Báo Les Echos: Bắt đầu cuộc chạy đua công nghệ không chiến toàn cầu

Thứ ba, 24/1/2023 | 09:19 GMT+7

Cựu tham mưu trưởng không quân Pháp, đứng đầu Bộ chỉ huy chuyển đổi (ACT) của NATO, dự báo rằng "đến năm 2035, số máy bay không người lái sẽ nhiều gấp 50 lần so với số chiến đấu cơ."

Chiến đấu cơ Rafale của Không quân Pháp. (Nguồn: Reuters)

Báo Les Echos mới đây có bài viết "Không chiến: bắt đầu một cuộc chạy đua công nghệ toàn cầu" nhận định rằng thông báo dự án hợp tác phát triển máy bay chiến đấu tương lai giữa Anh, Italy và Nhật Bản đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ về việc nhiều quốc gia trên thế giới đang muốn phát triển năng lực không chiến bằng những đột phá lớn về công nghệ.

Giữa các chương trình hợp tác phát triển có những điểm tương đồng, có sự cạnh tranh và cũng có những cầu nối chung.

Cụ thể như sau:

Thông báo về thỏa thuận phát triển "chương trình chiến đấu trên không toàn diện" giữa Nhật Bản, Anh và Italy được đưa ra chỉ một tuần sau lễ ký kết thỏa thuận, ngày 16/12/2022, giữa Airbus và Dassault về phát triển Hệ thống không chiến tương lai (FCAS) với sự bảo trợ của Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Như vậy sẽ có hai chương trình đối trọng nhau.

Một bên gồm các tập đoàn BAE Systems, Mitsubishi Heavy Industries và Leonardo S.p.A. cùng với Rolls-Royce, MBDA, Avio Aero cam kết sẽ thay thế các máy bay Eurofighter và F-2 của Nhật Bản bằng mẫu máy bay "thế hệ thứ sáu" bằng cách tham gia chương trình Tempest khởi động từ năm 2018 của Anh.

Bên còn lại là Airbus và Dassault Aviation, cùng với các tập đoàn Safran, MBDA, Thales, Indra hứa hẹn phát triển hệ thống tác chiến trên không nối tiếp từ mẫu máy bay Eurofighter và Rafale.

Thời hạn hoàn thành được công bố gần như tương tự nhau, cụ thể năm 2035 cho Tempest và năm 2040 cho SCAF, với các mẫu đầu tiên được đưa vào bay thử nghiệm trong giai đoạn 2025-2029.

Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư ban đầu gần như tương tự nhau, mặc dù trong thỏa thuận giữa London, Tokyo và Rome không nêu số liệu chính xác. Tất cả những gì dư luận được biết là Anh đã cam kết chi 2 tỷ bảng (2,36 tỷ euro) trong vòng 4 năm, Italy chi 345 triệu bảng trong năm 2023 và 38 tỷ bảng trong vòng 15 năm. Sự xuất hiện của Nhật Bản đã củng cố thêm mức độ tin cậy cho quá trình thực hiện.

Trong khi đó, chương trình FCAS dự chi 3,6 tỷ USD trong 4 năm tới và tất cả nằm trong gói ban đầu 8,6 tỷ USD tính đến thời điểm mẫu "máy bay tương lai" đầu tiên được đưa vào thử nghiệm năm 2027.

Trước hết, chương trình SCAF, đang được thảo luận trong 5 năm, nên có một khởi đầu thuận lợi, trước khi BAE và MHI sắp xếp vị trí của họ theo vai trò tương ứng, sự hợp tác giữa Nhật Bản và châu Âu là một vấn đề ngoại lệ hơn là quy tắc.

[Phi công Indonesia đến Pháp để huấn luyện sử dụng chiến đấu cơ Rafale]

Chương trình FCAS được Paris và Berlin công bố lần đầu tiên vào tháng 7/2017, bao gồm phát triển một mẫu máy bay chiến đấu và nhiều vũ khí liên quan, trong đó có máy bay không người lái. Thỏa thuận mới đạt được giữa tháng này có nhiều bổ sung, đồng thời làm rõ ý muốn của mỗi bên trong việc bảo vệ bí quyết, phát triển các kỹ năng công nghệ và công nghiệp ở một lĩnh vực có giá trị gia tăng rất cao, cụ thể là máy bay chiến đấu có hoặc không người lái.

Các thỏa thuận được ký kết trên cơ sở nhận thức rằng nếu không phát triển theo hình trên, nguy cơ tụt hậu của không quân châu Âu và Nhật Bản là rất lớn trước sự thống trị của Mỹ và ngay tới đây là Trung Quốc.

Và về mặt chủ quyền, nếu đứng riêng rẽ, một ngày nào đó các nước liên quan có thể sẽ mất quyền kiểm soát bầu trời... Không người lái hóa, siêu vượt âm, chinh phục độ cao và không gian là những lĩnh vực đòi hỏi những đột phá công nghệ cực lớn để có thể nằm ngoài cuộc chạy đua.

Cựu tham mưu trưởng không quân Pháp, tướng Philippe Lavigne, hiện đứng đầu Bộ chỉ huy chuyển đổi (ACT) của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), dự báo rằng "đến năm 2035, số máy bay không người lái sẽ nhiều gấp 50 lần so với số chiến đấu cơ."

Với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên không gian và tầng ngoài khí quyển, các lực lượng không quân trên khắp thế giới đang tìm cách bay nhanh hơn, cao hơn và kín đáo hơn. Dự án phát triển mẫu máy bay ném bom B-21 mà tập đoàn Mỹ Northrop Grumman mới công bố, hứa hẹn khả năng tàng hình tuyệt đốt và điều khiển từ xa, đã minh chứng thêm cho cuộc chạy đua công nghệ không chiến hiện nay.

Trong tương lai, máy bay chiến đấu sẽ được tích hợp vào một hệ thống tác chiến hoàn chỉnh, cùng với các chùm vệ tinh và đoàn máy bay không người lái, để trở thành một loại "máy tính lượng tử bay," có khả năng phân tích và sắp xếp dữ liệu trực tiếp, không có độ trễ, để tấn công, đánh lừa hoặc gây nhiễu đối phương.

Tham gia Tempest, Tokyo cũng muốn tìm kiếm sự trợ giúp cho chương trình F-X của không quân Nhật Bản. Lâu nay, Tokyo luôn nung nấu ý đồ sản xuất nội địa một mẫu máy bay chiến đấu tàng hình có khả năng đối đầu với các máy bay chiến đấu mới nhất của Trung Quốc. Trong khi đó, London đang tìm kiếm nguồn tài trợ cho chương trình Tempest mặc dù vẫn muốn bảo vệ ngành công nghiệp, việc làm, dữ liệu và chủ quyền của mình.

Vào tháng Tám, BAE Systems đã phát động một chiến dịch truyền thông lớn để giải thích rằng Tempest sẽ mang lại 26 tỷ bảng cho GDP của Anh và khoảng "21.000 việc làm từ năm 2021 đến năm 2050."

Đối với London, nước đã tung ra chương trình Tempest vào giữa Brexit sau thông báo của Pháp - Đức về FCAS, sự xuất hiện của Nhật Bản cho phép Anh bảo vệ tầm nhìn về một "nước Anh toàn cầu."

Đối với Liên minh châu Âu đang muốn kiến tạo một "châu Âu phòng thủ," cuộc "chạy đua phân tán" này rõ ràng không được khuyến khích.

Xavier Pasco, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) có trụ sở tại Paris, nhận định: "Nó chứng tỏ tầm nhìn ly tâm của Liên minh và sự khó khăn của người châu Âu trong việc đoàn kết hướng tới mục tiêu chung về quốc phòng."

Liệu tới năm 2040, châu Âu sẽ có hai mẫu máy bay chiến đấu mới? Con đường có vẻ khá dài, nhất là khi trục London-Rome-Tokyo không có kinh nghiệm về các chương trình phòng thủ chung như trục Paris-Berlin-Madrid. Có một điều chắc chắn duy nhất là từ nay tới khi đó, Rafale, Typhoon và F-35 vẫn sẽ là những mẫu máy bay chiến đấu chủ chốt xuất hiện trên trời Âu./.