Iran và Mỹ đùn đẩy "trái bóng trách nhiệm" về thỏa thuận hạt nhân

Thứ tư, 30/3/2022 | 16:01 GMT+7

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố động thái đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran phải đến từ phía Mỹ. "Các vấn đề còn lại giữa chúng tôi và Mỹ cần đến các quyết định chính trị ở Washington."

Toàn cảnh vòng đàm phán hạt nhân giữa đại diện Iran với nhóm P4+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng Đức) tại Vienna, Áo. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Theo AFP/AP/Reuters, Bộ Ngoại giao Iran cho biết Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian tới Moskva ngày 15/3, trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran đã bị đình trệ do Nga đưa ra những yêu cầu mới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nói với các phóng viên: "Nga đã đưa ra các yêu cầu chính thức của mình một cách rõ ràng và điều này cần được thảo luận giữa tất cả các bên tham gia thỏa thuận năm 2015, giống như tất cả các yêu cầu mà các bên khác đã đưa ra."

Ông Khatibzadeh cho biết thêm rằng "ngoại trưởng của các bên (tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran 2015) đang thường xuyên liên lạc" và ông Amir-Abdollahian "đến Moskva ngày 15/3 để tiếp tục các cuộc thảo luận."

Hãng tin AP dẫn nhận định của tờ Nour News của Iran cho rằng chuyến thăm của ngoại trưởng Iran tới Moskva tạo ra "một nền tảng cho các cuộc đàm phán nghiêm túc, thẳng thắn và hướng tới tương lai" giữa hai quốc gia vốn đã chứng minh được rằng "họ có thể làm việc rất chặt chẽ, quyết đoán và thành công để xử lý những vấn đề phức tạp."

Quan hệ giữa Nga và Iran đã được cải thiện trong những năm gần đây, và Moskva đóng vai trò trung tâm trong việc thực thi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đặc biệt là bằng cách tiếp nhận urani được làm giàu quá mức từ Tehran.

[Đàm phán hạt nhân Iran đã bước vào giai đoạn quyết định]

Nhà phân tích người Iran Ahmad Zeidabadi cho biết việc Ngoại trưởng Amir-Abdollahian tới Moskva để hỏi "về những lý do đằng sau yêu cầu của Nga" là điều "bình thường."

Ông nói: "Ông ấy sẽ cố gắng thuyết phục người Nga đưa ra các yêu cầu cân bằng, hoặc ông ấy sẽ ủng hộ lập trường của Nga nếu ông ấy thấy những lý do được đưa ra là thuyết phục."

Hơn 10 tháng đàm phán tại Vienna đã đưa các cường quốc tiến gần đến việc khôi phục Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện năm 2015 (JCPOA) mang tính bước ngoặt để kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã phải tạm dừng sau khi Nga vào ngày 5/3 yêu cầu đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga vì cuộc xâm lược Ukraine sẽ không làm tổn hại đến quan hệ thương mại của nước này với Iran.

Ngày 11/3, quan chức hàng đầu phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã viết trên trang Twitter rằng việc tạm dừng đàm phán là "do các yếu tố bên ngoài", mặc dù thực tế là "một văn bản cuối cùng về cơ bản đã sẵn sàng và được đặt lên bàn đàm phán."

Sau đó, Mỹ đã đá "trái bóng trách nhiệm" sang sân của Iran và Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: "Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi có thể đạt được sự nhất trí về việc quay trở lại tuân thủ thỏa thuận... (nếu) những quyết định đó được đưa ra ở những nơi như Tehran và Moskva."

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng các yêu cầu bảo đảm của Nga "không có tính liên quan", nói rằng chúng "không liên quan đến nhau theo bất kỳ cách nào."

Tuy nhiên, ngày 14/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran đã lặp lại quan điểm của Tehran rằng động thái này phải đến từ Mỹ. Khatibzadeh tuyên bố: "Các vấn đề còn lại giữa chúng tôi và Mỹ cần đến các quyết định chính trị ở Washington."

Ông nói thêm rằng "nếu họ (Mỹ) thông báo rằng họ đã đưa ra quyết định thì tất cả các phái đoàn có thể quay trở lại Vienna" để hoàn tất thỏa thuận, và cho biết hiện nay "chúng tôi vẫn chưa tới thời điểm có thể tuyên bố một thỏa thuận."

Ngày 14/3, Tehran dường như tỏ ra lạc quan một cách thận trọng khi đánh giá về tương lai của các cuộc đàm phán hiện đã kéo dài 11 tháng. Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran - cơ quan đưa ra các quyết định trong các cuộc đàm phán ở Vienna - cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán tại Vienna cho đến khi các yêu cầu hợp pháp và hợp lý của chúng tôi được đáp ứng và đạt được một thỏa thuận mạnh mẽ."

Trong khi đó, tại Washington, 49 trong số 50 thượng nghị sỹ của Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ không ủng hộ một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trong một tuyên bố, họ cam kết sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảo ngược một thỏa thuận không "ngăn chặn hoàn toàn" khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo của nước này và chống lại điều mà họ cho là Iran hỗ trợ khủng bố.

Ngày 13/3, Iran đã bắn hàng chục tên lửa vào Erbil - thủ phủ của khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq - trong một cuộc tấn công dường như nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và các đồng minh của nước này.

Truyền thông nhà nước Iran cho biết Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đã thực hiện cuộc tấn công nhằm vào các "trung tâm chiến lược" của Israel ở Erbil, cho thấy đó có thể là đòn trả thù cho các cuộc không kích gần đây của Israel khiến quân nhân Iran thiệt mạng ở Syria.

Ông Khatibzadeh cho biết Tehran đã cảnh báo chính quyền Iraq nhiều lần rằng nước này không được để bên thứ ba sử dụng lãnh thổ của họ - bao gồm các phiến quân người Kurd, Mỹ và Israel - để tấn công Iran.

Truyền hình nhà nước Iran hôm 14/3 đưa tin rằng các lực lượng an ninh đã ngăn chặn được kế hoạch phá hoại địa điểm hạt nhân Fordow do một mạng lưới được Israel tuyển mộ thực hiện.

Iran cáo buộc Israel - được cho là quốc gia duy nhất ở Trung Đông có kho vũ khí hạt nhân - đã thực hiện một số cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và sát hại các nhà khoa học hạt nhân của họ trong những năm qua. Israel không phủ nhận nhưng cũng không xác nhận các cáo buộc này.

Trong một diễn biến khác, hãng tin AP cho biết Mỹ đã âm thầm bắt giữ hai tàu chở dầu bị nghi ngờ vận chuyển dầu của Iran. Chi tiết về vụ bắt giữ, vốn chưa được công bố trước đó, nằm trong một vụ án dân sự liên bang được bóc niêm phong vào tháng trước, sau khi các tàu do Hy Lạp quản lý này dỡ hàng hóa trị giá lên tới 38 triệu USD ở Houston và Bahamas theo yêu cầu của luật pháp Mỹ.

Vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh chính quyền Biden đang tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, có khả năng khiến Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Nhiệm vụ đó càng trở nên cấp thiết hơn khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine và Mỹ quyết định trả đũa bằng cách cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga, vốn có khả năng khiến các thị trường phương Tây mất đi hơn 10 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Sự mất mát nguồn cung đó có thể được bù lại một phần nhờ vào Iran, quốc gia đã hút được hơn 2,4 triệ thùng dầu mỗi ngày trong năm 2021, và bất chấp các lệnh trừng phạt, Tehran vẫn bán được một nửa số dầu họ sản xuất ra.

Những người phản đối Iran cảnh báo rằng cho dù Ukraine đang khuấy đảo những tính toán địa chính trị và Mỹ phải hướng sự chú ý vào Nga, song chính quyền Biden không nên giảm sức ép đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Claire Jungman, người đứng đầu nhóm Liên minh chống lại hạt nhân Iran có trụ sở ở New York, nói: "Vụ bắt giữ này là minh chứng hoàn hảo giải thích lý do tại sao Mỹ không nên dỡ bỏ trừng phạt. Chúng ta cần tiếp tục làm việc để đảm bảo rằng IRGC không thể sử dụng lợi nhuận từ việc bán dầu mỏ của Iran để tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và các hoạt động khác đe dọa an ninh và sự an toàn của tất cả mọi người dân Mỹ"./.