Mỹ có thể tăng cường quan hệ kinh tế với Đông Nam Á bằng cách nào?

Thứ ba, 22/3/2022 | 14:55 GMT+7

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có thể làm việc với từng quốc gia riêng rẽ trong khu vực - những nước đang tìm cách tự định vị là trung tâm cho các lĩnh vực hợp tác kinh tế chiến lược.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến, ngày 26/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Straits Times (Singapore) vừa đăng bài bình luận của tác giả Prashanth Parameswaran, nhà nghiên cứu của Chương trình châu Á thuộc Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson tại Washington (Mỹ), về một số lĩnh vực Mỹ nên đặt trọng tâm để củng cố mối quan hệ kinh tế với khu vực Đông Nam Á.

Trong vài tuần tới, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ đưa ra Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sau khi nước này đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầy đủ thời gian gần đây.

Với khuôn khổ kinh tế này, Washington có thể thực hiện một số cách tiếp cận để tăng cường những cam kết về kinh tế của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á.

Các chính quyền trước đây của Mỹ đã gặp khó khăn để thiết lập một cam kết kinh tế bền vững và mạnh mẽ hơn đối với Đông Nam Á trong vài thập kỷ qua, chẳng hạn như việc không có được sự phản ứng dứt khoát trước các sự kiện như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào những năm 1990.

Và khi sức nặng kinh tế của Trung Quốc ngày càng lớn hơn, những nỗ lực của Washington trong việc thiết kế các thỏa thuận song phương và đa phương nhằm nâng cao vai trò của Mỹ trong khu vực đã được hình thành nhưng cũng không thành công.

[Mỹ muốn đóng vai trò tích cực trong phát triển Đông Nam Á]

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hiện nay, môi trường trong nước đầy thách thức khiến Mỹ khó có thể gia nhập lại CPTPP.

Trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc đang tìm cách gia nhập các hiệp định mới, và thậm chí một số đồng minh của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU) cũng đang nỗ lực đóng vai trò định hình các tiêu chuẩn kinh tế trong các lĩnh vực quan trọng như lĩnh vực kỹ thuật số nhiều hơn so với Washington.

Chính quyền Tổng thống Biden đã nhận ra điều này và bắt đầu xây dựng một cách tiếp cận đối với Đông Nam Á, bao gồm việc quản lý một số căng thẳng kinh tế dưới thời cựu Tổng thống Trump và thảo luận với các đối tác trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, trước thực tế khó khăn, Mỹ cần phải có những nỗ lực cụ thể hơn về các cam kết kinh tế đối với khu vực này.

Để tìm kiếm các sự gắn kết cho mối quan hệ hợp tác, đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có thể làm việc với từng quốc gia riêng rẽ trong khu vực - những nước đang tìm cách tự định vị là trung tâm cho các lĩnh vực hợp tác kinh tế chiến lược.

Điều này sẽ giúp tạo ra các “điểm tiếp xúc” cho hợp tác giữa Mỹ và Đông Nam Á trong trường hợp không có các cam kết ràng buộc, đồng thời vẫn đảm bảo rằng sự hợp tác được bắt nguồn từ những gì mà các quốc gia Đông Nam Á đó đang ưu tiên hàng đầu.

Lấy ví dụ như các chuỗi cung ứng. Malaysia và Mỹ có thể tiếp tục thực hiện một số hợp tác đã được dự kiến của hai nước về vấn đề chuỗi cung ứng, bao gồm cả khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về chuỗi cung ứng đã được thảo luận trong chuyến công du của Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đến Malaysia vào cuối năm ngoái.

Hợp tác kinh tế như vậy sẽ “ghi nhận” vai trò của Kuala Lumpur trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giải quyết các vấn đề khác bao gồm tính minh bạch trong các lĩnh vực liên quan đến sản xuất.

Thứ hai, Washington nên tìm cách hợp tác với “các quốc gia có cùng chí hướng” để hình thành các tiêu chuẩn cao trong các lĩnh vực cụ thể.

Ngay cả khi Washington không thể thực hiện thêm các sáng kiến tham vọng như việc tham gia CPTPP thì các hiệp định dựa trên từng ngành có thể đưa ra một giải pháp thay thế cụ thể hơn. Lĩnh vực hợp tác hàng đầu sẽ là nền kinh tế kỹ thuật số.

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore đặc biệt có vị thế quan trọng vì nước này đã ký một số thỏa thuận kỹ thuật số với các quốc gia khác bao gồm New Zealand, Australia, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Chile.

Thứ ba, Mỹ nên thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác kinh tế cụ thể trong ASEAN như là một thể chế. Ưu tiên thực hiện điều này ngay bây giờ sẽ giúp tạo tiền đề để thúc đẩy hợp tác trong vài năm tới, đặc biệt với việc Indonesia sẽ đảm nhiệm ghế Chủ tịch ASEAN vào năm 2023 cũng như vị trí điều phối viên quan hệ Mỹ-ASEAN đến năm 2024.

Hai bên có thể khởi động hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, với sự mở rộng gần đây của quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN trong đó bao gồm sáng kiến Khí hậu Tương lai.

Ngoài ra còn có những bước phát triển riêng của ASEAN trong lĩnh vực này, từ sáng kiến Phân loại tài chính bền vững mới của ASEAN và việc đề xuất thiết lập Trung tâm ASEAN về Biến đổi khí hậu ở Brunei.

Mỹ cũng có thể giúp tạo ra các mối liên kết giữa các cơ chế khu vực và các cơ chế tiểu vùng có liên quan, chẳng hạn như Quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ.

Thứ tư, Washington nên làm việc với các quốc gia Đông Nam Á để định hình chương trình nghị sự của khu vực và quốc tế về các vấn đề kinh tế quan trọng.

Mặc dù đây luôn là một phần tự nhiên trong chính sách của Mỹ, nhưng năm 2022 lại có “một thời điểm mang tính thời cơ,” khi Thái Lan giữ vị trí chủ tịch của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Indonesia là Chủ tịch của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Mỹ có thể thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với Thái Lan trong việc sắp xếp các ưu tiên liên quan đến APEC, bao gồm các lĩnh vực du lịch và y tế để hỗ trợ sự phục hồi và tính bền vững hậu đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, sự thành công của một số sáng kiến kinh tế mà chính quyền Tổng thống Biden quan tâm, chẳng hạn như mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu có hiệu lực vào năm tới, sẽ phụ thuộc vào những “tiến triển” trong năm nghị sự của G20 do Indonesia làm Chủ tịch.

Chương trình này nhằm đảm bảo các công ty đa quốc gia lớn phải trả thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập từ mỗi khu vực tài phán mà các công ty này hoạt động.

Thứ năm, Washington nên làm việc, phối hợp với các đồng minh và đối tác vốn cũng đang tìm cách định hình các ưu tiên kinh tế chung trong các lĩnh vực cụ thể.

Như chính Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh, các đồng minh của Mỹ bao gồm Australia, EU và Nhật Bản đều đang tăng cường vai trò kinh tế của riêng mình ở Đông Nam Á trong những năm qua khi mà tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Á đã được công nhận.

Ví dụ, trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chính quyền của ông Biden đã thực hiện các sáng kiến để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, chẳng hạn như đưa ra sáng kiến Mạng lưới Điểm Xanh - một cơ chế chứng nhận các dự án cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Điều này góp phần hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc đánh giá và triển khai các dự án.

Ngoài ra, Mỹ có thể phối hợp với các thành viên khác của nhóm Bộ tứ (một cơ chế an ninh chiến lược giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) để thúc đẩy chương trình nghị sự về cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á.

Cuộc họp của lãnh đạo nhóm Bộ tứ trong năm nay dự kiến sẽ do Nhật Bản đăng cai, quốc gia vốn đã thành công trong việc nêu rõ các nguyên tắc đầu tư cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao hơn so với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Thứ sáu, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cũng có thể làm việc để quản lý các vấn đề căng thẳng kinh tế song phương trong các mối quan hệ quan trọng với các nước Đông Nam Á, bao gồm thông qua các vấn đề tiếp cận thị trường.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Asean.usmission.gov)

Ngay cả khi chính quyền Tổng thống Biden không thể giải quyết những vấn đề này trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì Mỹ vẫn có thể làm như vậy trên cơ sở song phương.

Thực tế, trong lĩnh vực này đã có nhiều nỗ lực được thực hiện, thể hiện qua các thỏa thuận Mỹ đạt được với phía Việt Nam về việc giảm thuế đối với ngô, lúa mỳ và thịt lợn vào cuối năm ngoái.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai gần đây đã đề cập rằng các quốc gia như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam sẽ có vai trò trong các sáng kiến của Mỹ về nông nghiệp nói chung.

Tuy nhiên, để vượt qua các thách thức trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy cam kết kinh tế ở Đông Nam Á, Mỹ sẽ gặp không ít khó khăn. Ở trong nước, chính quyền Tổng thống Biden phải đối mặt với sức ép về thời gian, khi mà chỉ còn hơn 250 ngày nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ.

Điều này có thể làm lu mờ bất kỳ ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại nào của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Xung đột Nga-Ukraine cũng là một lời nhắc nhở về những thách thức toàn cầu khác có thể dễ dàng thu hút sự chú ý của Washington, bất chấp ý định tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nước này.

Tuy nhiên, nếu Washington thực sự nghiêm túc với mục tiêu của mình trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là "khai thác sự chuyển đổi kinh tế nhanh chóng như một cơ hội chung," thì Mỹ sẽ cần phải đầu tư vào các lĩnh vực cụ thể để có được cách tiếp cận phù hợp đối với toàn khu vực. Và Đông Nam Á sẽ là một phần quan trọng của câu chuyện đó./.