Tây Phi đối mặt với “quả bom” lạm phát, khủng hoảng và bạo loạn

Thứ bảy, 13/8/2022 | 18:45 GMT+7

Tình trạng giá nhiên liệu tăng, thiếu phân bón do xung đột ở Ukraine khiến khu vực Tây Phi đối mặt nạn đói và những "quả bom nổ chậm" về lạm phát, khủng hoảng lương thực cũng như bạo loạn.

Người dân mua bán tại một khu chợ ở Lagos, Nigeria, ngày 13 tháng 5 năm 2022. (Nguồn: Reuters)

Bình luận về tình hình kinh tế châu Phi hiện nay, nhật báo Le Monde cho rằng trong khi những hệ quả từ các vấn đề về chuỗi cung ứng bị đứt đoạn do đại dịch COVID-19 và tình trạng biến đổi khí hậu còn chưa được giải quyết thì châu Phi, đặc biệt là khu vực Trung và Tây Phi, lại phải đối mặt với môi trường giá nhiên liệu tăng và tình trạng thiếu phân bón, hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine.

Tất cả những hệ quả này đang đặt khu vực Tây Phi vào thế phải đối mặt với những hiểm họa của lạm phát, khủng hoảng lương thực và bạo loạn do nạn đói, được ví như những quả bom nổ chậm đang đe dọa khu vực này.

"Tình hình đang trở nên không thể kiểm soát nổi," Chris Nikoi, Giám đốc khu vực Tây và Trung Phi của Chương trình Nông nghiệp Thế giới (PAM) cho biết.

Căng thẳng được thể hiện rất rõ ở Tây Phi, nơi đường cong lạm phát gia tăng một cách kinh hoàng, với mức tăng 30% vào tháng Sáu ở Ghana, 22,4% ở Sierra Leone, 18,6% ở Nigeria, 15,3% ở Burkina Faso…

Riêng khu vực Sahel, 7,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Trên thực tế, Tây Phi không quá phụ thuộc vào ngũ cốc của Nga và Ukraine. "Chỉ có một vài quốc gia như Benin, Cape Vert, Gambia, Senegal và Togo nhập khẩu hơn một nửa lượng tiêu thụ lúa mỳ của họ từ Ukraine và Nga nhưng với số lượng nhập khẩu thấp, chỉ ở cấp tiểu vùng.

Các quốc gia thuộc Cộng đồng Kinh tế của các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) chủ yếu tiêu thụ ngũ cốc của địa phương như ngô, lúa, kê và các loại củ," Alain Sy Traoré, Phụ trách nông nghiệp và phát triển nông thôn của ECOWAS, giải thích.

Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine lại khiến giá nhiên liệu tăng cao, tác động trực tiếp lên giá thành sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Do đó, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, giá củ sắn - lương thực chính ở một số quốc gia ECOWAS, đã đắt hơn từ 30 đến 80% so với mức trung bình của 5 năm qua tùy theo quốc gia. Giá khoai lang, một loại củ cũng rất phổ biến, đã tăng 60 đến 80% trong tháng Sáu, trong khi giá khoai mỡ tăng 30 đến 60%.

Sự tăng giá chóng mặt này dẫn đến các lệnh cấm xuất khẩu của một số nước sản xuất, như Benin với dầu thực vật tinh chế, hay Côte d'Ivoire với sắn, khoai mỡ, chuối và gạo. Các biện pháp này nhằm kiềm chế sự leo thang của giá cả trong nước, nhưng lại khiến giá cả các loại lương thực này tăng vọt ở các nước nhập khẩu.

Vào đầu tháng Bảy, ECOWAS đã phải kêu gọi các Bộ trưởng Nông nghiệp trong khu vực dỡ bỏ các rào cản thương mại nói trên, vì những rào cản này trái với nguyên tắc tự do lưu thông mà tổ chức khu vực luôn đề cao và có thể thổi bùng lên cuộc khủng hoảng lương thực.

Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác cũng đang góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng lương thực như sự đảo lộn trong tổ chức hệ thống sản xuất và cung ứng nông nghiệp do đại dịch COVID-19, tình trạng biến đổi khí hậu với các hiện tượng hạn hán và lũ lụt lặp đi lặp lại khiến mùa màng thất bát, nạn đầu cơ tích trữ và đẩy giá lương thực thực phẩm của các thương nhân cùng tình hình an ninh bất ổn trong các khu vực xung đột.

[LHQ mới chỉ huy động được 15% số tiền cần để hỗ trợ nhân đạo cho Sahel]

"Việc hơn 5 triệu người ở vùng Sahel phải di dời vì khủng bố và cướp bóc đã tạo ra áp lực đáng kể cho khả năng tiếp cận lương thực của họ ở những khu vực tị nạn. Đa số những người này không còn đất canh tác nên không có khả năng để cày cấy được nữa," chuyên gia Alain Sy Traoré giải thích.

Đối với Tây Phi, một trong những hậu quả đáng lo ngại khác của cuộc xung đột ở Ukraine là thiếu phân bón. Mặc dù ECOWAS tiêu thụ phân bón ít hơn các khu vực khác trên thế giới, nhưng khu vực này vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu từ Biển Đen.

Năm 2021, Nga đã cung cấp hơn 50% nhu cầu kali của Côte d'Ivoire, Senegal, Mali, Niger và Sierra Leone.

Hiện, châu Phi có 15 quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón, trong đó có Morocco và Ai Cập. Tại Tây Phi, Nigeria cũng vừa khánh thành nhà máy phân bón lớn nhất lục địa và có thể đáp ứng nhu cầu của các nước ECOWAS. Tuy nhiên, sự trì trệ của nền hành chính và dịch vụ hậu cần đang cản trở thương mại nội vùng.

Chuyên gia Alain Sy Traoré than thở: "Ngày nay, việc xuất khẩu hàng hóa của Nigeria sang Mỹ Latinh còn dễ dàng hơn là đến cảng Cotonou, ở Benin." Việc thiếu nguyên liệu đầu vào cũng có nguy cơ cướp đi 20 triệu tấn ngũ cốc của khu vực này trong năm nay, tức là giảm 1/4 sản lượng so với năm 2021.

Bóng ma của bạo loạn do đói

Đối với các nhà lãnh đạo, điều đáng lo sợ nhất hiện nay là việc giá cả tăng vọt gây ra bất ổn xã hội. Bóng ma của bạo loạn do nạn đói năm 2008, đã từng lan ra khoảng 30 quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi, và sự sụp đổ gần đây của Sri Lanka đang gây ra mối quan ngại nghiêm trọng.

Chuyên gia Alain Sy Traoré cảnh báo : "Nếu từ nay đến tháng 10, các quốc gia Tây Phi không đáp ứng đủ nhu cầu lương thực của người dân, thì không loại trừ khả năng nhiều chính phủ sẽ sụp đổ do bạo loạn."

Theo chuyên gia kinh tế này, các khu vực thành thị sẽ là ‘con mồi’ đầu tiên của tình trạng hỗn loạn, bởi "người dân ở đó có thói quen sử dụng thực phẩm từ các sản phẩm nhập khẩu, không giống như khu vực nông thôn, nơi nông dân có thể tiêu thụ những gì họ trồng được."

Khủng hoảng nợ nước ngoài

Đối với các quốc gia trong khu vực đồng franc châu Phi (CFA), tình hình còn phức tạp hơn do sự mất giá của đồng euro, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD.

Điều này khiến giá nhập khẩu tăng mạnh, ảnh hưởng đến các quốc gia sử dụng đồng tiền khu vực CFA, được gắn với đồng euro theo tỷ giá hối đoái cố định.

Chuyên gia kinh tế Carlos Lopes, Giáo sư tại trường Đại học Cape Town, Nam Phi, phân tích: "Sự mất giá của đồng euro và đồng tiền khu vực khiến người dân phải trả nhiều hơn cho năng lượng và thực phẩm thiết yếu của họ."

Nền kinh tế của Ghana đang gặp khó khăn nghiêm trọng. (Nguồn: theconversation.com)

Sự mất giá của các đồng tiền này cũng khiến các nước đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ mới. Cách đây ba năm, Ghana đã từng tuyên bố hùng hồn rằng "từ nay sẽ tự lập mà không cần sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế."

Vậy mà mới đây, nước này đã phải kêu gọi tài trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đối phó với căng thẳng vì lạm phát và chi phí đi vay tăng cao.

Trong một bức thư gửi tới IMF và các Thống đốc ngân hàng trung ương thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi giữa tháng Bảy, các Bộ trưởng Tài chính châu Phi đã kêu gọi giảm mức trả nợ vay định kỳ cho các nước nghèo nhất, như đã được thực hiện trong thời kỳ đại dịch, "để tránh mọi bất ổn xã hội."

Thỏa thuận Nga-Ukraine, luồng sinh khí mới

Theo tờ Le Monde, những diễn biến ngoại giao gần đây đang mang lại cho châu Phi những hy vọng có thể tránh khỏi các hiểm họa của lạm phát và khủng hoảng lương thực.

Thỏa thuận được ký mới đây giữa Nga và Ukraine nhằm hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc được áp dụng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột đã được Liên minh châu Phi (AU) đặc biệt "hoan nghênh" và coi đó là một "bước phát triển đáng mừng’’ cho lục địa này khi phải đối mặt với nguy cơ gia tăng của nạn đói.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng cho rằng các nỗ lực ngoại giao này giống như "một luồng sinh khí" mà các quốc gia châu Phi mong đợi trong bối cảnh họ đang phải đối mặt với "cuộc khủng hoảng dinh dưỡng và lương thực tồi tệ nhất kể từ 10 năm qua."

Các nước ECOWAS cũng hy vọng thỏa thuận ký kết giữa Nga và Ukraine có thể giúp cải thiện tình hình phân bón. Nga đã có được sự đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ không áp dụng đối với xuất khẩu phân bón tới các nước này.

Trong khi chờ đợi tình hình khả quan hơn, các Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Phi đang làm việc với nhau để lên kế hoạch đặt hàng theo nhóm và nới lỏng các quy tắc giao thương trong tiểu vùng nhằm giảm bớt áp lực lên chuỗi cung ứng.

Một sáng kiến đang trong quá trình được xây dựng, dựa trên nền tảng trao đổi thương mại ở quy mô châu lục do Ủy ban Kinh tế châu Phi (ECA) của Liên hợp quốc hỗ trợ.

Theo Wafa Aidi, chuyên gia kinh tế tại ECA, Sở Giao dịch Thương mại châu Phi (ATEX) sẽ cho phép các chính phủ trong khu vực "thương lượng giá cả cạnh tranh ở bất kỳ đâu trên thế giới trong việc mua lương thực, thực phẩm và phân bón."

Trước mắt, nhiều quốc gia ECOWAS đã thực hiện các biện pháp để điều chỉnh giá các loại thực phẩm thiết yếu và năng lượng. Theo đó, Côte d'Ivoire đã điều chỉnh giá của 21 sản phẩm tiêu dùng trong tháng Ba, từ bánh mỳ baguette đến thịt bò, đường và cà chua.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của chuyên gia kinh tế Ibrahima Hathie, Giám đốc tổ chức tư vấn IPAR của Senegal, "việc giảm thuế hải quan đối với các sản phẩm nhập khẩu, giảm thuế VAT hoặc khống chế giá là những hành động cần thiết để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình.

Nhưng điều này vẫn chưa đủ chừng nào các biện pháp kiểm soát không được triển khai rộng khắp ở các chợ và cửa hàng, nơi nạn đầu cơ đang hoành hành khiến lạm phát gia tăng."

Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại cũng có thể là cơ hội để xây dựng lại các mô hình kế thừa từ thời thuộc địa, chủ yếu dựa vào việc khai thác và xuất khẩu nguyên liệu thô chưa qua chế biến.

Ông nhấn mạnh: "Lãnh đạo của các quốc gia ECOWAS có thể tận dụng thời điểm này để phát triển một chính sách lương thực chung nhằm thúc đẩy sản xuất địa phương. Điều này sẽ vực dậy nền kinh tế khu vực và giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài."/.