"Zero-COVID" của Trung Quốc: Chi phí tối thiểu, lợi ích tối đa?

Thứ tư, 02/3/2022 | 07:19 GMT+7

Trung Quốc đang thể hiện trách nhiệm toàn cầu của mình bằng cách đưa vào nguồn lực và chi phí to lớn để đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu thông suốt và giảm bớt áp lực lạm phát.

Nhân viên y tế kiểm tra các mẫu xét nghiệm COVID-19 tại phòng thí nghiệm ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Thời báo Hoàn Cầu, ấn bản của Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của nước này vừa kết thúc, nhưng trên khắp cả nước, các nhà máy đã hoạt động rầm rộ trở lại.

Nhiều hàng hóa từ iPhone, xe Tesla và các nhu yếu phẩm hàng ngày cho đến thiết bị y tế đổ dồn dập từ nhà máy sản xuất đến các cảng và được vận chuyển ra nước ngoài sau một quy trình khử trùng và thông quan nghiêm ngặt. Đây là một thói quen đối với chuỗi cung ứng của Trung Quốc theo chính sách COVID-19 không khoan nhượng đầy năng động của nước này.

Với các dây chuyền sản xuất mạnh mẽ đảm bảo việc làm và thu nhập của người lao động ổn định, một số chuyên gia kinh tế cho rằng chiến lược không khoan nhượng sẽ chỉ ảnh hưởng đến 0,6% GDP của Trung Quốc giả sử ảnh hưởng này kéo dài một quý, làm giảm bớt hậu quả của tình trạng tiêu dùng dịch vụ yếu kém ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một sự đánh đổi như vậy cũng khiến phần còn lại của thế giới phải suy ngẫm về tính toán của Trung Quốc về chi phí và những lợi ích của cách tiếp cận "Zero-COVID" năng động của họ trong các khía cạnh xã hội, chính trị và kinh tế.

Các nhà kinh tế chỉ ra rằng ngoài việc mang lại cảm giác về khả năng dự đoán và an ninh cho cuộc sống của người dân, Trung Quốc cũng đang thể hiện trách nhiệm toàn cầu của mình bằng cách đưa vào nguồn lực và chi phí to lớn để đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu thông suốt và giảm bớt áp lực lạm phát.

Raymond Yeung, Trưởng nhóm chuyên gia về kinh tế Đại Trung Quốc tại Tập đoàn Ngân hàng  Australia và New Zealand (ANZ), nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng, "sử dụng dữ liệu về GDP bình quân đầu người tương ứng, chúng tôi thấy rằng tổng GDP trong khu vực rủi ro trung bình và cao chỉ bằng 2,6% tổng GDP của Trung Quốc... Vì vẫn có hoạt động kinh tế ở những khu vực này và khoảng thời gian bị ảnh hưởng thường là 30-40 ngày, ước tính của chúng tôi là tác động kinh tế sẽ chỉ là 0,6% GDP hàng năm.

Nhân viên y tế kiểm tra các mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

ANZ gần đây đã công bố một báo cáo do chuyên gia Yeung chỉ đạo về chi phí kinh tế của phương pháp "Zero-COVID" của Trung Quốc. Báo cáo kết luận rằng chính sách này có tác động hạn chế đến nền kinh tế vì các biện pháp mang tính địa phương và mục tiêu cao.

Một số nhà kinh tế nổi tiếng mà Thời báo Hoàn Cầu tiếp cận đã đạt được sự đồng thuận về những kết quả, một trong những đánh giá có hệ thống đầu tiên về chính sách "Zero-COVID" của Trung Quốc, được đưa ra vào thời điểm mà truyền thông và các chính trị gia phương Tây có nhiều chỉ trích chống lại biện pháp này.

Lưu Thế Cẩm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Toàn Trung Quốc (Chính hiệp Toàn quốc-CPPCC), nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng chính sách "Zero-COVID" là chính sách hiệu quả về chi phí nhất phù hợp với thực tế của Trung Quốc, được chứng minh bằng mức tăng trưởng GDP 8,1% trong năm ngoái, bao gồm chi phí cho các nỗ lực chống dịch.

Chuyên gia Raymond Yeung cho rằng "luôn có rủi ro cho Trung Quốc - quốc gia 1,4 tỷ dân - trong việc áp dụng một cách tiếp cận thay thế vì cuộc sống là vô giá và sự gián đoạn kinh tế có thể còn nhiều hơn nữa," đồng thời cho biết thêm rằng các quốc gia khác đã chứng kiến hàng nghìn đến hàng triệu ca mắc mới hằng ngày.

Hệ quả đối với chuỗi cung ứng toàn cầu

Hồ Kỳ Mục, Trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Tập đoàn Gang thép Trung Quốc (Sinosteel) cho rằng "chính sách này phù hợp về mặt bảo vệ chuỗi cung ứng. Nó đảm bảo rằng sẽ không có sự bùng phát dịch bệnh lây lan rộng khắp đất nước và một đảm bảo một sự tác động tối thiểu đối với sản xuất và đời sống,” đồng thời nhấn mạnh rằng việc kiểm soát chính xác đại dịch cũng cho phép nhà chức trách huy động các nguồn lực xuyên khu vực để hỗ trợ các khu vực bị virus SARS-CoV-2 tấn công.

[Trung Quốc phong tỏa thành phố Bách Sắc do số ca nhiễm mới gia tăng]

Theo các chuyên gia phân tích, từ góc độ dài hạn, điều đó tương đương với một cách gián tiếp hỗ trợ tiêu dùng, những người đã hình dung ra một "vòng tròn đạo đức" trong đó sản xuất ổn định tạo ra nhiều việc làm ổn định và dẫn đến sự gia tăng thu nhập hộ gia đình, cuối cùng thúc đẩy tiêu dùng. Ngành công nghiệp sản xuất là một trong những nguồn chính của thị trường việc làm Trung Quốc. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc, một số trong số đó là các nhà sản xuất, đóng góp khoảng 80% vào việc làm ở thành thị.

Các nhà phân tích cho rằng nếu Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, buông xuôi như các nước khác thay vì chiến đấu chống dịch COVID-19, thì lạm phát toàn cầu sẽ tăng vọt. Điền Vân, Cựu Phó Chủ nhiệm Hiệp hội Hoạt động Kinh tế Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng "nếu chuỗi cung ứng của Trung Quốc sụp đổ, tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ vô cùng lớn. Vì vậy, sự hy sinh của Trung Quốc đối với nền kinh tế của mình là một món hời cho sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu và sự an toàn của người dân Trung Quốc."

Tác động đến tiêu dùng

Theo báo cáo của ANZ, các lĩnh vực hoạt động kém nhất kể từ khi đại dịch bùng phát là các dịch vụ cho thuê và thương mại cũng như khách sạn và dịch vụ ăn uống, chỉ chiếm 4,7% tăng trưởng kinh tế tổng thể của Trung Quốc. Chuyên gia Điền Vân nói rằng chính sách "Zero- COVID" đã hạn chế mức tiêu thụ dịch vụ nhiều hơn mức tiêu thụ hàng hóa, vì các dịch vụ hậu cần cho mạng lưới thương mại điện tử phát triển tốt của Trung Quốc phần lớn vẫn không bị gián đoạn.

Chuyên gia Điền Vân giải thích: "Nó sẽ giáng một đòn mạnh vào tiêu dùng lớn theo định hướng dịch vụ, chẳng hạn như du lịch. Điều tồi tệ hơn là chi tiêu cho dịch vụ của người Trung Quốc đã vượt qua tiêu dùng hàng hóa kể từ năm 2020 và trở thành một động lực tăng trưởng mới." Chuyên gia này nói thêm rằng việc đi lại làm ăn quốc tế cũng bị hạn chế.

Mức tiêu thụ dịch vụ đang giảm dần có thể tạo ra một cú đấm mạnh đối với hoạt động tạo việc làm và khía cạnh cung ứng mới của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho biết, điều đó cũng làm suy yếu sự đóng góp của việc mở rộng thu nhập dân cư vào tiêu dùng, mặc dù mức độ khó đánh giá. Năm 2019, tiêu dùng đóng góp 57,8% vào GDP của Trung Quốc và tiêu dùng dịch vụ chiếm 45,9% chi tiêu trung bình.

Quan Đào, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Công ty Chứng khoán Quốc tế Ngân hàng Trung Quốc (BOC International) và là cựu quan chức cấp cao của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn Cầu ngày 17/2 vừa qua rằng tác động đối với lĩnh vực dịch vụ tổng thể là rất lớn nhưng không phải là "nghiêm trọng" vì đó là một đòn tấn công bị gián đoạn, có tổ chức và có thể dự đoán được và ngắn hạn, hơn là một đòn hủy diệt.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Vương Đan, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Hằng Sinh của Trung Quốc, tính toán rằng dựa trên mức trung bình của 2 triệu việc làm cho 1 điểm phần trăm GDP, 0,6% GDP bị ảnh hưởng bởi chính sách "Zero-COVID" tương đương với 1,2 triệu việc làm. Chuyên gia này cho biết: "Ngành dịch vụ tạo ra nhiều GDP hơn sản xuất, vì vậy hơn 1,2 triệu việc làm đã bị đặt vào tình trạng rủi ro."

Tuy nhiên, Tào Hòa Bình, một nhà kinh tế học tại Đại học Bắc Kinh, đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa cách tiếp cận không khoan nhượng của Trung Quốc và các chính sách "nằm phẳng" chống đại dịch COVID-19 được một số nền kinh tế phương Tây áp dụng. Chuyên gia Tào Hòa Bình cho biết đúng là Trung Quốc sẽ mất một số lao động trong quá trình. Nhưng nhiều việc làm mới được tạo ra đồng thời, cùng với sự tiến bộ của công nghệ. Vì vậy, đó là một quá trình năng động, lưu ý rằng tổn thất việc làm ở phương Tây không giống với việc nó gây ra tổn thất vĩnh viễn và thuần túy.

Ý nghĩa lớn hơn

CNBC đưa tin, hồi tháng Một vừa qua, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói rằng chính sách "Zero-COVID" của Trung Quốc ngày càng giống như một "gánh nặng," đang cản trở sự phục hồi kinh tế cả trong nước và thế giới.

Các nhà kinh tế cho biết cộng đồng quốc tế vẫn còn hiểu lầm về cách tiếp cận "Zero-COVID" của Trung Quốc và đã phóng đại nó như một sự phong tỏa của một tỉnh hoặc thành phố hơn là một khu vực chính xác và cố định hơn, vốn thậm chí có thể nhỏ bằng các khu dân cư.

Các chuyên gia phân tích cho biết, điều quan trọng là các chính trị gia và chuyên gia kinh tế phương Tây phải tính đến sự ổn định xã hội và ý nghĩa chính trị khi tính toán những chi phí và lợi ích của phương pháp này, và họ được kêu gọi nhìn vào cả hai điều "lớn hơn và dài hạn." Ngô Tôn Hữu, Trưởng nhóm chuyên gia dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng “công bằng mà nói, người Trung Quốc đang có một cuộc sống khá hạnh phúc và hầu hết mọi người ở Trung Quốc đều cảm thấy an toàn nhờ chính sách "Zero-COVID."

Khả năng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 nhanh chóng của chính quyền cũng mang lại cho người dân Trung Quốc sự tự tin để làm việc và chi tiêu cho tương lai. Vương Nghĩa Nguy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Các Vấn đề Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn Cầu ngày 17/2 rằng “dòng vốn nước ngoài chảy vào trong thời kỳ đại dịch cũng chứng minh rằng Trung Quốc là nơi đầu tư an toàn trong khi các nước khác vẫn đang trải qua cuộc khủng hoảng COVID-19.

Chuyên gia Vương Nghĩa Nguy cho rằng, uy tín của Chính phủ Trung Quốc với chính sách "đặt người dân lên trên hết," sự chuyển đổi số hóa nhanh chóng và việc đăng cai thành công Thế vận hội Olympic mùa Đông đều đã chứng tỏ giá trị của chính sách chống dịch hiện tại của Trung Quốc nên được tính toán kỹ lưỡng ngoài kinh tế./.