"Trò chơi tung hứng" nguy hiểm trên thị trường dầu mỏ thế giới

Thứ hai, 30/5/2022 | 14:30 GMT+7

Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép buộc tội OPEC thông đồng và thổi giá. Vậy, tại sao chủ đề về dầu mỏ lại gây nhức nhối cho nước Mỹ và cuộc chơi do Mỹ khơi mào lại nguy hại cho thế giới?

Một cơ sở lọc dầu ở Salt Lake City, Utah, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo Tầm Nhìn của Nga số ra mới đây có bài viết cho biết, bên cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin, đến nay đã có thêm Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Saudi Arabia được thêm vào danh sách những tác nhân gây ra tình trạng giá dầu tăng cao ở Mỹ.

Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật cho phép buộc tội OPEC thông đồng và thổi giá. Vậy, tại sao chủ đề về dầu mỏ lại gây nhức nhối cho nước Mỹ và tại sao cuộc chơi do Mỹ khơi mào lại có thể gây nguy hại cho toàn bộ thị trường thế giới?

Động thái của Mỹ

Ủy ban Tư pháp thuộc Thượng viện Mỹ đã thông qua "dự luật chống Cartel" NOPEC (No Oil Producing and Exporting Cartels Act). Theo đó, tài liệu này sẽ cho phép Chính phủ Mỹ đệ trình các vụ kiện chống độc quyền lên tòa án để chống lại các thành viên OPEC và các quốc gia khác có liên quan trong các thoả thuận trên thị trường dầu mỏ. Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực để buộc các nước OPEC phải điều chỉnh giá dầu.

Trước đó, Mỹ đã thất bại trong việc gây áp lực lên OPEC và các đồng minh, gọi là OPEC+, để hạ giá dầu. Giữa cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ đã kêu gọi Saudi Arabia tăng sản lượng dầu nhằm "làm suy yếu nguồn tài trợ" cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, điều này không làm "hài lòng" Saudi Arabia, quốc gia đã đe doạ sẽ cắt giảm đầu tư vào nền kinh tế Mỹ.

Đối với Mỹ, kể từ năm 2021, giá dầu đã rất đắt, và năm nay, "vàng đen" thậm chí có giá hơn 110 USD/thùng. Hơn nữa, giá dầu đang tiến gần tới mốc 120 USD/thùng và có thể tặng thậm chí tới 130 USD/thùng.

Đối với Mỹ, đây là một câu chuyện cực kỳ nhức nhối, bởi vì giá dầu đắt đỏ được giao dịch bằng đồng USD sẽ làm gia tăng lạm phát trong nước và quan trọng nhất là dẫn đến tăng giá xăng, trong khi đây vốn là mặt hàng cực kỳ nhạy cảm đối với người dân Mỹ.

[Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ngăn chặn OPEC+ dàn xếp giá dầu]

Trưởng bộ phận phân tích Amarkets Arten Deev cho biết: "Nếu hai năm trước, một gallon xăng (3,78 lít) có giá 1,75 USD thì bây giờ giá đã tăng lên 5,5 USD. Đây là hệ quả của việc giá dầu tăng cao. Tại Mỹ, giá nhiên liệu rẻ là một ý tưởng quốc gia, niềm tự hào chính của đất nước. Để giá cả tăng mạnh như vậy có nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Đó là lý do tại sao Nhà Trắng đang cố gắng hết sức để bằng cách nào đó tác động đến giá cả, khiến giá dầu đi xuống. Nhưng Mỹ, như thường lệ, đang cố gắng làm điều này bằng chi phí của người khác, trong trường hợp này là chi phí của các nước OPEC+."

Vào tháng Ba, Tổng thống Joe Biden đã công khai cáo buộc Tổng thống Nga thúc đẩy lạm phát. Tổng thống Mỹ tuyên bố: "Phần lớn nguyên nhân gây ra lạm phát là ông Vladimir Putin… Ông Putin đã làm điều này và chúng tôi đang nỗ lực để điều chỉnh nó."

Hiện Mỹ đang tìm kiếm ai đó để đổ lỗi trong số các thành viên của OPEC, tất nhiên, chủ yếu đề cập đến Saudi Arabia và Nga với tư cách là những nhà sản xuất dầu lớn nhất trong tổ chức này.

Những tính toán sai lầm

Trên thực tế, Mỹ dường như đang "bóp méo" bức tranh về những gì đang diễn ra. Rốt cuộc, nguyên nhân chính khiến giá dầu tăng cao là do Mỹ cấm vận dầu của Nga, mà các nhà máy lọc dầu của Mỹ đang vận hành dựa vào dầu này và do cả các lệnh cấm vận dầu của Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị áp đặt cũng do chính Mỹ tác động thúc đẩy. Với những cáo buộc chống lại Nga và Saudi Arabia, chính quyền Mỹ đang cố gắng che giấu những tính toán sai lầm của mình trước cử tri Mỹ.

Nhà nghiên cứu cao cấp của Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Liên bang Nga và là chuyên gia hàng đầu tại Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Stanislav Mitrakhovich nói: "Không thể áp đặt hạn chế đối với nước xuất khẩu dầu lớn nhất, cũng như khí đốt và than đá, rồi mong đợi giá ở mức thấp. Rõ ràng là giá cả sẽ tăng lên."

Thứ hai, những phát biểu về cuộc điều tra chống độc quyền đối với OPEC là một cách gây sức ép tâm lý từ Mỹ. Chuyên gia này cho biết: "Mỹ gửi tín hiệu tới OPEC để tổ chức này hành xử như bình thường - tăng sản lượng nhanh hơn, sau đó họ sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đó."

Ông Mitrakhovich nói thêm: "Về cơ bản, Mỹ đang cố gắng đưa ra luật cho phép họ có quyền làm với Saudi Arabia giống những gì họ đang làm với Nga. Tuy nhiên, họ sợ phải đi quá xa, bởi vì khi đó cả thế giới sẽ hiểu rằng quyền tài phán của Mỹ là rất nguy hiểm... Vậy tại sao lại giao dịch bằng đồng USD?"

Trước đây, Saudi Arabia đã từng ám chỉ với Nhà Trắng rằng nếu NOPEC được thông qua thì nước này sẽ từ chối thanh toán bằng đồng USD khi bán nguyên liệu thô.

Chuyên gia Deev giải thích: "Mọi người đều biết một tài liệu như vậy sẽ khiến Saudi Arabia chống lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ và có thể dẫn đến sự hỗn loạn cũng như biến động giá cả nghiêm trọng trên thị trường. Nếu giả sử rằng tòa án Mỹ kết luận OPEC+ có tội thông đồng, thì các nước thành viên của Liên minh, trước hết là Saudi Arabia, sẽ bị yêu cầu tăng mạnh sản lượng. Điều này sẽ ngay lập tức làm giảm giá nguyên liệu thô trên toàn thế giới, và trước hết là khí đá phiến Mỹ. Chi phí sản xuất dầu ở Mỹ cao hơn nhiều so với Saudi Arabia. Do không thể đoán trước được hậu quả của những thủ tục như vậy đối với giá dầu nên thị trường nguyên liệu thô, thị trường chứng khoán và vốn hoá của các công ty dầu mỏ sẽ bị ảnh hưởng."

Đồng thời, chuyên gia Mitrahovich cho rằng: "Thứ nhất, tổ chức này (OPEC) không kiểm soát toàn bộ thị trường xuất khẩu dầu mà chỉ một phần. Thứ hai, OPEC thực hiện các tính toán công khai và tuyên bố công khai về kế hoạch giảm hoặc tăng sản lượng của các thành viên. Thứ ba, có những mâu thuẫn lớn trong OPEC."

Vào năm 2020, Tổng thống Mỹ đã gọi OPEC là những người bạn tốt vì khi đó, với sự giúp đỡ của ba quốc gia là Saudi Arabia, Nga và Mỹ, họ đã thống nhất được với nhau về việc đưa thị trường dầu mỏ thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Vào mùa Xuân năm 2020, giá dầu ural của Nga giảm xuống còn 10 USD/thùng và giá dầu WTI của Mỹ giảm xuống còn âm 40 USD/thùng. Tuy nhiên, những nỗ lực của ba nhà xuất khẩu dầu lớn nhất đã nhanh chóng ổn định thị trường, gỡ bỏ một phần dầu dư thừa ra khỏi thị trường.

Mỹ là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất và bản thân nước này có thể tăng sản lượng để hạ giá dầu thế giới. Nhưng điều đó không xảy ra.

"Nếu bây giờ là năm 2016 thì với giá dầu như hiện nay, toàn bộ Bắc Mỹ sẽ được khoan các mỏ dầu mới. Nhưng bây giờ điều này đã không xảy ra, bởi vì ông Biden đã tuyên bố một chương trình nghị sự "xanh."

Nhiều ngân hàng đã ký tuyên bố rằng họ sẽ không đầu tư vào các dự án dầu nữa, vì việc khai thác dầu đã trở nên là việc đáng hổ thẹn. Có một loạt các nhà hoạt động đang đệ đơn kiện các công ty dầu mỏ.

Chuyên gia Mitrahovich giải thích rằng việc khai thác dầu ở Mỹ đã trở nên nguy hiểm. Tổng thống Biden đã "loại bỏ" các công nhân dầu mỏ, những người nằm trong số nhân viên bị cắt giảm, bao gồm kỹ sư, vì chương trình nghị sự "xanh" và bây giờ họ ngại đầu tư vào tăng sản lượng. Hơn nữa, rất khó để có được các khoản vay.

Hơn nữa, lực lượng vận động hành lang dầu mỏ ở Mỹ tiếp tục phản đối NOPEC. Việc bán dầu ở mức giá trên 100 USD/thùng cũng mang lại lợi nhuận cho các nhà khai thác dầu Mỹ. Đối với họ cũng như đối với toàn bộ ngành công nghiệp toàn cầu nói chung, điều nguy hiểm là thị trường dầu mỏ được điều tiết và có thể dự đoán là sẽ rơi vào hỗn loạn sau khi văn bản này được thông qua. Các thỏa thuận hiện tại sẽ bị vi phạm và các cuộc chiến giá mới sẽ bắt đầu, điều mà không ai mong muốn.

Chuyên gia Artem Deev kết luận rằng các nhà sản xuất dầu không muốn mạo hiểm với sự ổn định để cung cấp cho người Mỹ giá xăng thấp./.