Định hướng mới cho quan hệ Australia và khu vực Đông Nam Á

Thứ hai, 11/7/2022 | 10:43 GMT+7

Thách thức với Australia ở ASEAN là một trong những "sự phân kỳ chiến lược" về các thế giới quan ngày càng khác nhau, khiến hợp tác đặc biệt trong các vấn đề chính trị nhạy cảm trở nên khó khăn hơn.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Công đảng mới của Australia đã cam kết sẽ chuyển hướng sự chú ý vào khu vực Đông Nam Á; đây được coi là một cam kết trong cương lĩnh tranh cử của Công đảng đối với chính phủ liên đảng của Australia.

Liên quan đến vấn đề này, bài phân tích có tựa đề “Hướng đi mới trong quan hệ Australia-Đông Nam Á” của chuyên gia Susannah Patton thuộc Viện nghiên cứu Lowy ngày 27/6 đã đưa ra một số đề xuất đáng chú ý.

Theo bài viết, thách thức đối với Australia ở khu vực Đông Nam Á là một trong những "sự phân kỳ chiến lược" về các thế giới quan ngày càng khác nhau, khiến việc hợp tác đặc biệt trong các vấn đề chính trị nhạy cảm trở nên khó khăn hơn.

Việc thúc đẩy quan hệ của Australia với khu vực phức tạp này sẽ đòi hỏi các hành động trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. 

Trong ngắn hạn

Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã chỉ ra rằng Australia sẽ lắng nghe khu vực. Điều này, kết hợp với đối thoại ngoại giao cấp Bộ trưởng, sẽ tạo ra những nền tảng quan trọng được thực hiện vào năm 2022.

Australia cần làm rõ rằng bất chấp những thách thức từ Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương, Đông Nam Á sẽ giữ được vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của Australia. Việc Thủ tướng Australia Anthony Albanese cam kết tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Indonesia là một tín hiệu tích cực.

Bên cạnh đó, các vấn đề hỗ trợ Thái Lan và Campuchia trong vai trò chủ trì Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng cần được Australia ưu tiên.

Australia cần làm rõ vai trò của đặc phái viên về Đông Nam Á, vì vai trò này vẫn chưa chính thức được công bố. Ngoài ra, Australia cần bổ nhiệm các đặc phái viên để tập trung hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ cụ thể.

[ASEAN và Australia ký MoU về Sáng kiến vì tương lai ASEAN]

Chẳng hạn cựu Thủ tướng Kevin Rudd bổ nhiệm cựu quan chức ngoại giao Richard Woolcott tham gia cùng với các quốc gia trong khu vực liên quan đến đề xuất được cho là chưa hiệu quả của Australia đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đặc phái viên của các tổ chức đa phương của Australia, chẳng hạn như tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thường đến các khu vực mà sự hiện diện ngoại giao của Australia còn yếu như các quốc gia nói tiếng Pháp ở châu Phi.

Do đó, trong trường hợp lý tưởng nhất, một đặc phái viên về Đông Nam Á sẽ trở thành thành viên của chính phủ hiện tại, người sẽ có thẩm quyền truyền tải các thông điệp từ khu vực đến chính quyền. Việc bổ nhiệm một cựu chính trị gia hoặc quan chức có thể cho thấy Australia muốn có trách nhiệm đối với khu vực quan trọng này.

Trong trung hạn

Công đảng cam kết hỗ trợ phát triển thêm 470 triệu AUD (khoảng 325,8 triệu USD) cho khu vực Đông Nam Á, với 200 triệu AUD trong số này đã được cam kết cho quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng khí hậu với Indonesia. Tuy nhiên, con số này là quá ít so với nhu cầu phát triển của khu vực và so với quy mô khiêm tốn của nhiều chương trình hỗ trợ phát triển song phương của Australia.

Tuy nhiên, hỗ trợ phát triển không phải là công cụ chính giúp Australia tham gia vào khu vực Đông Nam Á. Chính phủ mới nên tìm cách củng cố các thế mạnh hiện có của Australia, bao gồm cả với tư cách là đối tác quốc phòng và an ninh, đồng thời là người ủng hộ xây dựng thể chế ASEAN và cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm.

Việc ủy quyền và cung cấp nguồn lực cho các cơ quan liên quan của Australia để ưu tiên cho khu vực Đông Nam Á là điều kiện tiên quyết cần thiết nếu Văn phòng Đông Nam Á thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia được thành lập.

Từ quan điểm này, năng lượng nên là một lĩnh vực quan trọng cho sự hợp tác mới giữa Australia và Đông Nam Á, vì lĩnh vực này sẽ giúp hỗ trợ lợi ích kinh doanh ngày càng tăng của Australia trong lĩnh vực năng lượng ở Đông Nam Á.

Do đó, các cuộc đối thoại chính sách song phương tập trung vào an ninh năng lượng hoặc đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN-Australia mới về chuyển đổi năng lượng xanh có thể sẽ được các nước Đông Nam Á hoan nghênh.

Trong dài hạn

Nhiều khía cạnh đáng tiếc nhất trong các mối quan hệ giữa Australia với Đông Nam Á, chẳng hạn như tỷ lệ hiểu biết về ngôn ngữ châu Á giảm và sự quan tâm hạn chế của các doanh nghiệp Australia trong khu vực, đã khiến các chính phủ liên tiếp của Australia chưa tìm được giải pháp.

Thủ tướng Australia Albanese đến thăm Jakarta của Indonesia. (Nguồn: AAP)

Trong chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Australia Albanese đến Indonesia, bình luận của các chuyên gia Australia về những khía cạnh này của mối quan hệ song phương cho rằng mặc dù hai bên có nhiều nỗ lực nhưng chưa mang lại hiệu quả.

Chính phủ của Thủ tướng Albanese dường như đã nhận ra những lỗ hổng này, với việc công bố nguồn tài trợ mới cho nghiên cứu trong nước ở Indonesia và ưu tiên sự tham gia kinh doanh của các doanh nghiệp Australia. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Thủ tướng Albanese có sẵn sàng đầu tư nghiêm túc để cải thiện việc học ngôn ngữ của người châu Á hay không.

Hỗ trợ sự tham gia kinh doanh không nhất thiết phải chi tiêu nhiều tiền, nhưng sẽ được hưởng lợi từ sự tập trung nhất quán và tư duy mới mẻ.

Những nguyên tắc

Có hai nguyên tắc định hướng cho cách tiếp cận của Australia đối với khu vực Đông Nam Á. Đầu tiên, mối quan hệ song phương với các nước ở Đông Nam Á là đòn bẩy quan trọng nhất để thúc đẩy lợi ích của Australia.

Hiện nay, có nguy cơ sự gia tăng phối hợp giữa các quốc gia cùng chí hướng, bao gồm Nhóm Bộ Tứ, Hàn Quốc và các đối tác châu Âu, có thể làm xao nhãng hoạt động kinh doanh cốt lõi là hợp tác với các nước Đông Nam Á.

Việc phối hợp tốt hơn sẽ không làm thay đổi cán cân khu vực, nhưng có thể mang lại cho các nước Đông Nam Á những lựa chọn thực sự và quan hệ đối tác sâu rộng.

Nguyên tắc thứ hai là các mối quan hệ của Australia với Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng bởi các chính sách rộng lớn hơn của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thông điệp phải được quản lý phù hợp.

Có thể dễ dàng chỉ ra những thất bại trong cách thỏa thuận quốc phòng ba bên giữa Australia, Vương quốc Anh và Mỹ (AUKUS) được tiếp nhận, đặc biệt là với Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, Australia sẽ tiếp tục đầu tư vào khả năng răn đe của mình trong nhiều thập kỷ tới.

Đối thoại với khu vực sẽ cần trở nên thẳng thắn, thực chất và liên tục hơn rất nhiều để giúp quản lý thách thức có thể xảy ra sắp tới./.