Thế giới cần làm gì khi động lực nới lỏng định lượng dần biến mất?

Thứ bảy, 17/7/2021 | 17:09 GMT+7

Chính sách nới lỏng định lượng đang là yếu tố kiềm hãm môi trường lãi suất dài hạn ở các nước như Mỹ, Anh và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Trụ sở Fed tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo The Economist, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 đang phát đi dấu hiệu lắng dịu trước các chiến dịch tiêm chủng vaccine rầm rộ, giới quan sát đang đặt câu hỏi về tác động của các chính sách nới lỏng định lượng (QE) đối với tương lai nền kinh tế và thị trường toàn cầu.

Trong khi những người chỉ trích QE cho rằng việc áp dụng chính sách này một cách ồ ạt trong đại dịch đã làm tăng giá tài sản và khoét sâu thêm tình trạng bất bình đẳng, những người ủng hộ QE lại coi đây là một công cụ chính sách thiết yếu.

Tuy nhiên, có vẻ như những cuộc tranh luận này sắp bước sang một chương mới.

Những động lực của QE đang dần biến mất…

Khi đại dịch xuất hiện, các ngân hàng đẩy mạnh mua trái phiếu để "xoa dịu" thị trường đang hoảng loạn, khi giới đầu tư đổ xô đi tìm kiếm những "nơi trú ẩn an toàn."

Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc suy thoái kinh tế lớn, khiến lạm phát giảm mạnh. Trong bối cảnh này, QE là cần thiết để kích thích nền kinh tế.

Tuy nhiên, giờ đây, những động lực của QE đang dần biến mất. Khi thị trường đã sôi động trở lại và lạm phát cũng vì thế tăng cao, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục đóng vai "người mua" lớn đang khiến giới quan sát đặt câu hỏi.

Theo ngân hàng JPMorgan Chase, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương tại những quốc gia giàu có được dự đoán sẽ "phình" thêm 11.700 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021.

Thậm chí vào cuối năm nay, con số này sẽ tăng lên mức 28.000 tỷ USD - tương đương khoảng 3/4 giá trị vốn hóa của các công ty thành phần S&P 500 hiện nay.

Kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi. Theo số liệu công bố hôm 2/7, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 850.000 việc làm trong tháng Sáu. Trong khi đó tại Phố Wall, tình trạng thanh khoản dồi dào đến mức số tiền gửi qua đêm tại chi nhánh Fed ở New York thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược- tức là mua tài sản với thỏa thuận sẽ bán chúng với giá cao hơn vào một ngày cụ thể trong tương lai - đã tăng lên mức 750 tỷ USD hoặc cao hơn.

[Fed tăng lãi suất liệu có khiến thị trường phản ứng cực đoan?]

Điều này gián tiếp tước đi một phần nguồn tiền do QE bơm vào. Ngoài ra, giữa bối cảnh thị trường nhà đất đang phát triển nóng, việc Fed mua chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp cũng là một động thái khó hiểu.

Dù vậy, Fed lại đang tỏ ra "trầm lặng". Tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell chỉ cho biết thể chế này đang tính đến việc "hạ nhiệt" các kế hoạch mua tài sản.

Cách tiếp cận thận trọng phản ánh việc Fed không muốn "đi vào vết xe đổ" của kịch bản đã xảy ra hồi năm 2013, khi thể chế này lần cuối cùng nhắc đến khả năng giảm dần các chính sách bơm tiền. Hậu quả là trái phiếu chính phủ bị bán tháo mạnh, đồng USD tăng vọt và các thị trường mới nổi phải hứng chịu tình trạng dòng vốn chảy ra ào ạt.

Giờ đây, hầu hết các chuyên gia kinh tế mong đợi sẽ có một thông báo chính thức về kế hoạch của Fed vào cuối năm nay. Giữa bối cảnh môi trường lạm phát đang tăng cao, các quan chức Fed đã đánh tiếng rằng họ dự kiến sẽ tăng lãi suất hai lần vào cuối năm 2023, sớm hơn dự định trước đó. Một lần nữa, thông tin này đã khiến đồng tiền tệ của các thị trường mới nổi lao dốc.

Trong khi đó, có vẻ như các ngân hàng trung ương trên thế giới đã sẵn sàng điều chỉnh chính sách bằng việc giảm quy mô mua tài sản. Ngân hàng trung ương Canada bắt đầu giảm tốc độ mua trái phiếu vào tháng Tư, trong khi Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) cũng cắt giảm mạnh việc mua trái phiếu.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE), hiện đang tiến gần đến mục tiêu mua tài sản trị giá 895 tỷ bảng Anh (1,2 triệu USD), có vẻ như sẽ dừng QE khi đạt được mục tiêu này. Trái với trình tự thông thường, Thống đốc BoE Andrew Bailey đã cân nhắc việc giảm tải tài sản trước khi tăng lãi suất.

Hồi tháng Năm, Ngân hàng Dự trữ New Zealand cho biết, họ sẽ không thực hiện tất cả các giao dịch mua tài sản trị giá 100 tỷ NZD (tương đương 70 tỷ USD) mà họ dự định thực hiện. Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang tranh luận về việc làm thế nào để "hạ nhiệt" các kế hoạch giải cứu liên quan đến đại dịch của mình.

… nhưng Fed sẽ không vội vàng

Việc các ngân hàng trung ương thu mua tài sản sẽ làm giảm lợi tức trái phiếu dài hạn. Năm ngoái, cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke cho rằng vào năm 2014 tại Mỹ, theo ước tính cứ mỗi 500 tỷ USD đổ vào QE sẽ làm giảm 0,2 điểm phần trăm lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm.

Theo quy tắc đó và có điều chỉnh lạm phát, tổng số tài sản trị giá 7,5 triệu USD do Fed nắm giữ ngày hôm nay đang khiến lợi tức trái phiếu kho bạc giảm đến 3 điểm phần trăm (mặc dù ông Bernanke cho rằng hiệu ứng tổng thể của QE chỉ có thể ảnh hưởng đến lợi tức trái phiếu kho bạc tối đa là 1,2 điểm phần trăm).

Tương tự, theo một cuộc khảo sát do chuyên gia Joseph Gagnon thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson thực hiện hồi năm 2016, việc mua tài sản tương đương 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ khiến lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm.

Điều này cho thấy QE đang là yếu tố kiềm hãm môi trường lãi suất dài hạn ở các nước như Mỹ, Anh và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Những số liệu này, và cả những kinh nghiệm trong quá khứ, đang khiến các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận rằng việc đảo ngược QE sẽ tác động đến thị trường tài chính. Giá tài sản cao ngất ngưởng ngày hôm nay phản ánh giả định rằng lãi suất dài hạn sẽ ở mức thấp trong thời gian dài.

Vì thế, hồi đầu năm nay, ông Powell đã thừa nhận rằng Fed sẽ rất cẩn thận khi phát ngôn về việc mua tài sản. Xét đến những bài học từ quá khứ, thể chế này sẽ không vội vàng.

Một góc nhìn khác

Những diễn biến của "vết xe đổ" năm 2013 liên quan đến việc ông Bernanke nhắc đến kế hoạch làm chậm tốc độ mua tài sản của Fed, những kỳ vọng thời điểm mà Fed tăng lãi suất qua đêm được đẩy nhanh sẽ khiến giá tài sản giảm, vốn là đòn bẩy truyền thống của chính sách tiền tệ.

Thực tế này cho thấy quy mô bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương không phải là tác nhân tác động trực tiếp đến lợi suất trái phiếu dài hạn mà chỉ đóng vai trò "chỉ dấu" cho các quyết định lãi suất trong tương lai.

Điều này có nghĩa là việc đảo ngược QE sẽ không gây ra quá nhiều phiền phức, nếu sự liên kết giữa việc mua tài sản và các quyết định về lãi suất bị cắt đứt.

Thực trạng hiện nay có vẻ đang chứng minh nhận định này. Sau khi những tác động nghiêm trọng của đại dịch được cảm nhận, khiến thị trường hoảng loạn vào mùa Xuân năm 2020, Fed đã mua vào gần 1.500 tỷ USD trái phiếu kho bạc chỉ trong hai tháng, trước khi giảm dần xuống mức chỉ khoảng 80 tỷ USD/tháng.

Tuy nhiên, động thái này của đã không dẫn đến bất kỳ sự lo ngại nào trên thị trường liên quan đến quyết định tăng lãi suất và lợi tức trái phiếu. Trong một bài phát biểu gần đây, chuyên gia kinh tế Gertjan Vlieghe của Ngân hàng trung ương Anh đã nhắc đến kinh nghiệm của Fed hồi năm 2018 và 2019 như một bằng chứng cho thấy có rất ít mối liên hệ cơ học giữa lợi suất trái phiếu và QE trong kinh tế hiện đại.

Theo một quan điểm phổ biến, QE sẽ phát huy tính hiệu quả cao trong việc "xoa dịu" thị trường trong các cuộc khủng hoảng, nếu công cụ này được triển khai nhanh chóng và quy mô.

Tuy nhiên, trong những thời điểm bình thường, tác động của QE sẽ mờ nhạt. Do đó, nếu sự hiện diện của QE kéo dài quá lâu thì trong những thời điểm thuận lợi, các nhà hoạch định chính sách sẽ không còn không gian để hành động trong những trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, các quan chức ngân hàng trung ương thường không coi trọng logic này với lý do là việc "làm hại" nền kinh tế để giải cứu sau này là đi ngược quy trình. Mặc dù vậy, nếu QE mang lại kết quả tốt nhất trong môi trường khủng hoảng thì việc các ngân hàng trung ương rút lại công cụ này trong thời gian nền kinh tế hoạt động bình thường sẽ không quá ảnh hưởng.

Ngoài ra, các chính sách tài khóa và tiền tệ mà QE tạo ra cũng vấp phải những phản ứng. Trong thời gian xảy ra đại dịch, các ngân hàng trung ương thường xuyên phải đối mặt với cáo buộc rằng QE là công cụ tài trợ cho các chính phủ.

Vào tháng 1/2021, một cuộc khảo sát của tờ Financial Times (Anh) cho thấy đa số các nhà đầu tư lớn nhất của Anh đều cho rằng mục đích mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương Anh là để tài trợ cho chi tiêu khẩn cấp chính phủ, thay vì hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, mặc dù môi trường lợi suất trái phiếu thấp sẽ giúp ích cho khả năng tài chính của chính phủ, nhưng công cụ này sẽ không làm dịu đi các gánh nặng tài chính của chính phủ mà chỉ chuyển những gánh nặng này sang các ngân hàng trung ương, mà người hứng chịu cuối cùng sẽ là người nộp thuế./.

(Vietnam+)