Căng thẳng tại Ukraine có làm thay đổi xu hướng năng lượng xanh?

Thứ tư, 30/3/2022 | 06:08 GMT+7

Không những không giảm sút, việc sử dụng than trên toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong mùa Đông, khiến lượng khí thải tăng lên, trong đó việc lắp dự án năng lượng sạch giảm xuống dưới mức cần thiết.

Toàn cảnh một phiên họp của Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia COP 26 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) ngày 11/11. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Financial Times mới đây, khi châu Âu tranh giành để tìm các giải pháp thay thế cho dầu khí Nga và giá năng lượng toàn cầu tăng cao, than đá có thể lại tăng trưởng mạnh.

Vào cuối Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) ở Glasgow của Scotland vào tháng 11/2021, các nhà đàm phán dường như đã đạt được một tiến triển mong manh. Hơn 80% lượng khí thải ròng trên thế giới được các chính phủ cam kết đưa về mức bằng 0 - nghĩa là lượng khí nhà kính được thêm vào bầu khí quyển bằng với lượng được thải ra ngoài.

Hội nghị đã chứng kiến các thỏa thuận quan trọng đạt được về phá rừng, phát thải khí methane và sản xuất than. Ít nhất 23 quốc gia đã đưa ra cam kết mới để loại bỏ dần điện than, bao gồm cả ở Đông Nam Á và châu Âu.

Thỏa thuận cuối cùng giữa 197 quốc gia bao gồm một thỏa thuận cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, bất chấp một cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra về việc liệu than nên được “cắt giảm dần” hay “loại bỏ dần dần.” Tuy nhiên, Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết hướng đi đã rõ ràng. Ông nói: “Các quốc gia đang quay lưng lại với than đá. Sự kết thúc của than đã ở trong tầm mắt.”

Bốn tháng sau, bức tranh năng lượng toàn cầu đã thay đổi đáng kể và không theo hướng mà ông Sharma và các nhà đàm phán COP khác mong muốn.

Không những không giảm sút, việc sử dụng than trên toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong mùa Đông, khiến lượng khí thải tăng lên, trong khi việc lắp đặt các dự án năng lượng sạch giảm xuống dưới mức cần thiết để đạt được các mục tiêu khí hậu.

Đó là trước khi xảy ra những căng thẳng giữa Nga-Ukraine, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và buộc các quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu, phải tìm cách nhanh chóng cắt giảm nhập khẩu dầu khí Nga, đồng thời xem xét lại các mốc thời gian cam kết cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nhà kinh tế học Dieter Helm, Giáo sư về chính sách năng lượng tại Đại học Oxford, cho biết việc chuyển hướng ra khỏi nhiên liệu hóa thạch có vẻ sẽ phức tạp hơn. Ông nói: “Quá trình chuyển đổi năng lượng đã gặp khó khăn, 80% năng lượng của thế giới vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch.”

“Tôi kỳ vọng rằng trong ngắn hạn, Mỹ sẽ tăng sản lượng dầu và khí đốt và khu vực khai thác dầu tại Biển Bắc có thể nhận được một số khoản đầu tư tiếp theo. Những trên hết, tiêu thụ than của Liên minh châu Âu (EU) có thể tăng lên,” ông nói thêm.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang thúc giục khối đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Tại cuộc họp thảo luận về chiến lược năng lượng toàn Liên minh châu Âu trong tuần này, họ dự kiến sẽ thúc đẩy một phản ứng xanh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng khu vực này quyết tâm hạn chế khả năng tài trợ cho những căng thẳng Nga-Ukraine. EU phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Biến thách thức thành cơ hội

Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, năng lượng sạch nên được coi là “năng lượng của tự do.” Nước này có kế hoạch cắt giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Nga bằng cách tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo và hướng đến mục tiêu đạt 100% điện sạch vào năm 2035 (mặc dù Thủ tướng Olaf Scholz chấp nhận rằng trong ngắn hạn, nước này không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục mua khí đốt và dầu từ Nga).

[Đức phản đối việc châu Âu phân loại điện hạt nhân là năng lượng “xanh”]

Phó Giáo sư Van de Graaf thuộc khoa chính trị quốc tế Đại học Ghent cho biết một số chuyên gia đã nói rằng đừng bao giờ lãng phí một cuộc khủng hoảng tốt, nhưng châu Âu dường như đã bỏ lỡ cơ hội này trong khoảng thời gian xảy ra đại dịch.

Một bài nghiên cứu gần đây trên tạp chí Nature cho thấy các nước G20 đã chi 14 tỷ USD cho các biện pháp kích thích kinh tế trong giai đoạn 2020 và 2021 - nhưng chỉ 6% trong số này được phân bổ vào những khu vực sẽ cắt giảm lượng khí thải.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này có thể sẽ khác, Phó Giáo sư Van de Graaf cho rằng châu Âu có nhiều chiến lược để giảm sự phụ thuộc vào Nga, cũng giống như các biện pháp chính sách nhằm giảm phát thải.

Ông Van de Graaf chỉ ra rằng ở châu Âu, những căng thẳng địa chính trị đang kích hoạt một làn sóng đầu tư vào năng lượng sạch. Ông nói: “Vào những thời điểm mà chúng ta gặp phải cuộc khủng hoảng này, quá trình chuyển đổi (năng lượng) có thể tăng tốc.”

Câu hỏi đặt ra là liệu những thay đổi như vậy có thể xảy ra đủ nhanh để cho phép thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu lâu dài của mình hay không, hay những bất ổn kinh tế sẽ là một bước lùi dài hạn, thay vì là động lực nhằm hướng tới quá trình chuyển đổi xanh.

Sự quay trở lại của than đá

Mặc dù vậy, có một sự thật là ngay cả trước khi những căng thẳng tại Ukraine bắt đầu, than đá cũng đã có xu hướng quay trở lại, khi sự phục hồi kinh tế sau đại dịch tăng cao dẫn đến nhu cầu sử dụng điện năng cao.

Đó là xu hướng đang diễn ra ở ngay cả những quốc gia có mục tiêu cao cả về môi trường. Ở Mỹ, sản lượng nhiệt điện than vào năm 2021 cao hơn dưới thời Tổng thống Joe Biden, so với năm 2019 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, người đã tự định vị mình là “vị cứu tinh” cho ngành than của Mỹ. Ở châu Âu, điện than tăng 18% vào năm 2021, mức tăng đầu tiên trong gần một thập kỷ.

Sự gia tăng nhu cầu trên toàn cầu đã mang lại lợi nhuận khủng cho các công ty như Glencore, Whitehaven Coal và Peabody Energy, tập đoàn Wyoming từng phá sản hiện đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất sau quý ghi nhận lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.

Giám đốc điều hành Jim Grech của Peabody kỳ vọng năm nay sẽ mang đến “thời kỳ nhu cầu tăng cao” đối với than và giá sẽ tiếp tục tăng.

Căng thẳng ở Ukraine có thể thúc đẩy nhu cầu than hơn nữa, ít nhất là trong ngắn hạn. Quan điểm đó đã được thừa nhận vào tuần trước bởi Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, thuộc đảng Xanh. Ông cho biết châu Âu có thể buộc phải đốt nhiều than hơn khi đối mặt với giá khí đốt tăng theo chiều hướng xoắn ốc.

Giá khí đốt đã đạt kỷ lục trong tuần này, và điều đó khiến chi phí vận hành một số nhà máy điện đốt than sẽ rẻ hơn là khí đốt, ngay cả khi đã chi trả chi phí cho giấy phép carbon.

Những lo ngại về an ninh năng lượng cũng góp phần vào việc một số quốc gia, trong đó có Italy, cho rằng nước này có thể cần sử dụng nhiều than hơn để giảm khí đốt của Nga. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gần đây đã thừa nhận sự đánh đổi này.

Căng thẳng ở Ukraine đang có tác động đến thị trường than toàn cầu theo những cách khác nhau. Khi các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty vận tải xa lánh Nga, các khách hàng tiêu thụ than ở châu Âu và châu Á hiện đang lùng sục thị trường để tìm kiếm các nguồn cung thay thế và đẩy giá lên cao, tuần trước giá than đã đạt hơn 400 USD/tấn, so với mức 82 USD/tấn của một năm trước đây.

Khói bốc lên từ một nhà máy điện than. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với mức giá đó, năm 2022 hứa hẹn sẽ là một năm bội thu nữa cho ngành than. Nga chiếm khoảng 30% lượng than nhiệt nhập khẩu của châu Âu, loại than này được đốt trong các nhà máy điện để tạo ra điện.

Than đá vẫn chiếm ưu thế ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, quốc gia phát thải lớn nhất thế giới. Nước này vẫn đang xây dựng các nhà máy than mới và lượng khí thải ở đó đã tăng 4% vào năm ngoái, chiếm 1/4 tổng lượng tăng khí thải tăng toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ cũng là quốc gia phát thải lớn, chiếm khoảng 22% mức tăng khí thải toàn cầu trong năm ngoái.

Sự gia tăng nhu cầu điện của Trung Quốc vào năm 2021, so với năm 2019, tương đương với toàn bộ sản lượng điện của Đức và Pháp cộng lại. Năm nay, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 5,5%, điều này ngụ ý nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn.

Theo dữ liệu từ IHS Markit, mặc dù Trung Quốc chỉ nhận được 5% nguồn cung khí đốt từ Nga và 10% nguồn cung dầu, nhưng nước này khó tránh khỏi cú sốc năng lượng toàn cầu.

Xizhou Zhou, Phó Chủ tịch phụ trách năng lượng và năng lượng tái tạo của IHS Markit, cho biết: “Nếu có bất kỳ sự thiếu hụt khí đốt tự nhiên nào, Trung Quốc có thể phải tăng sản lượng than trong nước. Đây thường được các quan chức coi là biện pháp bảo vệ cuối cùng cho an ninh năng lượng.”

Trung Quốc đã cam kết giới hạn mức tiêu thụ than trong thập kỷ này, điều này có nghĩa là lượng tiêu thụ than và lượng khí thải của nước này có thể sẽ tiếp tục tăng trong vài năm nữa.

Chặng đường còn nhiều gập ghềnh phía trước

Bất chấp những trở ngại, nhiều giám đốc điều hành năng lượng tin rằng quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch vẫn đang diễn ra, nhưng có lẽ không nhanh chóng hoặc dễ dàng như mong đợi.

Scott Mackin, đối tác quản lý tại Denham Capital, một quỹ cơ sở hạ tầng bền vững có trụ sở tại Boston, cho biết: “Đây là những khúc quanh trên đường. Động lực chuyển đổi năng lượng vẫn còn rất mạnh nếu đặt trong một bức tranh tổng thể.”

Đằng sau lợi nhuận kỷ lục của ngành than là một ngành đang suy giảm cơ cấu. Ông Mackin nói: “Theo quan điểm của tôi, chúng ta sẽ không ở trong một khoảng thời gian dài mà than đá sẽ trở nên tốt hơn và đáng đầu tư hơn.”

Bản thân phần lớn ngành công nghiệp than đá hoặc ít nhất, các công ty than châu Âu và Mỹ được niêm yết công khai, cũng đồng tình với quan điểm này. Công ty kinh doanh Glencore nói rằng một phần lý do khiến giá và lợi nhuận cao như hiện nay là do sự suy giảm cơ cấu đó, có nghĩa là thiếu đầu tư vào các dự án than mới và do đó nguồn cung ít hơn.

Glencore đã cam kết giới hạn sản lượng than của mình ở mức 150 triệu tấn/năm, nhưng con số đó vẫn sẽ cho phép tăng sản lượng. Công ty đã sản xuất khoảng 100 triệu tấn than vào năm ngoái và sẽ khai thác khoảng 120 triệu tấn trong năm nay sau một thỏa thuận mua lại các đối tác tại một mỏ ở Colombia.

Về dài hạn, công ty có kế hoạch giảm sản lượng và cuối cùng đóng cửa tất cả các mỏ than ở Australia, Colombia và Nam Phi trong ba thập kỷ tới, đồng thời đưa sản lượng về mức bằng 0 vào năm 2050. Những động thái này đã được các cổ đông lớn của công ty ủng hộ.

“Không ai đang xây dựng các mỏ than mới. Không ai nhận tài trợ cho các mỏ than mới, nhưng vẫn có nhu cầu tiêu thụ than lành mạnh ở châu Á,” Giám đốc điều hành Glencore Gary Nagle nói với các phóng viên vào tháng trước, sau khi bộ phận than của công ty báo cáo lãi trước thuế và khấu hao hơn 5 tỷ USD trong năm 2021.

Căng thẳng ở Ukraine cũng chỉ kéo dài sự hồi sinh của ngành sản xuất than trong thời gian ngắn và đang đe dọa khả năng đạt phát thải ròng theo mốc thời gian đặt ra.

Theo lộ trình phát thải ròng bằng 0 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, việc sử dụng than phải giảm một nửa trong thập kỷ này để quá trình đạt phát thải ròng đi đúng hướng. Trong khi đó, sản lượng điện cần phải tăng 40% trong cùng kỳ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Thực hiện cả hai việc cùng một lúc - tăng sản lượng điện trong khi cắt giảm than - sẽ đòi hỏi nhu cầu tăng trưởng rất lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là gió và Mặt Trời, kết hợp với lưu trữ năng lượng.

Tuy nhiên, cùng lúc với sự trở lại của than đá thì năng lượng tái tạo lại đang gặp khó khăn. Do sự kết hợp của các vấn đề về hậu cần và hậu quả của chiến tranh thương mại, cả năng lượng Mặt Trời và gió đều không tăng trưởng nhiều trong năm nay như trong kịch bản không phát thải ròng.

Ông Zhou nói rằng quá trình này hóa ra là một “quá trình chuyển đổi không đồng bộ,” vì năng lượng tái tạo không đủ phát triển để thay thế than cần được loại bỏ khỏi hệ thống. “Bạn phải trải qua khoảng thời gian khó xử này trước khi bạn có thể chuyển đổi hoàn toàn sang không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.”

Ông chỉ ra sự gia tăng lớn về nhu cầu điện vào năm ngoái khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch. Năng lượng tái tạo ngày nay không thể đáp ứng nhu cầu điện năng đang tăng vọt bởi, vì bộ lưu trữ pin chưa có dung lượng lớn để đáp ứng nhu cầu. Đầu tư thấp vào nhiên liệu hóa thạch cũng góp phần vào sự biến động này.

“Hệ thống nói chung có ít bước đệm hơn để đối phó với những thăng trầm này. Căng thẳng tại Ukraine là một cú sốc sẽ kiểm tra khả năng phục hồi của các hệ thống năng lượng trong quá trình chuyển đổi”, ông Zhou cho biết thêm.

Một loại hình chính trị mới

Quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh chóng như thế nào không chỉ là câu hỏi về kinh tế học mà còn là vấn đề chính trị. Và các cuộc đàm phán về khí hậu, chính sách ngoại giao, vốn đã thúc đẩy quá trình hành động vì khí hậu trong nhiều thập kỷ qua, cũng có thể bị chững lại.

Xung đột đồng nghĩa với việc hợp tác toàn cầu về biến đổi khí hậu, vốn nhất thiết phải bao gồm các quốc gia phát thải lớn như Trung Quốc và Nga, sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Giá năng lượng cao có thể khiến một số quốc gia khó thúc đẩy các chính sách năng lượng sạch về mặt chính trị. Trong một dấu hiệu cho thấy tình hình chính trị tồi tệ về giá năng lượng, chính trị gia người Anh Nigel Farage đã phát động một phong trào chống phát triển xanh vào cuối tuần trước, kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về mục tiêu không có phát thải ròng của Chính phủ Anh.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 sẽ diễn ra ở Ai Cập vào mùa Thu năm nay, các quốc gia được cho là sẽ đệ trình các kế hoạch cải thiện khí hậu lên Liên hợp quốc. Các nhà đàm phán về khí hậu nói rằng điều đó là đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế lớn mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia có cam kết hiện tại về khí hậu không phù hợp với việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Pete Betts, cựu nhà đàm phán chính của EU và Anh tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc, cho biết những quốc gia này có cam kết về khí hậu trông không mấy hứa hẹn ngay cả trước khi căng thẳng tại Ukraine nổ ra và “bây giờ chúng trông thậm chí còn kém hứa hẹn hơn, do ảnh hưởng của tình hình Ukraine.”

Tuy nhiên, ông Betts và những người khác tin rằng căng thẳng địa chính trị đã tạo ra một cảm giác cấp bách mới cho nhiệm vụ chuyển đổi khỏi than, dầu và khí đốt, vốn có thể là một bước ngoặt.

Ông nói: “Chúng ta đang ở trong một loại chính trị rất mới cho mọi thứ, bao gồm cả khí hậu. Tôi nghĩ khí hậu sẽ được coi là một phần của an ninh năng lượng nhiều hơn nữa.”

Nếu ý tưởng về năng lượng tái tạo đại diện cho “năng lượng tự do” tiếp tục lan rộng, điều này có thể kích hoạt mức độ tập trung - và chi tiêu - vào năng lượng sạch, đặc biệt là ở châu Âu, vốn cho đến nay vẫn còn thiếu.

Phó Giáo sư Van de Graaf nói: “Sự thật là chúng ta chưa bao giờ coi biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp giống như cách chúng ta đang coi căng thẳng tại Ukraine là tình trạng khẩn cấp. Mô hình an ninh quốc gia có một lực lượng huy động lớn hơn nhiều so với mô hình thảm họa khí hậu”./.