EU loại ngân hàng lớn nhất Nga khỏi SWIFT: Có đem lại hiệu quả không?

Thứ ba, 07/6/2022 | 11:13 GMT+7

Sberbank khẳng định “vẫn hoạt động bình thường,” việc bị EU loại khỏi SWIFT “sẽ chỉ có tác dụng rất hạn chế,” nên biện pháp được cho là “cứng rắn” của Brussels có quá trễ, có đem lại hiệu quả không?

Ngân hàng Sberbank của Nga. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, thừa hưởng các quỹ tín dụng từ thời Sa Hoàng, đã bị Liên minh châu Âu (EU) loại khỏi hệ thống của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) trong loạt trừng phạt thứ 6 công bố sáng 31/5/2022.

Tuy nhiên, Sberbank khẳng định “vẫn hoạt động bình thường” và việc bị EU loại khỏi SWIFT “sẽ chỉ có tác dụng rất hạn chế.” Liệu biện pháp được cho là “cứng rắn” của Brussels có quá trễ và sẽ đem lại hiệu quả hay không?

Theo thông cáo ngày 31/5 của Sberbank, ngân hàng có nhiều khách hàng nhất ở Nga đã có thời gian thích ứng với “các biện pháp hạn chế lớn” của Mỹ và Anh. Đầu tháng Tư vừa qua, Washington đã phong tỏa tài sản của Sberbank “có liên hệ với hệ thống tài chính Mỹ.” London cũng áp dụng biện pháp tương tự. Vì vậy, việc bị EU “loại khỏi SWIFT không làm thay đổi tình hình đối với các thanh toán quốc tế.” Còn các giao dịch trong nước không phụ thuộc vào hệ thống SWIFT sẽ vẫn được ngân hàng tiến hành như bình thường.

Biện pháp muộn đánh vào biểu tượng của Nga

Tại sao EU chờ đến hơn ba tháng kể từ khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine mới trừng phạt “biểu tượng của ngành ngân hàng Nga”? Theo nhà kinh tế Nicolas Véron từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, đồng sáng lập tổ chức tư vấn châu Âu Bruegel, “cơ chế trừng phạt của EU ít tin cậy chừng nào không bao gồm cả Sberbank.”

Theo trang France 24, Sberbank có vị trí đặc biệt ở Nga cả về mặt tài chính lẫn lịch sử, không một nước nào lại có một ngân hàng có vị trí nổi trội như vậy. Sberbank thừa hưởng mạng lưới quỹ tiết kiệm sau khi Liên Xô tan rã nên đứng đầu cả nước về số khách hàng, khoảng 100 triệu người và có đến 16.000 chi nhánh.

Sberbank cũng là một trường hợp đặc biệt “theo kiểu Nga” vì trên lý thuyết, Sberbank là một ngân hàng tư nhân nhưng cổ đông chính lại là Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga. Đây không chỉ là “xung đột lợi ích, mà còn là vị thế cho phép Sberbank đóng vai trò lớn trong việc hoạch định chính sách kinh tế và tiền tệ của đất nước,” theo nhận định đăng trên báo Financial Times của ông Lajos Bokros, cựu Bộ trưởng Tài chính Hungary.

[EU đề xuất loại ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi SWIFT]

Ngoài ra, người đứng đầu Sberbank, ông Herman Gref, từng làm Bộ trưởng Thương mại Nga từ năm 2000, được đích thân Tổng thống Vladimir Putin bổ nhiệm năm 2007. Trên quy mô châu Âu, Sberbank nằm trong nhóm 30 ngân hàng hàng đầu dù phải chịu nhiều biện pháp trừng phạt quốc kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Hiệu quả của biện pháp trừng phạt?

Biện pháp được EU đánh giá là “cứng rắn” nhưng lại đưa ra muộn có thể được giải thích qua ba lý do. Thứ nhất, EU mất một tháng “lục đục nội bộ” vì Hungary dọa phủ quyết loạt trừng phạt thứ sáu nếu không nhận được “các bảo đảm” về nhập dầu mỏ của Nga. Thứ hai, theo chuyên gia Nicolas Véron, “EU chờ lâu nhất có thể để các nhà xuất khẩu châu Âu tiếp tục giao dịch với các khách hàng ở Nga có tài khoản ở Sberbank.” Thứ ba, Brussels muốn giữ lại những “con át chủ bài” để “gia tăng áp lực trừng phạt” và để giới chính trị gia khẳng định là vẫn hành động.

EU “đã không trừng phạt cùng lúc tất cả các ngân hàng Nga để luôn đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng hơn cho nền kinh tế Nga,” theo chuyên gia về kinh tế Nga Sergei Popov từ Đại học Cardiff.

Mục đích loại Sberbank khỏi SWIFT là để khách hàng của ngân hàng lớn nhất Nga gặp khó khăn trong giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, ông Tyler Kustra, chuyên gia về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế, Đại học Birmingham, nhắc lại vũ khí này chỉ thực sự hiệu quả nếu “không có các lỗ hổng trong cơ chế vì khách hàng của một ngân hàng bị loại khỏi SWIFT vẫn mở được tài khoản ở một ngân hàng khác tham gia SWIFT.” Hiện tại, rất nhiều ngân hàng Nga, như Alfa Bank (ngân hàng tư nhân lớn nhất Nga), vẫn được tham gia vào hệ thống SWIFT.

Có thể nói biện pháp trừng phạt của Brussels mang nặng tính biểu tượng hơn là hiệu quả hoặc EU vẫn để lối thoát cho các nhà tài phiệt, các tập đoàn lớn của Nga. Đối với những tập đoàn này hay đối với những hợp đồng lớn, luôn có cách để lách trừng phạt, như thông qua một ngân hàng khác, đặc biệt là ở Trung Quốc, chấp nhận các giao dịch với Sberbank mà không cần đến mạng lưới SWIFT.

Đối với khách hàng cá nhân Nga có tài khoản ở Sberbank, các biện pháp trừng phạt của EU “không tác động nhiều vì họ không thực sự có nhu cầu giao dịch quốc tế,” vẫn theo chuyên gia Sergey Popov.

Các nhà xuất-nhập khẩu nhỏ của Nga có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tìm phương pháp thay thế. Tuy nhiên, họ không chiếm số đông, hiện chỉ còn vài trăm nhà xuất-nhập khẩu ở Nga./.