Giới hạn sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga ở Ukraine

Thứ năm, 10/3/2022 | 12:59 GMT+7

Trung Quốc muốn liên kết và giành được sự ủng hộ của Nga trong cạnh tranh chiến lược với Mỹ, nhưng khi chi phí thực tế của liên kết đó lớn hơn lợi ích mà nó mang lại, Bắc Kinh sẽ phải xem xét lại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: eturbonews.com)

Theo trang mạng asiatimes.com, khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát và Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào hai vùng lãnh thổ ly khai là Donetsk và Luhansk - sau khi Moskva công nhận độc lập của các vùng lãnh thổ này - và hơn thế nữa, tất cả mọi sự chú ý đều tập trung vào phản ứng của quốc tế đối với hành động gây hấn này của Nga.

Trung Quốc là nước ủng hộ Nga nhiều nhất sau cuộc khủng hoảng sáp nhập Crimea năm 2014, nhưng giờ đây lập trường của nước này đối với các hành động của Nga vừa quan trọng vừa phức tạp hơn, với việc nhiều người trong cộng đồng chính sách Trung Quốc đã ngạc nhiên về Tổng thống Putin khi dõi theo những lời đe dọa của ông ta. 

Với hồ sơ lịch sử và những tính toán chiến lược của Bắc Kinh, khó có khả năng Trung Quốc đưa ra lập trường rõ ràng và hành động quyết đoán. Tuy nhiên, có nhiều phương tiện để tác động đến tính toán của Trung Quốc và sở thích chiến thuật của nước này trong mối quan hệ với Nga.

[Lãnh đạo Nga, Trung Quốc khẳng định quan hệ đối tác chiến lược] 

So với phản ứng của Trung Quốc vào thời điểm này trong cuộc khủng hoảng Crimea, một khuôn mẫu nhất quán là điều rõ ràng. Như một "khúc dạo đầu", Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế, ngăn chặn leo thang và giải quyết bất đồng thông qua đàm phán. 

Trong cả hai trường hợp miền Đông Ukraine và Crimea, Bắc Kinh đã nhấn mạnh các yếu tố lịch sử và những thực tế phức tạp, một động thái dường như đặt ra trách nhiệm cho cả hai bên.

Nếu như Crimea là một tiền lệ, Trung Quốc sẽ giữ im lặng về các vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, điều trên thực tế được hiểu là một sự thừa nhận ngầm về hiện trạng đã thay đổi.

Tuy nhiên, có một số khác biệt về sắc thái trong lập trường của Trung Quốc vào thời điểm này. Đầu tiên là tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này rằng những quan ngại hợp lý về an ninh của tất cả các quốc gia xứng đáng được tôn trọng.

Phù hợp với hành động cân bằng của Trung Quốc, một tuyên bố như vậy áp dụng cho mối quan ngại an ninh của Ukraine với cuộc chiến tranh của Nga, cũng như những quan ngại về an ninh của Nga đối với việc mở rộng NATO. 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố công khai rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia cần được bảo vệ - bao gồm cả Ukraine.

Tuyên bố đó được nhìn nhận rộng rãi là quan điểm rõ ràng nhất mà Trung Quốc đưa ra đối với cuộc chiến tranh do Nga phát động trong cuộc khủng hoảng này.

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Vương Nghị nên được đánh giá cùng với tiêu chuẩn mà ông nói thêm, rằng kết quả ở Ukraine ngày hôm nay là hậu quả của thất bại trong việc thực hiện Thỏa thuận Minsk II. Nhưng bản thân thất bại đó là “bài toán hóc búa Minsk” mà Trung Quốc cho là cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Trung Quốc tuyên bố họ sẽ quyết định lập trường của mình dựa trên giá trị của bản thân vấn đề này, một động thái rõ ràng để bác bỏ những suy đoán rằng Trung Quốc sẽ đứng về phía Nga xét trên tuyên bố chung giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra hồi đầu tháng này tại Bắc Kinh về các mối quan hệ “không giới hạn” giữa hai quốc gia.

Những tính toán của Trung Quốc

Phản ứng trực tiếp nhất vào sáng 22/2 trong cộng đồng chính sách Trung Quốc là cảm giác bị “sốc”.

Tin vào giả thuyết Tổng thống Putin chỉ đang làm ra vẻ và tình báo Mỹ không chính xác như trong trường hợp xâm lược Iraq, Trung Quốc đã không lường trước được một cuộc chiến tranh thực sự của Nga.

Đối với Bắc Kinh, chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Tổng thống Putin đã đạt được mục tiêu là buộc Mỹ và châu Âu quay lại bàn đàm phán, gây ra sự chia rẽ giữa các đồng minh NATO, tăng giá năng lượng và ngăn chặn NATO tiếp tục mở rộng, và do đó, không cần để ý đến nguy cơ phải gánh chịu những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc.

Xu hướng bác bỏ khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh của Nga không chỉ cho thấy lựa chọn của Trung Quốc mà còn minh họa cho việc Bắc Kinh nhận thức được việc tách rời khỏi “nhà hát” châu Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/12 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vì Bắc Kinh không cảm thấy họ phải chịu trách nhiệm hoặc bị ảnh hưởng bởi các hành động của Nga ở phía Đông, nên Trung Quốc đang quan sát tình hình ở Ukraine với sự quan tâm nhưng từ xa.

Tuyên bố chung với Nga là một ví dụ khác về việc Trung Quốc đã không lường trước những hành động của Tổng thống Putin. Nếu Bắc Kinh dự đoán ông Putin sẽ tiến quân vào Ukraine hai tuần sau đó, họ sẽ phải thận trọng hơn về sự liên kết chặt chẽ của họ và cam kết ràng buộc Bắc Kinh với cỗ xe của Tổng thống Putin.

Mặc dù nhiều chuyên gia Trung Quốc cảm thấy bị Nga "chơi xỏ", nhưng sự cay đắng của họ đã bị pha loãng bởi những lợi ích chiến lược nhận thức được. Ở mức độ tối thiểu, Trung Quốc coi cuộc khủng hoảng Ukraine là một sự phân tâm hữu ích sẽ kéo Mỹ ra khỏi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và quay trở lại châu Âu và Đại Tây Dương, giảm bớt áp lực chiến lược đối với Trung Quốc như là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Theo nghĩa này, Trung Quốc và Nga không cần phối hợp các hành động chung chống lại Mỹ, mà bản thân các hành động riêng của họ có thể đóng vai trò là các cấp số nhân sức mạnh - “chia để trị”.

Hơn nữa, giữa Ukraine và Đài Loan, không có sự so sánh nhưng có những ẩn ý. Điều thú vị là Trung Quốc không thích sự so sánh này vì điều đó ngầm ám chỉ Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền và có sự toàn vẹn lãnh thổ.

Tuy nhiên, cách Mỹ xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ là một sự tham chiếu cho Bắc Kinh về mức độ sẵn sàng và quyết tâm của Mỹ trong việc can thiệp quân sự, bất chấp những khác biệt đáng kể như Đạo luật Quan hệ Đài Loan. 

Washington có thể lập luận rằng có sự khác biệt giữa các đối tác và đồng minh, giữa Trung Quốc và Nga, cũng như giữa châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, điều mấu chốt là Trung Quốc sẽ nhìn nhận như thế nào và đưa ra kết luận của họ. Đánh giá chiến lược về giá trị của Nga trong cuộc cạnh tranh của Trung Quốc với Mỹ có lẽ là mấu chốt quan trọng nhất về phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Thay vì lên án Nga, Trung Quốc sẽ theo đuổi một cách tiếp cận trung dung, theo đó coi hành động gây hấn của Nga là do sự mở rộng của NATO và “các yếu tố lịch sử phức tạp”.

Kết quả của sự hung hăng đó sẽ sớm trở thành một việc đã rồi. Và quan trọng nhất, cái giá mà Trung Quốc phải gánh chịu cho chủ nghĩa phiêu lưu của Nga tự nó sẽ được coi là tối thiểu và hợp lý cho sự ủng hộ lẫn nhau mà sự liên kết mang lại.

Thay đổi lập trường của Trung Quốc

Mỹ có lẽ không thể buộc Trung Quốc thay đổi lập trường, phản đối Nga một cách công khai và dứt khoát.

Xét cho cùng, Trung Quốc không thấy có động cơ hợp tác với Mỹ để trừng phạt Nga vì chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc dường như không dễ thay đổi, Washington sẽ chỉ chìa ra miếng bánh thưởng nhỏ nếu Trung Quốc trợ giúp Mỹ trong vấn đề Ukraine.

Nếu không thu lại được lợi ích đáng kể nào, cái giá cho sự lựa chọn của Trung Quốc là những gì còn lại để thay đổi lợi ích mà họ nghĩ sẽ nhận được. Mặc dù Bắc Kinh muốn khai thác những lợi ích chiến lược từ các hoạt động của Nga, họ sẽ tính toán lại nếu như cái giá cao đến mức khiến nó trở nên không bền vững.

Một số người Trung Quốc đã ảo tưởng rằng không có thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế nào hiệu quả hơn mà Mỹ có thể áp dụng sau vài năm chiến tranh thương mại vừa qua.

Quan điểm này cần được hiệu chỉnh. Là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, Trung Quốc có các mối quan hệ thương mại và tài chính quan trọng với Nga nên sẽ dễ bị tổn thương bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Điều này đặc biệt đúng do các nhân tố thuộc sở hữu nhà nước đóng vai trò trung tâm trong các mối quan hệ thương mại song phương, chẳng hạn như các công ty dầu mỏ Trung Quốc trong hoạt động nhập khẩu năng lượng.

Điểm mấu chốt là: Trung Quốc muốn liên kết và giành được sự ủng hộ của Nga trong thời đại cạnh tranh chiến lược với Mỹ, nhưng khi chi phí thực tế của sự liên kết đó lớn hơn những lợi ích mà nó mang lại, Bắc Kinh sẽ phải xem xét lại.

Sự liên kết Trung-Nga bắt đầu và kết thúc với chương trình nghị sự chung chống Mỹ của họ. Ngoài điều đó ra, họ có những mục tiêu, tầm nhìn và cách tiếp cận khác nhau. Do đó, việc xử lý ra sao để đạt lợi ích của sự liên kết đó sẽ là cách làm hiệu quả nhất./.