Hàn gắn quan hệ Hàn-Nhật: Bóng đang nằm ở phần sân nào?

Thứ tư, 03/8/2022 | 06:04 GMT+7

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang nỗ lực khôi phục quan hệ Hàn-Nhật, mối quan hệ đã rơi xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây dưới thời chính quyền tiền nhiệm Moon Jae-in.

(Nguồn: Getty)

Tờ The Korea Times (Thời báo Hàn Quốc) số ra ngày 25/7 đăng bài bình luận dẫn lời các chuyên gia sở tại cho rằng trong quan hệ Hàn-Nhật, “bóng” luôn nằm ở phần sân của Nhật Bản.

Nói cách khác, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nắm giữ “chìa khóa” của mối quan hệ này, đặc biệt là sau chiến thắng lớn của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản hồi đầu tháng này.

Do đó, điều quan trọng là ông Kishida sẽ phản ứng như thế nào trước những lời đề nghị “lặp đi lặp lại” của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol về một cuộc gặp thượng đỉnh nhằm thảo luận cách hàn gắn quan hệ song phương.

[Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản cùng giải quyết các vấn đề tồn đọng]

Tuy nhiên, một số chuyên gia không đồng tình với đánh giá này khi cho rằng thực tế “bóng đang ở sân của Hàn Quốc” chứ không phải của Nhật Bản.

Họ nói rằng tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Yoon Suk-yeol giảm và việc Quốc hội Hàn Quốc bị đảng đối lập chi phối chính là một trong những trở ngại lớn khiến cho việc cải thiện quan hệ Hàn-Nhật gặp khó khăn.

Yếu tố nội tại

Shin Kak-soo, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc và từng là Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản giai đoạn 2011-2013, nói với tờ The Korea Times rằng “trở ngại lớn nhất ngăn Hàn Quốc và Nhật Bản khôi phục quan hệ chính là vấn đề lao động cưỡng bức trong thời chiến. Nếu Tòa án tối cao Hàn Quốc giữ nguyên phán quyết của tòa án cấp dưới về việc các công ty Nhật Bản phải bán tháo tài sản đề đền bù cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thì rất khó có khả năng lãnh đạo 2 nước nhất trí về một cuộc gặp thượng đỉnh.”

Việc thay đổi đường lối hành động ở Hàn Quốc liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức trong thời chiến không phải là điều mà cơ quan hành pháp của chính quyền ông Yoon Suk-yeol có thể làm.

Tuy nhiên, theo ông Shin Kak-soo, nhánh lập pháp lại có thể thay đổi phán quyết sắp tới của tòa án và Quốc hội Hàn Quốc - vốn là bên nắm giữ “chìa khóa.”

Thế nhưng, Quốc hội Hàn Quốc hiện bị chi phối bởi Đảng Dân chủ (DP) đối lập chính, và tổ chức này không có khả năng hợp tác với Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng như Đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền để thông qua bất kỳ luật nào nhằm khôi phục quan hệ Hàn-Nhật.

Ông Shin Kak-soo cũng nhấn mạnh thêm rằng với thực tế tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Yoon Suk-yeol đang giảm sâu, đây sẽ là một trở ngại khác đối với việc khôi phục quan hệ Hàn-Bản. Ông bình luận: “Tổng thống Yoon Suk-yeol không thể dễ dàng vượt qua một vấn đề gai góc như vậy nếu không có sự ủng hộ của dư luận.”

Bất chấp những thách thức nêu trên, Christopher Johnstone - Cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington (Mỹ) - đã có một cái nhìn lạc quan về mối quan hệ Hàn-Nhật khi cho rằng: “Việc giải quyết các vấn đề lịch sử vốn luôn nhạy cảm và khó khăn về mặt chính trị đối với cả 2 nước, song có một chương trình nghị sự lớn cần cấp bách theo đuổi, đó là hợp tác về Triều Tiên, hợp tác quốc phòng, hợp tác về các vấn đề kinh tế như chất bán dẫn và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Tôi nghĩ rằng 2 bên hoàn toàn có thể và sẽ tiếp tục với chương trình nghị sự này trong khi vẫn nghiên cứu các vấn đề do lịch sử để lại.”

Kể từ khi nhậm chức ngày 10/5 vừa qua, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã nỗ lực khôi phục quan hệ Hàn-Nhật, mối quan hệ đã rơi xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây dưới thời chính quyền tiền nhiệm Moon Jae-in.

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã có cơ hội tiếp xúc với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khi cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO vào cuối tháng 6 vừa qua.

Tuần trước, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cũng đã có chuyến công du tới Nhật Bản để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh song phương.

Tác động từ vụ cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát

Tình hình chính trị ở Nhật Bản cũng là một trở ngại mới cho các mối quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc.

Vụ cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát ngày 8/7 vừa qua đã khiến quan hệ song phương Hàn-Nhật thêm phức tạp.

Ông Abe đã bị bắn hạ bởi một kẻ được cho là có ác cảm với Nhà thờ Thống nhất - một phong trào tôn giáo bắt đầu ở Hàn Quốc vào những năm 1950, sau khi khoản đóng góp khổng lồ của mẹ ông cho nhà thờ khiến gia đình ông bị phá sản.

Theo Nhà thờ Thống nhất, các thành viên của tổ chức này ở Nhật Bản đã nhận được những lời đe dọa giết người và bị phơi bày những tội ác thù hận sau cái chết của ông Abe.

Tuy nhiên, Giáo sư Yuji Hosaka - làm việc tại Đại học Sejong (Hàn Quốc) và hiện là công dân Hàn Quốc nhập tịch - lại cho rằng quan hệ Hàn-Nhật có nhiều cơ hội được cải thiện hơn kể từ khi cựu Thủ tướng Abe qua đời.

Ông Hosaka nói: “Sau khi ông Abe qua đời, một cuộc tranh giành quyền lực đang diễn ra giữa 6 người thuộc phái Abe nhưng không ai trong số họ có ảnh hưởng như ông ấy. Vì vậy, phái Abe cho biết họ sẽ không chọn người kế nhiệm Abe. Điều này sẽ khiến cho phái Abe bị chia rẽ và suy yếu... Những gì đang diễn ra trong LDP là điều tích cực đối với Thủ tướng Kishida và Cố vấn chính trị kiêm Phó chủ tịch LDP Taro Aso bởi ông Kishida sẽ được trao quyền nhiều hơn để thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng mình.”

Trái ngược với các báo cáo của truyền thông Hàn Quốc, Giáo sư Hosaka cho rằng ông Kishida sẽ không ưu tiên sửa đổi Hiến pháp (việc sửa đổi Hiến pháp là để cho phép Nhật Bản có quân đội và chấm dứt Hiến pháp hòa bình), và bản thân Thủ tướng Kishida là một người ôn hòa.

Khi được hỏi về khả năng cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Nhật có được tổ chức trong năm 2022 hay không, Giáo sư Hosaka đã có cái nhìn rất tích cực khi nhấn mạnh rằng bất kỳ kết quả hữu hình nào trong quan hệ song phương Hàn-Nhật cũng sẽ đến sau ngày 27/9, ngày Nhật Bản dự kiến tổ chức Quốc tang cho ông Shinzo Abe.

Giáo sư Hosaka nói: “Một lễ tang cấp nhà nước cho cựu thủ tướng là rất hiếm và gây tranh cãi vì một số người phản đối, nhưng Kishida quyết định điều đó vì ông ấy vẫn cần sự ủng hộ từ những người ủng hộ Abe.”

Về phần mình, Christopher Johnstone cho biết cả Hàn Quốc và Nhật Bản cuối cùng sẽ tìm kiếm lợi ích chung thông qua hợp tác thay vì duy trì mối quan hệ khó khăn như hiện nay. Ông nói: “Đã có những chuyển động tích cực trong quan hệ Hàn-Nhật kể từ khi Tổng thống Yoon Suk-yeol lên nắm quyền và tôi không nghĩ rằng vụ cựu Thủ tướng Abe bị ám sát sẽ làm thay đổi quỹ đạo này. Cả Tokyo và Seoul đều nhận ra rằng việc quan hệ chặt chẽ hơn với nhau và với Washington sẽ đem lại lợi ích cho họ.”

Tuy nhiên, Giáo sư Yuji Hosaka lại cho rằng công chúng Nhật Bản có tâm lý chống Hàn Quốc, đồng thời lưu ý rằng nếu vấn đề không được giải quyết ổn thỏa, nhà lãnh đạo Nhật Bản có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các biện pháp hàn gắn quan hệ với Hàn Quốc. Ông nói: “Nhiều người ở Nhật Bản vẫn có thái độ chống Hàn Quốc và nghi ngờ Seoul. Họ cho rằng người Hàn Quốc không đáng tin cậy”./.