Bàn về định hướng thương mại 'cùng thắng' mới của Ấn Độ

Thứ hai, 02/5/2022 | 11:27 GMT+7

Những bước phát triển quan trọng đang diễn ra gần đây trong chính sách thương mại của Ấn Độ khi nước này liên tục ký kết hai hiệp định thương mại trong khoảng thời gian chưa đầy 50 ngày.

Một cảng container ở Ấn Độ. (Nguồn: Freightwaves)

Trang Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề quốc tế (ICWA) vừa đăng bài phân tích của nghiên cứu viên cao cấp Rahul Nath Choudhury về tham vọng của Ấn Độ khi ký Thỏa thuận thương mại với Australia và Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Nội dung như sau:

Những bước phát triển quan trọng đang diễn ra gần đây trong chính sách thương mại của Ấn Độ khi nước này liên tục ký kết hai hiệp định thương mại trong khoảng thời gian chưa đầy 50 ngày. Đây là điều lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử tham gia thương mại của Ấn Độ.

Ngày 18/2/2022, Ấn Độ và UAE ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện, hay còn gọi là CEPA, sau chỉ ba vòng thảo luận. Ngày 2/4/2022, Ấn Độ và Australia ký kết một hiệp định thương mại tạm thời khi cuộc thảo luận về việc hoàn tất một thỏa thuận toàn diện vẫn tiếp tục.

Điều này phản ánh việc Ấn Độ đang thay đổi quan điểm đối với ngoại thương và cam kết tham gia cởi mở hơn, trái ngược với cách tiếp cận trước đó đối với các hiệp định thương mại khi Ấn Độ rút khỏi Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do các mối quan tâm không được đáp ứng.

Cả hai hiệp định với UAE và Australia sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với thương mại của Ấn Độ vì chúng được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội cho các doanh nghiệp và chuyên gia.

CEPA: Đường tiếp cận tới một nền kinh tế mạnh mẽ của vùng Vịnh

Tổng thương mại của Ấn Độ với UAE trong giai đoạn 2021-2022 là 65 tỷ USD, bao gồm giá trị xuất khẩu là 25 tỷ USD và nhập khẩu là 40 tỷ USD. UAE đóng góp khoảng 7% tổng thương mại của Ấn Độ. Xuất khẩu của Ấn Độ sang UAE chủ yếu bao gồm hàng dệt may, dược phẩm, kim loại quý và nông sản trong khi nước này chủ yếu nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên từ UAE.

CEPA đặt mục tiêu tăng thương mại hàng hóa phi dầu mỏ song phương lên 100 tỷ USD trong 5 năm tới. Xuất khẩu của Ấn Độ được hưởng lợi rất nhiều từ CEPA vì 90% hàng hóa của Ấn Độ được miễn thuế vào thị trường UAE. Các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ như dệt may, đồ da, dược phẩm, vốn đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Bangladesh, Việt Nam và Trung Quốc, có thể tận dụng thỏa thuận này.

Quyền tiếp cận miễn thuế đối với các sản phẩm của Ấn Độ vào UAE dự kiến mở rộng trong vòng 5-10 năm tới đối với 97% số dòng thuế của UAE hoặc 99% hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ theo giá trị. UAE là đối tác thương mại lớn thứ ba và là điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai của Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của UAE.

[Ấn Độ giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế do xung đột ở Ukraine]

Thỏa thuận này cũng mở đường để lĩnh vực dịch vụ của Ấn Độ phục vụ một nền kinh tế mạnh trong khu vực. Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ tạo thêm việc làm và cải thiện môi trường làm việc cho lực lượng lao động Ấn Độ lớn đang làm việc tại UAE.

Ấn Độ kỳ vọng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ UAE sẽ tăng lên, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và thúc đẩy các chương trình như "Make in India" và "Atmanirbhar Bharat" (Ấn Độ tự cường). Điều này có khả năng tạo ra 1 triệu việc làm trong các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal đã công bố.

Australia: Điểm tựa về năng lượng và nhiều thứ khác

Tổng thương mại của Ấn Độ trong giai đoạn 2021-2022 với Australia là 22 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 7 tỷ USD và nhập khẩu 15 tỷ USD. Ngọc trai tự nhiên/nuôi cấy, dược phẩm, quần áo là hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của Ấn Độ sang Australia, trong khi các mặt hàng như khoáng sản, hóa chất vô cơ, sắt thép, nhôm chủ yếu được vận chuyển từ Australia sang Ấn Độ.

Thỏa thuận thương mại tạm thời cho phép xuất khẩu miễn thuế đối với 100% dòng thuế từ Ấn Độ sang thị trường Australia. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ và các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động khác nhau tiếp thị sản phẩm của họ ở Australia. Thuế quan đối với 85% hàng thương mại xuất khẩu của Australia sang Ấn Độ được xóa bỏ. 97% xuất khẩu hàng thương mại của Ấn Độ được hưởng ưu đãi tiếp cận Australia ngay sau khi hiệp định được thực thi.

Sau đó, Ấn Độ mở rộng xóa bỏ thuế đối với 91% hàng xuất khẩu của Australia trong 10 năm tới trong khi nước này nhận được danh sách thuế ưu đãi mở rộng lên đến 97% vào năm 2027. Lĩnh vực sản xuất và cơ sở hạ tầng của Ấn Độ nằm trong số những lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất vì họ có thể nhập khẩu thép và sắt được sử dụng làm nguyên liệu cho các sản phẩm cuối cùng của mình với mức giá rẻ hơn.

Australia là một nguồn cung cấp năng lượng tuyệt vời để Ấn Độ dựa vào trong vấn đề năng lượng vì nước này muốn trở thành một nhà cung cấp chính trong các ngành công nghiệp như xe điện. Ấn Độ có thể nhập khẩu khoáng sản dồi dào từ Australia, được sử dụng trong pin dùng cho xe điện. Cơ sở sản xuất dược phẩm mạnh mẽ của Ấn Độ, với khoảng 3000 nhãn hiệu, cũng sẽ có cơ hội hợp tác với các công ty Australia để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Đối với lĩnh vực dịch vụ, thỏa thuận thương mại cũng tạo ra một số lợi ích. Định mức thị thực tự do cho sinh viên và chuyên gia, đặc biệt chú ý đến các đầu bếp Ấn Độ và giáo viên yoga thông qua hạn ngạch đặt trước, sẽ tạo cơ hội thương mại hóa các kỹ năng.

Hằng năm, 1800 đầu bếp truyền thống Ấn Độ đủ tiêu chuẩn và giáo viên yoga có thể thu được lợi ích theo thỏa thuận thương mại. Lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ kinh doanh, y tế, giáo dục cũng được kỳ vọng nhận về động lực từ hiệp định này.

Điểm tương đồng trong hai thỏa thuận

Một trong những điểm chung quan trọng của hai thỏa thuận này có thể được quan sát từ tham vọng chiến lược của Ấn Độ là đóng vai trò quan trọng trong trật tự thế giới đang thay đổi. Cả Australia và UAE đều quan trọng về mặt địa chính trị đối với Ấn Độ và các thỏa thuận được thúc đẩy đáng kể bởi nhu cầu địa kinh tế của nước này.

Họ cũng là những nguồn FDI nổi bật đổ vào Ấn Độ. Một cộng đồng Ấn Độ lớn và mạnh mẽ đại diện cho cả hai đối tác. Trong thời gian gần đây, Australia nổi lên là đối tác quan trọng của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các quan chức cấp cao, bao gồm Thủ tướng của cả hai quốc gia đã gặp nhau nhiều lần trong quá khứ.

Các sáng kiến như Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD) và Sáng kiến Khả năng Phục hồi Chuỗi Cung ứng đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn. Hiện tại Ấn Độ không có thỏa thuận thương mại với bất kỳ nền kinh tế nào trong khu vực Nam Thái Bình Dương. Australia đã lấp đầy khoảng trống và mở ra con đường thâm nhập vào các thị trường khác trong khu vực.

Trong khi đó, Ấn Độ đang đàm phán một thỏa thuận thương mại với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và CEPA với UAE đóng vai trò là khuôn mẫu để nhanh chóng thúc đẩy thỏa thuận này. Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đã tăng cường can dự với các nước vùng Vịnh sau khi nhậm chức vào năm 2014 thông qua “Chính sách hướng Tây."

CEPA với UAE không chỉ đưa Ấn Độ đến gần quốc gia này hơn mà còn đóng vai trò là “bước đệm” để tiến vào thế giới Arập và gắn kết chặt chẽ với khu vực.

Hình thức tham gia thương mại mới và nhanh chóng của Ấn Độ thể hiện rõ cam kết của nước này đối với một quan hệ thương mại tự do và bình đẳng, đồng thời đánh dấu một kỷ nguyên mới của chính sách thương mại. Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước và tham vọng bên ngoài được thúc đẩy bởi địa kinh tế và địa chính trị trong trật tự thế giới đang thay đổi.

Như Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ đã nói Ấn Độ không còn ký một thỏa thuận thương mại chỉ để nằm trong một nhóm cụ thể và cũng không ngần ngại ký một thỏa thuận với các quốc gia có cùng quan điểm. Australia và UAE chắc chắn nằm trong nhóm đó và Ấn Độ dự kiến tích lũy lợi ích về hàng hóa cũng như dịch vụ từ cả hai thỏa thuận./.