Đã đến lúc Ấn Độ cần đóng vai trò lớn hơn ở Biển Đông?

Thứ năm, 17/3/2022 | 17:21 GMT+7

Trước những bất ổn khó lường trong khu vực, Ấn Độ không thể “khoanh tay ngồi nhìn” mà cần đi đầu trong việc xây dựng một cơ chế an ninh tập thể mới để đối phó.

Tàu khu trục của hải quân Ấn Độ tham gia cuộc tập trận ở vùng biển ngoài khơi thành phố Chennai ngày 18/4/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng asiatimes.com, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thách thức vị thế chủ đạo của Mỹ ở khu vực Biển Đông.

Bắc Kinh đã củng cố các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự mới ở vùng biển tranh chấp này, gồm việc xây dựng những sân bay mới và triển khai tiêm kích, máy bay ném bom chiến lược và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng triển khai lực lượng bán dân quân, ngư dân được huấn luyện quân sự và lực lượng hải cảnh được trang bị vũ khí hạng nặng của Trung Quốc đang uy hiếp các lực lượng hải cảnh của các nước khác trong khu vực.

Bắc Kinh cũng đang đẩy mạnh tốc độ mở rộng các đảo nhân tạo cả về quy mô và mức độ tinh vi.

Trung Quốc tự vạch ra một khu vực rộng lớn ở Biển Đông và đặt tên là “Đường 9 đoạn” và tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này. Đáp lại, Mỹ đã triển khai lực lượng hải quân đến khu vực để tiến hành các hoạt động tự do hàng hải.

Tuy nhiên, hiện Washington đang bận tâm với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Trung Quốc sẽ nắm bắt thời cơ này để triển khai một cách mạnh mẽ và cứng rắn hơn nữa các kế hoạch mở rộng và bành trướng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Do bản chất cuộc xung đột này ở châu Âu nên Washington có thể sẽ không thể nhanh chóng xử lý được tình hình để có thể hướng mối quan tâm đáng kể của mình trở lại những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vì vậy, theo nhận định của Bắc Kinh, đây chính là thời điểm để họ đẩy mạnh tiến hành những kế hoạch ở Biển Đông cũng như ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Thời điểm để hành động vì an ninh tập thể

Hiện tại, không có quốc gia nào trong khu vực có thể ngăn cản bước tiến của Trung Quốc. Khi Mỹ bận rộn ở châu Âu, các bên tranh chấp ở Biển Đông sẽ phải vạch ra chiến lược của riêng mình để duy trì hòa bình và an ninh khu vực.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc các nước hoạch định chiến lược để duy trì an ninh và hòa bình khu vực không còn là chuyện đơn thuần của một quốc gia. Thay vào đó, các nước cần khẩn trương xây dựng một cơ chế “an ninh tập thể” để chống lại những hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Là một trong những nền kinh tế lớn nhất và nền dân chủ hàng đầu ở châu Á và cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực, Ấn Độ không thể đơn thuần chỉ “khoanh tay ngồi nhìn” trước những hoạt động xâm lấn chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Đã đến lúc Ấn Độ cần đi đầu trong việc xây dựng một cơ chế an ninh tập thể mới trong khu vực.

Ấn Độ có lợi ích to lớn ở Biển Đông. Có tới khoảng 55% hoạt động thương mại của New Delhi đi qua Biển Đông. Do đó, Biển Đông đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế và an ninh hàng hải của Ấn Độ theo nhiều cách khác nhau.

Việc Trung Quốc kiểm soát phần lớn Biển Đông cũng sẽ giúp lực lượng hải quân Trung Quốc tiến gần hơn đến Ấn Độ Dương và gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với Ấn Độ. Do đó, đã đến lúc Ấn Độ phải điều chỉnh chính sách và cách tiếp cận của mình đối với khu vực.

Ấn Độ đã áp dụng chính sách “Vùng lân cận mở rộng” và chính sách “Hành động phía Đông” để củng cố phạm vi ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Trái ngược với chính sách của Trung Quốc sử dụng đe dọa vũ lực để giải quyết tranh chấp với các nước trong khu vực, Ấn Độ đang thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ, bao gồm việc duy trì Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) – một khuôn khổ luật biển quốc tế mà Trung Quốc không thừa nhận.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, Ấn Độ đã triển khai hải quân ở Biển Đông. Lần đầu tiên New Delhi triển khai hải quân là vào năm 2001 để thể hiện năng lực ngày càng lớn của hải quân nước này cũng như để chiếm được lòng tin và sự tín nhiệm của các nước trong khu vực.

[Đề nghị Trung Quốc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam]

Hiện nay, Hải quân Ấn Độ ngày càng tăng cường hiện diện trong khu vực và thường xuyên thực hiện các chuyến thăm hữu nghị khi cập cảng các nước như Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia...

Gần đây, để thể hiện sự tự tin ngày càng tăng của mình, Hải quân Ấn Độ bắt đầu triển khai tàu thuyền về phía Đông đến Tây Thái Bình Dương. Hồi năm 2021, Hải quân Ấn Độ đã điều 4 tàu, gồm một tàu khu trục tên lửa dẫn đường và một tàu khu trục tên lửa, tới Đông Nam Á, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.

Hải quân Ấn Độ cũng tiến hành các cuộc tập trận (PASSEX) với các lực lượng hải quân của các nước khác trong khu vực để khẳng định chủ quyền của họ đối với những vùng lãnh hải này.

Các nước trong khu vực như Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore là đối tác chủ chốt của Ấn Độ trong các cuộc tập trận này. Trong nỗ lực mở rộng đối tác, Ấn Độ cũng đã mời Hàn Quốc tham gia các cuộc tập trận hải quân đa phương trong năm 2022.

Một lợi thế của New Delhi trong công tác tiến hành giám sát và theo dõi tình hình ở Biển Đông là nước này sở hữu những cảng nước sâu ở Vịnh Campbell thuộc quần đảo Nicobar.

Gần đây, Singapore đã nổi lên là một đối tác quan trọng trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm tăng cường sự can dự của New Delhi trong khu vực. Singapore đã ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng hồi năm 2003 và Thỏa thuận Tập trận chung hồi năm 2007 để hỗ trợ các hoạt động của Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông.

Cuộc tập trận song phương hàng hải Ấn Độ-Singapore (SIMBEX) được tiến hành hàng năm kể từ năm 1994 đang tạo ra một động lực to lớn cho sự hiện diện của hải quân Ấn Độ trong khu vực.

Khi xung đột xảy ra ở châu Âu, Ấn Độ hiện phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trước những hành động ngày càng bạo trợn của Trung Quốc, mức độ hiện diện hải quân hiện tại của Ấn Độ có thể không đủ mạnh để bảo vệ tuyến giao thương hàng hải của New Delhi trên Biển Đông.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng phải lo lắng xoay xở cách thức bảo vệ và thúc đẩy an ninh ở Đông Ấn Độ Dương trước sự hiện diện quy mô lớn của Hải quân Trung Quốc ở các vùng biển lân cận.

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được phóng thử từ tàu khu trục INS Chennai thuộc Hải quân Ấn Độ ngày 18/10/2020. (Ảnh: Indian Eexpress/TTXVN)

Vì vậy, Ấn Độ phải thể hiện chủ nghĩa tích cực to lớn hơn nữa, cả về mặt ngoại giao và quân sự, mà không gây phương hại đến khả năng ứng phó của các nước trong khu vực và không kích động Trung Quốc đáp trả ở Nam Á.

Việc tìm cách xây dựng các cơ chế giải quyết xung đột đa phương nhằm xử lý các tranh chấp biên giới, đồng thời tránh để xảy ra xung đột ở Biển Đông và đảm bảo rằng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hoàn toàn phù hợp với các công ước liên quan của Liên hợp quốc là những thách thức to lớn đối với Ấn Độ.

New Delhi hiện cũng đang cố gắng đảm bảo các cuộc đàm phán khu vực về COC không gây phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia không tham gia vào các cuộc đàm phán này.

Ấn Độ cần có cách tiếp cận thực chất

Mặc dù không ngừng gia tăng cam kết của mình trong khu vực, New Delhi khó có thể đảm bảo rằng họ sẽ đạt được hoặc đảm bảo an toàn cho những lợi ích của mình trong bối cảnh sự dịch chuyển quyền lực đang sắp diễn ra.

Đã đến lúc Ấn Độ thể hiện một lập trường cứng rắn hơn nữa trước những hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên các vùng biển quốc tế. Đã đến lúc New Delhi cần phải từ bỏ quan điểm mang tính lý tưởng và đạo đức của mình là không tham gia vào các tranh chấp cũng như không đứng về bên nào trong tranh chấp, mà cần áp dụng một cách tiếp cận thực tế và thực dụng hơn.

Xét đến thực tế là không một quốc gia nào trong khu vực có đủ năng lực quân sự để chống lại Trung Quốc, Ấn Độ cần phải xây dựng và thông qua một cơ chế an ninh tập thể với các nước trong khu vực, đồng thời xác lập một cơ chế răn đe mạnh mẽ đối với Trung Quốc nhằm ngăn chặn bước tiến của Bắc Kinh đến Ấn Độ Dương.

Đã qua rồi cái thời của chủ nghĩa hòa bình và các chính sách hòa hoãn đối với Trung Quốc. Việc New Delhi tăng cường hợp tác hải quân với các nước khu vực là đáng khích lệ, song chưa đủ để ngăn chặn Bắc Kinh khi xét đến việc Trung Quốc nỗ lực uy hiếp các nước trên nhiều lĩnh vực.

Vì vậy, đã đến lúc Ấn Độ cần tập trung hơn nữa vào việc liên kết chính sách quốc phòng và an ninh với các nước trong khu vực ngoài các chính sách về tập trận hải quân.

Nhiệm vụ cấp bách lúc này là xây dựng những cơ chế và thể chế an ninh tập thể. Việc đạt được sự đồng thuận giữa các nước đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực để xây dựng các thể chế an ninh tập thể cho khu vực.

Theo đó, New Delhi cần nỗ lực nhiều hơn vào việc thu hẹp sự khác biệt về chính sách với các nước khác và thấu hiểu được mối quan tâm và lo ngại của các nước khác trước sự bành trướng của Trung Quốc để có thể xây dựng được mối quan hệ đối tác hoạt động hiệu quả.

Do đó, New Delhi cần ưu tiên tăng cường xây dựng quan hệ hợp tác quân sự ngày càng sâu rộng trên tất cả các khía cạnh, không chỉ các cuộc tập trận hải quân.

Hiện, các nước trong khu vực đang nỗ lực đẩy mạnh các chương trình hiện đại hóa quốc phòng nhằm tăng cường năng lực quân sự của mình.

Cho đến nay, vai trò hỗ trợ của New Delhi đối với những chương trình nói trên còn rất khiêm tốn. Ấn Độ rất hiếm khi cung cấp công nghệ quốc phòng và hệ thống vũ khí hiện đại nhất của mình cho các nước kh vực.

Đã đến lúc Ấn Độ cần tăng cường mức độ hỗ trợ và giúp đỡ các nước trong khu vực trong công cuộc hiện đại hóa năng lực quân sự của họ.

Những quyết định của New Delhi trong việc cung cấp công nghệ và hệ thống vũ khí hiện đại nhất dựa trên những tính toán kinh tế đơn thuần. Ấn Độ cần thay đổi tư duy này, theo đó, cần bắt đầu tính toán đến những lợi ích an ninh và chiến lược của mình.

Trung Quốc đang xây dựng một nền tảng ngoại giao mới trên toàn khu vực để đáp ứng được những nhu cầu cũng như hậu thuẫn những mục tiêu của Bắc Kinh. Trong khi đó, nền tảng này của New Delhi lại quá ọp ẹp và rệu rạo.

Ngoài ra, Ấn Độ vẫn đang điều động đội ngũ ngoại giao và chính sách ưu tú nhất của mình đến châu Âu và Mỹ. Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn chưa phải là khu vực ưu tiên đối với giới hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Trong khi đó, Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để thâm nhập sâu rộng vào các nền kinh tế trong khu vực. Đã đến lúc New Delhi bắt đầu chuẩn bị các chính sách kính thích hợp tác kinh tế đặc biệt để thúc đẩy giới doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư nhiều hơn vào các nước ven Biển Đông.

Vì khả năng can dự kinh tế sâu rộng hơn với các nước khu vực cũng đóng vai trò then chốt trong nỗ lực đối trọng với tầm ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh trong khu vực.

Cho đến nay, sự hậu thuẫn của New Delhi với các nước khu vực về vấn đề tranh chấp Biển Đông chỉ như “thùng rỗng kêu to,” nói nhiều hơn hành động. Vì vậy, Ấn Độ cần đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc xây dựng một trật tự dựa trên luật lệ và xây dựng các thể chế giải quyết tranh chấp.

New Delhi cần củng cố và tăng cường giúp đỡ các nước khu vực trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông tại các tòa án quốc tế và thể chế pháp lý khác.

Về giao lưu và hợp tác nhân dân, New Delhi cũng cần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ lịch sử với các nước khu vực thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa và trao đổi đoàn, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân Ấn Độ về các nước ven Biển Đông.

Vì trong trường hợp xảy ra xung đột ở vùng biển này, sự ủng hộ của người dân Ấn Độ sẽ trở thành nhân tố quan trọng giúp chính quyền New Delhi củng cố hơn nữa lập trường chính sách trong khu vực.

Giới hoạch định chính sách Ấn Độ cần khẩn trương chuẩn bị những đối sách trong trường hợp xảy ra kịch bản nói trên./.