Ấn Độ liệu có vượt qua Trung Quốc ở khu vực châu Á?

Thứ tư, 02/3/2022 | 17:10 GMT+7

Báo Le Figaro đăng bài viết “Ấn Độ liệu có vượt qua Trung Quốc ở châu Á?,” trong đó nhận định: Lo ngại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên dãy Himalaya và liên minh Trung Quốc-Pakistan...

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ấn Độ là khách mời danh dự của Diễn đàn hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do châu Âu tổ chức tại Paris vừa qua.

Nhân dịp này, báo Le Figaro đăng bài viết “Ấn Độ liệu có vượt qua Trung Quốc ở châu Á?,” trong đó nhận định: Lo ngại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên dãy Himalaya và liên minh Trung Quốc-Pakistan, khao khát trở thành công xưởng tương lai của thế giới, Ấn Độ đang tích cực mở rộng các hiệp ước thương mại tự do và tăng cường liên minh khu vực để ứng phó với cường quốc láng giềng.

Nội dung bài viết như sau:

Đây là một trong những nỗi ám ảnh của Thủ tướng Narendra Modi. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2014, nhà lãnh đạo này luôn mơ ước thu hút các ngành công nghiệp lớn nhằm tạo việc làm và xuất khẩu để Ấn Độ trở thành công xưởng của thế giới, giống như Trung Quốc trước đó.

Để đạt mục tiêu này, ông Modi đã đưa ra kế hoạch “Make in India,” đơn giản hóa các thủ tục hành chính và nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài. Nhưng 5 năm sau, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ trong thương mại thế giới vẫn chỉ đạt 1,6%, so với 1,4% năm 2010.

Trong quãng thời gian này, Ấn Độ chỉ ký được hai hiệp định thương mại tự do với Mauritius vào tháng 2/2021 và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất ngày 18/2 mới đây. Ngược lại, nước này đã rút khỏi các cuộc đàm phán về thành lập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2019.

Khủng hoảng COVID-19 và xuất khẩu chỉ tăng 1% trong 6 năm đã hối thúc Ấn Độ phải có những điều chỉnh về chính sách.

Bộ Thương mại nước này đặt mục tiêu xuất khẩu từ 450 tỷ đến 500 tỷ USD giá trị hàng hóa vào năm 2023, tăng ít nhất 50% trong hai năm. Chính phủ Modi đang đẩy mạnh đàm phán để ký kết các hiệp định thương mại tự do nhằm hội nhập Ấn Độ vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng buộc phải nói rằng nước này vẫn còn lâu mới trở thành đối thủ nặng ký của Trung Quốc và còn quá nhiều việc phải làm nếu muốn đạt mục tiêu này.

[Ấn Độ tìm cách thoát khỏi một châu Á do Trung Quốc dẫn dắt]

Đẩy mạnh hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) là mục tiêu của quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và EU. Việc EU tha thiết mời Ấn Độ tham dự Diễn đàn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã minh chứng cho mong muốn xích lại gần nhau của cả hai phía.

Vấn đề là cả hai cần nỗ lực để hoàn tất các cuộc đàm phán đã kéo dài 15 năm để có thể ký kết một hiệp định thương mại tự do, mở đường cho những chương trình hành động cụ thể trong khuôn khổ quan hệ đối tác được mong chờ này.

Tháng 5/2021, Ấn Độ và EU thông báo đã nối lại các cuộc đàm phán bị đình chỉ từ năm 2013. Tiến trình đàm phán này từ lâu đã vấp phải vấn đề thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp, rượu và công nghiệp ôtô của châu Âu.

Về phần mình, Ấn Độ kêu gọi EU nới lỏng các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và thị thực. Rất khó để nói khi nào những khác biệt này sẽ được giải quyết. Hai phía cũng đã bắt đầu tổ chức các cuộc diễn tập hải quân chung ở Ấn Độ Dương, mới nhất là cuộc tập trận tháng 6/2021.

Nhưng vấn đề là ở chỗ Nghị viện châu Âu ngày càng quan tâm đến vấn đề nhân quyền, trong đó có yêu cầu Ấn Độ phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về tra tấn, đồng thời kêu gọi nước này chấm dứt thái độ “phân biệt đối xử chống lại người Hồi giáo” và “các nhóm tôn giáo thiểu số.”

Đến nay, một số quan chức nhà ngoại giao châu Âu vẫn cho rằng họ sẽ không thể phớt lờ những vấn đề này nếu tình hình ngày càng xấu đi.

Về quan hệ với các nước láng giềng, Ấn Độ cũng còn nhiều việc phải giải quyết để có thể củng cố tiềm lực và tiềm năng của mình. Các cuộc đụng độ vào tháng 6/2020 giữa binh sỹ Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Ladakh, phía Tây dãy Himalaya là cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc chiến năm 1962.

Khoảng 20 binh sỹ Ấn Độ đã thiệt mạng trong một trận chiến không có vũ khí với quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, đã không có bất cứ quốc gia Nam Á nào lên án hành động lấn chiếm của quân đội Trung Quốc ở Ladakh, vốn là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng. Có thể nói gì về điều này? Điều đó nhấn mạnh sự đơn độc của Ấn Độ tại một khu vực mà Trung Quốc đã mở rộng các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm như một phần dự án "Con đường tơ lụa mới."

Binh sỹ Ấn Độ tuần tra tại khu vực biên giới với Trung Quốc ngày 24/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm 2020, lần đầu tiên sau 6 năm, Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (ASACR) đã tổ chức được một hội nghị thượng đỉnh dưới hình thức trực tuyến sau thời gian dài chiến tranh lạnh giữa Ấn Độ và Pakistan. Để bù đắp, Ấn Độ đang cố gắng làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác kinh tế và quân sự với Đông Nam Á, đồng thời hy vọng thổi một luồng sinh khí mới vào Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa ngành (BIMSTEC).

Các cuộc tập trận và hội nghị bàn tròn giữa quân đội các nước thành viên đã diễn ra tại Ấn Độ năm 2018 và 2021. Nhưng mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc với một số quốc gia như Myanmar và Sri Lanka đã hạn chế tham vọng của khối này.

New Delhi đang hướng tới một thỏa thuận với Anh trong năm nay trong bối cảnh London đang tích cực tìm kiếm các đối tác thương mại mới hậu Brexit. Thủ tướng Narendra Modi muốn thuyết phục người đồng cấp Boris Johnson tạo điều kiện cấp thị thực cho sinh viên và lao động có tay nghề cao, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Anh cho các sản phẩm nông nghiệp của Ấn Độ. Về phần mình, London muốn giảm thuế hải quan đối với rượu whisky và ôtô.

Ấn Độ cũng là một phần của Bộ tứ, với sự góp mặt của Mỹ, Nhật Bản và Australia. Nhưng hạn chế là ở chỗ đây không phải là một liên minh quân sự cũng không phải là một tổ chức thương mại tự do.

Bộ Tứ cho biết nhóm này chủ yếu thúc đẩy đối thoại không chính thức, thậm chí là mối quan hệ đối tác với các chủ đề cụ thể. Chẳng hạn tháng 9/2021, nhóm này khởi động chương trình phát triển sản xuất vaccine ngừa COVID-19 ở Ấn Độ và phân phối sản phẩm cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chính phủ Ấn Độ đã khuyến khích xuất khẩu vũ khí từ 4 năm nay và doanh số thực tế bắt đầu vượt quá 1 tỷ Euro mỗi năm trong giai đoạn 2018-2020. Việc ký kết hợp đồng trị giá 330 triệu euro ngày 28/1 để cung cấp tên lửa chống hạm BrahMos cho Philippines là thành công đầu tiên của tổ hợp công nghiệp-quân sự cho dù hệ thống vũ khí này dựa trên công nghệ của Nga.

Myanmar là khách hàng xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ từ năm 2016-2020, sau Sri Lanka. Tuy nhiên, xuất khẩu vũ khí của Ấn Độ chỉ chiếm chưa đến 1% tổng doanh số toàn cầu trong quãng thời gian này, so với 5% của Trung Quốc.

Bắc Kinh là nhà cung cấp lớn nhất của Pakistan và Bangladesh là khách hàng lớn thứ hai. Hiện New Delhi cũng đang cố gắng mở rộng sự hiện diện quân sự của mình thông qua các thỏa thuận hợp tác hậu cần, cho phép quân đội Ấn Độ có được nguồn cung ứng từ các hải cảng của đối tác. Các nước đã ký thỏa thuận với Ấn Độ gồm Pháp, Mỹ, Singapore, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc./.