Cạnh tranh EU và Trung Quốc trong cung cấp tài chính cho châu Phi

Thứ sáu, 11/3/2022 | 18:33 GMT+7

Tổng thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc lên tới 254 tỷ USD vào năm 2021, vượt qua thương mại châu Phi-EU, với tổng giá trị 250 tỷ USD.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) cùng các đại biểu tham dự lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) theo hình thức trực tuyến ngày 29/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chưa đầy 3 tháng trôi qua kể từ khi Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) cấp bộ trưởng diễn ra ở Dakar, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Liên minh châu Phi (AU) đã được tổ chức tại Brussels vào ngày 17/2 vừa qua.

Nhìn chung, có thể thấy cạnh tranh giữa EU và Trung Quốc trong cung cấp tài chính cho châu Phi đã diễn ra từ nhiều năm trước.

Thời gian thử thách

Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa châu Phi và châu Âu bị thử thách nghiêm trọng do sự bất ổn đang diễn ra ở các khu vực của châu Phi và mối đe dọa ngày càng tăng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, vốn đã thu hút sự tập trung của các nhà lãnh đạo EU trong những tuần gần đây.

COVID-19 cũng tiếp tục tàn phá các mối quan hệ ngoại giao, sau khi Nam Phi phát hiện biến thể Omicron. Điều này khiến một số quốc gia, bao gồm cả các quốc gia thuộc EU, phải đóng cửa biên giới đối với du khách từ nhiều khu vực của châu Phi. Động thái này bị các chính phủ và nhà khoa học châu Phi coi là quá sớm và mang tính phân biệt đối xử, bởi biến thể Omicron sau đó cũng đã được xác định ở các nơi khác trên thế giới.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, lãnh đạo đi đầu của AU về COVID-19, cho rằng lệnh cấm đi lại của “lục địa già” giống như chủ nghĩa thực dân.

Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế về hòa bình và an ninh Dakar trong chuyến thăm Tây Phi vào đầu tháng 12/2021, người đứng đầu nhà nước Nam Phi cho biết: “Với tư cách là các tổng thống châu Phi, chúng tôi tôn trọng lẫn nhau - nhưng, từ châu Âu, tôi vừa nhận được một thông báo rằng ‘chúng tôi đã bị cấm đi lại, cảm ơn, tạm biệt. Hẹn gặp lại các bạn lần sau’. Đó không phải là cách để tiến hành các mối quan hệ.”

Trớ trêu thay, Trung Quốc đã duy trì tình trạng phong tỏa chặt chẽ kể từ khi bắt đầu đại dịch vào đầu năm 2020 và mặc dù việc đến và đi từ đất nước này bị hạn chế nghiêm trọng, nhưng cường quốc số hai thế giới không phân biệt đối xử với các nước châu Phi.

Ngoài ra, EU có lập trường không nhượng bộ khi từ chối với sự từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ - được gọi đầy đủ là Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), sẽ cho phép các nước châu Phi sản xuất vaccine của riêng lục địa.

Tại Brussels, nơi diễn ra phiên họp riêng về TRIPS, EU đã từ chối nhượng bộ. Một quan chức EU cho biết: “Những gì chúng tôi đã thấy với công nghệ mRNA phức tạp là bí quyết và cách thức kết hợp điều này với nhau là vấn đề mấu chốt. Tóm lại, vấn đề này chỉ đơn giản là một cuộc tranh luận về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ, chứ không phải là giải pháp đúng đắn.”

Thay vào đó, EU đang thúc đẩy “một cách tiếp cận toàn diện và làm việc với các đối tác để đảm bảo lục địa châu Phi có thể tiếp cận điều này. Chúng tôi không chỉ mang đến số lượng mà còn là chất lượng.”

Tuyên bố cuối cùng này - chất lượng hơn số lượng, cũng là bản chất của giá trị gia tăng mà EU đang hy vọng mang lại cho châu Phi trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, nước mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết một tỷ liều vaccine trong bài phát biểu trực tuyến tại FOCAC 2021 - nhiều hơn 300 triệu liều so với EU cam kết cung cấp.

Tuy nhiên, chính sách ngoại giao vaccine có thể bị cản trở bởi sự chần chừ về vaccine ở nhiều quốc gia châu Phi, nơi COVID-19 chưa gây ra mức độ tàn phá đối với chăm sóc sức khỏe như ở nhiều quốc gia có dân số già hơn.

Trung Quốc đang chiến thắng trong cuộc đua đầu tư?

Tài chính-đầu tư, viện trợ và thương mại - có thể sẽ cho thấy vấn đề một cách rõ hơn. Thoạt nhìn, cam kết đầu tư và cho vay 150 tỷ euro (khoảng 168 tỷ USD) gần đây của EU dành cho châu Phi có vẻ thấp hơn so với Trung Quốc - quốc gia đã giảm cam kết đầu tư vào châu lục này xuống còn 40 tỷ USD, từ mức 60 tỷ USD tại FOCAC 2018.

Đây là điều quan trọng bởi một trong những câu hỏi đầu tiên mà các nhà báo châu Phi đặt ra tại các hội nghị thượng đỉnh với lục địa này thường xoay quanh vấn đề tài chính.

Trên thực địa, đó là một vấn đề khác, bởi sự phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã diễn ra với tốc độ lớn đến mức hiện nay nước này thống trị lục địa châu Phi.

Tờ The Economist gần đây cho rằng các công ty do Bắc Kinh hậu thuẫn đã thay đổi bản đồ giao thông trên lục địa bằng cách đầu tư vào các dự án như tuyến đường sắt Lagos-Ibadan, cũng như các tuyến đường bộ ở phần lớn miền Đông Congo và các sân bay được tân trang lại ở nhiều quốc gia.

Trong những năm 1990, các công ty Mỹ và châu Âu thống trị lĩnh vực này ở châu Phi, trong đó Trung Quốc hầu như không được nhắc đến.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) theo hình thức trực tuyến ngày 29/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hội nghị thượng đỉnh giữa châu Phi và EU bắt đầu từ năm 2000 - sáu năm trước hội nghị thượng đỉnh FOCAC đầu tiên.

Sự cạnh tranh đối với thị trường cơ sở hạ tầng ở châu Phi là rất lớn và Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán rằng nhu cầu sẽ đạt hơn 300 tỷ USD/năm vào năm 2040.

Trung Quốc dường như đang giành chiến thắng. Các công ty Trung Quốc được biết đến là làm việc nhanh và làm mọi thứ với giá rẻ, không có ràng buộc chính trị nào và mặc dù có một số thành kiến đối với chất lượng tay nghề của lao động Trung Quốc, nhưng điều này đang thay đổi.

Cobus van Staden, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc-châu Phi tại Viện Các vấn đề quốc tế Nam Phi (SAIIA), cho biết EU đã phải mất “một thời gian để nhận ra họ còn kém xa như thế nào” trong việc hỗ trợ tài chính cho cơ sở hạ tầng ở châu Phi.

[Trung Quốc đối mặt với vấn đề nợ khó đòi ở khu vực châu Phi]

Báo cáo tháng 2/2022 của Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD, trụ sở tại Washington DC) cho thấy Ngân hàng phát triển Trung Quốc tài trợ cho cơ sở hạ tầng châu Phi lên tới 23 tỷ USD từ năm 2007 đến năm 2020 - con số này cao gấp 2,5 lần so với tất cả tài trợ song phương của các ngân hàng khác cộng lại.

Theo chuyên gia Van Staden, Trung Quốc đã quản lý tất cả các mối quan hệ này với châu Phi, mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình không rời khỏi Trung Quốc từ đầu năm 2020. Thay vào đó, ông Tập Cận Bình hầu như tham dự các hội nghị thượng đỉnh một cách trực tuyến và cử các bộ trưởng đại diện.

Tổng thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc lên tới 254 tỷ USD vào năm 2021, vượt qua thương mại châu Phi-EU, với tổng giá trị 250 tỷ USD.

Gert Grobler, cựu Đại sứ Nam Phi tại Trung Quốc và hiện là nghiên cứu viên cấp cao của Viện Nghiên cứu châu Phi tại Đại học Sư phạm Chiết Giang, Trung Quốc, đánh giá thương mại với Trung Quốc sẽ tăng nhanh hơn so với EU, nếu xem xét các bước mà Trung Quốc công bố tại FOCAC 2021.

Thay đổi phong cách trong các quan hệ

Mối quan hệ của Trung Quốc với các nước châu Phi đã tạo sự thay đổi trong cách châu Âu tiếp cận lục địa này.

Các mối quan hệ đã chuyển từ mối quan hệ kiểu bảo trợ, trong đó EU xác định nhân quyền như một điều kiện tiên quyết để đầu tư và viện trợ, sang quan hệ đối tác bình đẳng, với quản trị tốt chỉ được đề cập đến khi điều đó liên quan đến an toàn và an ninh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - nước đang đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu trong thời gian 6 tháng bắt đầu từ tháng 1/2022, đang cố gắng cải thiện hơn nữa quan hệ với các nước châu Phi. Gần đây, Tổng thống Macron mô tả nhiệm vụ này mang tính “một chút mệt mỏi."

Như một phần của quá trình tái định hình mối quan hệ, Tổng thống Macron đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Pháp-châu Phi ở Montpellier vào tháng 10/2021, với việc chỉ mời các doanh nhân và các thành viên xã hội dân sự mà không mời lãnh đạo chính phủ, như các hội nghị thượng đỉnh thường lệ trước đó.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP)

Trước hội nghị thượng đỉnh Pháp-châu Phi, sự trao đổi ý kiến đã diễn ra trong nhiều nhóm nhỏ hơn, thậm chí hội nghị toàn thể Pháp-châu Phi còn diễn ra dưới dạng một cuộc trò chuyện giữa Macron và các nhà lãnh đạo tư tưởng trẻ tuổi của châu Phi.

Vai trò của Pháp có thể nhận biết được trong khuôn khổ của hội nghị thượng đỉnh Brussels vừa qua, với dạng thức khác biệt so với nhấn mạnh vào một hội nghị toàn thể kéo dài thường diễn ra trước đó.

Thay vào đó, số lượng lớn các phái đoàn được tổ chức trong các bàn tròn khác nhau: tài chính; hòa bình, an ninh và quản trị; hỗ trợ khu vực tư nhân và hội nhập kinh tế; giáo dục và di cư; nông nghiệp và phát triển bền vững; và hệ thống y tế và sản xuất vaccine.

Theo bài viết của nhà nghiên cứu Frank Mattheis (Đại học Liên hợp quốc) đăng trên trang The Conversation, tài chính của châu Âu thường đi kèm với chương trình nghị sự riêng và không phải lúc nào cũng phản ánh các ưu tiên của AU.

Sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu được EU khởi động vào năm 2021 nhằm mục đích huy động các khoản đầu tư lên tới 300 tỷ euro vào năm 2027 để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế toàn cầu hậu COVID-19.

Trong thông cáo báo chí công bố tháng 12/2021, Ủy ban châu Âu cho biết một phần trong chiến lược mới của châu Âu “nhằm thúc đẩy các liên kết thông minh, sạch và an toàn trong kỹ thuật số, năng lượng và giao thông, đồng thời củng cố các hệ thống y tế, giáo dục và nghiên cứu trên toàn thế giới."

Trước hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, EU đã công bố gói đầu tư trị giá 150 triệu euro vào châu Phi trong vòng 7 năm tới như một phần của sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu. Đây sẽ là nỗ lực chung của Nhóm châu Âu (Team Europe), bao gồm các thể chế của EU như Ngân hàng Đầu tư châu Âu, các quốc gia thành viên và các tổ chức thực thi của EU, các tổ chức tài chính phát triển và Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu. Một cách ngẫu nhiên, Nhóm châu Âu được thành lập từ phản ứng của EU đối với COVID-19 để hỗ trợ các quốc gia đối tác trong ứng phó với đại dịch.

Đầu tư của EU sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính gồm cơ sở hạ tầng, giáo dục (trong đó tập trung vào di cư) và chăm sóc sức khỏe.

Theo nhà nghiên cứu Mattheis (Đại học Liên hợp quốc), đầu tư của EU nhấn mạnh nhiều hơn đến các ưu tiên của thể chế này, chẳng hạn như “đa dạng hóa các nguồn năng lượng của châu Phi, đạt được các mục tiêu về khí hậu, kiểm soát di cư và kiềm chế ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc và sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của nước này."

Nhà nghiên cứu Grobler cho rằng châu Phi cần các đối tác quốc tế và nên định vị chiến lược của chính lục địa này, đồng thời thể hiện quan điểm chung trong nỗ lực thu được lợi ích tối đa từ các tương tác của châu lục với tất cả các đối tác quốc tế.

Một trong những mối quan tâm hàng đầu của AU gần đây là cơ sở hạ tầng, như một phần của Hiệp định Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) đi vào giai đoạn vận hành từ tháng 01/2021 và hội nhập kinh tế châu Âu là một ví dụ quan trọng. Ưu tiên khác của AU là tài chính phục vụ hòa bình và an ninh.

Với tình trạng khủng bố xảy ra liên tục ở miền Bắc Mozambique và ở Sahel - khu vực có tình hình an ninh đã dẫn đến một số cuộc đảo chính trong những tháng gần đây, người dân châu Phi ngày càng cảm thấy không an toàn.

Mặc dù châu Phi nhấn mạnh vào việc tìm kiếm sự tự chủ về tài chính cho các hoạt động hòa bình trên lục địa, nhưng các đối tác như EU và Trung Quốc vẫn đóng một vai trò quan trọng.

Sự tham gia của những chủ thể khác tại châu Phi

Ngoài Trung Quốc, EU cũng phải cạnh tranh với những đối thủ khác để gây ảnh hưởng tại châu Phi. Đã có các hội nghị thượng đỉnh giữa các nước châu Phi với Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Israel, và hội nghị khác được lên kế hoạch với Nga vào cuối năm 2022.

Một cách ngẫu nhiên, các nhà lãnh đạo đảo chính từ Mali, Burkina Faso, Guinea và Sudan không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Brussels, bởi tư cách thành viên AU của những nước này đã bị đình chỉ, nhưng tại bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào khác với các nước châu Phi, chẳng hạn như FOCAC, những hạn chế như vậy sẽ không áp dụng, do AU không tham gia như một cấu trúc trong những hội nghị này.

Trong một số trường hợp, công dân của nhiều nước diễn ra đảo chính đã hoan nghênh việc quân đội tiếp quản đất nước, do đó, bất kỳ lệnh trừng phạt nào như vậy đối với việc tham dự các hội nghị thượng đỉnh, trớ trêu thay, lại có thể chuyển hướng tình cảm của người dân đối với các cơ quan như AU và EU - và mang lại lợi thế cho các nước như Trung Quốc và Nga.

Cuối cùng, EU có thể làm tốt việc tập trung ít hơn trong nhiệm vụ cố gắng cạnh tranh với Trung Quốc về tài trợ mà thay vào đó là xây dựng sức mạnh riêng có - thúc đẩy dân chủ và tài trợ cho các tổ chức nhân quyền. Nhiệm vụ này có vẻ không hợp thời, nhưng các nhà hoạt động dân chủ vẫn đang phải đối mặt với những trận chiến cam go ở những vùng rộng lớn của châu Phi./.