Quá trình toàn cầu hóa kiểu mới sẽ mang dáng dấp phương Đông?

Thứ hai, 02/5/2022 | 11:24 GMT+7

Cuộc chiến thương mại, các lệnh trừng phạt của phương Tây chống Trung Quốc trước dịch COVID-19 giờ đây được bổ sung bằng các lệnh trừng phạt cứng rắn với Nga sau khi nước này xung đột với Ukraine.

Người dân Ukraine sơ tán tránh chiến sự tại thành phố Irpin, phía Tây Bắc Kyiv, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng asiatimes.com, một bài báo của các tác giả John Micklethwait và Adrian Wooldridge viết cho Bloomberg mới đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự kết thúc của “thời đại toàn cầu hóa vĩ đại thứ hai.”

Cuộc chiến thương mại và các lệnh trừng phạt của phương Tây chống Trung Quốc trước đại dịch COVID-19 giờ đây được bổ sung bằng các lệnh trừng phạt cứng rắn mà phương Tây áp đặt với Nga sau khi nước này xung đột với Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt này giống như một “bức màn sắt” đang được Mỹ và các đồng minh ở khu vực Á-Âu dựng lên. Tuy nhiên, theo Micklethwait và Wooldridge, bức màn sắt này sẽ không chỉ xoay quanh Trung Quốc và Nga mà còn gây ra những hậu quả sâu rộng trên toàn cầu. Australia và nhiều nước châu Á; trong đó có Ấn Độ và Nhật Bản - vốn là những đồng minh đáng tin cậy của Mỹ - đều không sẵn sàng cắt đứt quan hệ kinh tế và chính trị với Trung Quốc và Nga.

Trong bài báo trên, hai tác giả trên cho biết có 38 nước không bỏ phiếu tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 24/3 về việc lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, vốn “chiếm phần lớn dân số thế giới.” Theo bài báo, nếu thế giới chia đôi, “thời đại toàn cầu hóa vĩ đại thứ hai... sẽ kết thúc trong thảm họa.”

Năm 2000, Micklethwait và Wooldridge đã xuất bản cuốn sách về làn sóng toàn cầu hóa với tựa đề “Một tương lai hoàn hảo: Thách thức và Sự hứa hẹn của toàn cầu hóa.”

Cuốn sách ủng hộ việc tự do hóa thương mại và tài chính, mặc dù các tác giả thừa nhận rằng trong xã hội thị trường tự do mà họ đang làm chủ này, “các doanh nhân là những người được hưởng lợi rõ ràng nhất.”

[Phương Tây trừng phạt tài chính Nga có thể cản trở toàn cầu hóa]

Họ cho rằng sự bất bình đẳng do toàn cầu hóa gây ra sẽ được giảm bớt nhờ những lựa chọn lớn hơn dành cho người tiêu dùng (mặc dù khi bất bình đẳng xã hội gia tăng trong thập niên 2.000, người tiêu dùng chỉ đơn giản là không có tiền để đưa ra lựa chọn). Khi Micklethwait và Wooldridge viết cuốn sách trên, họ đang làm việc cho "The Economist," một trong những tờ báo ủng hộ quá trình toàn cầu hóa mang dáng dấp phương Tây. Hiện Micklethwait và Wooldridge đang làm việc tại Bloomberg, một tiếng nói quan trọng khác của giới tinh hoa doanh nghiệp.

Trong một bài báo viết cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Kenneth Rogoff - Giáo sư tại Đại học Harvard - đã cảnh báo về nguy cơ phi toàn cầu hóa. Ông lưu ý rằng xu hướng trên “chắc chắn sẽ là một cú sốc lớn và tiêu cực đối với nền kinh tế thế giới.”

Giống như Micklethwait và Wooldridge, Rogoff sử dụng từ "thảm họa" để mô tả tác động của quá trình phi toàn cầu hóa. Tuy nhiên, khác với hai tác giả trên, bài báo của Rogoff dường như ngụ ý rằng quá trình phi toàn cầu hóa là kết quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine và có thể chỉ mang tính “tạm thời.”

Ông cho rằng Nga “có vẻ sẽ bị cô lập trong một thời gian dài.” Trong bài viết của mình, Rogoff không đi sâu vào mối quan tâm của người dân nhiều nơi trên thế giới (chẳng hạn như Trung Á và châu Âu) về vấn đề này. Ông lo ngại: “Ảnh hưởng thực sự của toàn cầu hóa sẽ xảy ra nếu thương mại giữa các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc cũng giảm xuống.” Nếu điều đó xảy ra, việc phi toàn cầu hóa sẽ không phải là tạm thời vì các nước như Trung Quốc và Nga sẽ tìm kiếm những con đường khác cho thương mại và phát triển.

Lịch sử lâu đời hơn

Trong những bài báo gần đây, không ai trong số những cây viết trên cho rằng phi toàn cầu hóa - tức là rút lui khỏi quá trình toàn cầu hóa do phương Tây thiết kế - không bắt đầu trong đại dịch hoặc trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Quá trình này bắt nguồn từ cuộc Đại suy thoái 2007-2009. Với sự chững lại của các nền kinh tế phương Tây, cả Trung Quốc và Nga, cũng như các cường quốc kinh tế khác, bắt đầu tìm kiếm những cách thức toàn cầu hóa khác. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc, được công bố vào năm 2013, là một tín hiệu của sự thay đổi này, trong đó Bắc Kinh phát triển các mối liên kết trước tiên với Trung Á và Nam Á, sau đó vượt ra ngoài châu Á và hướng tới châu Phi, châu Âu và Mỹ Latinh.

Người ta nói rằng Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg, một sự kiện ra đời năm 1997, đã trở thành nơi gặp gỡ của các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp Á-Âu, vốn coi cuộc họp này có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức ở Davos, Thụy Sĩ.

Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg năm 1997. (Nguồn: wikipedia.org)

Sau cuộc Đại suy thoái, các quốc gia như Trung Quốc bắt đầu “phi USD hóa” dự trữ tiền tệ của họ. Họ chuyển từ dự trữ chủ yếu bằng đồng USD sang dự trữ đa dạng hơn. Chính động thái này đã làm giảm tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ tiền tệ toàn cầu từ 70% vào năm 2000 xuống còn 59% vào năm 2020. Theo tác giả Tony Norfield, tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối của Nga là 23,6% vào năm 2019 và giảm xuống còn 10,9% vào năm 2021.

Sau khi bị chặn nguồn dự trữ USD vì các lệnh trừng phạt của phương Tây, Ngân hàng Trung ương Nga đã cố gắng đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để “phi USD hóa” dự trữ tiền tệ của nước này, trong đó có việc tạo sự ràng buộc giữa đồng ruble với vàng bằng cách ngăn chặn dòng tiền USD ra nước ngoài; đồng thời yêu cầu người mua nhiên liệu và thực phẩm thanh toán bằng đồng ruble thay vì USD. Khi Mỹ ngày cảng mở rộng mạng lưới trừng phạt sang nhiều quốc gia hơn, các nước này, chẳng hạn như Trung Quốc và Nga, bắt đầu tìm cách xây dựng các cơ chế thương mại không còn phụ thuộc vào các thể chế phương Tây nữa.

Phi toàn cầu hóa dẫn đến một toàn cầu hóa khác

Ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, đã có hiệu lực. Hai năm trước, 15 quốc gia đã nhóm họp trực tuyến với đầu cầu chủ nhà Hà Nội, Việt Nam, để ký hiệp ước này. Các thành viên RCEP bao gồm cả các đồng minh thân cận của Mỹ, chẳng hạn như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các nước phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ, chẳng hạn như Trung Quốc và Myanmar.

RCEP bao phủ 1/3 dân số thế giới, chiếm 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hy vọng RCEP sẽ cứu trợ các nước đang gặp khó khăn để thoát khỏi tác động kinh tế tiêu cực của đại dịch. Các khối như RCEP và các dự án như BRI không đi ngược xu hướng quốc tế hóa thương mại và phát triển. Các nhà kinh tế tại Trường Kinh doanh HKUST ở Hong Kong cho thấy BRI “làm tăng đáng kể dòng chảy thương mại song phương giữa các nước BRI.”

Lượng hàng mà Trung Quốc mua từ các nước BRI đã tăng lên, mặc dù phần lớn số này là trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, thay vì hàng hóa có giá trị cao; mặt khác, xuất khẩu từ Trung Quốc sang các nước BRI vẫn ổn định. ADB ước tính rằng dự án BRI sẽ cần 1.700 tỷ USD/năm để phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á, trong đó có cả các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu.

Đại dịch chắc chắn đã làm đình trệ tiến độ của dự án BRI, trong đó các vấn đề về nợ ảnh hưởng đến nhiều nước do khả năng tận dụng cơ sở hạ tầng BRI của họ thấp hơn công suất vốn có. Các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Pakistan và Sri Lanka một phần liên quan đến sự suy thoái thương mại toàn cầu. Các quốc gia này đóng vai trò không thể thiếu trong dự án BRI. Giá lương thực và nhiên liệu tăng do cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm phức tạp thêm vấn đề đối với các nước ở Nam Bán cầu.

Nhiều nước trên thế giới đang ngày càng khao khát một giải pháp thay thế toàn cầu hóa mang dáng dấp phương Tây, nhưng điều này không nhất thiết phải đồng nghĩa với phi toàn cầu hóa. Đó có thể là một nền tảng toàn cầu hóa không lấy Washington hoặc Brussels làm trung tâm./.