Khủng hoảng Ukraine đẩy nhanh "Tái thiết vĩ đại" của hệ thống toàn cầu

Thứ bảy, 26/3/2022 | 18:24 GMT+7

Ông Klaus Schwab cho rằng COVID-19 và cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đã chứng tỏ không một quốc gia nào trên thế giới là “ốc đảo” và cần phải có một sự điều phối mang tính toàn cầu lớn hơn.

Chủ tịch điều hành WEF ông Klaus Schwab. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng asiatimes.com đưa tin, ông Klaus Schwab, người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), luôn mơ về một cuộc “Tái thiết Vĩ đại” của hệ thống toàn cầu.

Ông lập luận rằng đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đã chứng tỏ rằng không một quốc gia nào trên thế giới là “ốc đảo” và cần phải có một sự điều phối mang tính toàn cầu lớn hơn trong mọi lĩnh vực.

Một cuộc “Tái thiết Vĩ đại” như vậy có thể tạo điều kiện cho chúng ta hình dung lại hệ thống toàn cầu bằng cách phát triển một hệ thống kinh tế lấy con người làm trung tâm, ưu tiên việc sử dụng bền vững các nguồn lực, đảm bảo rằng công nghệ 4.0 phục vụ lợi ích chung và tạo ra một cấu trúc tài chính toàn cầu mới.

Hồi tháng Một vừa qua, ông Schwab đã thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp thường niên của WEF tại Davos của Thụy Sĩ, nơi quy tụ các tinh hoa tài chính, chính trị và văn hóa của thế giới.

Phát biểu qua hình thức trực tuyến từ Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình kêu gọi sự hợp tác quốc tế nhiều hơn để đối phó với biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế và các thách thức toàn cầu khác. Thông qua bài phát biểu này, ông đã bóng gió về việc thực thi tinh thần trong chương trình WEF của Schwab. Tuy nhiên, Tập Cận Bình cũng thận trọng về những mâu thuẫn mà theo lời của ông là có thể gây ra “những hậu quả thảm khốc.”

Tái thiết đồng USD

Ý tưởng "tái thiết" hệ thống toàn cầu đã được lan truyền sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do sự sụp đổ của Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers. Chính phủ Mỹ đã chi hàng nghìn tỷ USD để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính này.

Khi những hỗn loạn lắng xuống, ngày càng nhiều chuyên gia tài chính và kinh tế cảnh báo rằng khoản nợ khổng lồ của Mỹ do "nới lỏng định lượng" (tăng cường cung ứng tiền tệ) rốt cuộc sẽ gây ra lạm phát lớn và làm suy yếu vai trò của đồng USD với tư cách đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Năm 2014, nhà báo chuyên về tài chính người Hà Lan Willen Middelkoop đã đăng bài viết với tựa đề “Cuộc Tái thiết Lớn: Cuộc chiến về Vàng và Cuộc đấu cuối cùng của tài chính,” trong đó ông lập luận rằng Mỹ sẽ nỗ lực duy trì vị thế thống trị của đồng USD bằng cách thiết kết một sự tái thiết hệ thống tài chính.

[Fed: Khủng hoảng Ukraine có thể ảnh hưởng tới chi tiêu, đầu tư ở Mỹ]

Ông dự đoán rằng vàng sẽ là một trong những nhân tố chủ đạo trong hệ thống tài chính mới. Giá vàng có thể tăng gấp 3 lần, qua đó phản ánh thực tế về sự mất giá của đồng USD.

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng Ukraine đã đảo lộn mọi kịch bản “tái thiết” truyền thống. Việc Mỹ loại Ngân hàng trung ương Nga ra khỏi hệ thống thanh toán USD là một yếu tố thay đổi cuộc chơi mà ai cũng biết. Chính phủ Mỹ đã sử dụng quyền kiểm soát đối với hệ thống USD để chống lại các nước như Venezuela, Triều Tiên và Iran theo ý muốn của mình. Tuy nhiên, khi Mỹ đóng băng các nguồn dự trữ USD của Nga, thế giới đã phải thức tỉnh.

Các quốc gia không liên kết trực tiếp với Mỹ sẽ tìm cách giảm mức độ tiếp xúc với hệ thống đồng USD. Trung Quốc vẫn ủng hộ hệ thống đồng USD và chưa cần phải thách thức đồng USD ngay lập tức, nhưng với việc Mỹ tăng cường can dự vào Đài Loan, Trung Quốc có lý do để lo ngại.

Việc loại bỏ Nga khỏi hệ thống đồng USD cho thấy rõ sức mạnh tài chính của Mỹ có thể hành động mà không bị ràng buộc về mặt pháp lý. Trung Quốc đã có cái gọi là thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với hàng chục quốc gia để bỏ qua hệ thống đồng USD, nhưng giờ đây họ có thể cảm thấy cần phải phát triển một hệ thống thanh toán lấy đồng nhân dân tệ làm trung tâm cho các giao dịch quốc tế.

Nợ toàn cầu

Những suy đoán về sự sụp đổ của hệ thống USD đã có từ vài thập kỷ trước. Sự trượt giá của đồng USD cho thấy thâm hụt thương mại dai dẳng, thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia ngày càng tăng của Mỹ là khó có thể chống đỡ được và có một giới hạn về thời gian có thể in tiền lâu hơn để tạo ra sự khác biệt.

Các lý thuyết về sự sụp đổ của đồng USD đã trở thành một trong những chủ đề nóng nhất của giới chuyên gia tài chính, nhà kinh tế và cộng đồng tiền điện tử.

Các nhà đầu tư nổi tiếng như Jim Rogers, Marc Faber và Peter Schiff đã tạo dựng sự nghiệp bất chấp những dự đoán về ngày tận thế. Hàng triệu khán giả đã xem một đoạn phim do nhà đầu tư tỷ phú Ray Dalio thực hiện về cách thức và lý do tại sao các đế chế suy tàn. Chất xúc tác ở đây luôn là các khoản nợ không thể chi trả.

Những dự đoán tồi tệ nhất về ngày tận thế của một cuộc khủng hoảng USD đã vượt ra ngoài cuộc Đại Suy thoái những năm 1930. Họ thấy trước việc ngân hàng đóng cửa, bảo lãnh, kiểm soát vốn, thiếu lương thực, cắt điện và thiếu thốn các mặt hàng thiết yếu. Hầu hết đều đồng ý rằng một cuộc khủng hoảng USD sẽ có sức nóng trên khắp thế giới. Nhu cầu đối với đồng USD và Bộ Tài chính Mỹ sẽ sụp đổ và lãi suất sẽ tăng vọt. Một số khác dự báo tình trạng "siêu lạm phát" và hàng triệu người mất việc làm, mất tiền tiết kiệm và lương hưu.

Bài học từ châu Á

Một công cuộc tái thiết sớm hiện là một trong những vấn đề trọng tâm hiện nay với đồng USD. Năm 1972, Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đã khiến cả thế giới choáng váng khi ông tách đồng USD với vàng. Điều này làm giảm bớt nghĩa vụ của chính phủ Mỹ đối với việc trao đổi hóa đơn USD lấy vàng.

Đồng 100 USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã tạo sức ép lên ngân sách Mỹ và bằng cách tách đồng USD khỏi vàng, Mỹ có thể chỉ cần in số USD cần thiết. Nixon thuyết phục Saudi Arabia chỉ bán dầu bằng USD để đổi lấy sự bảo vệ của quân đội Mỹ. Đồng USD sẽ được hỗ trợ bởi sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và đồng USD đóng vai trò là loại tiền tệ không thể thiếu của thế giới.

Đến giữa thập niên 1970, Nhật Bản đã thách thức sức mạnh của nền kinh tế Mỹ khi cỗ máy xuất khẩu siêu hiệu quả của nước này gia tăng sức mạnh. Trong vòng chưa đầy một thập kỷ, các hãng chế tạo điện tử của Nhật Bản đã xóa sổ gần như toàn bộ ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng của Mỹ.

Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản cũng đe dọa sẽ làm điều tương tự và buộc chính phủ Mỹ phải vào cuộc và giải cứu ngành công nghiệp ôtô Mỹ. Năm 1985, Mỹ buộc Nhật Bản định giá lại đồng yen trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng xuất khẩu của Nhật Bản.

Nền kinh tế Mỹ hầu như không thích nghi được với sự hiệu quả “đúng nơi-đúng lúc” của Nhật Bản khi Trung Quốc gia nhập nền kinh tế toàn cầu. Các công ty Mỹ bị thu hút bởi thị trường khổng lồ, lực lượng lao động có tay nghề cao và chất lượng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Họ đã tạo ra hàng triệu việc làm cho Trung Quốc, và điều này càng làm xói mòn nền tảng công nghiệp của Mỹ.

Kiếm bội tiền trên “chuyến tàu USD.” Trung Quốc đã giúp hàng trăm triệu người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. Họ đã đầu tư những khoản tiền bội thu này vào cơ sở hạ tầng công và xã hội trong nước, cũng như vào Sáng kiến Vành đai và Con đường, dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử.

Trong khi đó, hàng triệu người Mỹ lại chứng kiến Giấc mơ Mỹ dần bay xa. Hàng triệu việc làm trong ngành chế tạo đã biến mất và ngành công nghiệp tài chính Mỹ bị thiếu kiểm soát. Trong những thập kỷ sau thời Nixon, các tổng thống Mỹ từ cả hai chính đảng lớn đã dần dần dỡ bỏ các quy định tài chính do Franklin Roosevelt đưa ra vào những năm 1940 để ngăn chặn sự tái diễn của tình trạng đầu cơ tài chính quá mức dẫn đến cuộc Đại Suy thoái.

Công cuộc tái thiết thực sự

Cuối năm 2021, nợ quốc gia của Mỹ đã cán mốc 30.000 tỷ USD, trong khi nợ toàn cầu lên tới 300.000 tỷ USD, phần lớn trong đó là đồng USD. Làm thế nào để xử lý những khoản nợ này khi mà lãi suất được nâng lên để ngăn chặn lạm phát phi mã đang là điều khiến các chủ ngân hàng phải đau đầu.

Cuộc xung đột tại Ukraine đã làm cho vấn đề trở nên gay gắt hơn. Việc loại Nga khỏi hệ thống đồng USD khiến việc cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu là điều tất yếu, nhưng sẽ đi kèm với chi phí rất cao. Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào hệ thống đồng USD và chắc chắn sẽ cố gắng thiết kế một sự “hạ cánh mềm” cho đồng tiền này.

Tuy nhiên, họ cũng sẽ phát triển song song một hệ thống thanh toán lấy đồng nhân dân tệ làm trung tâm như một mạng lưới an toàn và giảm sự tiếp xúc của mình với hệ thống đồng USD. Hầu như tất cả các quốc gia không thuộc phương Tây, bao gồm cả các quốc gia sản xuất dầu, sẽ tham gia vào hệ thống đồng nhân dân tệ, cũng như một số quốc gia châu Âu ngày càng phụ thuộc vào thương mại và đầu tư của Trung Quốc.

Trung Quốc không chỉ là nhà nhập khẩu dầu và vô số nguyên liệu thô khác lớn nhất thế giới, mà còn là nhà sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, công nghệ xanh và công nghệ 4.0 lớn nhất thế giới. Việc tung ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cho phép Trung Quốc xây dựng một cấu trúc tài chính mới ngay từ nền móng.
Tiền kỹ thuật số sẽ là tiền đề và trọng tâm trong cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ông Klaus Schwab ít nhất sẽ chứng kiến một phần của Cuộc Tái thiết Vĩ đại về kỹ thuật mà ông mơ ước, dù có thể không phải là kiểu mà ông ta đã dự tính./.