Cái giá quá đắt của Hiệp ước hòa bình giữa Jordan và Israel

Thứ hai, 23/5/2022 | 15:42 GMT+7

Theo Hiệp ước năm 1994, Israel đồng ý “tôn trọng vai trò đặc biệt hiện tại của Vương quốc Hashemite Jordan trong các thánh địa của người Hồi giáo ở Jerusalem."

Thủ tướng Israel Naftali Bennett (trái) và Quốc vương Jordan Abdullah II. (Nguồn: AP)

Theo trang mạng arabnews.com, lịch sử lâu dài và phức tạp của Hiệp ước hòa bình Jordan-Israel, được ký kết cách đây gần 3 thập kỷ, trải qua nhiều thăng trầm, nhưng các nhà lãnh đạo của hai nước vẫn luôn tìm cách thổi luồng sinh khí mới cho nền hòa bình mong manh và băng giá.

Tháng 9/1997, cố Quốc vương Jordan Hussein đã "dọa" Thủ tướng Israel lúc bấy giờ là Benjamin Netanyahu rằng ông sẽ hủy bỏ hiệp ước trừ khi Israel gửi một loại thuốc giải độc cần thiết để cứu sống thủ lĩnh phong trào Hamas, Khaled Meshaal, nạn nhân của một âm mưu ám sát của Mossad - cơ quan tình báo và đặc nhiệm Israel, ở trung tâm thủ đô Amman của Jordan.

Ông Netanyahu đã mủi lòng. Kể từ đó, mối quan hệ giữa hai nước đã trải qua rất nhiều thử thách. Vụ 7 nữ sinh Israel bị một binh sỹ Jordan giết hại hồi tháng 3/1997 tại khu vực biên giới đã buộc Quốc vương Hussein phải đến Israel và xin lỗi gia đình các nạn nhân.

Năm 2014, một binh sỹ Israel đã giết một thẩm phán người Jordan khi ông đang đi vào Bờ Tây. Kẻ giết người không bao giờ bị truy tố. Và 3 năm sau, năm 2017, một lính gác Israel đã bắn chết 2 người Jordan bên trong khuôn viên Đại sứ quán Israel ở Amman. Binh sỹ này đã được triệu hồi về nước và không bao giờ bị buộc tội dù Tel Aviv đã cam kết rằng anh ta sẽ phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự đối với hòa bình giữa hai quốc gia luôn là tranh chấp đang nổi lên về quyền giám sát khu phức hợp Đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem.

Năm 1988, Jordan đã từ bỏ các yêu sách đối với Bờ Tây ngoại trừ khu thánh địa mà người Hồi giáo gọi là Al-Haram Al-Sharif. Quyền giám hộ của Amman đối với khu đất rộng 144 dunum (144m2) ở trung tâm thành phố cổ đã có từ rất lâu trước khi bị Israel chiếm đóng năm 1967. Quốc vương Hussein và sau đó là Quốc vương Abdullah đã khiến vấn đề này trở thành “lằn ranh đỏ” không bao giờ được vượt qua trong quan hệ song phương.

Không giống như quốc gia Arab đầu tiên ký hiệp ước hòa bình với Israel là Ai Cập - quốc gia từ lâu đã giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ với nước láng giềng, kết thúc bằng sự thu hồi vùng đất Taba vào năm 1989, đối với Jordan, việc rút lui khỏi Bờ Tây vẫn chưa hoàn tất.

[Quốc vương Jordan điện đàm với Thủ tướng Israel về hạn chế xung đột]

Theo Hiệp ước năm 1994, Israel đồng ý “tôn trọng vai trò đặc biệt hiện tại của Vương quốc Hashemite Jordan trong các thánh địa của người Hồi giáo ở Jerusalem." Điều đó có nghĩa là tôn trọng hiện trạng lịch sử mà theo đó Bộ các vấn đề Hồi giáo và Awqaf (thuộc về tôn giáo) của Jordan tiếp tục quản lý khu phức hợp, với điều kiện cho phép du khách ghé thăm dưới sự giám sát của bộ này.

Nhưng trong khi người Hồi giáo coi khu phức hợp là chỉ của riêng người Hồi giáo, điều đã tồn tại hàng nghìn năm, ngày càng có nhiều phần tử cực đoan Do Thái tuyên bố dù không đưa ra được bằng chứng khảo cổ học nào, rằng Al-Haram Al-Sharif được xây trên tàn tích của Đền Solomon.

Tuyên bố này đã trở thành một phần của Giáo hội Chính thống (Chính thống giáo) khi các đảng tôn giáo cánh hữu bắt đầu thống trị chính trường Israel. Khi thủ lĩnh của Likud, Ariel Sharon thực hiện chuyến thăm gây tranh cãi đến khu phức hợp hồi năm 2000, ông đã châm ngòi cho cái được gọi là Intifada thứ hai.

Sự vi phạm đó đã trở thành mốc khởi đầu, mở ra những “chuyến thăm” mang tính kích động hơn đến khu phức hợp. Vấn đề này đã trở thành vết thương nhức nhối trong quan hệ Jordan-Israel.

Những năm gần đây, dưới thời chính phủ ông Netanyahu, các động thái khiêu khích trở nên thường xuyên hơn, dẫn đến một số cuộc đối đầu giữa Quốc vương Abdullah và Netanyahu. Dù vậy, ông Netanyahu chưa bao giờ trực tiếp thách thức quyền giám hộ của người Jordan đối với khu thánh địa, mặc dù ông đã cho phép các thành viên Nội các tham gia các chuyến tham quan trái phép đến khu phức hợp.

Với việc ông Naftali Bennett, một nhân vật cánh hữu ủng hộ người định cư Do Thái, trở thành thủ tướng Israel vào tháng 6/2021, Jordan có lẽ sớm tin rằng căng thẳng xung quanh Al-Aqsa sẽ giảm bớt. Quốc vương Abdullah muốn ngăn chặn sự tái diễn của cuộc chiến tháng 5 giữa Israel và Hamas, được châm ngòi bởi các cuộc tấn công vào khu định cư Do Thái và các nhóm tôn giáo trong tháng Ramadan.

Tháng 3/2021, Quốc vương Jordan đã gặp các quan chức cấp cao của Israel trong một nỗ lực nhằm xoa dịu tình hình. Điều đó đã không xảy ra. Thay vào đó, ông Bennett đã leo thang và thúc đẩy sự chia tách khu phức hợp, biến những chuyến thăm đền hàng ngày của người Do Thái trở thành hiện thực mới.

Nhưng hôm 8/5, ông đã đưa ra lời thách thức lớn nhất đối với quyền giám hộ Hashemite với tuyên bố sẽ không có sự can thiệp của nước ngoài vào các quyết định của Israel liên quan đến Jerusalem và “Núi Đền”. Tuyên bố này được đưa ra bất chấp việc Ngoại trưởng Yair Lapid nhiều lần đảm bảo rằng Israel vẫn cam kết tôn trọng hiện trạng lịch sử.

Trong bối cảnh chính phủ liên minh có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, Bennett đang nỗ lực thu hút các cử tri cực hữu và tôn giáo. Nhưng những bình luận của ông đã đặt Jordan vào tình thế khó khăn. Israel ngày càng hữu khuynh sau mỗi kỳ bầu cử và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chính phủ hiện nay hoặc trong tương lai thực thi sự phân chia khu vực và thời gian thăm viếng đối với đền thờ Hồi giáo trên để xoa dịu các cử tri cực đoan. Câu hỏi quan trọng nhất lúc này là Jordan sẽ phản ứng như thế nào trước một động thái như vậy.

Do ảnh hưởng đối với đời sống chính trị Israel không đáng kể, các lựa chọn của Jordan rất hạn chế và khó khăn. “Chia tay” với Israel sẽ mở ra một chiếc hộp Pandora cho cả hai nước và có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tôn giáo. Ở đây chứa một thông điệp cho các quốc gia Arab khác đang tìm cách bình thường hóa quan hệ với Israel - vốn không còn là nhà nước xã hội chủ nghĩa thế tục như David Ben-Gurion, Golda Meir, Yitzhak Rabin và Shimon Peres đã hình dung.

Israel đang biến thành một thực thể bị cai trị bởi những kẻ cực đoan tôn giáo cực hữu, những người công khai chấp nhận và thực hành chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đồng thời cai trị vùng lãnh thổ chiếm đóng lâu nhất của thời hiện đại. Như Jordan đang rút ra bài học, rằng nền hòa bình mà họ đạt được với Israel phải trả một cái giá quá đắt, có thể gây ra hậu quả sâu sắc ở trong nước./.