Để tháo gỡ những nút thắt trong quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản

Thứ ba, 19/4/2022 | 13:02 GMT+7

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc chỉ trích sự suy thoái trong quan hệ song phương và cam kết “suy nghĩ lại” về mối quan hệ dựa trên “tầm quan trọng chiến lược của việc bình thường hóa quan hệ với Tokyo.”

Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Nguồn: Yonhap)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin, việc bầu cựu Tổng công tố Yoon Suk-yeol làm Tổng thống Hàn Quốc đã tạo cơ hội phá vỡ thế bế tắc trong quan hệ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tổng thống đắc cử Yoon đã chỉ trích sự suy thoái trong quan hệ song phương và cam kết “suy nghĩ lại” về mối quan hệ dựa trên “tầm quan trọng chiến lược của việc bình thường hóa quan hệ với Tokyo.”

Ngày 10/3 vừa qua, ông Yoon và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cùng bày tỏ mong muốn cải thiện mối quan hệ này.

Khả năng “tan băng” trong quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản đã thắp lên hy vọng cho Washington, nơi mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy Tokyo và Seoul theo đuổi quan hệ hợp tác ba bên. Trước cuộc bầu cử của Hàn Quốc, các quan chức cấp cao của ông Biden đã thận trọng bày tỏ lạc quan rằng một chiến thắng của phe bảo thủ có thể khiến nhiệm vụ này trở nên dễ dàng hơn.

Một bước đột phá trong quan hệ không thể dựa trên niềm tin rằng các vấn đề lý lẽ lịch sử thời chiến có thể dễ dàng bị bỏ qua. Chính phủ Nhật Bản đã mắc sai lầm này trước các chính quyền bảo thủ tiền nhiệm ở Hàn Quốc. Ký ức lịch sử và các vấn đề công lý vẫn ăn sâu vào bản sắc dân tộc ở cả hai nước. Bước hòa giải thực sự sẽ đòi hỏi hai bên phải đối mặt với quá khứ.

 [Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản nhìn nhận lịch sử để hướng tới hợp tác]

Mục tiêu này đã có những tiến bộ đáng kể vào năm 2015. Tuyên bố do Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Shinzo Abe đưa ra - nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh và thỏa thuận về vấn đề “phụ nữ mua vui” hồi tháng 12/2015 - dường như là một bước đột phá. Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình đó.

Tuy nhiên, thỏa thuận năm 2015 vẫn còn nhiều sai sót. Mặc dù đã có sự tham vấn rộng rãi với các nạn nhân Hàn Quốc, song thỏa thuận đã được đưa ra mà không có sự đồng thuận chính thức của tổ chức đại diện cho các nạn nhân. Chính phủ Nhật Bản đã sai lầm khi khẳng định rằng Hàn Quốc đồng ý dỡ bỏ một bức tượng tưởng niệm các nạn nhân đối diện Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul, cũng như sai lầm khi tiếp tục vận động thế giới phản đối việc tưởng niệm sự kiện lịch sử này.

Về phía Hàn Quốc, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra quyết định đáng tiếc khi hủy bỏ quỹ được thành lập theo thỏa thuận hồi tháng 12/2015. Tòa án Hàn Quốc đưa ra phán quyết yêu cầu bồi thường cho những người lao động Hàn Quốc bị cưỡng bức tại các công ty Nhật Bản, qua đó thách thức suy nghĩ trước đây rằng vấn đề này đã được giải quyết trong hiệp ước bình thường hóa quan hệ năm 1965. Theo một phán quyết khác, thỏa thuận năm 2015 đã không đưa ra mức bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân.

Về phía Nhật Bản, các biện pháp trả đũa đã được áp dụng kèm theo lệnh kiểm soát xuất khẩu. Nhật Bản đe dọa sẽ có những bước tiến xa hơn nếu tài sản của các công ty nước này bị thu giữ để thực thi phán quyết của tòa án.

Bất kỳ động thái nào liên quan đến các vấn đề lịch sử đều phải bắt đầu bằng việc đảo ngược các bước đã thực hiện, qua đó làm suy yếu tiến trình trong quá khứ. Đây là điều cần thiết để hai nước khôi phục lòng tin và tạo nền tảng để đạt được những bước tiến trong quan hệ song phương.

Đối với Nhật Bản, điều này bắt đầu bằng sự tái khẳng định rõ ràng của Thủ tướng Kishida về tất cả tuyên bố của các chính quyền tiền nhiệm đối với những vấn đề lịch sử. Nhật Bản cũng nên dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Còn về phía Hàn Quốc, Tổng thống đắc cử Yoon nên căn cứ vào thẩm quyền pháp lý của hiệp ước năm 1965 về việc khôi phục quan hệ ngoại giao, trong đó có Thỏa thuận Nhật-Hàn về Giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, yêu cầu bồi thường và hợp tác kinh tế.

Tổng thống Yoon cần khôi phục tính hợp pháp của thỏa thuận bồi thường nạn nhân hồi tháng 12/2015 để làm cơ sở cho bất kỳ hành động nào trong tương lai, bao gồm cả việc thừa nhận lời xin lỗi của cựu Thủ tướng Abe cũng như thành lập lại Tổ chức hòa giải và Phục hồi, với sự tài trợ của phía Nhật Bản. Các tòa án Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho hành động này khi đưa ra các phán quyết mới ủng hộ việc duy trì 2 hiệp ước năm 1965 và 2015, trái với các phán quyết trước đó.

Để vượt qua những thách thức ngoại giao, hai nước cũng cần có một thỏa thuận tổng thể mới. Thỏa thuận này cần thành lập một Tổ chức về Trách nhiệm và Hòa giải, tương tự Tổ chức Tưởng niệm, Trách nhiệm và Tương lai được thành lập ở Đức vào năm 2000 để bồi thường cho các lao động cưỡng bức trong quá khứ.

Nền tảng mới này có thể tiếp thu vai trò của Tổ chức Hòa giải và Phục hồi trong việc bồi thường cho các lao động cưỡng bức, bao gồm cả những người bị ép buộc làm nô lệ tình dục. Nền tảng này sẽ do chính phủ và các tập đoàn Nhật Bản tài trợ. Các tổ chức xã hội dân sự của Hàn Quốc đại diện cho các nạn nhân nên tham gia vào một thỏa thuận như vậy. Chính phủ Hàn Quốc cần thừa nhận rằng điều này sẽ giải quyết vĩnh viễn các khiếu nại đối với tài sản của các công ty Nhật Bản, cân nhắc sự đóng góp của họ vào nền tảng mới nhằm giải quyết các khiếu nại.

Các rào cản đối với một thỏa thuận như vậy bắt nguồn từ chính trị trong nước. Chính phủ hai nước đều đang ở trong những hoàn cảnh chính trị nhạy cảm. Tổng thống đắc cử Yoon phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc thành lập chính phủ mới.

Thủ tướng Kishida thì đang phải để tâm đến sự hiện diện mạnh mẽ của phe cánh hữu trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, vốn phản đối thỏa thuận, đồng thời phải đối mặt với cuộc bầu cử thượng viện của nội các Nhật Bản vào tháng 7/2022. Trong khi đó, chính quyền ông Biden đang bận rộn với cuộc khủng hoảng chiến lược ở Ukraine và những tác động toàn cầu của nó.

Mặc dù vậy, chính tình hình Ukraine và sự ủng hộ thực tế của Trung Quốc đối với cuộc xâm lược của Nga sẽ thúc đẩy chính phủ ba nước Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc ưu tiên thiết kế một bước đột phá, không chỉ dẫn đến hòa giải mà còn củng cố nền tảng cho một quan hệ đối tác ba bên thực sự./.