Mỹ Latinh liệu có là một miền đất mới của Trung Quốc?

Thứ hai, 14/3/2022 | 15:51 GMT+7

Chỉ trong vòng hai mươi năm, Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác chính của các nước Mỹ Latinh, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của các nước này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Tổng thống Alberto Fernandez của Argentina. (Nguồn: South China Moring Post)

Với tiêu đề "Mỹ Latinh liệu có là một miền đất mới của Trung Quốc?" nhật báo Le Figaro nhận xét rằng, chỉ trong vòng hai mươi năm, Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác chính của các nước Mỹ Latinh, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của các nước này.

Kể từ sau đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng ở Mỹ Latinh. Trong khi các nước phương Tây tập trung vào việc cung cấp thiết bị y tế và vaccine cho người dân trong nước, thì Bắc Kinh lại quay ra đề nghị giúp đỡ các nước Mỹ Latinh.

Quốc gia đầu tiên được hưởng lợi từ Trung Quốc là Venezuela. Ngay từ tháng 3/2020, các chuyến hàng thiết bị y tế đã đến Caracas. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục trợ giúp Bolivia, Ecuador, Argentina. Tháng 12/2021, Trung Quốc đã tặng vaccine đợt hai cho Nicaragua, sau khi quốc gia này cắt đứt quan hệ ngoại giao với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Trao đổi với BBC, Pepe Zhang, thành viên của Trung tâm Mỹ Latinh Adrienne Arsht, nhận xét đại dịch "rất quan trọng đối với Trung Quốc, bởi vì đại dịch đã mang lại cho nước này một cách thức mới để tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực."

Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào những năm 2000, Bắc Kinh liên tục mở rộng ảnh hưởng của mình ở Mỹ Latinh.

Ngày nay, Trung Quốc là đối tác thương mại chính của tiểu lục địa này. Có vẻ như việc từ bỏ Học thuyết Monroe, dưới thời của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, đã để ngỏ sân chơi cho Trung Quốc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô và các sản phẩm nông nghiệp rất dồi dào tại khu vực này.

Nhưng Trung Quốc không chỉ mua sản phẩm mà còn đầu tư mạnh mẽ, chủ yếu vào năng lượng và cơ sở hạ tầng giao thông. Họ cũng đóng vai trò là người cho vay chính đối với các quốc gia như Venezuela hoặc Argentina, vốn là những quốc gia không được chào đón ở thị trường vốn.

Trung Quốc hiện diện ở Mỹ Latinh như thế nào?

Năm 1823, Tổng thống Mỹ James Monroe đã trình bày học thuyết của mình nhằm bảo vệ khu vực Mỹ Latinh trước những can thiệp thuộc địa kiểu mới của châu Âu. Khi đó, hầu hết các quốc gia trong khu vực vừa mới tuyên bố độc lập. Trong thế kỷ XX, Washington thường can thiệp vào Mỹ Latinh nhân danh học thuyết này, đi xa hơn là kích động các cuộc đảo chính và ủng hộ các chế độ độc tài, nhằm kiềm chế ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô.

Kể từ năm 2000, Washington ngày càng tỏ ra không quan tâm đến khu vực này. Trong lúc đó, Bắc Kinh lại mong muốn tìm kiếm và khai thác các nguồn nguyên liệu thô và sản phẩm nông nghiệp mới ở nơi đây.

Trong thời gian từ năm 2004 đến 2019, xuất khẩu của Mỹ Latinh sang Trung Quốc đã tăng từ 12 tỷ USD lên 116 tỷ USD. Nhập khẩu tăng từ 22 tỷ USD lên 171 tỷ USD. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của khu vực, chiếm 12% xuất khẩu và 18% nhập khẩu. Xuất khẩu tăng lên 10 lần và nhập khẩu tăng lên 7,6 lần.

[Sai lầm chính sách khiến Mỹ 'đánh mất' Mỹ Latinh vào tay Trung Quốc?]

Trong hai mươi năm, Bắc Kinh đã cố gắng phát triển quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia trong khu vực, bất kể định hướng tư tưởng của chính phủ của họ như thế nào.

Theo nhận xét của Emmanuel Véron, nhà địa lý và chuyên gia về Trung Quốc, "sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Mỹ Latinh có liên quan đến sự nổi lên của cánh tả vào đầu những năm 2000, chẳng hạn như ở Brazil, Peru, Ecuador, Venezuela, Argentina hay Bolivia. Các chính phủ cánh hữu sau đó đã duy trì các mối quan hệ này. Ông Jair Bolsonaro đã chỉ trích Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, cáo buộc nước này cướp bóc đất nước của ông, song Brazil vẫn tiếp tục có những trao đổi rất quan trọng với Trung Quốc."

Mối quan hệ kinh tế giữa các nước trong khu vực và Trung Quốc cũng đang được xây dựng thông qua các hiệp định thương mại song phương. Theo đó Chile, Peru và Costa Rica đã ký các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc. Colombia, một trong những đồng minh quan trọng của Washington trong khu vực, cũng đã bắt đầu quá trình thảo luận để ký một thỏa thuận giống như vậy với Bắc Kinh.

Nhiều quốc gia trong khu vực đã tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh. Mới đây nhất, ngày 5/2, biên bản ghi nhớ việc Argentina tham gia dự án đầy tham vọng này đã được ký kết. Bắc Kinh quan tâm đến việc phát triển các mối quan hệ trong khu vực qua việc cho phép các doanh nghiệp của họ tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng khu vực, đôi khi bằng cách đầu tư rất đáng kể.

Những quốc gia đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc trong khu vực

Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Ông Bolsonaro, người đã từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của mình rằng "Trung Quốc không mua từ Brazil mà họ mua Brazil" đã không thay đổi bất cứ điều gì trong quan hệ của đất nước ông với gã khổng lồ châu Á. Brazil vẫn xuất khẩu ồ ạt đậu nành và thịt bò sang Trung Quốc.

Uruguay và Argentina cũng là các đối tác thương mại quan trọng của Bắc Kinh, đặc biệt trong trao đổi các sản phẩm nông nghiệp. Venezuela, hiện đang vướng vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội nghiêm trọng, cũng đã phải xuất khẩu dầu mỏ của mình để trả món nợ khổng lồ của họ với Bắc Kinh là 61 tỷ USD.

Trong hai mươi năm, Bắc Kinh đã cố gắng phát triển quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia trong khu vực, bất kể định hướng tư tưởng của chính phủ họ là gì. Ngay cả ở Mexico, một nước láng giềng trực tiếp của Mỹ, người Trung Quốc cũng đang hiện diện ngày càng nhiều.

Sau châu Phi, Mỹ Latinh đang trở thành vùng đất viễn chinh mới của chính quyền Bắc Kinh, cho phép nước này tích trữ các nguyên liệu thô và nông sản mà họ rất cần. Mỹ Latinh đã trở nên quan trọng đối với an ninh lương thực ở Trung Quốc, quốc gia có 1/10 diện tích đất canh tác trên hành tinh và 1/5 dân số thế giới.

Nội dung trao đổi thương mại

Các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ Latinh sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu thô như dầu, khí đốt từ Venezuela và Brazil, đồng từ Chile, lithium từ Peru và Argentina; và các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành và thịt từ Uruguay, Brazil và Argentina. Nhu cầu của Trung Quốc lớn đến mức làm thay đổi nền kinh tế của khu vực. Thậm chí người ta đã nói đến khái niệm về "sự thâu tóm" của Trung Quốc ở các quốc gia này.

Những nỗ lực công nghiệp hóa mà ta có thể quan sát thấy trong những năm 1990 ở Argentina hoặc Brazil đã bị xóa bỏ. Việc khai thác quá độ cũng đã gây ra những ảnh hưởng đến môi trường. Để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc, nhiều diện tích rừng nhiệt đới Amazon đã bị phá để mở rộng canh tác đậu nành và chăn nuôi gia súc. Tình trạng phá rừng quy mô lớn được thấy trong khu vực là chủ yếu liên quan đến nhu cầu của Trung Quốc.

Đổi lại những mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp và giá cả biến động, các nước Mỹ Latinh lại phải nhập khẩu các sản phẩm của Trung Quốc với giá trị gia tăng cao. Nếu trong những năm 2000, giá nguyên liệu thô và nông sản tăng đã thúc đẩy tăng trưởng GDP ở các nước này, cho phép các chính sách xã hội mới, đặc biệt là ở Argentina, Brazil và Venezuela, thì việc giảm giá từ năm 2014 đã làm suy yếu các nền kinh tế Mỹ Latinh, vốn đã trở nên phụ thuộc rất nhiều vào việc xuất khẩu các sản phẩm chính của họ sang Trung Quốc.

Đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ Latinh

Trung Quốc cũng đã đổ rất nhiều tiền vào khu vực này, với 180 tỷ USD trong giai đoạn 2005 đến 2021. Đầu tư chủ yếu là vào năng lượng (107 tỷ USD), khai khoáng (33 tỷ USD), giao thông (20 tỷ USD) và nông nghiệp (6 tỷ USD). Nguồn vốn đầu tư này đã góp phần tăng cường khả năng thâu tóm của Trung Quốc trong khu vực, tiếp tục củng cố vị thế ưu việt của nước này đối với các nền kinh tế ở đây.

Trung Quốc hiện đã có mặt ở tất cả các cảng lớn của Mỹ Latinh: Lazaro Cardenas và Veracruz ở Mexico; Buenaventura (Colombia); Paranagua (Brazil); Kingston (Jamaica); Santiago (Cuba); Valparaiso và Antofagasta (Chile). Bắc Kinh hiện đang nắm các dự án giao thông lớn, như kết nối đường sắt giữa hai đại dương đi qua Peru và Brazil, tàu điện ngầm Bogota, và trên hết là con kênh nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương ở Nicaragua, để mở rộng gấp đôi kênh đào Panama. Dự án mở rộng kênh đào trị giá 40 tỷ USD được khởi động vào năm 2014, bị bỏ rơi một thời gian, nhưng dường như đang lấy lại sức mạnh.

Khoản đầu tư này lớn gấp ba lần GDP của đất nước của Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega. Một dự án "trung tâm" logistics cũng được lên kế hoạch ở Ushuaïa (Argentina) và một dự án khác ở El Salvador, trong Vịnh Fonseca.

Bắc Kinh cũng đã cho các quốc gia trong khu vực vay một lượng lớn, đặc biệt là các nước không được hệ thống tài chính quốc tế ưa thích như Venezuela vay 62 tỷ USD, Brazil (36 tỷ USD) , Ecuador 17 tỷ USD), Argentina (15 tỷ USD).

Hậu quả về môi trường

Sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc ở Mỹ Latinh không phải là không có hậu quả đối với môi trường. Không chỉ có nền nông nghiệp thâm canh là nguyên nhân gây ra nạn phá rừng diện rộng, chủ yếu ở Brazil. Ở Venezuela cũng vậy, rừng nhiệt đới Amazon đang bị thu hẹp do khai thác dầu mỏ và khai thác mỏ. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu khai thác nguồn lợi thủy sản của bờ biển Thái Bình Dương của khu vực.

Theo mô tả của chuyên gia về Trung Quốc Emmanuel Veron, "nghề đánh bắt cá ở phía Nam Thượng Hải đã được chuyển đổi thành các cấu trúc hợp tác xã lớn với việc mua các tàu chạy máy khổng lồ mới. Họ lên đường tham gia các chiến dịch kéo dài hơn 12 tháng ở vùng biển Nam Mỹ. Họ được tiếp tế trên biển và sản phẩm đánh bắt của họ thường xuyên được các tàu khác đến thu gom. Họ thực hành nghề kéo lưới biển sâu, có thể đánh bắt mọi thứ, đặc biệt là xung quanh quần đảo Galapagos, nơi có nhiều động vật biển./.