Bài học Ukraine đối với quản lý an ninh quốc gia của Ấn Độ

Thứ tư, 16/3/2022 | 16:22 GMT+7

Rút kinh nghiệm cuộc xung đột Ukraine, Ấn Độ cần xem xét vai trò các biện pháp trừng phạt công nghệ và tác động của chúng với chuỗi cung ứng công nghệ trong việc xác định đường lối chính sách an ninh.

Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters)

Theo bài viết của nhà nghiên cứu cấp cao Sameer Patil trên trang Quỹ nhà quan sát (ORF), sau nhiều đồn đoán, Tổng thống Nga Putin ra lệnh cho quân đội phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" chống lại Ukraine vào ngày 24/2.

Là cuộc xung đột giữa các quốc gia lớn đầu tiên trong thế kỷ XXI, sự thù địch Nga-Ukraine mang lại những bài học quan trọng cho việc quản lý an ninh quốc gia của Ấn Độ liên quan đến chiến tranh hỗn hợp, các lệnh trừng phạt công nghệ và liên minh an ninh.

Về chiến tranh hỗn hợp: Xung đột Ukraine bùng phát trên các mặt trận không xa lạ là không gian mạng và thông tin sai lệch. Nó cho thấy cách mà các trận chiến trong tương lai sẽ diễn ra liên tục trên đất liền, trên không, trên biển, không gian mạng và chiến dịch thông tin.

Các chiến dịch chiến tranh mạng và chiến tranh thông tin đóng một vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị môi trường cho hoạt động quân sự thông thường của Nga. Ngay cả trước khi lực lượng của Nga triển khai hoạt động quân sự, các tin tặc do Nga hậu thuẫn đã nhắm mục tiêu vào Ukraine thông qua một số cuộc tấn công mạng.

Ví dụ, vài ngày trước khi xảy ra chiến tranh, Nga tuyên bố Ukraine đang phạm tội diệt chủng ở khu vực ly khai Donbas bằng cách pháo kích vào những người dân nói tiếng Nga. Nga cáo buộc Ukraine đang lên kế hoạch tấn công Nga.

[Xung đột Nga-Ukraine: Bước ngoặt thay đổi cục diện thế giới?]

Ngược lại, Mỹ cáo buộc Nga viện cớ xâm lược Ukraine bằng cách sản xuất một đoạn video giả mô tả thương vong của dân thường ở Donbas.

Chỉ một tuần trước khi xảy ra cuộc chiến, Nga tuyên bố họ đang rút quân đội, xe tăng và các phương tiện quân sự, xe bọc thép khác khỏi các khu vực gần biên giới của Ukraine - một tuyên bố bị giới chức Mỹ bác bỏ.

Những thông tin trái chiều như vậy lan truyền nhanh trên mạng, tạo ra "sương mù chiến tranh," tức là những bất ổn xung quanh hoạt động quân sự, tạo lợi thế cho các bên tham gia cuộc chiến.

Khi các hoạt động của Nga tăng cường trong và xung quanh thủ đô Kiev, những chiến thuật thông tin này còn lan rộng hơn nữa, như thông tin Tổng thống Ukraine rời bỏ đất nước sang tỵ nạn ở Ba Lan gây hoang mang cho dân chúng.

Các cơ quan an ninh quốc gia Ấn Độ cần lưu ý cách các thành phần trong chiến tranh hỗn hợp - như chiến trang mạng và chiến dịch tin giả - củng cố cho chiến tranh thực địa để giành được ưu thế trên chiến trường.

Trong các cuộc xung đột trong tương lai, việc củng cố lực lượng truyền thống vẫn cần thiết, nhưng việc trang bị khả năng chiến tranh thông tin tập trung vào các cuộc tấn công mạng, tâm lý chiến và các chiến dịch tin giả còn quan trọng hơn.

Điều này đặc biệt đúng đối với các nền tảng truyền thông xã hội, nơi công cụ của "nhà báo công dân" có thể bị lợi dụng để tạo ra nội dung giả mạo.

Trong bối cảnh Ấn Độ là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng dai dẳng của tin tặc Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng và các chiến dịch tin giả chống Ấn Độ do Pakistan hậu thuẫn, Ấn Độ nên tăng cường khả năng phòng thủ mạng và áp dụng một thế trận tấn công mạng.

Đặc biệt về thông tin sai lệch, Ấn Độ cần xây dựng khả năng linh hoạt thể chế và cộng đồng. Điều này cho phép Ấn Độ chống chọi tốt hơn với các chiến dịch tuyên truyền và không cho kẻ thù có cơ hội khai thác bất kỳ lỗ hổng nào trong chính thể và xã hội Ấn Độ.

Ấn Độ đã làm tốt hơn trong việc củng cố hệ thống phòng thủ mạng và đã cải thiện các hoạt động tấn công mạng, nhưng nước này cần phải cùng hành động để chống lại tuyên truyền.

Về các biện pháp trừng phạt công nghệ và cưỡng chế kinh tế: Một yếu tố khác của chiến tranh hỗn hợp nổi lên trong cuộc xung đột này là các biện pháp trừng phạt và cưỡng bức kinh tế. Các biện pháp trừng phạt đang được các chính phủ lạm dụng.

Tuy nhiên, việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ tác động đáng kể trong việc cắt đứt khả năng tiếp cận của Nga với các công nghệ tiên tiến của Mỹ. Nga phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ vì lĩnh vực công nghệ trong nước đang bùng nổ, sản xuất công nghiệp và lĩnh vực hàng không vũ trụ.

Và như Tổng thống Mỹ Biden nói, các lệnh trừng phạt của Mỹ làm suy giảm "khả năng cạnh tranh kinh tế" của Nga và là "đòn giáng mạnh vào tham vọng chiến lược dài hạn của Putin."

Mặc dù Nga đang hợp tác với Trung Quốc để có công nghệ tiên tiến, nhưng sự hợp tác đó khó có thể thu hút được ngay động lực đối với chất bán dẫn khi ngành công nghiệp Trung Quốc giải quyết các nút thắt trong chuỗi cung ứng.

Những diễn biến này nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong việc xác định chính sách an ninh quốc gia. Do đó, việc tiếp cận các công nghệ đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là trong tình huống xung đột. Các lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ đang tận dụng lĩnh vực công nghệ tiên tiến và sự thống trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ấn Độ có thể không có sức mạnh và sự thống trị về cơ sở hạ tầng công nghệ tương tự, nhưng nước này có một thị trường tài chính sinh lợi khổng lồ và một cơ sở khởi nghiệp đang phát triển mạnh. Chúng có thể được sử dụng như một đòn bẩy để ngăn chặn hoặc ngăn chặn các hành động quân sự của đối phương.

Việc Ấn Độ thường xuyên cấm các ứng dụng Trung Quốc và cắt giảm đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ kể từ cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan hồi tháng 6/2020 là những bước đi theo hướng đó.

Rút kinh nghiệm và cuộc xung đột Ukraine, Ấn Độ cần xem xét vai trò của các biện pháp trừng phạt công nghệ và tác động của chúng đối với chuỗi cung ứng công nghệ trong việc xác định đường lối của chính sách an ninh và ngăn chặn đối thủ.

Về liên minh an ninh: Cuối cùng, xung đột Ukraine nhấn mạnh tầm quan trọng của "sự tự lực." Mặc dù Mỹ nhiều lần tuyên bố ủng hộ "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraine, thực tế rõ ràng là ngày nay Ukraine phải tự chống đỡ.

Mặc dù Mỹ và một số thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp thêm hỗ trợ quân sự và trang thiết bị nhưng không ai trong số họ sẵn sàng tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.

Do đó, Ấn Độ phải tự chuẩn bị cho mình trong một môi trường như vậy. Hơn nữa, với việc không có tư cách thành viên trong một liên minh an ninh chính thức và không có khả năng gia nhập một liên minh, Ấn Độ sẽ luôn đối mặt với những giới hạn đối với quan hệ đối tác an ninh nước ngoài và hợp tác quốc phòng của Ấn Độ. Do đó, New Delhi sớm hay muộn phải vạch ra một con đường dựa trên sự tự lực để bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh của mình.

Cuộc xung đột Ukraine càng làm củng cố các xu hướng gần đây được thấy trong lĩnh vực công nghệ và an ninh quốc gia. Tại thời điểm này, vẫn chưa rõ hành động thù địch sẽ diễn ra như thế nào, nhưng tác động của nó trong việc định hình các đường nét của các mối quan hệ quyền lực lớn sẽ rất đáng kể. Những tác động của trật tự toàn cầu phân cực được cảm nhận trong nhiều năm tới, đặc biệt là trong lĩnh vực chính sách an ninh quốc gia./.