Omicron phơi bày hạn chế trong chính sách "không COVID" của Trung Quốc

Thứ năm, 27/1/2022 | 14:43 GMT+7

Sự hoành hành của các biến thể Delta và bây giờ là Omicron đã làm gia tăng thiệt hại và giảm hiệu quả của chính sách chiến lược không COVID.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20/12/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, trong suốt thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tìm cách đạt được mức độ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng bằng 0 (chiến lược "không COVID.")

Chính phủ Trung Quốc đã theo đuổi mục tiêu này thông qua chính sách “tích cực thanh tẩy” - đóng cửa hầu hết các đường biên giới, phát hiện, cách ly các ca nhiễm và giảm thiểu sự bùng phát các ổ dịch ở trong nước.

Chính sách “tích cực thanh tẩy” này được thực hiện dựa trên việc giám sát bằng kỹ thuật số, xét nghiệm diện rộng và kiểm soát sự đi lại của người dân để có thể sớm phát hiện và giảm sự lây lan của COVID-19.

Sự hoành hành của các biến thể với độ lây nhiễm ngày càng cao trên toàn thế giới, đầu tiên là Delta và bây giờ là Omicron, đã làm gia tăng thiệt hại và giảm hiệu quả của chính sách này.

Những diễn biến mới đây tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, đã phơi bày những mặt tối của chiến lược "không COVID" của Trung Quốc. Thủ phủ cổ kính với 13 triệu dân này đã trải qua hơn 3 tuần phong tỏa nghiêm ngặt.

Người dân không được phép rời khỏi nhà vì bất kỳ lý do nào ngoài đi xét nghiệm, và phải sống nhờ vào các dịch vụ giao đồ ăn và các nhu yếu phẩm khác.

Đầu tháng này, tình hình còn trở nên tồi tệ đến mức người dân phải chia sẻ lên mạng xã hội các câu chuyện về những khó khăn mà họ gặp phải để nhận được thực phẩm, đồ vệ sinh cá nhân hay dịch vụ y tế khẩn cấp.

Trong một đăng tải được nhiều người chia sẻ nhất trên mạng xã hội Weixin và sau đó đã bị xóa vì “có những vi phạm về nội dung,” nhà báo độc lập Jiang Xue viết: “Chợ đóng cửa, các kênh phân phối và hậu cần của thành phố bị ngừng lại hết. Tại thành phố lớn có tới 13 triệu dân này, người ta làm sao có thể chỉ phụ thuộc vào các nhân viên là thường dân/hay còn gọi là các tình nguyện viên để giao thức ăn đến cửa nhà trong một thời gian ngắn.”

[Biến thể Omicron thách thức chiến lược Zero COVID của Trung Quốc]

Ngày 3/1, một triệu người dân tại thành phố Vũ Châu, tỉnh Hà Nam, đã bị áp đặt lệnh phong tỏa sau khi phát hiện 3 ca nhiễm mới. 5 triệu người dân tại thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, cùng 14 triệu người ở Thiên Tân cũng phải trải qua một đợt xét nghiệm diện rộng và các biện pháp phong tỏa từng phần đã được áp dụng tại cả hai thành phố này.

Tình hình tại Thiên Tân đặc biệt nhạy cảm bởi thành phố này chỉ nằm cách thủ đô Bắc Kinh 100km, là nơi sẽ diễn ra Thế vận hội mùa Đông vào tháng Hai tới.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, Thiên Tân cũng là nơi biến thể Omicron xuất hiện lần đầu tiên từ nước ngoài vào, sau đó lan sang Quảng Châu, Trường Sa và Thâm Quyến.

Bất chấp những cái giá quá lớn về kinh tế, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn tiếp tục củng cố cách tiếp cận hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh có những phát hiện mới đây rằng các loại vaccine của Trung Quốc hầu như không có tác dụng chống lại biến thể Omicron.

Trung Quốc gần như đã ngăn chặn được sự lây lan mạnh mẽ của virus tốt hơn các nước khác, nhưng chính sách cách ly hàng triệu người để kiềm chế những ổ dịch nhỏ là một cách tiếp cận quá mạnh tay nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Nó không chỉ gây tổn thất về kinh tế, mà tại một số khu vực như là Tây An, các biện pháp phong tỏa, hạn chế còn được áp dụng theo phương thức hà khắc, qua đó gây ra tình trạng thiếu thốn tạm thời và kích động sự phẫn nộ của dân chúng đối với các cơ quan chính quyền, đặc biệt là ở cấp địa phương.

Để đối phó với những chỉ trích ngày càng tăng từ bên trong và bên ngoài, Trung Quốc đã tìm cách định hình một câu chuyện tích cực về chiến lược "không COVID" của Trung Quốc bằng cách nhấn mạnh lợi ích tập thể của nó, đồng thời kiểm soát thông tin về tình hình trong nước Trung Quốc và thay đổi định nghĩa về sự thành công trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2.

Mùa của sự hy sinh

Trong thông điệp mừng Năm Mới, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc lại những thành tựu của Trung Quốc trong năm 2021, trong đó có sự đối phó mạnh mẽ và đoàn kết của toàn dân tộc chống đại dịch.

Ông ca ngợi sự “chăm chỉ và cống hiến của vô số những người hùng vô danh” nhấn mạnh những hy sinh mà người dân phải làm để đạt được mục tiêu "không COVID."

Như một phần trong nỗ lực tiến càng gần đến mục tiêu "không COVID" càng tốt để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa Đông, chính phủ đã yêu cầu hàng triệu người dân phải cách ly trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán và Lễ hội mùa Xuân từ ngày 31/1-6/2.

Tháng 12/2021, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) còn công bố “Kế hoạch Hành động nhằm Kiểm soát COVID-19 trong dịp Năm Mới và Lễ hội mùa Xuân.” Ngoài việc đẩy mạnh các biện pháp ngăn ngừa những ca nhiễm nhập cảnh từ nước ngoài, kế hoạch còn nhấn mạnh việc củng cố công tác kiểm soát sự đi lại của người dân.

Kế hoạch làm việc của NHC cấm người dân ở các vùng có nguy cơ cao và vừa đi du lịch trong kỳ nghỉ, và cực lực khuyến cáo người dân tại các thành phố ở bất kỳ mức độ nguy cơ nào đều phải ở yên trong nhà. Các lễ hội tôn giáo, các buổi biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, quảng cáo bị cấm, còn các buổi họp mặt gia đình chỉ được giới hạn không quá 10 người.

Những câu chuyện tích cực

Trung Quốc vẫn luôn nhấn mạnh rằng cách tiếp cận "không COVID" của họ là hình mẫu thể hiện sự vượt trội về mặt hệ thống của nước này. Chẳng hạn, một bài viết mới đây trên báo Cầu Thị cho biết việc Trung Quốc sẵn sàng “tạm dừng” tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn đại dịch cho thấy trách nhiệm của họ đối với sức khỏe và hạnh phúc của tất cả người dân.

Các tác giả của bài viết lập luận rằng điều này thể hiện sự vượt trội của những giá trị tập thể của Trung Quốc so với những giá trị mang tính cá nhân của các nước phương Tây, vốn ưu tiên những lợi ích vật chất hơn so với sự lợi ích chung.

So sánh cách đối phó dịch bệnh giữa Trung Quốc và Mỹ là một chủ đề thường xuyên trên các phương tiện truyền thông chính thống. Tháng 11/2021, một bài báo của Tân Hoa xã cho biết Mỹ đã mất hơn 754.000 sinh mạng vì COVID-19, và tuyên bố rằng “Trung Quốc đại lục chưa báo cáo một ca tử vong nào kể từ tháng 1/2021” và tất cả “các đợt bùng phát khu vực quy mô nhỏ ở Trung Quốc trong những tháng qua đều là do các ca nhập khẩu từ nước ngoài.”

Ngoài việc tâng bốc thành công của chiến lược "không COVID", chính phủ Trung Quốc còn dập tắt những thông tin trên mạng có xu hướng đi ngược lại diễn ngôn chính thức của quốc gia về tình hình y tế công trong nước.

Đánh tráo khái niệm

Khi biến thể siêu lây nhiễm Omicron tràn lan trên khắp thế giới vào tháng 12/2021, giới chức y tế tại Trung Quốc bắt đầu hạ thấp tiêu chuẩn thành công của chính sách “tích cực thanh tẩy.”

Tại cuộc họp báo ngày 11/12/2021 của Cơ chế Kiểm soát và Phòng ngừa chung thuộc Hội đồng Nhà nước, Liang Wannian - người đứng đầu một nhóm chuyên gia của chính phủ - tuyên bố rằng chính sách “tích cực thanh tẩy” và “không có ca nhiễm” là không giống nhau.

Theo ông, việc ngăn ngừa tất cả mọi ca nhiễm là không thể nhưng những can thiệp kịp thời và chủ động trong xã hội và lĩnh vực y tế công được thực hiện theo chính sách “tích cực thanh tẩy” là cần thiết để “nhanh chóng xác định các cụm ca nhiễm và dập dịch.”

Kết luận

Bất chấp sự lo ngại ngày càng gia tăng ở trong và ngoài nước, Trung Quốc dường như vẫn cho rằng cách tiếp cận "không COVID" của họ là một lựa chọn khả thi trong ngắn hạn để chống lại sự lây lan của Omicron.

Hệ quả là, các đường biên giới của Trung Quốc hầu như sẽ vẫn đóng chặt cửa với du khách nước ngoài trong suốt cả năm 2022. Để duy trì tỷ lệ ca tử vong thấp của Trung Quốc trước những biến thể có độ lây nhiễm mạnh hơn, nhà nước sẽ duy trì hoặc thậm chí tăng cường các biện pháp hạn chế, khuyến nghị người dân hạn chế đi lại và bắt thêm nhiều người phải cách ly tập trung hơn.

Như một lời diễn đạt hiếm hoi thể hiện sự hối tiếc chính thức từ Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan và các cuộc điều tra chính thức về các sự cố gần đây tại Tây An cho thấy, các chính sách hiện nay cũng khiến Trung Quốc phải trả những cái giá ở trong nước.

Tuy nhiên, bất chấp những thiệt hại nặng nề về kinh tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ đặt sự ổn định đất nước lên trên hết và vì vậy, khó có khả năng ông sẽ nới lỏng các hạn chế và mạo hiểm với một làn sóng COVID-19 lớn nữa./.