Phán quyết La Haye: Bước ngoặt cho các cuộc tranh chấp ở Biển Đông

Thứ năm, 28/4/2022 | 12:20 GMT+7

Theo một đánh giá về sự ủng hộ quốc tế đối với phán quyết này do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thực hiện, 8 quốc gia đã công khai kêu gọi sự cần thiết phải tôn trọng phán quyết ở La Haye.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp. (Ảnh: Reuters)

Theo trang mạng lowyinstitute.org, khi Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) hồi năm 2016 đưa ra một phán quyết mang tính bước ngoặt đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông, phản ứng của cộng đồng quốc tế đã rất mờ nhạt.

Theo một đánh giá về sự ủng hộ quốc tế đối với phán quyết này do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thực hiện, 8 quốc gia đã công khai kêu gọi sự cần thiết phải tôn trọng phán quyết nói trên, 35 quốc gia đưa ra những tuyên bố ca ngợi phán quyết nhưng không kêu gọi sự cần thiết phải thực thi phán quyết và 8 nước công khai bác bỏ phán quyết.

Xét đến tầm ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao mà Trung Quốc có thể sử dụng và áp đặt, điều ngạc nhiên là số quốc gia phản đối phán quyết này không nhiều hơn.

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện. Mặc dù vậy, Tòa Trọng tài cho rằng cơ quan này có quyền tiến hành xử lý đơn kiện. Mặc dù phán quyết của tòa không mang tính ràng buộc đối với Trung Quốc và Philippines, song phán quyết này rõ ràng đã làm thay đổi môi trường pháp lý quốc tế của những tranh chấp lãnh hải trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn những bất ổn trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) hiện hành.

Vụ kiện được tiến hành dựa trên những điều khoản giải quyết tranh chấp trong Phần XV của UNCLOS. Do đó, phán quyết chỉ có thể xử lý được những vấn đề liên quan đến luật biển này, nhưng không xử lý được vấn đề cốt lõi trong tranh chấp ở Biển Đông, đó là vấn đề chủ quyền đối với những đảo tranh chấp.

[Malaysia khẳng định vai trò luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông]

Điều mà phán quyết làm được là thực sự bác bỏ cái gọi là "Đường 9 đoạn" của Trung Quốc, khẳng định rằng những yêu sách của Trung Quốc đối với vùng lãnh hải này dựa trên những quyền lịch sử là không phù hợp với những quyền được nêu trong UNCLOS.

Phán quyết cũng cung cấp diễn giải pháp lý quốc tế chi tiết đầu tiên đối với cơ chế xác định các đảo, bao gồm vấn đề nổi cộm và gây tranh cãi về việc phân biệt giữa những đảo có đầy đủ những đặc điểm và đặc tính về mặt hàng hải và những đảo mà thực chất chỉ là "đá." Việc diễn giải này đã dẫn đến một kết luận là về mặt pháp lý, tất cả đảo thuộc quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough đều là đá.

Phán quyết hồi năm 2016 nói trên cũng kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền của Philippines ở những vùng lãnh hải ở ngoài bờ biển của Philippines khi cản trở các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân và hoạt động khai thác dầu khí của Manila cũng như xây dựng các đảo nhân tạo, trong khi không thể ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Trung Quốc.

Phán quyết khẳng định rằng Bắc Kinh đã gây ra sự tổn hại nghiêm trọng đối với môi trường đá ngầm hình thành từ san hô, đồng thời vi phạm nghĩa vụ của Bắc Kinh về việc bảo tồn và bảo vệ hệ sinh thái mong manh và môi trường sống của những loài đã bị hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng khi tiến hành các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo. Những hoạt động này đã hủy hoại vĩnh viễn bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các thực thể tranh chấp.

Nếu được thực thi, phán quyết này sẽ cơ bản làm thu hẹp những tuyên bố chủ quyền hàng hải chồng lấn, từ mức chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông trong phạm vi "Đường 9 đoạn" nói trên xuống còn chỉ là những tuyên bố biệt lập và riêng rẽ đối với những vùng lãnh hải thuộc phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo tranh chấp.

Một điều ngày càng trở nên rõ ràng là phần lớn các nước ven biển giờ đây đưa ra tuyên bố chủ quyền của mình dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài. Minh chứng là vào năm 2009 khi Việt Nam đã nộp báo cáo riêng và báo cáo chung với Malaysia về những vấn đề liên quan đến thềm lục địa lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc. Đến tháng 12/2019, Malaysia cũng đã nộp đệ trình của mình về vấn đề thềm lục địa lên ủy ban nói trên.

Tàu Trung Quốc ở Biển Đông. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Từ những minh chứng này, có thể thấy rõ rằng các nước ven biển gồm Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam đều coi phán quyết của Tòa Trọng tài là diễn giải có thẩm quyền của luật quốc tế, rằng những đảo (tranh chấp) ở Biển Đông là đá về mặt luật biển và rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với cái được gọi là "Đường 9 đoạn" là không hợp lệ.

Những minh chứng nói trên không có gì mới mẻ. Tuy nhiên, điều có ý nghĩa ở đây là những quốc gia ven biển nói trên đã và đang ngày càng dựa vào phán quyết của Tòa Trọng tài để củng cố và hậu thuẫn quan điểm của mình.

Trong các tài liệu đệ trình của mình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc, cả Indonesia và Philippines đều viện dẫn trực tiếp phán quyết của tòa, đặc biệt quyết định của tòa rằng không có đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo ra những quyền liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.

Ngoài ra, những nước bên ngoài khu vực quan tâm đến Biển Đông như Mỹ, Anh, Australia, Pháp, Đức và Nhật Bản đều lên tiếng ủng hộ UNCLOS, pháp quyền và phán quyết của Tòa Trọng tài. Do đó, phán quyết hồi năm 2016 giờ đây đã củng cố hơn nữa những tuyên bố chủ quyền của phần lớn các nước ven Biển Đông cũng như quan điểm của các nước ngoài khu vực đối với tranh chấp Biển Đông và đã tác động mạnh mẽ và thực chất đối với môi trường pháp lý quốc tế của các tranh chấp ở Biển Đông.

Tuy nhiên, cảnh báo đáng quan ngại ở đây là Bắc Kinh đã lớn tiếng và một mực phản đối phán quyết này và không có cơ chế nào để phán quyết này có thể được thực thi. Mặc dù vậy, việc các nước ven biển và các nước ngoài khu vực dựa vào phán quyết này để lập luận quan điểm của mình cho thấy những quyết định của Tòa Trọng tài sẽ không đơn thuần "bốc hơi" một cách nhanh chóng như Bắc Kinh mong muốn.

Mọi chỉ dấu đều cho thấy Bắc Kinh sẽ vẫn giữ nguyên những tuyên bố chủ quyền của họ không chỉ đối với tất cả các đảo tranh chấp ở Biển Đông mà còn cả với những vùng lãnh hải thuộc phạm vi "Đường 9 đoạn."

Điều đáng quan ngại là những xung đột và bất đồng về những diễn giải pháp lý và địa lý đối với các đảo và đá ở Biển Đông dường như sẽ tiếp tục là nhân tố thúc đẩy những vụ đối đầu và "chạm trán" vốn vẫn đang diễn ra ở Biển Đông khi các nước ven biển nỗ lực khẳng định quyền tài phán đối với những vùng lãnh hải và tài nguyên biển của họ, trong khi Trung Quốc tiếp tục khẳng định yêu sách chủ quyền đối với khu vực lãnh hải thuộc phạm vi "Đường 9 đoạn"./.