP)

Theo hãng tin AFP, việc quần đảo Thái Bình Dương Solomon ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc mới đây đã khiến các đồng minh truyền thống của quốc đảo nhỏ bé này là Australia và Mỹ hết sức lo ngại, bởi điều này có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự tại khu vực Nam Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại Solomon đang gia tăng, Bắc Kinh tuần qua vừa thông báo đã ký hiệp ước an ninh từng được tiết lộ trước đó với Honiara.

Hồi tháng trước, một bản thảo của hiệp ước bị rò rỉ từng gây sốc cho các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các biện pháp cho phép các lực lượng Hải quân Trung Quốc triển khai tại quốc gia Thái Bình Dương chỉ nằm cách Australia chưa đầy 2.000km này.

Mặc dù Thủ tướng của quốc đảo Thái Bình Dương Solomon Manasseh Sogavare nhấn mạnh hiệp ước này sẽ không kéo theo việc Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự, nhưng điều này vẫn không thể xoa dịu những lo ngại của Mỹ và Australia.

Vấn đề của Australia

Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn nguồn truyền thông địa phương cho biết Công Đảng Australia đã lên tiếng chỉ trích rằng hiệp ước an ninh mới ký kết giữa Trung Quốc và Solomon là thất bại lớn nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Morrison ở Thái Bình Dương kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

[Trung Quốc và Quần đảo Solomon đạt thỏa thuận an ninh song phương]

Tuy nhiên, quan điểm này có lẽ đang thổi phồng vấn đề. Thất bại trong chính sách đối ngoại lớn nhất của Australia trong khu vực từ trước đến nay là Canberra không giải quyết được, cả ở cấp quốc gia và quốc tế, mối đe dọa đối với sự tồn vong của các quốc đảo Thái Bình Dương với tư cách là các quốc gia có chủ quyền, đó là biến đổi khí hậu.

Chính thất bại này đã làm giảm ảnh hưởng của Australia trong khu vực và khiến việc bảo vệ các lợi ích kinh tế và địa chiến lược quan trọng của Canberra tại Thái Bình Dương trở nên khó khăn hơn khi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác.

Xung quanh vấn đề này Tiến sỹ Peter Hooton, cựu quan chức ngoại giao có kinh nghiệm sâu tại Thái Bình Dương đã đưa ra một số nhận định trong bài phân tích “Hiệp ước An ninh Solomon: Sogavare, Trung Quốc và Australia” đăng trên trang mạng interpreter.com ngày 21/4.

Theo bài viết, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare được cho là đã viện dẫn lý do biến đổi khí hậu như một trong những cái cớ dẫn đến quyết định ký một hiệp ước an ninh với Trung Quốc.

Các quốc gia khác ở quốc đảo Thái Bình Dương có thể không tin vào lý do Thủ tướng Solomon đưa ra, nhưng cũng không thể phủ nhận những lời chỉ trích “ngầm” của lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương đối với Australia.

Những nỗ lực gần đây của Australia nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong khu vực không thể thay thế cho việc cắt giảm thực sự và rất lớn đối với lượng khí phát thải của chính Canberra.

Hành động này của Australia không khác gì việc chỉ ném những chiếc phao cứu sinh cho những người chết đuối mà không hề cam kết về việc đưa thuyền cứu sinh.

Trớ trêu thay, rốt cuộc, các quốc đảo Thái Bình Dương khác trong tương lai cũng có thể sẽ phải dựa vào Trung Quốc để thoát khỏi tình cảnh hiện nay.

Bài học cho Canberra

Trên thực tế, Hiệp ước An ninh Solomon-Trung Quốc chủ yếu liên quan đến sự bất ổn trong nước ở quần đảo Solomon hơn là về Australia hay biến đổi khí hậu, và đặc biệt là về bản thân Thủ tướng Sogavare.

Thủ tướng Manasseh Sogavare là một chính trị gia có năng lực và hành động thận trọng.

Năm 2006-2007, khi sau khi trở thành Thủ tướng Solomon nhiệm kỳ thứ hai, ông Sogavare cáo buộc Australia can thiệp vào chính trị nội bộ Solomon và trục xuất một cao ủy Australia.

Vào thời điểm đó, Australia là quốc gia dẫn đầu trong Phái bộ Hỗ trợ Khu vực tới Quần đảo Solomon (RAMSI), với nhiệm vụ giúp khôi phục trật tự và tái thiết quốc gia sau nhiều năm bạo lực sắc tộc.

RAMSI nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và thực sự đã đóng vai trò quan trọng trong Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương.

Từ đó đến nay, mối nguy thực sự đối với sự toàn vẹn của Quần đảo Solomon xuất phát từ bên trong.

Các cuộc bạo động chống chính phủ năm 2021 được thúc đẩy một phần bởi căng thẳng sắc tộc dẫn đến việc triển khai RAMSI vào năm 2003, và một phần do việc Solomon cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan chuyển sang quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 2019 sau khi nhận được một số lời hứa hẹn đầu tư khổng lồ của Trung Quốc.

Thủ tướng Solomon lo lắng về vận mệnh chính trị cá nhân và tin rằng lợi ích của Trung Quốc gắn liền với lợi ích của cá nhân ông.

Tuy nhiên, Solomon phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi hợp tác với Trung Quốc vì rõ ràng Trung Quốc không giống RAMSI - tổ chức rõ ràng nỗ lực cung cấp an ninh cho tất cả người dân trên đảo Solomon.

Trung Quốc chỉ hiện diện tại Solomon nhằm đảm bảo lợi ích của chính mình và lợi ích của một số người khác, bao gồm cả cộng đồng người Hoa và những người gốc Hoa tại Solomon.

Điều này đã quá rõ ràng đối với nhiều người dân Đảo Solomon và qua đó có thể thấy rằng nếu là một nhân vật khác có thể không xảy ra hiệp ước Trung Quốc-Solomon.

Australia vẫn chưa học được cách thường xuyên quan tâm đến các quần đảo Thái Bình Dương thay vì chỉ khi có vấn đề xảy ra, thì chính quyền Australia mới coi trọng nó.

Dù trong thời gian tới, đảng nào của Australia giành quyền lãnh đạo, chính quyền mới của Australia cũng khó có thể làm được điều này.

Một căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương rõ ràng sẽ có hại cho Australia và các quốc đảo Thái Bình Dương, còn Canberra thì vẫn chưa thể hiện được vai trò tại khu vực này, trong khi Trung Quốc đã có thỏa thuận hợp tác an ninh từ lâu với Fiji và Tonga.

Gạt Trung Quốc ra khỏi Nam Thái Bình Dương là điều không tưởng và điều này cho thấy rằng Australia sẽ phải học cách quản lý các mối quan hệ với tất cả các quốc gia tại khu vực các quốc đảo Thái Bình Dương tốt hơn hiện nay.

Mỹ-Trung tiếp tục tranh giành ảnh hưởng

Sau khi thỏa thuận được công bố, các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn đang nỗ lực hết mình để “lấy lòng” quần đảo nhỏ bé này.

Phóng viên hiện trường của AFP cho biết một phái đoàn của Nhà Trắng đã có mặt tại sân bay Honiara và được đưa vào trung tâm thành phố bằng một chiếc xe buýt nhỏ màu trắng để chuẩn bị tham gia các cuộc họp đã được sắp xếp với chính phủ Solomon.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu với AFP tại Washington hồi tuần qua: “Chúng tôi lo ngại về sự thiếu minh bạch và bản chất không rõ ràng của thỏa thuận này, vốn đi theo mô hình các giao dịch mờ ám, mơ hồ mà ít có sự tham vấn khu vực trong vấn đề đánh bắt cá, quản lý tài nguyên, phát triển.”

Dù biết rằng quá muộn để ngăn chặn thỏa thuận này, Nhà Trắng thông báo phái đoàn ngoại giao của họ sẽ thăm Fiji, Papua New Guinea và Quần đảo Solomon trong tuần này để “đảm bảo các mối quan hệ đối tác của chúng ta sẽ mang lại sự thịnh vượng, an ninh và hòa bình trên khắp quần đảo Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Phái đoàn ngoại giao của Mỹ, dẫn đầu là Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Kurt Campbell và trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã có mặt tại Honiara chỉ 3 ngày sau khi hiệp ước này được công bố.

Cùng ngày, Đại sứ Trung Quốc tại Quần đảo Solomon cũng đang ở đó không xa khi ông cùng với Thủ tướng Sogavare tham dự một buổi lễ khai trương bàn giao một đường chạy điền kinh, một phần trong tổ hợp sân vận động quốc gia do Trung Quốc tài trợ, được cho là trị giá tới 53 triệu USD.

Solomon sẽ lần đầu tiên tổ chức Đại hội thể thao Thái Bình Dương 2023, trong bối cảnh vẫn còn nhiều người phải sống trong cảnh đói nghèo.

Tháng 11/2021, các cuộc biểu tình chống lại chế độ cai trị của Sogavare đã kích động các cuộc bạo động ở thủ đô, trong đó phần lớn khu phố người Hoa của thành phố này bị thiêu rụi.

Mặc dù những bất ổn một phần xuất phát chủ yếu từ sự nghèo đói và thất nghiệp, song thái độ chống Trung Quốc cũng được cho là đóng một vai trò nào đó gây ra tình trạng này./.