Quan hệ Australia-Trung Quốc: Khi hai bên cần thực tế hơn

Chủ nhật, 17/7/2022 | 16:24 GMT+7

Tiến sỹ Ye Xue nhận định, ngoại giao bị gạt sang một bên và việc quản lý sai kỳ vọng của hai bên là những nguyên nhân chính đưa quan hệ Australia-Trung Quốc vào vòng xoáy đi xuống trong vài năm qua.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tân Thủ tướng Anthony Albanese đã lãnh đạo Công đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Australia vào tháng 5/2022.

Kể từ thời điểm Công đảng lên nắm chính quyền, dường như có một số dấu hiệu cho thấy mối quan hệ ấm lên giữa Australia và Trung Quốc.

Bài phân tích của Tiến sỹ Ye Xue, chuyên gia các vấn đề quốc tế và chính sách đối ngoại Trung Quốc thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), đăng trên trang mạng internationalaffair.org mới đây đã phân tích về vấn đề này như sau:

Ngày 23/5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gửi một thông điệp chúc mừng ông Albanese được bầu làm thủ tướng Australia. Tháng 6/2022, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc gặp mang tính bước ngoặt tại Đối thoại an ninh Shangri-La 2022 do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế chủ trì.

Cuộc gặp cấp cao này đánh dấu sự kết thúc của 2 năm "đóng băng" ngoại giao giữa Canberra và Bắc Kinh ở cấp bộ trưởng.

Gần đây hơn, Đại sứ mới của Trung Quốc tại Australia, ông Tiếu Thiên, đã phát đi những thông điệp tích cực về quan hệ giữa hai nước khi có bài phát biểu tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS).

Đại sứ Tiếu Thiên nói rằng “nhìn về tương lai, quan hệ Trung Quốc-Australia có tiềm năng hợp tác tốt và triển vọng tươi sáng.”

Tuy nhiên, liệu những sự kiện này có đồng nghĩa với việc mối quan hệ chính trị Australia-Trung Quốc có thể tan băng hay không? Làm thế nào để 2 chính phủ đạt được mối quan hệ mong muốn?

Có lẽ, cả hai chính phủ nên bắt đầu bằng cách quản lý thận trọng các kỳ vọng về nhau và làm việc để giảm thiểu hiểu lầm thông qua các hoạt động ngoại giao trước tiên.

Ngoại giao bị gạt sang một bên và việc quản lý sai kỳ vọng của hai bên là những nguyên nhân chính đưa quan hệ Australia-Trung Quốc vào vòng xoáy đi xuống trong vài năm qua.

Những kỳ vọng phi thực tế của hai bên có thể dẫn đến thất vọng và kéo theo các hoạt động đối thoại sẽ giảm đi.

[“Bước đầu tiên quan trọng” nhằm ổn định quan hệ Trung Quốc-Australia]

Trong thông điệp chúc mừng gửi tới Thủ tướng mới của Australia, Thủ tướng Lý Khắc Cường bày tỏ sự sẵn sàng “thúc đẩy sự phát triển ổn định và vững chắc của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (CPS) Trung Quốc-Australia.”

Mặc dù động thái này có thể đánh dấu thiện chí của Bắc Kinh đối với chính phủ mới ở Canberra, song việc tái kích hoạt mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (CSP) có thể lại là một câu chuyện khác cho cả hai bên trong thời gian tới.

Australia và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược chính thức vào năm 2013 và nâng cấp thành CSP vào năm 2014.

Đối với Trung Quốc, việc nâng cấp này thể hiện một mối quan hệ thân thiết hơn và sau đó, Trung Quốc kỳ vọng cao hơn vào các hành động và vai trò của Australia trong mối quan hệ này.

Do đó, việc nhấn vào CSP Australia-Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng khôi phục các cơ chế ngoại giao song phương hiện đang bị "đóng băng,” bao gồm các kênh đối thoại cấp bộ trưởng, để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.

Trung Quốc cũng cho thấy kỳ vọng của Bắc Kinh rằng Canberra khi đưa ra quyết định cần tính đến mối quan hệ mật thiết với Bắc Kinh, và Trung Quốc có thể xác định các giá trị hoặc thể chế riêng khi tương tác với Australia.

Tuy nhiên, Bắc Kinh nên suy nghĩ lại về kỳ vọng của mình ngay từ đầu và tự hỏi liệu việc có một CSP với một quốc gia như Australia có còn thực tế hay không vì Canberra rõ ràng đã bị Mỹ thu hút khi bị cạnh tranh quyền lực lớn.

Cờ Australia và cờ Trung Quốc. (Nguồn: globaltimes.cn)

Nếu khuôn khổ của CSP thể hiện tầm quan trọng chiến lược của Australia đối với Trung Quốc, Bắc Kinh nên đánh giá lại tầm quan trọng của Canberra. Australia có còn là quốc gia cung cấp cho Trung Quốc khả năng tiếp cận thị trường, nguồn lực và cơ hội đầu tư bền vững không?

Quan hệ ngoại giao xấu đi đã khiến Australia cấm các nhà cung cấp Trung Quốc không tham gia mạng 5G của Australia, giảm đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Australia.

Trung Quốc nỗ lực giảm phụ thuộc khoáng sản vào Australia, chẳng hạn như bằng cách phát triển một trung tâm quặng sắt ở Guinea.

Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược với Mỹ, nhưng điều đó không tự động khiến Australia trở thành đối thủ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Trong một số trường hợp, các lợi ích chiến lược của Australia không thể đạt được nếu không có mối quan hệ tốt với Trung Quốc. Tuy nhiên, Canberra nên từ chối sáng kiến của Bắc Kinh về một CSP một cách khéo léo và kiên quyết.

Canberra không thể cam kết thúc đẩy CSP thông qua đáp ứng các kỳ vọng của Bắc Kinh vì cả môi trường chính trị quốc tế và trong nước đều không cho phép.

Ví dụ, chính phủ mới sẽ khó có khả năng sửa đổi chính sách an ninh khu vực cũng như không ngừng đặt câu hỏi về hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh.

Việc từ chối một CSP không nhất thiết có nghĩa là mối quan hệ với Trung Quốc đang xấu đi. Thay vào đó, đây là điểm khởi đầu để quản lý các kỳ vọng vì điều này cho Bắc Kinh hiểu về loại mối quan hệ mà Australia muốn và giúp cả hai bên giữ khoảng cách an toàn, đồng thời duy trì mối quan hệ bền vững hơn.

Kể từ tháng 11/2020, các quan chức và nhà phân tích chính sách của Australia đã liên tục bày tỏ lo ngại về cái gọi là “14 vấn đề bất đồng” mà Trung Quốc đưa ra trong quan hệ Trung Quốc-Australia.

Theo các chuyên gia Australia, dường như Bắc Kinh đang cố gắng buộc Canberra từ bỏ các lợi ích, giá trị và nền độc lập có chủ quyền của mình.

Một trong những điều quan trọng nhất rút ra từ bài phát biểu của Đại sứ Tiếu Thiên tại Đại học Công nghệ Sydney là ông đã bác bỏ nhận định trên, cho rằng đó chỉ là "14 vấn đề quan tâm của Trung Quốc" trong quan hệ với Australia nhưng đã bị hiểu sai thành các điều kiện tiên quyết hoặc yêu cầu.

Để đáp lại thiện chí của Bắc Kinh, Canberra cũng có thể cần phải điều chỉnh kỳ vọng của mình. Ví dụ, chính phủ của Thủ tướng Albanese có thể phải chấp nhận rằng việc loại bỏ áp lực kinh tế và phải hiểu rằng các biện pháp trừng phạt không phải là điều kiện tiên quyết để nối lại đối thoại cấp bộ trưởng, mà là kết quả của sự "có đi có lại" tích cực./.