Ngày 3/6, một số phương tiện truyền thông đưa tin tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc Type 003 sẽ được hạ thủy và dự kiến chính thức hoạt động vào năm 2023-2024, đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong sự phát triển của hạm đội và các lực lượng vũ trang Trung Quốc nói chung.
Cùng lúc đó, dư luận xôn xao trước những hình ảnh về các máy bay không người lái trên tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, Sơn Đông, được lan truyền trên mạng những ngày gần đây.
Nhà quan sát quân sự Nga Vasily Kashin chia sẻ với phóng viên Đài Sputnik rằng tàu Type 003 sẽ trở thành tàu sân bay phi hạt nhân lớn nhất trong lịch sử, thế chỗ tàu sân bay Mỹ lớp Kitty Hawk, được đóng vào những năm 1960.
Bước tiến nhảy vọt
Về mặt kỹ thuật, việc Trung Quốc đóng tàu Type 003 là một bước tiến lớn so với 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, 2 tàu cũ và được cải tạo lại, dựa trên dự án 1143.5 của Liên Xô cũ.
Những con tàu này không được trang bị máy phóng để máy bay cất cánh mà sử dụng cầu trượt.
Việc sử dụng cầu trượt giúp giảm giá thành của những con tàu như vậy và đơn giản hoá thiết kế. Tuy nhiên, điều này đổi lại sẽ hạn chế trọng lượng cất cánh của máy bay chiến đấu và cũng không thể đồng bộ triển khai các loại máy bay đặc biệt như máy bay cảnh báo sớm.
[Tương lai phát triển của các nền tảng tàu sân bay trên toàn cầu]
Tàu sân bay Type 003 được coi là "bước tiến nhảy vọt" của Bắc Kinh trong nỗ lực trở thành siêu cường toàn cầu.
Tàu sân bay sắp được hạ thủy được cho là có lượng choán nước từ 85.000-100.000 tấn, thân tàu dài khoảng 300m, trong khi sàn đáp có thể có chiều rộng 78m.
Con tàu sẽ dài hơn và rộng hơn nhiều so với những “người tiền nhiệm.” Đây cũng là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sử dụng hệ thống CATOBAR - cất cánh bằng máy phóng nhưng hạ cánh bằng dây hãm, giúp máy bay có thể cất cánh và hạ cánh trên boong với quãng đường ngắn nhất, trong thời gian nhanh nhất - cùng máy phóng điện từ (EM).
Dự kiến, Type 003 sẽ được đặt tên là Giang Tô, phù hợp với quy định đặt tên tàu theo các tỉnh ven biển từ Bắc vào Nam.
Việc được trang bị 3 máy phóng điện từ tân tiến đánh dấu việc Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới, ngoài Mỹ, có khả năng sản xuất thiết bị tương tự.
Tại Mỹ, máy phóng điện từ là một công nghệ mới và cũng chỉ mới được trang bị trên tàu sân bay mới nhất Gerald Ford.
Máy phóng điện từ nhẹ hơn và dễ bảo trì hơn máy phóng hơi nước truyền thống. Quan trọng hơn, do khả năng tăng tốc mượt mà hơn, việc sử dụng sẽ giảm hao mòn cấu trúc của máy bay hoạt động trên tàu sân bay.
Trung Quốc đang phát triển lò động lực hạt nhân cho tàu sân bay và có kế hoạch chuyển sang đóng tàu sân bay hạt nhân trong tương lai.
Hệ động lực của Type 003 được coi là rất sáng tạo. Có nguồn tin cho biết tàu này sử dụng công nghệ động cơ đẩy điện tích hợp (IEP), có nghĩa hệ động lực sẽ không có kết nối trực tiếp với trục chân vịt mà sẽ hoạt động như một máy phát điện, cung cấp năng lượng cho các tải trọng tiêu thụ khác nhau, bao gồm động cơ chân vịt, vũ khí, máy phóng...
Cả máy phóng điện từ và động cơ điện tích hợp đều là những công nghệ tiên tiến, song vẫn tiềm ẩn rủi ro kỹ thuật đáng kể. Không thể loại trừ khả năng sau khi đưa tàu sân bay Type 003 vào hoạt động, Trung Quốc sẽ cần một thời gian dài thử nghiệm và khắc phục sự cố.
Việc tàu sân bay Type 003 sử dụng hệ động lực phi hạt nhân có thể là một lợi thế khi được sử dụng ở những vùng xa xôi trên thế giới, vì một số quốc gia hạn chế sự hiện diện của tàu sân bay hạt nhân trong vùng biển và ngăn chúng vào cảng của mình.
Quan trọng nhất, một con tàu như vậy sẽ gia tăng đáng kể khả năng của hạm đội Trung Quốc trong bất kỳ kịch bản hoạt động quân sự nào ở Tây Thái Bình Dương. Khả năng mang theo máy bay cảnh báo sớm đặc biệt có giá trị.
Con tàu cũng có thể được sử dụng trong trường hợp xảy ra xung đột ở Eo biển Đài Loan, với mũi tấn công nhằm vào bờ biển phía Đông.
Trong tương lai, kinh nghiệm thu được trong quá trình chế tạo và vận hành Type 003 sẽ đóng vai trò quan trọng trong chương trình phát triển các tàu sân bay hạt nhân mạnh mẽ hơn nữa của Trung Quốc.
Nhân tố quan trọng
Trong một diễn biến khác, hình ảnh đã xuất hiện trên mạng cho thấy nhiều ví dụ về ít nhất hai loại máy bay không người lái thương mại hoặc phái sinh khác nhau với khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng trên boong tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc.
Hiện chưa rõ bối cảnh chính xác của những bức ảnh này, song giới quan sát cho rằng đây là thực tế phản ánh những nỗ lực ngày càng tăng của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc nhằm phát triển và khai thác nhiều loại máy bay không người lái khác nhau, bao gồm cả những máy bay có thể hoạt động phối hợp và thường hướng tới các vũ khí đa nhiệm trong lĩnh vực hàng hải.
Những hình ảnh kể trên có ý nghĩa quan trọng, bởi chúng phản ánh thực tế về các thông tin liên quan tới những gì thường được mô tả là thiết kế có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL).
Máy bay không người lái thuộc loại này về cơ bản có cấu hình cánh cố định và hoạt động như thông thường khi vận hành theo phương ngang, song được trang bị cánh quạt dưới cánh với các cánh quạt ở mỗi đầu.
Đây không phải là lần đầu tiên Hải quân PLA để lộ những hình ảnh về máy bay không người lái VTOL.
Năm 2019, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin về một cuộc thử nghiệm liên quan đến việc sử dụng một phiên bản của Sea Cavalry SD-40, do công ty Xiamen Hanfeiying Aviation Technologies và Xiamen Han’s Eagle Aviation Technology, nâng cấp từ tàu khu trục Type 052C.
SD-40 có cánh quạt đẩy và đuôi kép, song không giống với bất kỳ thiết kế nào được thấy trong các bức ảnh về máy bay không người lái trên tàu Sơn Đông.
Thực tế cuộc thử nghiệm năm 2019 của SD-40 cho thấy PLAN cũng quan tâm đến việc triển khai máy bay không người lái VTOL trên tàu để hỗ trợ các hoạt động phi huấn luyện.
Những hệ thống không người lái này mang lợi ích tiềm năng rõ ràng cho các tàu sân bay như Sơn Đông, như cung cấp tính năng theo dõi xung quanh con tàu để chống lại nhiều loại mối đe dọa khác nhau hoặc nói đơn giản là tăng cường khả năng nhận thức trong các tình huống khác nhau.
Nhiều loại máy bay không người lái ngày càng được trang bị nhiều năng lực là phần quan trọng của các cuộc xung đột trong tương lai mà Trung Quốc có thể tham gia, dù những cuộc xung đột này do lực lượng Trung Quốc hay các bên khác chủ đạo.
Nhiều cuộc chiến mà Không quân Mỹ kích động hoặc phải đáp trả trong những năm gần đây đã cho thấy phi đội máy bay không người lái tương đối nhỏ dù chỉ hoạt động với nhiệm vụ trinh sát cũng đã mang lại lợi thế quyết định cho Mỹ và các đồng minh cũng như đối tác của họ trong các kịch bản bảo vệ Đài Loan trước nguy cơ từ Trung Quốc.
Cho dù hoàn cảnh cụ thể đằng sau việc triển khai hàng loạt máy bay không người lái trên tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc là như thế nào, thực tế càng nhấn mạnh mức độ quan trọng của các nền tảng không người lái đối với các cuộc xung đột trong tương lai, kể cả trong lĩnh vực hải quân cũng như mối quan tâm của PLA trong việc chiếm vị thế quan trọng khi nói đến nỗ lực cải thiện các năng lực này./.