Năng lượng hạt nhân dân dụng trở thành mục tiêu nhưng cũng là vũ khí

Chủ nhật, 03/4/2022 | 20:00 GMT+7

Nhật báo Le Monde đã có nhận xét như vậy khi dự báo về một kỷ nguyên mà thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ hạt nhân dân dụng vừa là mục tiêu tấn công, đồng thời cũng trở thành một thứ vũ khí.

Pháo sáng rơi xuống nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine ngày 4/3/2022. (Ảnh: Reuters)

Việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và nhà máy điện Zaporizhzhia bị tấn công đã làm dấy lên nỗi sợ hãi mang màu sắc nguyên tử.

Chưa bao giờ có xung đột cường độ cao nổ ra ở một quốc gia hạt nhân. Nhật báo Le Monde số ra gần đây đã có nhận xét như vậy khi dự báo về một kỷ nguyên mà thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ hạt nhân dân dụng vừa là mục tiêu tấn công, đồng thời cũng trở thành một thứ vũ khí.

Theo báo này, việc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đang làm dấy lên nhiều lo lắng. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt lực lượng răn đe của mình trong tình trạng báo động chỉ ba ngày sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Bên cạnh đó, các tòa nhà ở nhà máy điện Zaporizhzhia đã bị tấn công vào đêm 3/3 rạng sáng 4/3, nhưng không ảnh hưởng đến khu vực lò của cơ sở hạt nhân lớn nhất châu Âu này. Liệu đây là hành động có tính toán hay chỉ là sự nhầm lẫn?

Thêm vào sự kiện này là việc hệ thống giám sát từ xa vật liệu hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ngừng hoạt động sau khi cơ sở hạt nhân này bị người Nga kiểm soát, giống như Zaporizhzhia, và điều đó đã ngăn cản Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) không thể tiếp cận được các dữ liệu. Tiếp đó là vụ đánh bom Viện Vật lý Kharkov, nơi có một lò phản ứng nghiên cứu.

Những sự cố nghiêm trọng này đã khơi dậy mối lo tiềm ẩn về sự rò rỉ phóng xạ vào bầu khí quyển và nguy cơ cuộc chiến căng thẳng sẽ làm tăng sự đối đầu về năng lượng hạt nhân. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bi kịch hóa khi khẳng định rằng một vụ nổ nhà máy điện "là dấu chấm hết cho mọi thứ, là sự tận cùng của châu Âu." Sau sự cố ở Zaporizhzhia, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cũng đã gọi tình huống này là "chưa từng có tiền lệ" và "cực kỳ đáng lo ngại."

[Nga thông báo kiểm soát hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia]

Mặc dù ông Putin đảm bảo với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng ông "không có ý định" tấn công các địa điểm hạt nhân, nhưng các động thái kể trên không thể loại bỏ được mối nghi ngờ này. Cuộc xung đột đã cho thấy sự nguy hiểm của năng lượng hạt nhân trong thời kỳ chiến tranh. Kể từ khi đưa vào vận hành các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào những năm 1950, không có cuộc xung đột cường độ cao nào nổ ra ở một quốc gia hạt nhân.

Ukraine vận hành 15 lò phản ứng trải rộng trên 4 địa điểm để sản xuất một nửa sản lượng điện, chưa kể các trung tâm nghiên cứu nguyên tử và kho chứa chất thải phóng xạ. Nga muốn kiểm soát tất cả các cơ sở này, vốn rất phụ thuộc vào công nghệ và nhiên liệu của Nga.

Vũ khí gây sức ép

Việc cố ý ném bom lò phản ứng vẫn là kịch bản xấu nhất nhưng cũng là ít khả năng xảy ra nhất. Các chuyên gia lo ngại nhiều hơn về việc mất nguồn cấp điện dẫn đến mất khả năng làm mát tâm lò. Họ cũng lo ngại về nguy cơ chất lượng quản lý các cơ sở này bị ảnh hưởng do nhân viên phải chịu nhiều áp lực, hoặc khó khăn trong việc vận chuyển thiết bị thay thế trong trường hợp có sự cố. An toàn xung quanh các nhà máy điện hạt nhân là cũng là điều kiện tối quan trọng để chúng vận hành an toàn.

Vụ gây sức ép hạt nhân dân sự được giả định này sẽ mang lại nhiều hậu quả đối với Nga, mặc dù ngành công nghiệp hạt nhân của họ cho đến nay không phải chịu sự trừng phạt của châu Âu, như dầu và khí đốt. Đất nước này sẽ mất đi phần nào uy tín lấy lại được sau thảm họa Chernobyl (1986), một dấu mốc cho sự tan rã của Liên Xô và những lựa chọn công nghệ kém về an toàn. Ông Putin đã không chỉ khôi phục lại được hình ảnh của Nga và còn đạt được hai mục tiêu: tăng tỷ trọng điện hạt nhân và xuất khẩu các nhà máy của Nga ra bên ngoài khuôn khổ các "nước anh em" trước đây - một biện pháp để mở rộng ảnh hưởng địa kinh tế của Nga.

Ở thời kỳ phục hưng đó, ông Sergey Kirienko có vai trò rất quan trọng. Cho đến năm 2016, ông đã lãnh đạo Rosatom, được thành lập vào năm 2007 trên đống đổ nát của Bộ Năng lượng Nguyên tử. Với 250.000 nhân viên và 300 công ty, có mặt trong mọi lĩnh vực của nguyên tử bao gồm cả các hoạt động quân sự, tập đoàn đã khẳng định vị thế nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, trước các đối thủ Mỹ, Nhật, Pháp, Hàn Quốc và Trung Quốc.

(Nguồn: AP)

Công ty Năng lượng Hạt nhân Pháp nhấn mạnh: "Rosatom chiếm một thị phần đáng kể trên thị trường bằng cách tích cực tham gia vào 17 công trình xây dựng và 25 dự án trên khắp thế giới." Các biện pháp trừng phạt có thể hạn chế tham vọng quốc tế của họ, ngay cả khi tập đoàn chủ yếu xuất khẩu lò phản ứng, nhiên liệu và dịch vụ cho các quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Nga như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Hungary, Armenia, Belarus, Uzbekistan, Bangladesh… Một "át chủ bài" khác là họ bảo đảm cho 36% lượng uranium làm giàu và cung cấp 18% nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân.

Lãng phí nguồn vốn giá trị

Nga có nguy cơ phung phí nguồn vốn quý giá cho nền kinh tế của quốc gia và ảnh hưởng chính trị của mình. Cùng với công nghiệp quốc phòng, điện hạt nhân dân dụng là một trong số ít lĩnh vực mà Nga có thể "tỏa sáng" trong xuất khẩu.

Nếu Thủ tướng Viktor Orban của Hungary đã khẳng định các hợp đồng với Rosatom, thì một ngày trước cuộc xung đột tại Ukraine leo thang, Phần Lan đã công bố một bản "đánh giá rủi ro" đối với đơn đặt hàng của họ khi đặt Nga xây dựng một nhà máy điện hạt nhân.

Ba Lan, các nước Baltic và Cộng hòa Séc từ lâu đã từ bỏ việc dựa vào người láng giềng hùng mạnh của họ, chỉ còn các quốc gia Đông Âu khác đang bị ràng buộc bởi di sản công nghiệp từ thời Liên Xô cũ.

Giờ đây một câu hỏi được đặt ra: làm thế này để bảo vệ những địa điểm có rủi ro cao đó? Đối mặt với tình huống chưa từng có này, các biện pháp bảo vệ mang tính pháp lý là rất mong manh. Năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên thông qua nghị quyết về bảo vệ “cơ sở hạ tầng quan trọng," bao gồm cả các nhà máy điện hạt nhân, trừ trong trường hợp xảy ra tấn công khủng bố./.