COVID-19 quyết định số phận của cuộc bầu cử ở Hong Kong?

Thứ sáu, 25/2/2022 | 14:27 GMT+7

Trưởng đặc khu Hong Kong thông báo chính quyền đã viện dẫn Luật khẩn cấp để hoãn cuộc bầu cử trưởng đặc khu đến tháng 5 và quyết định này đã được chính quyền Trung ương Trung Quốc chấp thuận.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng secretchina.com ngày 19/2, mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra một chỉ thị quan trọng về công tác phòng chống dịch bệnh của Hong Kong, yêu cầu chính quyền Đặc khu coi “sớm kiểm soát dịch bệnh là công việc ưu tiên hàng đầu."

Hong Kong trước đó đã thông báo sẽ tổ chức bầu cử trưởng đặc khu vào ngày 27/3, nhưng dưới sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình là ưu tiên chống dịch, Hong Kong cuối cùng phải hoãn cuộc bầu cử này.

Tối 18/2, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga thông báo chính quyền đã viện dẫn Luật khẩn cấp để hoãn cuộc bầu cử trưởng đặc khu đến tháng 5 và quyết định này đã được chính quyền Trung ương Trung Quốc chấp thuận.

Nếu đến thời điểm đó Hong Kong vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh, liệu chính quyền hiện tại có thể được kéo dài hay không?

Không loại trừ khả năng tiếp tục gia hạn việc lùi thời gian bầu trưởng đặc khu

Tại cuộc họp báo ngày 18/2, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết tình hình dịch bệnh tại Hong Kong đang có những diễn biến nghiêm trọng nhất kể từ khi bùng phát hai năm qua.

Tính từ ngày 1-16/2, Hong Kong đã ghi nhận 15.139 ca mắc, vượt quá tổng số ca bệnh trong hai năm qua. Mặc dù chỉ có 1.462 thành viên Ủy ban bầu cử tham gia bầu cử trưởng đặc khu, nhưng bản thân cuộc bầu cử cũng sẽ mang lại những rủi ro nhất định khi dịch bệnh đang nghiêm trọng.

Do Hong Kong đang tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nên các ứng cử viên sẽ không thể tham gia tranh cử một cách bình thường, chẳng hạn như không thể chứng kiến Ủy ban bầu cử đề cử và hỗ trợ, không thể gặp gỡ công chúng để giới thiệu cương lĩnh chính trị, cũng như không thể tương tác với giới truyền thông để trả lời các câu hỏi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính công bằng của cuộc bầu cử và cũng sẽ làm giảm sự thừa nhận của người dân đối với cuộc bầu cử.

Thời gian đề cử mới sẽ kéo dài từ ngày 3-16/4, bỏ phiếu vào ngày 8/5. Như vậy, thời hạn đề cử mới là 14 ngày, các ứng cử viên có 21 ngày để tham gia tranh cử. Tính từ ngày 8/5 đến ngày 1/7, ứng cử viên mới trúng cử có đủ thời gian để thành lập chính quyền mới.

Nếu dịch bệnh không thuyên giảm, đến lúc đó, liệu cuộc bầu cử trưởng đặc khu có bị hoãn tiếp không?

Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, với sự hỗ trợ của Bắc Kinh, Hong Kong sẽ dập tắt được làn sóng dịch bệnh thứ 5 trước ngày 3/4 tới. Tuy nhiên, không loại trừ việc gia hạn hoãn bầu trưởng đặc khu, cần tính đến thời gian đề cử 14 ngày và thời gian tranh cử 21 ngày, song ứng cử viên trúng cử có thể không có đủ thời gian để thành lập chính quyền mới.

Liệu trưởng đặc khu có thể bị hoãn nhậm chức sau ngày 1/7, hay nói cách khác là chính quyền hiện tại sẽ được kéo dài đến sau ngày 1/7? Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho rằng đây là một việc trọng đại và sẽ do Bắc Kinh đưa ra quyết định, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh đang hỗ trợ Hong Kong chống dịch nên tin rằng Bắc Kinh sẽ có giải pháp.

[Trung Quốc: Chính quyền Hong Kong lùi thời điểm bầu trưởng đặc khu]

Trang Hk01 dẫn lời Đàm Diệu Tôn, Ủy viên Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội), nói rằng chống dịch là ưu tiên hàng đầu của Hong Kong, các vấn đề sẽ ảnh hưởng đến cuộc chiến chống dịch nên tạm dừng, tránh để phân tâm, nhất là bầu cử trưởng đặc khu vì có thể có những ứng cử viên đang chịu trách nhiệm về công tác chống dịch.

Quyền quyết định nằm trong tay Bắc Kinh

Trước khi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố hoãn cuộc bầu cử trưởng đặc khu bằng cách viện dẫn Luật khẩn cấp, Diệp Quốc Khiêm, một thành viên của chính quyền đặc khu đề xuất rằng Quốc hội Trung Quốc nên kéo dài nhiệm kỳ của chính quyền hiện tại thêm 6 tháng đến 1 năm, tổ chức bầu cử sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tuy nhiên, một thành viên khác là Thang Gia Hoa lại cho rằng nếu cuộc bầu cử bị hoãn lại 1 năm, nhiệm kỳ của trưởng đặc khu tiếp theo có thể sẽ rút ngắn từ 5 năm xuống còn 4 năm.

Trong chỉ thị của ông Tập Cận Bình, ông yêu cầu chính quyền Hong Kong phải “thực sự chịu trách nhiệm chính”, có thể hiểu là chính quyền hiện tại phải chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch kém hiệu quả.

Trang Hk01 cho biết một số người thuộc phe của cựu Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh đã lập luận rằng nếu trong một hoặc hai tháng tới dịch bệnh ở Hong Kong vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát dù có sự hỗ trợ của Bắc Kinh, các quan chức cấp cao của chính quyền hiện nay là những người chịu trách nhiệm chính.

Theo họ, ngay cả khi nhiệm kỳ của chính quyền hiện tại được kéo dài, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ không nhất thiết phải nắm quyền lãnh đạo mà để Tổng thư ký hành chính Lý Gia Siêu giữ vai trò điều hành như một trưởng đặc khu.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 25 năm Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc Đại lục. Theo tư duy của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một lễ kỷ niệm lớn phải được tổ chức vào ngày 1/7/2022, vì vậy việc tân trưởng đặc khu có thể nhậm chức vào ngày 1/7 hay không đang trở thành tâm điểm chú ý.

Dù có nhiều phương án, đề xuất khác nhau, nhưng mỗi người đều có những toan tính riêng, và ai cũng biết rằng quyết định cuối cùng nằm trong tay Bắc Kinh./.