Cuộc chiến Ukraine và công cuộc tái định hình các ưu tiên chiến lược

Chủ nhật, 27/3/2022 | 17:03 GMT+7

Chiến tranh hàm chứa bên trong những mầm mống của một trật tự mới - một số tồn tại dài hơn những trật tự khác, nhưng tất cả đều có ý nghĩa như nhau trong kế hoạch lớn hơn.

Binh sỹ Ukraine tuần tra trên đường phố tại Kiev. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng orfonline.org đưa các cuộc chiến tranh thách thức tinh thần con người; chiến tranh làm chúng ta sa sút trí lực, tinh thần và trở nên mất nhân tính; tuy nhiên, chiến tranh cũng có thể gây kinh ngạc, cho phép những người phàm chiêm nghiệm khả năng trường sinh bất tử.

Chiến tranh "giúp" chúng ta nhận ra những gì thực sự có giá trị và chúng ta phải đấu tranh vì những điều gì. Chiến tranh hàm chứa bên trong những mầm mống của một trật tự mới - một số tồn tại dài hơn những trật tự khác, nhưng tất cả đều có ý nghĩa như nhau trong kế hoạch lớn hơn.

Tuy nhiên, quan trọng nhất, các cuộc chiến tranh khiến các quốc gia hiểu rõ hơn những ưu tiên chiến lược mà họ cần theo đuổi. Tất cả các biện pháp phòng ngừa, né tránh, cân bằng và ngoại giao cuối cùng cũng phải nhường chỗ cho một số lựa chọn dứt khoát khi bạo lực bùng phát và mạng sống con người phải trả giá đắt.

Sự rõ ràng về chiến lược thường là sản phẩm phụ của các cuộc chiến tranh và khi các quốc gia đếm số thương vong do chiến tranh, họ cũng nhận ra những người bạn thực sự cũng như giới hạn của ảo tưởng về sự tự do trong việc quản lý mối quan hệ với những kẻ thù vốn coi bạo lực là công cụ hoàn toàn hợp pháp để theo đuổi quyền lực và tham vọng.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay cũng đang định hình môi trường toàn cầu theo những cách sâu sắc. Sự tàn phá Ukraine là một thảm kịch đang diễn ra, sẽ để lại những hậu quả vượt ra ngoài Đông Âu. Nó đã làm lung lay nền tảng của "hòa bình tự do" ở Tây Âu, một khu vực địa lý nơi cuối cùng cũng phải thừa nhận thực tế rằng ngay cả khi bạn không quan tâm đến chiến tranh, chiến tranh có thể không xem xét loại bỏ bạn ra ngoài.

Dưới sự lãnh đạo đầy cảm hứng của Tổng thống Volodymyr Zelensky, người Ukraine đang chống trả mạnh mẽ, nhưng họ chắc hẳn đang tự hỏi liệu sức hút của phương Tây có phải là một cạm bẫy hay một giấc mơ viển vông cần được đánh giá thực tế hơn hay không.

[HĐBA Liên hợp quốc không thông qua nghị quyết về Ukraine]

Đối với tất cả những ai đặt câu hỏi tại sao Ukraine lại chống trả, cần phải hiểu rõ rằng chủ nghĩa dân tộc vẫn còn tồn tại ở châu Âu bất chấp những vết sẹo của hai cuộc chiến tranh thế giới và có khả năng còn bám rễ sâu hơn sau cuộc tấn công dữ dội của Nga.

Châu Âu cũ đã trở lại trong khi châu Âu mới chìm vào cuộc khủng hoảng hiện tại. Các quốc gia khác từng nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên Xô trước đây có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn trong tâm lý bài Nga và càng quyết tâm chống lại những bước tiến của Nga.

Ukraine đã chứng minh rằng có thể chống lại sức mạnh quân sự của Nga ngay cả khi cái giá phải trả là khá đắt. Quân đội Nga có thể đã bộc lộ là một lớp vỏ rỗng. Bất chấp mọi lời bàn tán về việc hiện đại hóa quân đội của Nga, rõ ràng là lực lượng này đã hoạt động kém hiệu quả.

Chừng nào Ukraine còn cầm chân được binh sỹ Nga, đó là một chiến thắng đối với một quốc gia yếu hơn nhiều đang cố gắng chống trả một gã khổng lồ.

Các nhà sử học quân sự sẽ nhìn lại cuộc chiến này để nghiên cứu cách Nga thất bại ở mọi cấp độ - chiến thuật, tác chiến và chiến lược. Cuối cùng, ngoài việc sử dụng vũ lực, không có nhiều lựa chọn cho Moskva.

Tổng thống Vladimir Putin, người từng được coi là một trong những chiến lược gia thông minh nhất trên thế giới, nổi tiếng với việc chơi một ván bài tương đối yếu một cách hiệu quả, nhưng sau một lần vấp ngã, đã làm giảm vị thế của ông trên toàn cầu.

Tổng thống Ukraine đang thách thức ông Putin từng ngày, sự suy giảm kinh tế của quốc gia đang đến nhanh hơn và hiện nhà lãnh đạo Nga phải quay sang Trung Quốc để tìm kiếm viện trợ quân sự và kinh tế. Ông Putin không thể tỏ thái độ kiêu căng, coi mình ngang hàng với ông Tập Cận Bình nữa, mà đó là mối quan hệ mà Tổng thống Putin chính thức là đối tác chiếu dưới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đối với châu Âu, đây cũng là thời điểm cần xem xét và là một lời cảnh tỉnh quan trọng rằng không có giải pháp nào thay thế cho sự gắn kết chính trị lớn hơn cũng như nâng cao năng lực quân sự mạnh mẽ hơn. Và bất chấp những cuộc tranh luận trong nhiều thập kỷ qua, phản ứng của Liên minh châu Âu (EU) lần này là nhanh chóng và khá tức giận.

Nếu Berlin đưa ra thông điệp rằng kiếm tiền không phải lý do quan trọng nhất đối với các lợi ích chiến lược của một quốc gia, thì Brussels đã bị thúc đẩy phải đưa ra những lựa chọn quan trọng trên mặt trận năng lượng.

Các cuộc tranh luận trước kia về khả năng trùng lặp chức năng giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU đã mở ra một nhận thức mới rằng châu Âu phải sát cánh cùng nhau và cam kết lớn hơn đối với an ninh khu vực cũng như hợp tác với Mỹ để tăng cường quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Quyền lực "cứng" đang trở nên yếu thế trong quan điểm chiến lược của châu Âu nhưng giờ đây, Đức đang bắt tay phục hồi quyền lực "cứng" cùng với mong muốn lâu nay của Pháp để EU có những khả năng chiến lược lớn hơn. Nếu chính Trung Quốc cảnh báo châu Âu về sự thiếu khát vọng địa chính trị của lục địa già, thì việc Nga sử dụng quá mức quyền lực "cứng" ở khu vực ngoại vi đã khiến các cuộc tranh luận về vai trò của quân đội trong nền chính trị châu Âu đương đại trở nên gần như thừa thãi.

Như thường lệ, Mỹ đang theo dõi tất cả những điều này từ xa nhưng lại là trung tâm của trật tự (hỗn loạn) mới. Với cuộc chiến này, Mỹ chấp nhận sự thật rằng phải làm nhiều việc cùng một lúc. Ngay cả khi thách thức chiến lược thực sự đang xuất hiện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ cũng không thể bỏ qua khu vực Âu-Á.

Sau khi thất bại trong việc phá vỡ trục Nga-Trung, cuộc tranh giành địa chính trị của nước này với những kẻ gây rối lớn sẽ chỉ gia tăng. Rút lui chiến lược không còn là một lựa chọn khả thi.

Tại Ấn Độ, bất chấp các cuộc tranh luận về việc ai sẽ bị đổ lỗi cho cuộc xung đột ở Ukraine, có thể thấy rõ những lựa chọn của New Delhi đang bị thu hẹp. Về mặt chiến lược, Ấn Độ không thể để bị phân tâm vì trọng tâm của họ nên tập trung vào Trung Quốc.

Nhưng cuộc chiến này mới chỉ củng cố các xu hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ - sự phụ thuộc của Ấn Độ về quốc phòng vào Nga là không bền vững; Quan hệ Ấn-Nga thiếu bề rộng; Trục Nga-Trung Quốc có nhiều khả năng phát triển mạnh mẽ hơn và quan hệ của Ấn Độ với phương Tây sẽ tiếp tục phát triển.

Ngay cả khi Ấn Độ tiếp tục chính sách hành động cân bằng, nước này cũng nên chuẩn bị cho sự rạn nứt với Nga chắc chắn sớm hay muộn sẽ xảy ra, bất chấp ý định tốt nhất của các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ và sức hút của giá dầu rẻ từ Nga. Nếu cuộc chiến Ukraine có thể mang lại nhận thức rõ ràng đó cho Delhi, điều đó sẽ giúp Ấn Độ giải quyết tốt hơn trật tự thế giới đang nổi lên./.