Căng thẳng Nga-Ukraine và những thách thức đối với Trung Quốc

Chủ nhật, 13/3/2022 | 22:45 GMT+7

Đối với Trung Quốc, Nga là một đối tác hết sức quan trọng, đặc biệt là trong việc hợp sức đối trọng lại với phương Tây. Tuy nhiên về mặt kinh tế, Trung Quốc không thể "xa lánh" Mỹ và Liên minh châu Âu

Ngân hàng Sberbank của Nga. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Báo NTV có bài phân tích về tác động của căng thẳng Nga-Ukraine đối với Trung Quốc.

Nội dung chính như sau:

Đối với Trung Quốc, Nga là một đối tác hết sức quan trọng, đặc biệt là trong việc hợp sức đối trọng lại với phương Tây. Tuy nhiên về mặt kinh tế, Trung Quốc không thể "xa lánh" Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy, nước này đang nỗ lực thực hiện hành động cân bằng, nhưng điều này hoàn toàn không đơn giản.

Việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đang làm trầm trọng thêm những bất ổn kinh tế đối với Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga và giá năng lượng tăng chóng mặt cũng đang ảnh hưởng đến "đối tác chiến lược" của Nga, cả về kinh tế lẫn chính trị. Đối với Trung Quốc, hợp tác kinh tế với Mỹ và EU quan trọng hơn nhiều so với hợp tác với Nga - quốc gia có quy mô kinh tế chỉ ngang với Bỉ và Hà Lan.

Theo chuyên gia Max Zenglein từ Viện nghiên cứu Trung Quốc Merics tại Berlin, Trung Quốc đang phải đối mặt với những định hướng cân bằng khó khăn trong mối quan hệ với phương Tây và Nga. Vì kinh tế Trung Quốc đã hội nhập rất sâu rộng với quốc tế nên nước này phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Chuyên gia Max Zenglein cho rằng Trung Quốc sẽ phải xử lý hết sức thận trọng để mối quan hệ với Nga không gây nguy hiểm cho lợi ích lâu dài của họ. Căng thẳng Nga-Ukraine tạo ra những thách thức không thể lường hết cho kinh tế Trung Quốc, vì vậy nước này không thể tự cô lập mình.

Theo Giáo sư Shi Yinhong từ Đại học Nhân dân Bắc Kinh, các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là việc loại trừ Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, có "tác động rất tiêu cực" đối với quan hệ thương mại Nga-Trung Quốc, nhất là đối với hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt từ Xứ Bạch dương.

[Giới hạn sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga ở Ukraine]

Ngoài ra, giá năng lượng tăng chóng mặt đang gây bất lợi cho Trung Quốc, một trong những quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới và đang chịu áp lực lớn về kinh tế.

Không thể "lách" các biện pháp trừng phạt

Mặc dù Trung Quốc phản đối các lệnh trừng phạt chống lại Nga, nhưng Giáo sư Shi Yinhong tin rằng nước này sẽ tuân thủ các lệnh trừng phạt để không khiến phương Tây xa lánh hoặc trừng phạt mình. Theo Giáo sư Shi Yinhong, các ngân hàng Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính thế giới, điều này rất quan trọng đối với Bắc Kinh. Do đó, Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ rủi ro nào đối với hệ thống ngân hàng của mình, kể cả khi họ muốn giúp Nga vượt qua khó khăn càng nhiều càng tốt.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc Jörg Wuttke, các ngân hàng Trung Quốc ở Singapore nằm trong số những ngân hàng đầu tiên tuân thủ các lệnh trừng phạt. Ông cho rằng việc các ngân hàng tuân thủ lệnh trừng phạt một cách nhanh chóng như vậy là điều bất ngờ. Một nguồn tin cấp cao của Trung Quốc nói với ông rằng nỗi sợ Mỹ chính là nguyên nhân của điều này. Ông Jörg Wuttke cho rằng Trung Quốc sẽ không "lách" các lệnh trừng phạt. Người Trung Quốc sẽ làm mọi điều có thể để đảm bảo rằng các doanh nghiệp của họ biết chính xác những gì họ đang làm khi hợp tác với Nga.

Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức khác. Họ không chỉ bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng mạnh mà còn cả giá ngũ cốc. Quan hệ thương mại với Ukraine, nơi Trung Quốc sở hữu hàng loạt cánh đồng lúa mỳ lớn, cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện không thể nhập bất kỳ sản phẩm nào từ Ukraine do các cảng của nước này đã bị phong tỏa. Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc Jörg Wuttke cho biết hiện tại Trung Quốc đang phải nhập khẩu từ những nơi khác với giá cả đắt đỏ hơn nhiều.

CIPS không thể thay thế SWIFT

Lợi ích lớn nhất đối với Trung Quốc trong căng thẳng địa chính trị đang diễn ra đến từ ngành công nghiệp ôtô của Nga, khi các nhà sản xuất ôtô phương Tây đang rút lui và Trung Quốc có thể xuất khẩu nhiều ôtô hơn sang thị trường này.

Ngoài ra, một trong những chiến thắng của Trung Quốc trong căng thẳng Nga-Ukraine cũng có thể đến từ Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS) - hệ thống mà Trung Quốc tạo ra từ năm 2015 để phục vụ sáng kiến "Con đường tơ lụa mới" của Bắc Kinh, đồng thời để thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Tuy nhiên, hệ thống CIPS không có khả năng thay thế hệ thống thanh toán SWIFT. Hiện chỉ có 76 ngân hàng tham gia trực tiếp hệ thống CIPS của Trung Quốc, hầu hết là chi nhánh của các ngân hàng Trung Quốc ở nước ngoài. Ngoài ra, có 672 ngân hàng khác tham gia gián tiếp vào hệ thống CIPS; trong đó có các ngân hàng Nga và một số ngân hàng quốc tế khác, nhưng họ vẫn hoạt động cả trong hệ thống SWIFT. Hai hệ thống này hiện bổ sung cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh với nhau.

Chuyên gia Zenglein thuộc Viện nghiên cứu Merics cho rằng các mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây, vốn đã "đặc trưng bởi sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng," nay sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Phương Tây cũng đang xích lại gần nhau hơn và đoàn kết hơn trước Trung Quốc.

Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc Jörg Wuttke cũng có quan điểm tương tự. Ông cho rằng Mỹ và châu Âu đã sát cánh mạnh mẽ từ khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang. Sau đó, Mỹ sẽ đề cập tới vấn đề ngăn chặn Trung Quốc với các đồng minh châu Âu. Liệu có còn quốc gia nào nói "Không" với đề nghị của Mỹ? Chủ tịch Wuttke khẳng định: "Người Nga đã thay đổi hoàn toàn chính sách Trung Quốc của châu Âu"./.