Đại dịch COVID-19 khiến hệ thống lương thực của ASEAN lao đao

Thứ hai, 09/5/2022 | 15:24 GMT+7

Việc tái xây dựng hệ thống lương thực cần phải xuất phát từ nỗ lực bảo đảm khả năng sản xuất lương thực của mỗi quốc gia tới xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm, quy định về lượng hàng hóa dự trữ.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thu hoạch lúa trong vùng nguyên liệu tại xã Định Thành ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Trang mạng Theedgemarkets.com đã đăng bài viết của chuyên gia Chandran Nair, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu toàn cầu vì ngày mai, cho rằng đại dịch COVID-19 đã khiến hệ thống lương thực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lao đao.

Việc tái xây dựng hệ thống này cần phải xuất phát từ nỗ lực bảo đảm khả năng sản xuất lương thực của mỗi quốc gia tới xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm, quy định về lượng hàng hóa dự trữ tại các cửa hàng và trên hết, chính phủ cần lấy lại vai trò là người bảo đảm cung cấp thực phẩm lành mạnh và đầy đủ cho tất cả người dân.

Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến 2 câu chuyện rất khác nhau về ngành công nghiệp thực phẩm. Một mặt, chúng ta thấy những câu chuyện về người nông dân đau khổ đổ bỏ những sản phẩm mà họ không thể bán, trong đó nhiều nông dân Malaysia buộc phải bỏ đi tới 70% rau củ và trái cây, phải giết mổ gia súc mà không có khả năng nuôi tiếp.

Mặt khác, trong nhiều thời điểm, các kệ hàng tại siêu thị trở nên trống rỗng, trong khi khách hàng hoảng sợ vì không thể tìm thấy bột mì, trứng, rau củ quả và các mặt hàng thiết yếu khác. Những người vốn sống trong các "sa mạc thực phẩm" - những khu vực bị hạn chế tiếp cận nguồn thực phẩm đủ dưỡng chất và giá cả phải chăng - thậm chí còn gặp khó khăn hơn. Trong khi đó, Liên hợp quốc cho biết nạn đói trên thế giới ngày càng trầm trọng hơn chỉ vì đại dịch COVID-19, có tới 811 triệu người bị suy dinh dưỡng. Đây là những triệu chứng của một hệ thống thực phẩm bị phá vỡ.

Đại dịch đã vạch trần tất cả những bất ổn cơ bản trong hệ thống thực phẩm. Biên giới đóng cửa đồng nghĩa với việc các trang trại ở các nước ASEAN không thể thuê lao động nhập cư (vốn được trả lương thấp) thu hoạch trái cây và rau quả để đảm bảo giá cả được giữ ở mức thấp. Các nhà máy đóng cửa khiến các sản phẩm không thể được chế biến và đóng gói.

[Thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực của thế giới]

Tại Việt Nam, hàng chục nghìn công nhân đã rời thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận sau khi các đợt phong tỏa. Tương tự, sự gián đoạn giao thông hàng không và hàng hải dẫn tới thực phẩm không thể tiếp cận thị trường quốc tế. Các văn phòng, trường học, trung tâm du lịch và nhà hàng bị đóng cửa đã lấy đi phần lớn khách hàng của các nhà phân phối thực phẩm.

Cùng với đó, dại dịch cũng cho thấy mối nguy hiểm của những lựa chọn lâu dài mà xã hội đã đưa ra đối với thực phẩm. Chế độ ăn uống nghèo nàn, xuất phát từ sự gia tăng không được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu của ngành công nghiệp đồ ăn vặt, đã làm tăng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm mà tiêu biểu là bệnh tiểu đường và bệnh tim trên khắp thế giới. Tình trạng này không chỉ gây hại cho mỗi cá thể mà còn làm tăng nguy cơ biến chứng do các bệnh truyền nhiễm khác gây ra, trong đó có COVID-19.

Chuyên gia Chandran Nair nhấn mạnh rằng Malaysia là quốc gia có tỷ lệ béo phì cao nhất trong ASEAN, và các cơ quan quản lý có nghĩa vụ phải can thiệp, ngăn chặn sự mở rộng toàn cầu của ngành công nghiệp đồ ăn vặt và cả các doanh nghiệp địa phương nếu quốc gia này muốn kiềm chế cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, nhiều nền kinh tế đã khiến cho hệ thống lương thực nội địa bị thu hẹp và phải dựa vào các sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác.

Chuyên gia Chandran Nair khuyến cáo các khu vực trồng lúa truyền thống, trong đó có ASEAN, cần phải đảo ngược xu hướng này, tránh rơi vào tình trạng phải nhập khẩu gạo từ Mỹ và Australia.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khazanah cho biết Malaysia chỉ đủ khả năng cung cấp 70% nhu cầu gạo của đất nước. Do đó, quốc gia Đông Nam Á này cần đầu tư vào sản xuất nội địa nhằm giữ vững thị trường khi có các cú sốc về liên kết thương mại; đồng thời thực phẩm cần được định giá hợp lý để đảm bảo mọi người có thể ăn uống lành mạnh.

Những thách thức này buộc chính phủ các nước phải đánh giá triệt để cách tiếp cận các hệ thống lương thực. Đầu tiên, các chính phủ cần đầu tư vào sản xuất lương thực địa phương, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực. Chính sách này cần rất nhiều sự hỗ trợ, trước hết là giúp người nông dân đủ khả năng đảm bảo cuộc sống trong bối cảnh cạnh tranh với các nhà sản xuất lương thực lớn hơn và trên phạm vi toàn cầu. Sản xuất lương thực địa phương, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực, nên được coi là sản phẩm chiến lược. Điều này không nhất thiết nhằm mục đích thay thế thị trường toàn cầu bằng các sản phẩm bản địa, mà thay vào đó cho phép phát triển thị trường ổn định hơn khi hệ thống bị gián đoạn.

Gạo xuất khẩu của Ấn Độ. (Nguồn: thehindu.com)

Thứ hai, chính phủ các nước cần phát triển hệ thống phân phối thực phẩm hiệu quả hơn, nhất là ở các cộng đồng dân cư nghèo vốn thiếu sự lựa chọn. Thực tế, các loại thực phẩm chế biến sẵn phổ biến hơn ở các cộng đồng nghèo do có khả năng bảo quản lâu hơn, dễ chế biến và rẻ. Tuy nhiên, những thực phẩm này kém lành mạnh hơn đáng kể so với thực phẩm tươi nguyên vì chứa ít chất dinh dưỡng hơn và thậm chí trong thành phần có cả các chất gây ung thư.

Các chính phủ cần bảo vệ các cộng đồng này bằng cách đầu tư vào việc phân phối thực phẩm tươi sống tại địa phương và cải thiện việc cung cấp điện giúp kéo dài thời hạn sử dụng. Ông Chandran Nair cho rằng hiện nay là thời điểm cho một nỗ lực toàn cầu, trong đó các quốc gia cần đầu tư và khuyến khích sản xuất lương thực dựa vào cộng đồng.

Thứ ba, chính phủ cần đảm bảo các nhà bán lẻ thực phẩm có đủ hàng hóa dự trữ để giải quyết tình trạng mua sắm trong hoảng loạn. Do thiếu hàng tồn kho nên các kệ hàng hết sạch sản phẩm và làm tăng tỷ lệ mua hàng trong trạng thái hoảng loạn vì mọi người đều cố gắng mua các mặt hàng thiết yếu trước khi chúng cạn kiệt.

Cơ quan chức năng cần đưa ra các quy định nhằm đảm bảo các cửa hàng tạp hóa có đủ lượng dự trữ các mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới, khi khủng hoảng xảy ra, giống như cách các chính phủ hiện nay buộc các ngân hàng phải có đủ dự trữ để tránh tình trạng vỡ nợ. Tuy nhiên, các cửa hàng không thể tích trữ tất cả mọi sản phẩm, do vậy chính phủ cần phải mô hình hóa cách xã hội sẽ phản ứng khi đối mặt với tình trạng bấp bênh.

Chuyên gia Chandran Nair chỉ rõ rằng việc tái xây dựng hệ thống lương thực là điều cần thiết đối với các chính phủ ASEAN. Tình trạng thiếu lương thực và giá cả tăng cao đã gây ra nhiều cuộc biểu tình, bất ổn và các cuộc cách mạng trong suốt lịch sử. Hệ thống thực phẩm của con người bắt nguồn sâu xa từ sự lãng phí và phụ thuộc kinh tế vào việc tiêu thụ quá mức. Đại dịch COVID-19 đã một lần nữa phơi bày tất cả những vấn đề này.

Chuyên gia Chandran Nair kết luận: đã đến lúc các chính phủ phải lấy lại vai trò là người bảo đảm cung cấp thực phẩm lành mạnh và đầy đủ cho tất cả người dân./.