Khả năng xảy ra "cuộc khủng hoảng bất ngờ" của năm 2022

Thứ bảy, 02/4/2022 | 16:51 GMT+7

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cảnh báo một vụ thử tên lửa tầm xa sắp diễn ra, và cuộc chiến ở Ukraine là cơ hội hoàn hảo để Triều Tiên gây rắc rối vì họ biết rằng Mỹ và các cường quốc đang bị phân tâm.

Vụ phóng thử tên lửa siêu vượt âm do Viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên thực hiện tại một địa điểm chưa xác định. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng foreignpolicy.com, trong khi cả thế giới đang tập trung dõi theo Ukraine, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên của nước này kể từ năm 2017 vào ngày 24/3.

Tên lửa tầm xa này, được thiết kế để mang theo vũ khí hạt nhân, cần được coi là bước leo thang lớn của Triều Tiên.

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã cảnh báo rằng một vụ thử tên lửa tầm xa như vậy sắp diễn ra, và cuộc chiến ở Ukraine là cơ hội hoàn hảo để Triều Tiên gây rắc rối vì họ biết rằng Mỹ và các cường quốc khác đang bị phân tâm.

Hiện Triều Tiên đã nối lại hoạt động thử nghiệm ICBM, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden phải sẵn sàng cho khả năng bùng nổ xung đột trên bán đảo Triều Tiên ngay cả khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đang gây ra đổ máu và đe dọa chiến tranh hạt nhân ở Ukraine. Đây có thể là cuộc khủng hoảng bất ngờ của năm 2022.

Việc Nga xâm lược Ukraine sẽ chỉ càng làm tăng thêm quyết tâm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình. Ông Kim Jong-un biết rằng theo Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, Ukraine đã từ bỏ vũ khí hạt nhân mà nước này được thừa hưởng từ Liên Xô, và ông không nghi ngờ gì rằng nếu Ukraine vẫn là một cường quốc hạt nhân, Nga sẽ không dám tấn công.

Đối với Kim Jong-un, kinh nghiệm của Ukraine chỉ càng củng cố những bài học mà các nhà độc tài khác ở Iraq và Libya đã rút ra sau khi phải nếm trải đau thương: các quốc gia từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đều trở nên dễ bị tổn thương và các nhà lãnh đạo của họ phải đối mặt với nguy cơ bị lật đổ và bị sát hại.

Dốc hết tốc lực

Có nhiều lý do để lo ngại rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục thực hiện các vụ thử tên lửa, thử hạt nhân hoặc các hành động khiêu khích khác trong năm nay. Thứ nhất, chế độ ở Bình Nhưỡng có lịch sử “chào đón” các tổng thống đắc cử của Hàn Quốc bằng những động thái đe dọa.

Yoon Suk-yeol, ứng cử viên bảo thủ vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc hồi đầu tháng, đã báo hiệu rằng ông sẽ theo đuổi một chính sách cứng rắn hơn đối với Triều Tiên.

[Động cơ và mục đích vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên]

Lần gần đây nhất khi Hàn Quốc bầu ra một tổng thống bảo thủ (bà Park Geun-hye), ông Kim Jong-un đã cho tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba của Triều Tiên chỉ vài tuần trước khi bà nhậm chức vào tháng 2/2013. Các tổng thống cấp tiến hầu như cũng không được "nương tay": năm 2017, trong 4 tháng cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Moon Jae-in, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6 (một quả bom nhiệt hạch) và hai vụ thử ICBM. (ICBM thứ ba, có khả năng tiếp cận các mục tiêu trên toàn bộ lãnh thổ Mỹ, được thử nghiệm sau đó, cũng trong năm 2017).

Năm nay cũng là một năm mang tính biểu tượng ở Triều Tiên: đánh dấu thập kỷ cầm quyền đầu tiên của ông Kim Jong-un, kỷ niệm 80 năm ngày sinh của cha ông là ông Kim Jong-Il và kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông nội ông là ông Kim Nhật Thành.

Trong lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào ngày 15/4 tới đây, Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm vũ khí lớn.

Việc Triều Tiên chuẩn bị thử ICBM hoặc phóng một vệ tinh quân sự sử dụng công nghệ tên lửa tương tự, vốn là các hoạt động bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Ngay cả trước cuộc khủng hoảng gần đây nhất, chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã bắt đầu tăng tốc. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Kim Jong-un đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân và hơn 130 vụ thử tên lửa. Bình Nhưỡng ước tính có tới 60 đầu đạn hạt nhân và đang sản xuất đủ vật liệu phân hạch để chế tạo khoảng 6 quả bom mới mỗi năm.

Kim Jong-un hiện đang tiến tới việc lắp đặt nhiều đầu đạn vào một ICBM duy nhất. Khả năng này của Triều Tiên có thể sẽ làm giảm khả năng phòng thủ tên lửa vốn đã hạn chế của Mỹ và củng cố khả năng của Triều Tiên tấn công lãnh thổ Mỹ bằng tên lửa hạt nhân - khiến Triều Tiên trở thành một trong ba quốc gia trên thế giới có thể làm điều đó, cùng với Trung Quốc và Nga.

Trong 6 tháng qua, Triều Tiên đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới, một tên lửa đạn đạo đặt trên tàu hỏa, một hệ thống tên lửa phòng thủ đất đối không mới, một tên lửa hành trình chiến lược tầm xa và nhiều tên lửa siêu thanh.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 3/2022, Triều Tiên đã thử nghiệm các thành phần của một ICBM, trong đó có một bộ phận cho phép Triều Tiên có thể phóng nhiều đầu đạn từ các tên lửa thậm chí còn lớn hơn ICBM mà họ đã thử nghiệm vào năm 2017.

Triều Tiên cần tiếp tục thử nghiệm và hiện đại hóa kho vũ khí của mình để đạt được mục tiêu chiến lược, đó là được quốc tế chấp nhận như một cường quốc vũ khí hạt nhân, đồng thời tạo đòn bẩy cho chính sách ngoại giao trong tương lai với Mỹ.

Cuối cùng, môi trường địa chính trị hiện nay đang đặc biệt thuận lợi cho các vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Nga đang mâu thuẫn với phương Tây vì cuộc xâm lược Ukraine. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện đang phải bận tâm về hậu quả kinh tế và chính trị của cuộc chiến tranh của Nga - ông Tập Cận Bình đang chịu sức ép rất lớn từ cả Washington và Moskva về việc phải chọn bên - nên không thể để tâm tới Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, cả Moskva và Bắc Kinh có khả năng sẽ đều không đồng ý với các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trên thực tế, cả Nga và Trung Quốc đều đang nới lỏng việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Điều này quả thực giống như một “lời mời” Triều Tiên thực hiện các hành động khiêu khích mới.

Mỹ nên làm gì?

Vấn đề là nếu Triều Tiên nâng mức độ đe dọa của mình bằng các vụ thử vũ khí lớn trong năm nay, chính phủ Mỹ sẽ có rất ít lựa chọn tốt để đối phó.

Chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã khiến 5 đời tổng thống Mỹ phải đau đầu và mặc dù Washington áp dụng mọi cách tiếp cận có thể từ hội nghị thượng đỉnh đến đe dọa vũ lực, mục tiêu phi hạt nhân hóa vẫn còn xa vời hơn bao giờ hết.

Điều này có thể giải thích tại sao sau hơn một năm cầm quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không đưa ra sáng kiến mới đáng kể nào về Triều Tiên. Chính sách của chính quyền Biden về một "cách tiếp cận thực tế, có điều chỉnh" là sự pha trộn giữa "sự kiên nhẫn chiến lược" của Tổng thống Barack Obama và "cuộc mặc cả lớn” được cả hay mất tất của Tổng thống Donald Trump, dẫn đến việc Washington chấp nhận hiện trạng.

Công bằng mà nói, chính quyền Biden đã tuyên bố rõ rằng Mỹ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, nhưng Bình Nhưỡng tỏ ra không mấy quan tâm đến việc đối thoại thêm với Washington kể từ sau thất bại của ba hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim.

Lựa chọn khả dĩ duy nhất đối với ông Biden là duy trì cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên như một mục tiêu dài hạn, trong khi trong ngắn hạn và trung hạn, Washington theo đuổi chính sách thực dụng hơn là trừng phạt, răn đe và ngăn chặn để hạn chế mối đe dọa.

Đây không phải là những chính sách mới, nhưng Mỹ và các đồng minh phải tìm cách thực hiện chúng với sự nhất quán, đáng tin cậy và phối hợp chặt chẽ hơn so với trước đây.

Các biện pháp trừng phạt là một công cụ có thể có ích vào lúc nào đó. Các biện pháp trừng phạt mà chính quyền George W. Bush áp đặt vào năm 2005 đối với ngân hàng Banco Delta Asia của Macau, nơi Triều Tiên có một số tiền mặt, là một trong số ít các bước đi mà Washington thực hiện khiến Bình Nhưỡng thực sự chú ý.

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, Mỹ đồng ý giải phóng 25 triệu USD trong các quỹ bị đóng băng để thúc đẩy các cuộc đàm phán sáu bên, và các lệnh trừng phạt chính thức được dỡ bỏ vào năm 2020.

Triều Tiên cũng buộc phải chú ý khi Trump yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ ngăn chặn bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp nước ngoài nào tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại với Bình Nhưỡng được tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ.

Chính quyền Biden nên mở rộng các biện pháp trừng phạt thứ cấp như vậy đối với các tổ chức tài chính viện trợ cho chế độ Kim Jong-un, bao gồm cả các tổ chức ở Trung Quốc.

Washington có cơ hội tiếp tục gây sức ép với các mạng lưới tài chính của Triều Tiên theo Đạo luật Otto Warmbier 2019 (được đặt theo tên một sinh viên Mỹ bị Triều Tiên sát hại nhưng được đưa về quê nhà ngay trước khi anh ta qua đời).

Luật này trao cho tổng thống quyền xử phạt các tổ chức tài chính giúp Triều Tiên trốn tránh các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Mỹ cần gửi một thông điệp trực tiếp và đơn giản đến các công ty tài chính nước ngoài, đặc biệt là các công ty Trung Quốc, rằng họ có thể kinh doanh với Triều Tiên hoặc họ có thể kinh doanh với Mỹ, nhưng họ không thể kinh doanh với cả hai.

Hình mẫu ở đây sẽ là các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt mà Mỹ từng áp đặt đối với Iran trước khi đạt được một thỏa thuận về các hoạt động hạt nhân của Iran vào năm 2015.

Các biện pháp trừng phạt chỉ nên được nới lỏng nếu Triều Tiên thực hiện các bước phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Các biện pháp như vậy có thể được kết hợp với việc tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh để ngăn chặn Triều Tiên có các hoạt động buôn bán và phổ biến vũ khí bất hợp pháp, mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa quanh Bán đảo Triều Tiên và tăng cường khả năng quân sự để răn đe Triều Tiên.

Seoul và Washington lại cùng đồng hành

Trước đây, Mỹ và Hàn Quốc đôi khi theo đuổi đường lối cứng rắn và đôi khi áp dụng cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Triều Tiên, và không phải lúc nào hai nước này cũng có cùng quan điểm.

Ví dụ theo cái gọi là “Chính sách Ánh dương,” Hàn Quốc đã cung cấp hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên từ năm 1998 đến năm 2008. Ngược lại, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống George W. Bush, Mỹ đã theo đuổi một chính sách cứng rắn hơn đối với Triều Tiên - quốc gia mà Tổng thống Bush cho là nằm trong “trục ma quỷ.”

Gần đây hơn, mặc dù thiếu tiến triển trong việc phi hạt nhân hóa kể từ sau các hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cố gắng tương tác với Triều Tiên bằng cách nới lỏng các biện pháp trừng phạt và thúc đẩy chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên; tuy nhiên, chính quyền Biden cho rằng các bước đi như vậy là quá sớm.

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có thể sẽ gần gũi với ông Biden hơn ông Moon Jae-in. Ông Yoon Suk-yeol ủng hộ việc khôi phục các cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc, vốn đã được thu nhỏ lại sau hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim.

Nếu Triều Tiên tiến hành một vụ thử ICBM hoặc một vụ thử hạt nhân, ông Biden và ông Yoon Suk-yeol có thể sẽ cùng thống nhất trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn.

Ông Yoon Suk-yeol cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc triển khai thêm các khẩu đội phòng thủ tên lửa của Mỹ, được gọi là Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai doạn cuối (THAAD), nhằm mục đích phòng thủ trước các tên lửa của Triều Tiên.

Cuối cùng, ông Biden và ông Yoon Suk-yeol cùng nhất trí rằng Seoul cần phải cải thiện quan hệ với Tokyo để tăng cường phối hợp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn. Mối quan hệ đối tác giữa ông Yoon Suk-yeol và ông 0Biden sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hai bên theo đuổi cách tiếp cận trừng phạt cứng rắn hơn, đồng thời vẫn để ngỏ khả năng đối thoại nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mong muốn.

Mặc dù phương Tây nên kiên quyết đối mặt với các hành động khiêu khích của Triều Tiên, nhưng Seoul và Washington không nên e ngại khi đối thoại với Bình Nhưỡng.

Nếu Triều Tiên quyết định quay lại đàm phán, Mỹ nên thăm dò xem liệu có thể ký kết một thỏa thuận tạm thời để đóng băng chương trình hạt nhân Triều Tiên theo cách có thể kiểm chứng được để đổi lại việc Mỹ giảm nhẹ một phần các lệnh trừng phạt hay không.

Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ cần phải hợp lý hơn so với yêu cầu của Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội năm 2019 về việc Washington phải dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt chỉ để đổi lại việc Triền Tiên ngừng một phần hoạt động hạt nhân.

Một thỏa thuận tạm thời có thể là không thực tế bởi vì không có dấu hiệu này cho thấy chế độ Kim Jong-un sẽ chấp nhận hoạt động thanh sát của quốc tế như Iran từng đồng ý vào năm 2015. Tuy nhiên, sẽ còn thiếu tính thực tế hơn nếu cho rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận lớn dẫn đến kết quả là Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Việc thể hiện sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán hạn chế như vậy sẽ cho phép Washington thành công thuyết phục thế giới nghe theo câu chuyện của mình, theo đó Washington thực sự quan tâm đến hòa bình nhưng trở ngại chính đối với một thỏa thuận là do phía Bình Nhưỡng.

Thật dễ dàng để phản bác rằng các bước đi như vậy chẳng khác gì nhau. Nhưng có một lý do chính đáng khiến Mỹ và Hàn Quốc hết lần này đến lần khác quay trở lại hành động như vậy, bởi vì đó là giải pháp ít tồi tệ nhất.

Hình mẫu cho chiến lược này là Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ kiên nhẫn theo đuổi việc kiềm chế và ngăn chặn mối đe dọa từ Liên Xô cho đến khi, sau hơn nửa thế kỷ, Liên Xô tự mình tan rã một cách hòa bình. Chế độ nghèo nàn và phi pháp của Triều Tiên cũng như vậy, cuối cùng nó sẽ cần phải tự chuyển đổi hoặc sẽ bị tan rã.

Chiến tranh Lạnh là một tiến trình kéo dài, trong đó căng thẳng lúc dâng cao, lúc lại lắng dịu. Bài học của thời đại đó là Washington không nên phản ứng thái quá với những thăng trầm đó, mà thay vào đó cần theo đuổi một chính sách ổn định, có nguyên tắc để duy trì sức ép lên một chế độ chuyên chế mà không sa vào các hành động khiêu khích và có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột lớn.

Và với những vị tổng thống có tầm nhìn tương đồng nhau, Washington và Seoul có thể bám sát “kịch bản” này một cách hiệu quả hơn bao giờ hết./.