Ba bài học lịch sử từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine

Thứ bảy, 12/3/2022 | 16:13 GMT+7

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine hiện nay đem lại 3 bài học lịch sử khác biệt hoàn toàn với hai luận điểm đối nghịch nhau, một ủng hộ Nga và một ủng hộ phương Tây.

Binh sỹ Nga di chuyển hướng về Ukraine trên tuyến đường gần Armiansk, bán đảo Crimea, ngày 26/2. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Theo trang mạng english.pravda.ru, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine hiện nay đem lại 3 bài học lịch sử khác biệt hoàn toàn với hai luận điểm đối nghịch nhau, một ủng hộ Nga và một ủng hộ phương Tây, vốn thường thấy trên truyền thông đại chúng chủ đạo trên thế giới.

Bài học thứ nhất: Vượt quá giới hạn sẽ khiến bên còn lại phản ứng bạo lực

Khi một cường quốc lớn (hoặc một khối gồm các nước lớn) làm "găng" vượt mức giới hạn đối với một cường quốc đối địch (hoặc một nhóm các nước lớn đối địch) để đạt được những mục tiêu liên quan đến chủ quyền, thì nguy cơ cường quốc đối địch hoặc nhóm các nước đối địch đó tiến hành hành động bạo lực vào một thời điểm nào đó là rất lớn.

Lịch sử đã chứng minh điều này khi sự sụp đổ của Liên Xô trong những năm 1990 đem lại "khoảnh khắc đơn cực" (tạm thời) cho Mỹ. Tuy nhiên, do sự ngạo mạn của Washington, lấy sức mạnh để áp đặt ý chí của mình với nước khác, lịch sử thế giới "đơn cực" do Mỹ lãnh đạo đã khép lại sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Hệ quả là hiệu ứng domino đã xảy ra với việc nhiều nước từng là đồng minh của Liên Xô cũng như các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô gia nhập liên minh phương Tây, trở thành thành viên mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và/hoặc trở thành thành viên mới của Liên minh châu Âu (EU).

[Căng thẳng giữa Nga-Ukraine: Cánh cửa đối thoại vẫn chưa khép]

Có thể kể tên những nước trở thành thành viên mới của NATO và EU như Cộng hòa Czech, Bulgaria, Hungary, Estonia, Ba Lan, Romania,… Đối với phương Tây, danh sách dài này (với những nước đang chờ đợi) dường như là một "câu chuyện cổ tích," song lại là "cơn ác mộng kinh hoàng nhất" đối với Nga.

Sự mở rộng về kinh tế và quân sự của liên minh phương Tây cả về tốc độ và phạm vi đã khiến Nga choáng ngợp, song dường như bất lực. Moskva coi sự mở rộng này đe dọa an ninh của Nga ở châu Âu.

Những gì từng được liên minh phương Tây coi là một giấc mơ thì nay trở thành thực tế đáng báo động đối với Nga khi tên lửa và những vũ khí sát thương khác được triển khai ở những nước thành viên mới của NATO này (sát biên giới với Nga) có thể vươn tới Nga chỉ trong vài phút.

Trước đây, có một cuộc khủng hoảng địa chiến lược tương tự kiểu này, gọi là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba hồi năm 1962 khi Mỹ cảm thấy an ninh của họ bị đe dọa trước nỗ lực của Nga triển khai tên lửa đạn đạo ở Cuba (để trả đũa việc Washington triển khai tên lửa đạn đạo Jupiter ở Italy và Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào Liên Xô).

Rốt cuộc, cuộc khủng hoảng Cuba cũng được "tháo ngòi" khi Liên Xô nhất trí rút tên lửa khỏi Cuba và Mỹ nhất trí rút tên lửa Jupiter ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và Italy.

Thế nhưng, Liên Xô đã tan rã từ lâu. Giờ đây, Tổng thống Vladimir Putin của nước Nga đã tuyên bố rõ ràng với liên minh phương Tây rằng NATO cần chấm dứt hoạt động mở rộng về phía Đông và chấm dứt các hoạt động triển khai quân sự dọc biên giới Nga ở châu Âu.

Đáp lại, Mỹ và đồng minh châu Âu kiên quyết phản đối những yêu sách của Putin về “những đảm bảo an ninh”, đồng thời nhấn mạnh rằng họ có “quyền” kết nạp thành viên mới như Ukraine và các nước khác mà họ thấy phù hợp để tiến hành các hoạt động quân sự ở Đông Âu khi cần thiết.

Vì vậy, cuộc đàm phán hòa bình này đã thất bại. Giờ đây, hệ quả là phía còn lại, tức Nga, đã phản ứng bạo lực đối với Ukraine, gây ra cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine trong năm 2022.

Bài học thứ hai: Quyền lực là con dao hai lưỡi trong địa chính trị tàn nhẫn

Bài học này có nghĩa là trong cuộc cạnh tranh địa chính trị khốc liệt giữa các bên đối địch nhằm giành vị thế bá quyền ở khu vực hay toàn cầu, quyền lực đã trở thành con dao hai lưỡi.

Trong một môi trường học thuật chính trị, người ta có thể tham gia vào các cuộc tranh cãi bất tận rằng liệu liên minh phương Tây có "công bằng" và "đúng đắn" hay không khi mở rộng quân sự đến tận biên giới với Nga hoặc ngược lại, liệu Nga có "công bằng" và "đúng đắn" hay không khi hành động quân sự để ngăn chặn bất kỳ quốc gia láng giềng nào gia nhập NATO vì coi điều đó là mối đe dọa đối với an ninh hiện hữu của Moskva.

Tuy nhiên, trong địa chính trị, giống như một cuộc chơi khốc liệt, mặc dù quyền lực có sức mạnh song lại là một con dao hai lưỡi, vì quyền lực có thể đem lại thành công trong ngắn hạn nhưng lại là nhân tố kéo dài vòng luẩn quẩn của bạo lực trong dài hạn.

Ví dụ, vì sao liên minh phương Tây mở rộng quân sự xa nhất đến tận khu vực "sân sau" của Nga cho dù hiểu rõ rằng Moskva sẽ kịch liệt phản đối điều này? Câu trả lời là: "Vì phương Tây có thể làm vậy."

Sau đó, ở chiều ngược lại, câu hỏi đặt ra là vì sao Nga dưới thời Putin lại tấn công quân sự Ukraine mặc dù biết rõ phương Tây và những nước khác đều lên tiếng phản đối? Câu trả lời vẫn là: "Bởi vì Nga có thể làm điều đó." Sau đó, cái vòng luẩn quẩn như vậy sẽ tiếp diễn.

Vì vậy, nếu một bên không thích những gì bên kia làm, thì hệ quả sẽ phụ thuộc vào việc bên nào có nhiều sức mạnh hơn để khuất phục phía bên kia, mặc dù theo kiểu con dao hai lưỡi nói trên.

Ví dụ, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực nhiều cách để ngăn chặn Nga: trừng phạt kinh tế, đưa ra những tuyên bố lên án, kêu gọi sự ủng hộ và lên án của các nước khác, triển khai binh lính Mỹ đến các nước thành viên NATO giáp biên giới với Nga, chuyển giao vũ khí sát thương cho Ukraine, giúp Ukraine huấn luyện binh lính, công bố những thông tin tình báo về hoạt động điều chuyển lực lượng của Nga, phối hợp cùng với đồng minh châu Âu tiến hành các biện pháp ngoại giao đồng bộ, v.v…

Những nỗ lực này đều tác động và gây tổn thất nhất định đối với Moskva, song không thể ngăn chặn vòng luẩn quẩn bạo lực đó.

Vòng luẩn quẩn này cũng xảy ra đối với những nỗ lực của Mosvka trong nhiều năm qua nhằm ngăn chặn phương Tây dung nạp thêm các đồng minh và các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô.

Nỗ lực này của Nga rốt cuộc vẫn là việc chứng kiến ngày càng nhiều nước thuộc không gian hậu Xô Viết gia nhập NATO mặc dù vẫn có nhiều nước chịu tầm ảnh hưởng của Nga ở lục địa Á-Âu.

Vì vậy, bài học về "quyền lực là con dao hai lưỡi" được phản ánh trong tất cả các cuộc chiến không hồi kết mà Mỹ đã can dự trong thế kỷ 20 cũng như những cuộc xung đột mà thế giới đã phải trải qua trong nhiều thiên niên kỷ qua.

Bài học thứ ba: Trước các cường quốc đối địch, chính sách khôn ngoan là nước yếu cần trung lập

Bài học này muốn nói rằng nếu một nước yếu ở giữa hai cường quốc đối địch thì chính sách tối ưu cho nước yếu đó là trung lập về chính trị, tức cân bằng quan hệ với cả hai bên đối địch. Vì nếu công khai liên kết với một bên mà gây ảnh hưởng đến lợi ích của bên còn lại sẽ đẩy nước yếu đó vào tình thế nguy hiểm và bất ổn hơn.

Hai cuộc "cách mạng màu" ở Ukraine và Gruzia là minh chứng rõ ràng cho điều này. Chính sách đối ngoại thân phương Tây của Gruzia, đặc biệt dưới thời Tổng thống Mikheil Saakashvili, sau "Cách mạng Hoa hồng" ở Gruzia hồi năm 2003 đã đẩy quan hệ giữa Gruiza và Nga vào tình cảnh trầm trọng, đỉnh điểm là cuộc chiến Nga-Gruzia hồi năm 2008.

Tương tự, chính sách đối ngoại thân phương Tây sau "Cách mạng Cam" ở Ukraine hồi năm 2004, đặc biệt dưới thời Tổng thống đương nhiệm Volodymyr Zelensky đã làm trầm trọng mối quan hệ giữa Kiev và Moskva, đỉnh điểm là chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine hiện nay.

Sai lầm lớn của cựu Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili ở Gruzia khi đó và sai lầm lớn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hiện nay là đi theo chính sách đối ngoại một chiều thân phương Tây với tham vọng gia nhập NATO và EU, mà không tính toán đến những nhu cầu an ninh của Nga với tư cách là một cường quốc đối địch trong cuộc cạnh tranh địa chính trị khốc liệt giữa một liên minh do Mỹ dẫn đầu với một liên minh do Nga dẫn đầu trong khu vực.

Vấn đề đặt ra đối với cả Gruzia và Ukraine không phải là làm thế nào để dung túng sự thống trị theo chủ nghĩa đế quốc mà là làm thế nào để giành chiến thắng trong một cuộc cạnh tranh địa chính trị để tồn tại trong một khu vực láng giềng "sát sườn" đầy khó khăn.

Đáng lẽ ra, hai cuộc khủng hoảng nói trên, cuộc khủng hoảng Nga-Gruzia 2008 và cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine 2022, đã có thể tránh được nếu Tổng thống Gruzia khi đó là Saakashvili và Tổng thống Ukraine đương nhiệm Volodymyr Zelensky triển khai chính sách đối ngoại trung lập, không ngả theo Nga cũng như phương Tây, trong khi tối đa hóa lợi ích khi duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Moskva và phương Tây.

Bài học về chính sách trung lập này cũng đúng với các nước yếu thế hơn ở châu Âu như Thụy Sỹ, Malta, Liechtenstein, Thụy Điển và Phần Lan.

Các nước yếu có nguy cơ đối mặt với hai mối đe dọa hiện hữu nếu họ chọn chính sách ngả theo một bên trong cuộc đối đầu giữa các cường quốc. Thứ nhất, các nước yếu có nguy cơ bị tấn công quân sự do cường quốc mà họ không khuất phục tiến hành.

Thứ hai, các nước yếu có nguy cơ chịu tầm ảnh hưởng và quyền lực thống trị của cường quốc mà họ đi theo. Vì vậy, nếu tiếp tục hành xử ngây thơ trong một khu vực láng giềng đầy khó khăn như trường hợp của Nga và Ukraine hiện nay thì các nước yếu sẽ có nguy cơ đối mặt với nhiều khó khăn và bất ổn hơn, khiến các nước này phải hối hận sau này khi nhìn lại lịch sử.

Nhìn một cách tổng thể, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine hiện nay gây ra hai tác động đối với cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa liên minh phương Tây và Nga trong khu vực cũng như trên thế giới.

Thứ nhất, do Ukraine sẽ không sớm gia nhập NATO ngay cả sau khi cuộc khủng hoảng này kết thúc nên liên minh phương Tây dường như đã chạm đến giới hạn của nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực "sân sau" của Nga, mặc dù phương Tây vẫn duy trì tầm ảnh hưởng đối với các nước từng thuộc không gian Xô Viết.

Thứ hai, các đòn trừng phạt của liên minh phương Tây không chỉ gây tổn hại cho Nga mà còn gây thiệt hại cho chính các nước phương Tây này, nhất là khi các đòn trừng phạt đẩy Nga xích lại gần hơn với Trung Quốc, có thể hình thành một liên minh chặt chẽ hơn và tái định hình cán cân quyền lực toàn cầu theo hướng bất lợi cho Mỹ và các đồng minh của Washington./.