Chuyên gia Ấn Độ: Việt Nam đã theo đuổi quyền tự chủ với sự khéo léo

Thứ bảy, 19/2/2022 | 10:59 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh với người đồng cấp phía Trung Quốc Lý Khắc Cường rằng hai bên phải tiếp tục quản lý biên giới, tăng cường quan hệ theo 3 văn kiện pháp lý.

Cửa khẩu Móng Cái. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Trong bài viết về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong mối tương quan với Mỹ và các cường quốc, học giả nổi tiếng Vijay Sakhuja (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách, Hội đồng các vấn đề thế giới, Ấn Độ) cho rằng Việt Nam đã theo đuổi và thực hiện quyền tự chủ chiến lược, trước Mỹ và Trung Quốc, với sự khéo léo tài tình.

VietnamPlus xin giới thiệu bản dịch bài viết được đăng trên trang mạng Indo Pacific Statecraft.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Khắc Cường của Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã trao đổi điện mừng nhân dịp kỷ niệm 72 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2022).

Hai nhà lãnh đạo nhắc lại “những thành tựu của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong năm qua” và nhất trí “tăng cường trao đổi các biện pháp thiết thực nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, củng cố tin cậy chính trị và mở rộng hợp tác toàn diện.”

Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi nghiêm túc và thảo luận nhiều vấn đề trong quan hệ song phương nhằm củng cố quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam.

Mặc dù hãng truyền thông chính thức của Trung Quốc, Tân Hoa Xã không đề cập đến các cuộc thảo luận về vấn đề biên giới, báo chí Việt Nam cho biết các cuộc thảo luận về biên giới trên bộ và trên biển đã được tổ chức.

Thứ nhất, về biên giới lãnh thổ; Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh với người đồng cấp phía Trung Quốc rằng hai bên phải tiếp tục quản lý biên giới, tăng cường quan hệ theo 3 văn kiện pháp lý là Nghị định thư về Phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền ký ngày 18/1/2009.

[Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Hà Khẩu-Lào Cai]

Đồng thời, theo quy định của Hiệp ước Biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc năm 1999, hai bên có trách nhiệm cùng tham gia vào các hoạt động phát triển.

Đây cũng là thời điểm thuận lợi để cả hai nhà lãnh đạo thảo luận về việc một số lượng lớn thanh long Việt Nam bị ùn ứ tại các tỉnh Chiết Giang và Giang Tây do phát hiện dấu vết của virus corona.

Gần 300.000 tấn thanh long sẽ sẵn sàng cho thu hoạch trong thời gian ngắn và hạn chế đột ngột của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nông dân và nhà xuất khẩu Việt Nam.

Trung Quốc hiện đang trong tình trạng cảnh giác cao độ đối với các đợt bùng phát virus mới đây, đặc biệt là trong bối cảnh Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

Hai bên đã quyết định thành lập Tổ công tác chung để tiếp tục phối hợp giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản, trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, duy trì thông thương giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắn nhủ người đồng cấp phía Trung Quốc rằng Việt Nam sẽ “tiếp tục tận dụng tốt các cơ chế đàm phán để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, xử lý đúng đắn các vấn đề trên biển trên tinh thần ý thức chung cấp cao và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tích cực thúc đẩy đàm phán xây dựng, sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Theo báo chí Việt Nam, Thủ tướng Trung Quốc “bày tỏ hy vọng các cơ chế đàm phán về các vấn đề liên quan đến biển giữa hai nước sẽ được đẩy mạnh để đạt được những tiến bộ thực chất, đồng thời cho biết Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam và các nước ASEAN khác phấn đấu để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC.”

Việt Nam không ngại nêu ra với Trung Quốc vấn đề hết sức nhạy cảm về tranh chấp Biển Đông. Trên thực tế, Việt Nam thậm chí còn nêu vấn đề này tại Liên hợp quốc.

Ngoại giao là nền tảng cho vai trò lãnh đạo chính trị của Việt Nam và Hà Nội cho đến nay đã xử lý được sự cạnh tranh giữa các nước lớn đang định hình giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việt Nam đã không bị tác động trước những áp lực từ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, và đã thành công trong việc thuyết phục Washington rằng Việt Nam không phải là một "nước thao túng tiền tệ" và vẫn cam kết thực hiện "các hành vi, chính sách và thông lệ công bằng" trong thương mại.

Điều này đã khuyến khích chính quyền của Tổng thống Joe Biden tái khởi động quan hệ thương mại mới trên một phương diện rõ ràng. Về bản chất, Việt Nam đã theo đuổi và thực hiện quyền tự chủ chiến lược, trước Mỹ và Trung Quốc, với sự khéo léo tài tình./.