Động lực tăng trưởng cho khối các nền kinh tế mới nổi BRICS

Thứ sáu, 06/5/2022 | 11:42 GMT+7

Các thực tế địa chính trị mới sẽ làm thay đổi chương trình nghị sự của BRICS, khiến các sáng kiến riêng lẻ trở nên cấp thiết với tất cả các nước tham gia, có thể trở thành động lực tăng trưởng mới.

Trang mạng của Hội đồng Đối ngoại Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) số ra mới đây có bài viết cho biết, phép biện chứng cho sự phát triển của bất cứ tổ chức nào cũng cho thấy rằng tổ chức đó trải qua các thời kỳ tăng trưởng, mở rộng chương trình nghị sự, ưu thế của các lực lượng hướng tâm, cũng như trải qua các cuộc khủng hoảng để thống nhất hoá các quan điểm.

Sau gần một thập kỷ hình thành và phát triển, khối bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự trong vài năm gần đây. Cuộc khủng hoảng này xuất phát từ một số yếu tố.

Đầu tiên là sự khởi đầu của suy thoái kinh tế ở 3 nước (Brazil, Nga, Nam Phi), sự gia tăng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hoặc Trung Quốc và Brazil. Từ những mâu thuẫn đó mà nhiều sáng kiến, bao gồm các nhiệm vụ tăng cường tiếng nói của các nước đang phát triển và cải cách các thể chế điều tiết toàn cầu, vẫn chỉ là khẩu hiệu.

Những cú sốc

Có lẽ, đã có sự tiến bộ trong cách tiếp cận BRICS từ phía Brazil. Các cựu Tổng thống Lila da Silva và người kế nhiệm của ông là Dilma Rouseff đã tham gia thành lập BRICS và có sự hiểu biết rất rõ về cách thức hoạt động để đạt được mục tiêu chiến lược chính trong chính sách đối ngoại của Brazil, với vai trò lãnh đạo miền Nam toàn cầu.

Có thể nhớ lại phát biểu của cựu lãnh đạo Bộ Ngoại giao Brazil Celso Amorim (từ năm 2003 đến 2010) khi BRICS mới được thành lập vào năm 2008: “Các nước thành viên BRICS có thể đóng vai trò như một loại cầu nối giữa các nước công nghiệp phát triển và đang phát triển trong việc đảm bảo phát triển bền vững và thực hiện chính sách kinh tế quốc tế cân bằng hơn. Chúng ta phải giúp xây dựng một trật tự thế giới dân chủ hơn bằng cách đảm bảo rằng các nước đang phát triển tham gia tích cực vào các cơ quan ra quyết định.”

[BRICS hợp tác để vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế]

Đồng thời, các nước thành viên BRICS cũng nhiều lần lặp đi lặp lại rằng khối không nhằm chống lại bất cứ ai, không nhằm thay thế sự hợp tác với các nước phát triển, mà sẽ cho phép khối này có được vị trí bình đẳng hơn.

Sự tích cực của Brazil trong BRICS được thể hiện rõ qua việc xây dựng các định dạng song phương với thế giới đang phát triển, nơi quốc gia này đóng vai trò dẫn đầu như Diễn đàn châu Phi-Nam Mỹ hoặc diễn đàn Đông Á-châu Mỹ Latinh.

Vào giữa những năm 2010, Brazil đã phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng, cùng với việc kinh tế tại Nga và Nam Phi tăng trưởng chậm, động lực của BRICS nói chung đã không thể phát triển mạnh mẽ.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng thách thức quan trọng đối với kinh tế Brazil vào thời điểm đó là năng suất thấp. Điều này có thể được giải quyết thông qua quá trình hiện đại hoá nền kinh tế một cách nghiem túc, bao gồm cả sự tham gia của FDI công nghệ.

Giới tinh hoa lên nắm quyền vào năm 2018 đã nhìn thấy giải pháp cho vấn đề này không chỉ ở việc tăng cường hợp tác công nghệ và đầu tư theo tuyến Nam-Nam, mà còn trong cả việc liên minh với các nước phát triển (sơ đồ Bắc-Nam hợp tác).

Tuy nhiên, bộ máy lãnh đạo mới đã không nhận ra tầm quan trọng của các cơ chế và công cụ được tạo nên trong khuôn khổ BRICS (Ngân hàng BRICS mới hoặc các nền tảng hợp tác công nghệ). Thay vào đó, quy mô lợi nhuận từ các cơ chế này lại không tương ứng với những gì cần thiết cho một bước đột phá công nghệ thực sự của “gã khổng lồ nhiệt đới.”

Vào năm làm Chủ tịch BRICS 2019, Brazil đã thể hiện cách tiếp cận mà khối này thực sự cần để tiếp tục phát triển. Sau sự phát triển quá mức của chương trình nghị sự của những năm trước, khi các sáng kiến và dự án từ hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống đều được đưa vào BRICS, Brazil tập trung vào các ưu tiên thực sự quan trọng, mang tính thoả hiệp, nhưng phải nghiên cứu sâu về chúng. Điều này được phản ánh trong các ưu tiên hẹp hơn mà Brazil đã nêu lên. 

Tuy nhiên, sau thời gian “tập trung,” BRICS cần phải chuyển sang giai đoạn mở rộng và tăng trưởng mới nhưng cho tới nay, khối vẫn chưa cho thấy tiềm năng thực sự để thực hiện việc này. Minh chứng rõ ràng nhất là sự thất bại của BRICS trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.

Cùng với đó, các sự kiện ở Ukraine vào năm 2022 sẽ là cú sốc và thử thách nghiêm trọng nhất cho sự thống nhất của khối.

Các kịch bản thích ứng

Vấn đề thích ứng của BRICS với thực tế mới phụ thuộc vào việc liệu cuộc khủng hoảng hiện tại có phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi hay là thách thức đối với hệ thống. Phản ứng cho các kịch bản là khác nhau, mặc dù, rõ ràng chúng rất khó dự đoán, vì các đường nét chính của thực tế mới này vẫn chưa được thể hiện đầy đủ.

Không một quốc gia BRICS nào ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga, nhưng cho tới nay điều này không có nghĩa là họ sẵn sàng mạnh dạn tăng cường hợp tác với Nga, bất chấp những mối đe doạ có thể hiểu được (chủ yếu là các biện pháp trừng phạt thứ cấp) từ Mỹ và EU.

Tuy nhiên, nếu tổng kết từ giai đoạn cấp tính hiện tại của cuộc khủng hoảng thì có thể phác thảo một số kịch bản phát triển cho BRICS.

Kịch bản đầu tiên là sự tái sinh của BRICS, đến từ sự phát triển rộng rãi, bao gồm các quốc gia mới và biến thành một tổ chức tương tự như G20, nhưng chỉ dành cho các nước đang phát triển. Sáng kiến này đã được nêu lên từ những năm đầu tiên thành lập BRIC, sau này là BRICS. Trước hết, các phương án đã được thảo luận bao gồm việc tiếp nhận một quốc gia hồi giáo lớn để biến BRICS thành một liên minh của nhiều nền văn minh.

Hiện Ai Cập đang thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia BRICS và vào năm 2021, một đề xuất đã được đưa ra (không phải lần đầu tiên) đối với Armenia. Hiện người ta thường nói về định dạng BRICS+ và quay trở lại ý tưởng “hợp nhất các sự kết hơp.” Mặc dù vậy, phương án cuối cùng dường như không khả thi do xu hướng ly tâm tăng cao trong các tổ chức Mỹ Latinh như Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).

Tuy nhiên, khi thực hiện kịch bản bao gồm các quốc gia mới với sức mạnh mới, một câu hỏi đã xuất hiện liên quan đến mục tiêu chiến lược của BRICS, các giá trị, lý tưởng của khối và liệu BRICS có thể đóng góp thực sự vào sự phát triển của các nước tham gia hay không?

Trong bối cảnh đối đầu với phương Tây như hiện nay, đối với Nga, một vấn đề rất khó khăn là coi BRICS như một lựa chọn thay thế (hoặc như một cầu nối) để hợp tác hiệu quả hơn với các nước phát triển.

Rõ ràng, những đảm bảo trước đây mà lãnh đạo Nga đưa ra về xây dựng mối quan hệ với tất cả các lực lượng bên ngoài cần phải được xem xét lại, nếu chương trình nghị sự về việc lách các lệnh trừng phạt và tạo ra các cơ chế tài chính, hậu cần và các cơ chế khác thay thế cho các cơ chế của phương Tây được tích cực thúc đẩy.

Kịch bản thứ hai là tăng cường vai trò thống trị của Trung Quốc, sự gia tăng phụ thuộc của các nước khác vào Trung Quốc (chủ yếu là Nga) và biến BRICS thành một “quỹ tương trợ lẫn nhau” - nơi Trung Quốc thông qua Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và các công cụ khác để hỗ trợ đối tác, thông qua đó thúc đẩy chương trình nghị sự và lợi ích của mình. Đây là kịch bản đã được thực hiện một phần.

Rõ ràng là khả năng tiếp cận các nguồn lực bổ sung của NDB đã thu hút những quốc gia sẵn sàng trở thành một phần của BRICS. Tuy nhiên, một trở ngại rõ ràng đối với sự phát triển như vậy sẽ là lập trường của Ấn Độ - quốc gia không quan tâm đến việc tăng cường vai trò của đối thủ cạnh tranh chiến lược của mình. Hơn nữa, kinh tế Ấn Độ trong những năm gần đây (ngoại trừ năm 2020) đã có tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hơn Trung Quốc và lợi thế này được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo cho đến năm 2026 và còn hơn thế nữa.

Kịch bản thứ ba là tìm kiếm một cách thận trọng sự cân bằng trong khi vẫn duy trì cơ cấu thành phần, mục đích và nhiệm vụ hiện tại. Để làm được điều này, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil cần xem xét lại cách tiếp cận của họ đối với quan hệ song phương, đồng thời giải quyết các mâu thuẫn.

BRICS nên thực hiện một số công tác để khắc phục những sai lầm sau đại dịch, cố gắng cùng nhau ứng phó với những thách thức nghiêm trọng đáng đe dọa hiện nay, bao gồm cuộc xung đột tại Ukraine đã gây ra một giai đoạn mới của cuộc khủng hoảng lương thực và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vốn đã được IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán.

Các nước BRICS chắc chắn có các nguồn lực để hành động hiệu quả, bao gồm các nhà sản xuất lương thực hàng đầu thế giới (ngoại trừ Nam Phi). Ngoài ra, cũng có một số tồn đọng nhất định của các sáng kiến liên quan để kết nối trong những năm qua, bao gồm cả những sáng kiến đã được thông qua như một phần của Kế hoạch Hành động cho giai đoạn 2021-2024 về hợp tác nông nghiệp. 

Dự án xây dựng hệ thống thanh toán BRICS PAY đang trở nên phù hợp hơn hết trong điều kiện hiện đại. Nga nhận thức rõ sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này, vốn trước đó được lên kế hoạch triển khai vào năm 2025. Nga đã và đang triển khai các dự án chuyển đổi sang sử dụng đồng tiền quốc gia với Ấn Độ và Trung Quốc, và sau đó là một hệ thống thanh toán thay thế cho hệ thống SWIFT.

Brazil và Nga trước đây đã cố gắng chuyển thanh toán trong hoạt động thương mại song phương bằng đông ruble và real. Tuy nhiên, sự bất ổn trong tỷ giá hối đoái của hai đồng tiền kể từ nửa cuối những năm 2010 đã làm chậm tiến độ dự án này. Trong bối cảnh, do các biện pháp trừng phạt mà Brazil không thể mua từ Nga loại phân bón cần thiết cho khu liên hợp nông-công nghiệp của nước này, nhiệm vụ nâng cao tính độc lập trong hợp tác tài chính song phương trở nên quan trọng.

Tất nhiên, các thực tế địa chính trị mới sẽ làm thay đổi chương trình nghị sự của BRICS, khiến các sáng kiến riêng lẻ trong lĩnh vực tài chính hoặc an ninh lương thực trở nên cấp thiết đối với tất cả các nước tham gia. Những sáng kiến này có thể trở thành động lực của một giai đoạn mới trong sự phát triển của khối.

Ngoài ra, việc các sáng kiến thành công và có tiến bộ thực sự sẽ là một yếu tố thu hút bổ sung mạnh mẽ đối với các nước thứ ba quan tâm đến việc tham gia các công cụ toàn cầu mới độc lập với phương Tây.

Cũng còn rất nhiều rủi ro trong quá trình này, bao gồm sự phản đối rõ ràng của các nước phương Tây thông qua việc gia tăng áp lực trừng phạt đối với các nước hợp tác với Liên bang Nga./.