Căng thẳng của Nga mở ra cơ hội cho Trung Quốc tại Trung Á

Thứ sáu, 15/7/2022 | 17:21 GMT+7

Khi căng thẳng tại Ukraine còn tiếp diễn, Trung Quốc đang nhận thấy những cơ hội lớn về kinh tế và chính trị tại Trung Á, khu vực vốn hết sức cảnh giác với những tham vọng quân sự của Nga.

Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cảng ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khi căng thẳng tại Ukraine còn tiếp diễn, Trung Quốc đang nhận thấy những cơ hội lớn về kinh tế và chính trị tại Trung Á, khu vực vốn hết sức cảnh giác với những tham vọng quân sự của Nga.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã có những tác động sâu rộng khắp lục địa Á-Âu. Một khu vực đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi tốc độ thay đổi là Trung Á. Tại đây, Nga, Trung Quốc và Iran, ba cường quốc vốn sẵn sàng thay đổi trật tự thế giới hiện tại, đang tìm cách áp đặt một mô hình chủ nghĩa khu vực, trong đó loại bỏ các cường quốc ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), bằng cách đóng một vai trò tích cực.

Tuy nhiên, xu hướng này không chỉ được giới hạn trong khu vực khi những diễn biến tương tự đang xảy ra ở những nơi khác trên khắp lục địa, từ Biển Đen, Nam Caucasus cho tới Biển Đông, nơi cuộc chạy đua hướng tới việc thiết lập môi trường ảnh hưởng đang được đẩy nhanh.

Tất nhiên, yếu tố quan trọng nhất làm thay đổi cuộc chơi đối với tình hình địa chính trị khu vực chính là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Cuộc xung đột này có nguy cơ làm xói mòn sự cân bằng mà Moskva và Bắc Kinh đã duy trì thành công tại Trung Á.

Sự ‟phân công lao độngˮ không chính thức, với Nga là nhân tố an ninh chính, trong khi Trung Quốc tập trung vào việc can dự kinh tế, đã thường xuyên bị thách thức khi Bắc Kinh cũng thâm nhập vào các lĩnh vực an ninh. Giờ đây, tốc độ thay đổi có thể còn nhanh chóng hơn nữa.

Cơ hội để Trung Quốc can dự nhiều hơn với Trung Á

Căng thẳng tại Ukraine đã đặt các quốc gia láng giềng vào tình trạng cảnh giác cao độ. Thậm chí, những đối tượng trước đây "theo" Nga cũng không cảm thấy an toàn; trong đó có Kazakhstan.

Tuy nhiên, khi đánh giá một cách sâu hơn, Kazakhstan có thể thực sự tự tin hơn so với các quốc gia láng giềng khác của Nga. Một yếu tố quan trọng cần xem xét đó là từ lâu Trung Quốc đã coi Kazakhstan là cửa ngõ vào châu Âu và là một phần quan trọng của ‟Sáng kiến Vành đai và Con đườngˮ (BRI). Điều này tạo cho Kazakhstan có nhiều không gian hơn để ứng biến.

[Trở ngại trong triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường tại Trung Á]

Việc căng thẳng Nga-Ukraine tạo ra sự rạn nứt trong quan hệ giữa Moskva với các nước láng giềng Trung Âu đã tạo ra một không gian rộng mở cho hoạt động ngoại giao và kinh tế, cho phép Bắc Kinh giành được vị thế vững chắc hơn trong các vấn đề của khu vực.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải thận trọng. Bắc Kinh chắc chắn sẽ không muốn có những động thái đáng kể để làm suy yếu mối quan hệ với Nga. Các vấn đề lớn hơn như cạnh tranh với Mỹ đã tạo ra tiền lệ và Bắc Kinh vẫn luôn khẳng định sẽ ủng hộ Nga về mặt chính trị trên trường quốc tế bất chấp chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Mặc dù vậy, Trung Quốc được cho là là sẽ can dự nhiều hơn với Trung Á, đặc biệt là với Kazakhstan. Tác động lây lan từ việc kinh tế Nga gặp rắc rối (bao gồm cả lượng kiều hối giảm) sẽ thôi thúc các quốc gia Trung Á sớm nắm lấy các khoản đầu tư của Trung Quốc. Hơn nữa, tăng cường hợp tác với Trung Quốc có thể là một phương thức để các nước trong khu vực này tự vệ.

Những toan tính như vậy đã được thể hiện hồi đầu tháng Sáu vừa qua khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á lần thứ 3 (C+C5), nơi các đại biểu đã nhất trí phát triển một cấu trúc cho các cuộc họp thường xuyên giữa nguyên thủ quốc gia của các nhóm không chính thức. Hội nghị còn thông qua 4 văn kiện chung, trong đó có các vấn đề về an toàn dữ liệu và tăng cường kết nối.

Phía Trung Quốc nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ luôn đứng sau các quốc gia Trung Á để thể hiện sự ủng hộ đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Các bên cũng nhất trí 10 điểm về hợp tác trong khuôn khổ BRI và duy trì một nền tảng an ninh khu vực không thể chia rẽ.

Trong vấn đề này, Trung Quốc về cơ bản vẫn lặp lại quan điểm của Nga về an ninh tại khu vực láng giềng trung gian, đồng thời Bắc Kinh cũng phát đi tín hiệu rằng Nga sẽ không được phép đe dọa các lợi ích an ninh riêng của Trung Quốc.

Hành lang Giữa như một sự thay thế tiềm năng

Căng thẳng Nga-Ukraine gây ra những thay đổi lớn trong việc kết nối của lục địa Á-Âu. Vấn đề kết nối lâu nay vẫn là một chủ đề chính trong chương trình nghị sự hợp tác Trung Quốc-Trung Á, nhưng mức độ liên quan chắc chắn sẽ còn tăng lên.

Tuyến đường Nga được Trung Quốc sử dụng để vươn tới châu Âu bằng đường sắt đã bị chặn lại do các lệnh trừng phạt chống Nga và Bắc Kinh đã tìm kiếm các tuyến đường thay thế để đảm bảo các dòng chảy thương mại không bị cản trở. Điều này đặt Kazakhstan vào một vị trí thuận lợi vì Hành lang Giữa kéo từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Biển Caspi sẽ không thể hoạt động nếu thiếu các cảng của Kazakhstan.

(Nguồn: AFP)

Những dấu hiệu ban đầu của việc tái hiện Hành lang Giữa tỏ ra khá hứa hẹn. Trung chuyển hàng hóa khắp Trung Á và Caucasus được kỳ vọng sẽ tăng gấp 6 lần lên 3,2 triệu tấn/năm. Trong tháng 4/2022, tập đoàn vận tải Maersk của Đan Mạch đã khởi động một tuyến đường sắt mới dọc theo Hành lang Giữa để đối phó với tình hình địa chính trị đang thay đổi tại lục địa Á-Âu.

Ngày 10/5, một công ty khác là Nurminen Logistcs của Phần Lan đã bắt đầu chạy một tuyến tàu container từ Trung Quốc tới Trung Á thông qua tuyến đường xuyên Caspi.

Diễn biến này cũng thúc đẩy hợp tác giữa các nhân tố khu vực dọc theo tuyến đường. Đầu tháng 5/2022, công ty đường sắt Gruzia đã nhóm họp tại Ankara với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Kazakhstan nhằm thảo luận về Hành lang Giữa của dự án Tuyến vận tải Quốc tế xuyên Caspi.

Ngày 25/5, công ty đường sắt quốc gia Gruzia thông báo sẽ hợp tác với các công ty Azerbaijan và Kazakhstan để phát triên một tuyến vận tải mới sử dụng các tàu trung chuyển giữa Pot của Gruzia với Constanta (Romania). Việc hợp tác này có được sau một tuyên bố chung của Azerbaijan, Gruzia, Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3/2022 về việc cải thiện tiềm năng vận tải của khu vực.

Trong việc tái tạo Hành lang Giữa, Trung Quốc và Kazakhstan cũng tìm kiếm sự ủng hộ nhiều hơn từ các nhân tố khác, cụ thể là từ Thổ Nhĩ Kỳ. Dù có thể đi sau Trung Quốc và Nga về những gì có thể cung cấp cho các quốc gia trong khu vực, song Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một giải pháp thay thế đối với những người ‟sợˮ Nga nhưng cũng cảm thấy không thoải mái khi dựa dẫm nhiều vào Trung Quốc.

Yêu cầu đa dạng hóa quan hệ ngoại giao và kinh tế tạo cho Thổ Nhĩ Kỳ động lực thuận lợi để tăng cường thâm nhập vào khu vực. Gần đây, các hoạt động ngoại giao tích cực của Ankara đã được tăng cường đáng kể bởi Thổ Nhĩ Kỳ muốn tận dụng những diễn biến hiện nay bằng các chuyến thăm ngoại giao và các cam kết tăng cường thương mại song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia người Turk.

Lợi ích ngày càng lớn của việc né tránh Nga cũng được thể hiện trong thông điệp của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev chuyển tới người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong chuyến thăm tới Ankara hồi tháng 5/2022.

Tuyên bố chung, bao gồm một đoạn thú vị về kết nối khi hai quốc gia nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực vận tải và logistics, đã ca ngợi sự tăng trưởng của hàng hóa trung chuyển qua tuyến đường sắt Baku-Tbilisi-Kars, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Hành lang Giữa.

Do vậy, căng thẳng tại Nga đã tạo ra những cơ hội đáng kể cho Trung Quốc tại khu vực Trung Á. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn sẽ loại bỏ ảnh hưởng của Nga và tận dụng các cơ hội mới xuất hiện này, chẳng hạn như bằng cách giúp Kazakhstan đa dạng hóa thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về kinh tế và chính trị, hoặc xây dựng Hành lang Giữa như một sự thay thế tiềm năng.

Về phía Nga, khi căng thẳng tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, việc có được sự hậu thuẫn của Bắc Kinh dường như còn quan trọng hơn nhiều./.