Làm sao để ứng phó với cú sốc kép về giá dầu và lạm phát?

Thứ sáu, 18/3/2022 | 11:41 GMT+7

Căng thẳng Nga-Ukraine bùng nổ đã gây ra cú sốc lớn về nguồn cung năng lượng giữa lúc kinh tế toàn cầu đang rất mong manh. Lạm phát và giá dầu tăng cao đang tác động đan xen vào nhau.

Một cơ sở lọc dầu của Nga. (Ảnh: TheMoscowtimes.com/TTXVN)

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, nhiều chính phủ đã ghi nhận thâm hụt ngân sách quốc gia. Trong bối cảnh đó, việc phải đối phó với tác động từ giá dầu và lạm phát tăng trong bối cảnh dịch bệnh chưa thực sự chấm dứt, cùng ảnh hưởng của căng thẳng Nga-Ukraine, sẽ là câu hỏi hóc búa cho các nhà hoạch định chính sách.

Theo Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội Malaysia (SERC) Lee Heng Guie, giá dầu và hàng hóa tăng mạnh sau khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng nổ đã làm gợi lại ký ức về những cú sốc giá dầu trước đây.

Cuộc chiến Yom Kippur diễn ra vào năm 1973 đã tạo ra cơn sốc giá dầu dầu tiên, khi giá tăng gấp ba lần trong giai đoạn 1973-1974 và khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Tiếp đến, cuộc cách mạng Iran vào năm 1978-1979 là nguyên nhân của đợt sốc giá dầu lần thứ hai, hệ quả là sự suy thoái kinh tế không chỉ ở Mỹ và còn trên phạm vi toàn cầu vào những năm 1980-1981.

10 năm sau, kinh tế Mỹ lại lần nữa rơi vào suy thoái (1990-1991) mà nguyên nhân một phần bắt nguồn từ việc giá dầu tăng vọt vào giữa năm 1990.

Hiện tại, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, với biến thể Omicron rất dễ lây lan và tốc độ tiêm chủng không đồng đều trên toàn thế giới, kinh tế toàn cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra. Nhiều lĩnh vực tiêu dùng vẫn đang trong quá trình hồi phục giữa bối cảnh lạm phát tiêu dùng dai dẳng và áp lực chi phí kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, căng thẳng Nga-Ukraine bùng nổ đã gây ra cú sốc lớn về nguồn cung năng lượng giữa lúc kinh tế toàn cầu đang rất mong manh trước những cú sốc không mong muốn. Lạm phát và giá dầu tăng cao đang tác động đan xen vào nhau.

Suy thoái kinh tế trong bối cảnh lạm phát toàn cầu

Lạm phát cao liên tục và các cú sốc giá dầu mang lại tác động kép tới kinh tế thế giới, làm suy giảm triển vọng tăng trưởng và đẩy lạm phát cao hơn vào thời điểm mà dự báo về lạm phát đã trở nên thiếu chính xác.

Các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, phải đối mặt với cú sốc kép do lạm phát và giá dầu tăng cao. Theo thống kê, thực phẩm và phương tiện đi lại chiếm 27,9% tỷ trọng chi tiêu của người tiêu dùng vào năm 2020. Lạm phát và giá nhiên liệu đắt đỏ làm giảm sức mua thực tế của các hộ gia đình.

[Nhiều nước lo ngại lạm phát kéo dài do giá nhiên liệu tăng mạnh]

Chi phí kinh doanh tăng và tình trạng thiếu công nhân cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận giảm đáng kể. Trong khi đó, một số doanh nghiệp không thể hấp thụ được khoản tăng chi phí này và đã chuyển phần tăng cho người tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia nhận định giá dầu tăng hiện nay ít quan trọng hơn đối với kinh tế toàn cầu so với những cú sốc giá dầu trước đây do cường độ sử dụng năng lượng thấp hơn và năng lượng thay thế đã cung cấp không gian đệm. Tuy nhiên trên thực tế, giá dầu và các vấn đề liên quan tới dầu mỏ vẫn đóng vai trò quan trọng.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính khắc nghiệt đối với kinh tế Nga sẽ có tác động tiêu cực lan tỏa tới các nước châu Âu - những khách hàng mua dầu và khí đốt tự nhiên của Nga, cũng như kinh tế Mỹ thông qua kênh tài chính.

Ông Lee Heng Guie dự báo sẽ có những thay đổi liên tục trên thị trường tài chính toàn cầu, khi giới đầu tư tiếp tục đánh giá sự sụt giảm kinh tế và tài chính do giá cả tăng cao cũng như căng thẳng Nga-Ukraine.

Theo chuyên gia này, nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế và lạm phát toàn cầu nếu các cú sốc giá dầu và lạm phát cao kéo dài, trong đó kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại, nghiêng về tình trạng suy thoái.

Cùng với đó, các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và sự điều chỉnh mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, cũng như các tác động dẫn đến sự tự tin và tâm lý kinh doanh, người tiêu dùng và nhà đầu tư, sẽ làm trầm trọng thêm những hậu quả tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu.

Tiến thoái lưỡng nan

Trong bối cảnh đó liệu Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể giải cứu? Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong những quý gần đây do phải hứng chịu nhiều “luồng gió ngược” từ khủng hoảng bất động sản, siết chặt kiểm soát nợ, các biện pháp ứng phó với ô nhiễm môi trường khắc nghiệt hơn và chiến lược kiểm soát Zero-COVID đã khiến tiêu dùng giảm.

Giám đốc điều hành của SERC cho rằng kịch bản lạm phát đình trệ toàn cầu là một rủi ro chính sách đáng lo ngại đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác khi họ buộc phải đưa ra kế hoạch hành động cân bằng tinh vi để kiềm chế áp lực giá mạnh nhất trong nhiều thập kỷ mà không làm nền kinh tế trật bánh.

Ông Lee Heng Guie chỉ ra những sai lầm về chính sách của các ngân hàng trung ương sẽ không chỉ gây tốn kém mà còn mang lại nhiều bất lợi cho kinh tế toàn cầu.

Hành động hay không hành động cứng rắn với lạm phát là vấn đề mấu chốt mà các ngân hàng trung ương cần giải quyết. Nếu các thể chế tài chính này hoãn việc tăng lãi suất hoặc chọn cách thắt chặt chính sách tiền tệ để cứu vãn tăng trưởng, điều này sẽ đẩy nhanh tốc độ lạm phát và làm trầm trọng thêm lạm phát đình trệ.

Fed đã báo hiệu sẽ tăng lãi suất ngắn hạn để kiềm chế lạm phát gia tăng nếu được bảo đảm. Trong khi đó, giới đầu tư đang lo ngại sâu sắc về một cuộc suy thoái tiềm ẩn trong nền kinh tế Mỹ do Fed quyết tâm giảm lạm phát thông qua việc tăng lãi suất tích cực kết hợp với tác động từ các cú sốc về nguồn cung và giá dầu.

Trong lịch sử, Fed đã có các động thái tương tự nhằm ngăn chặn áp lực lạm phát gia tăng và gây ra suy thoái nghiêm trọng trong các cú sốc giá dầu lần thứ nhất và lần thứ hai vào các năm 1973-1974 và 1978-1979.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là cách thức sử dụng chính sách tài khóa để khắc phục những tác động tiêu cực có thể “hóa giải” những cú sốc liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine hay không?

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều chính phủ đã cạn kiệt nguồn tài chính, chi tiêu quá mức ngân sách dẫn đến mức thâm hụt lớn và nợ nần chồng chất. Về bản chất, chính sách tài khóa có những hạn chế để chống lại cú sốc lạm phát, trong khi nền kinh tế cần có thời gian để tăng sản lượng và tổng cung để đáp ứng nhu cầu./.