Những khác biệt trong chia rẽ hệ tư tưởng chính trị ở Hàn Quốc

Thứ bảy, 23/4/2022 | 11:54 GMT+7

Những người bảo thủ ở Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào việc tăng cường quan hệ với Mỹ và nhấn mạnh sự cần thiết phải buộc Triều Tiên từ bỏ sức mạnh quân sự thông qua trao đổi các thỏa thuận kinh tế.

Người dân tại Cung điện Gyungbok (Cung Cảnh Phúc) ở Hàn Quốc. (Ảnh: Anh Nguyên/TTXVN)

Chia rẽ ý thức hệ giữa chủ nghĩa tự do và bảo thủ là rất rõ ràng ở Hàn Quốc cũng như ở hầu hết các quốc gia dân chủ, song thực tế tại Hàn Quốc lại mang những nét rất khác biệt.

Báo The Korea Herald đã có bài viết phân tích về vấn đề này, nội dung như sau:

Giới học giả cho rằng những khác biệt về tư tưởng chính trị phần lớn do nền tảng lịch sử và địa chính trị độc đáo của Hàn Quốc tạo ra trong quá trình hình thành các hệ tư tưởng chính trị ở quốc gia Đông Bắc Á này. Vậy điều gì tạo nên sự bảo thủ hay tự do ở Hàn Quốc và sự chia rẽ ý thức hệ này đã có những thay đổi như thế nào trong những năm qua.

Kể từ khi Hàn Quốc thành lập vào năm 1948 và cho đến những năm gần đây, một trong những điểm khác biệt chính giữa những người bảo thủ và tự do là ưu tiên của họ trong việc tiếp cận vấn đề Triều Tiên.

Kể từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, trải qua quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, người Hàn Quốc đã phát triển hai luồng tư tưởng khác nhau rất lớn về những gì đất nước nên làm với người láng giềng gần gũi nhất nhưng lại thù địch ở phương Bắc.

Mặc dù họ đã được chứng kiến và giáo dục như nhau, nhưng cách họ phản ứng là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định xem ai là người theo chủ nghĩa tự do và ai là người theo chủ nghĩa bảo thủ.

Những người bảo thủ ở Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào việc tăng cường quan hệ với Mỹ và nhấn mạnh sự cần thiết phải buộc Triều Tiên từ bỏ sức mạnh quân sự thông qua trao đổi các thỏa thuận kinh tế.

Họ ủng hộ việc duy trì lập trường cứng rắn và chi tiêu quân sự lớn hơn, đồng thời tin rằng Mỹ là quốc gia đáng tin cậy trong việc hướng tới thống nhất vì người Mỹ đã đứng bên cạnh Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên.

Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa tự do tin tưởng vào khả năng tác động lan tỏa trong việc tiếp cận Triều Tiên, có nghĩa là họ mong đợi sẽ thực hiện các bước tiến tới thống nhất bằng cách cung cấp viện trợ để khuyến khích hợp tác liên Triều.

Một số người theo chủ nghĩa tự do đã phản đối việc Mỹ tiếp tục hiện diện quân sự ở Hàn Quốc, coi đây là trở ngại trong nỗ lực xây dựng hòa bình thực sự giữa hai miền Triều Tiên.

“Chính sách Ánh dương" dưới thời chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung là một ví dụ về cách tiếp cận tự do hướng tới hòa bình với Triều Tiên. Ý tưởng này là cách để mở ra các cuộc đàm phán hợp tác kinh tế, văn hóa và chính trị.

Một số nhà hoạt động tích cực theo phe tự do trước đây bị kỳ thị vì tổ chức các hoạt động ủng hộ Triều Tiên, nhưng sau khi cơ sở ủng hộ của họ bị sụp đổ - đáng chú ý là sau khi Đảng Tiến bộ hợp nhất bị giải thể - sự kỳ thị này cũng dần được gỡ bỏ.

[Chính sách đối ngoại "hai không, một có" của Tổng thống Hàn Quốc]

Sự khác biệt trong ý thức hệ còn được thể hiện trong quan điểm của người Hàn Quốc nhìn nhận phong trào của các nhà hoạt động trong các chế độ độc tài quân sự. Phong trào dân chủ ở Hàn Quốc được dẫn dắt bởi các cuộc biểu tình quy mô lớn do các nhà hoạt động trẻ tổ chức trong giai đoạn từ năm 1961-1988 dưới thời chính quyền của Tổng thống Park Chung-hee và Chun Doo-hwan.

Những người tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống chế độ độc tài chiếm một lượng lớn trong số người ủng hộ tư tưởng tự do. Hầu hết những người ủng hộ này là cử tri ở độ tuổi 40 và 50, và như đã thấy trong cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất, những cử tri này tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với Đảng Dân chủ (DP) - đảng cầm quyền ở Hàn Quốc.

Không phải những người bảo thủ chống lại những phong trào này, nhưng có một khoảng cách về tuổi tác rõ ràng xuất hiện giữa những người ủng hộ chủ chốt của phe bảo thủ hiện do Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) lãnh đạo.

Những người có lập trường vững chắc ủng hộ đảng bảo thủ thường ở độ tuổi 60 trở lên, hầu hết trong số họ từng trải qua cảnh nghèo đói sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Những người này ưu tiên tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng cao hơn các vấn đề khác, và vì thế, họ đặc biệt ghi nhận công lao của chính quyền Tổng thống Park Chung-hee trong quá trình tăng trưởng kinh tế đột phá và đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói.

Những người bảo thủ có xu hướng thân thiện đối với các tập đoàn kinh tế trong khi những người theo chủ nghĩa tự do lại ưu tiên người lao động và quyền lợi của tầng lớp bình dân. Tuy nhiên, hầu hết các chính quyền trong quá khứ - theo chủ nghĩa tự do hay bảo thủ - cuối cùng đã chuyển sang thân thiện với doanh nghiệp vì mục tiêu tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Xu hướng chính trị trong tương lai của Hàn Quốc sẽ thay đổi khi những năm gần đây, lớp cử tri mới ở độ tuổi 20 và 30 gia tăng mạnh và nhóm đối tượng này có xu hướng tránh xa quan điểm trung thành về ý thức hệ và có những ưu tiên khác ngoài an ninh quốc gia và tiến trình dân chủ hóa.

Các chuyên gia phân tích cho rằng sự gia nhập của nhóm đối tượng này đã giúp Hàn Quốc nhận thấy sự thay đổi trong chia rẽ ý thức hệ theo cách thức đã diễn tiến ở Mỹ. Nhóm cử tri mới này được giáo dục tốt và có niềm tin của riêng họ về điều gì tạo nên nền chính trị tốt.

Ngày nay, những người bảo thủ và tự do buộc phải trả lời các câu hỏi về loại chiến lược mà họ có trong đầu khi tiếp cận các vấn đề chi tiết hơn như xung đột giới, khủng hoảng nhà ở, thị trường lao động và mức độ tham gia của chính phủ trong các vấn đề xã hội, dân sinh...

Các chuyên gia nhận định đảng PPP ở Hàn Quốc hiện nay ngày càng giống đảng Cộng hòa của Mỹ, trong khi đảng Dân chủ bắt đầu giống đảng có cùng tên ở Mỹ./.