Mỹ đã thực sự rút khỏi khu vực Trung Đông-Bắc Phi hay chưa?

Thứ năm, 26/1/2023 | 11:11 GMT+7

Tiến sỹ Paul Sullivan, thành viên cao cấp thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, mới đây cho rằng một trong những câu chuyện dai dẳng trong vài năm qua là về việc Mỹ đã rút khỏi Trung Đông-Bắc Phi hay chưa.

USS Jason Dunham và ENS Alexandria tiến hành diễn tập trong cuộc Diễn tập Hàng hải Quốc tế ở Biển Đỏ vào tháng Hai. (Nguồn: thenationalnews.com)

Trang mạng thenationalnews.com, Tiến sỹ Paul Sullivan, thành viên cao cấp thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, mới đây cho rằng một trong những câu chuyện dai dẳng trong vài năm qua là về việc Mỹ đã rút khỏi Trung Đông-Bắc Phi hay chưa.

Đó là một chủ đề lặp đi lặp lại trong các báo cáo và phân tích trên phương tiện truyền thông, đồng thời thường xuyên được đưa vào các cuộc tranh luận và thảo luận. Nhưng dường như có rất nhiều vấn đề giữa nhận thức và thực tế.

Và thực tế của vấn đề là, các đối tác kinh doanh, học thuật, văn hóa, quân sự và ngoại giao của Mỹ trong khu vực hiểu rất rõ rằng Mỹ đã ở lại. Họ cũng biết việc Mỹ ở lại quan trọng như thế nào.

Trước tiên chúng ta hãy xem xét các bằng chứng.

Chỉ riêng tại Ai Cập đã có hơn 1.200 công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ thông tin, nông nghiệp, chăm sóc y tế, sản phẩm tiêu dùng, du lịch và vận tải. Các tập đoàn cũng đang phát triển mạnh, đáng chú ý nhất là ở Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nơi có những công ty nổi tiếng như Amoco, Halliburton và Exxon và AES.

Trên thực tế, có hàng trăm công ty trải khắp khu vực. Chẳng hạn, giống như người Mỹ đã giúp phát triển các công ty như Saudi Aramco, họ tiếp tục làm việc với các đối tác Arab để phát triển việc làm, doanh nghiệp và nền kinh tế của khu vực.

Các tổ chức giáo dục đại học của Mỹ giáo dục và đào tạo các nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai của khu vực, giống như họ đã làm trong quá khứ, bao gồm các trường đại học Johns Hopkins, Yale, Georgetown, Harvard, Stanford, Yale và một số trường khác. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh hàng đầu của khu vực đã tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục của Mỹ.

Nhiều sinh viên cũ của Tiến sỹ Paul Sullivani tại Đại học Mỹ ở Cairo, một liên doanh quan trọng khác giữa Mỹ và Arab, là những doanh nhân hàng đầu, nhà ngoại giao, quan chức cấp cao của chính phủ, bao gồm cả một bộ trưởng và ở các vị trí lãnh đạo khác. Đại học Georgetown, nơi Tiến sỹ Paul Sullivan giảng dạy trong nhiều năm, có một khuôn viên thịnh vượng ở Qatar. Các trường cao đẳng và đại học khác của Mỹ trong khu vực bao gồm Texas A&M, Carnegie Mellon, Cao đẳng Y tế Cornell-Weill và NYU Abu Dhabi.

[Những biểu hiện về chủ nghĩa hiện thực mới của Mỹ ở Trung Đông]

Một số viện nghiên cứu y tế của Mỹ hợp tác với các đối tác của họ trong khu vực, chẳng hạn như Viện Y khoa Cedar-Sinai và Trung tâm Nghiên cứu Y khoa Harvard của Dubai. Chi nhánh của một số bệnh viện hàng đầu của Mỹ có thể được tìm thấy ở Thế giới Arab như Phòng khám Cleveland.

Học viện Khoa học Massachusetts (MIT) hợp tác với viện Masdar về năng lượng và môi trường. Điều này đáng để chỉ ra bởi vì sự hợp tác khoa học và trí tuệ giữa các trường đại học và học giả Mỹ với những người ở Trung Đông là những cầu nối thiết yếu, nhiều trong số đó đã có từ lâu. Và họ sẽ ở lại. Nhiều cầu nối hơn nữa sẽ được phát triển.

Mỹ cũng có các chương trình huấn luyện mà quân đội trong khu vực tận dụng. Và họ luôn được chào đón. Câu chuyện "Mỹ rút lui" chủ yếu xung quanh hai vấn đề: an ninh và năng lượng.

Cam kết của Mỹ đối với một khu vực Trung Đông-Bắc Phi an toàn đã trở thành mối lo ngại kể từ khi Washington bắt đầu thúc đẩy chính sách "Xoay trục sang Đông Á" hơn một thập kỷ trước, trong bối cảnh một Trung Quốc đang trỗi dậy. Tuy nhiên, đôi khi người ta lại quên rằng Mỹ tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với một số quân đội Arab, chẳng hạn như “Eagle Resolve,” “Nautical Defender,” “Native Fury,” “Hercules 2.”

Cuộc tập trận hàng hải quốc tế là rất đáng chú ý vì có sự tham gia của 60 quốc gia. Và nhiều cuộc tập trận như vậy sẽ được tổ chức trong tương lai.

Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục cam kết tham gia bảo vệ, cùng với các đối tác Arab và các quốc gia khác, các tuyến đường biển quan trọng của khu vực, bao gồm - nhưng không giới hạn - Kênh đào Suez, Biển Đỏ, Eo biển Bab Al Mandeb, Eo biển Hormuz và Vịnh Arab, cũng như các tuyến đường thương mại và liên lạc kết nối ở Ấn Độ Dương. Người Mỹ và người Arab cũng có lợi ích chiến lược ở Địa Trung Hải.

Tàu chở hàng tại khu vực vùng Vịnh, một vị trí chiến lược ở Eo biển Hormuz. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi nói đến năng lượng, có nhiều điều để bàn. Xét cho cùng, Mỹ đang nhập khẩu ít dầu và khí đốt hơn từ khu vực này chủ yếu do thành công của nước này trong khai thác dầu đá phiến và khí đá phiến, chiếm khoảng 70% sản lượng của Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều đồng minh và đối tác thương mại của Mỹ ngày càng phụ thuộc vào năng lượng khu vực. Những nỗ lực của Washington, cùng với các đối tác Arab, nhằm giữ cho các tuyến đường thương mại được an toàn và cởi mở là hướng tới thương mại và đầu tư toàn cầu, chứ không chỉ thương mại và đầu tư của Mỹ.

Điều quan trọng đối với các chính quyền Mỹ, bất kể đảng nào nắm quyền, phải nhắc nhở chính họ và phần còn lại của thế giới, về sự hội nhập sâu sắc của Mỹ với khu vực Trung Đông-Bắc Phi, vì hai lý do: một, để xua tan một quan niệm không chính xác (Mỹ đã rút khỏi khu vực); và hai, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh với một Bắc Kinh ngày càng quan tâm đến khu vực này.

Các mối quan hệ cần được đổi mới theo thời gian và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc và các nước khác sẽ khiến chính phủ Mỹ cũng như các công ty, bệnh viện, tổ chức giáo dục của Mỹ phải suy nghĩ về các chiến lược trong tương lai. Đại dịch COVID-19 đã cản trở một số liên doanh và hợp tác. Các cuộc nổi dậy của người Arab năm 2011 cũng làm gián đoạn một số quan hệ đối tác và liên doanh Mỹ-Arab.

Hơn nữa, đúng là số lượng sinh viên Mỹ đến Trung Đông ít hơn rất nhiều so với trước năm 2011. Họ chưa bao giờ bằng số lượng sinh viên Arab đến Mỹ. Và các sinh viên Arab luôn được chào đón đến Mỹ để học tập. Nhưng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để phát triển luồng sinh viên hai chiều nhiều hơn. Điều này có thể phát triển hơn nữa các mối quan hệ, đầu tư, hiểu biết và hành động giữa Mỹ và thế giới Arab trong tương lai. Để tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp hơn trong tương lai, những người trẻ tuổi - chứ không chỉ các nhà lãnh đạo cấp cao - cần phải tham gia.

Một số thay đổi đã diễn ra trong khu vực trong những thập kỷ qua. Các công ty Mỹ và các tổ chức khác, bao gồm cả chính phủ, phải có sự hiểu biết và nhạy cảm với những sự kiện này nếu họ muốn phát triển thịnh vượng.

Nhiều quan điểm của người Arab về nước Mỹ đã thay đổi mạnh mẽ kể từ những ngày đầu khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Franklin Roosevelt gặp gỡ Quốc vương Abdul Aziz Ibn Saud của Saudi Arabia vào ngày 14/2/1945. Cuộc xâm lược và chiếm đóng Iraq năm 2003, cuộc rút lui “vô tổ chức” khỏi Afghanistan hồi năm ngoái, và nhận thức về một sự rút lui được cho là khỏi khu vực đã làm suy yếu các mối quan hệ tích cực của Mỹ với khu vực cũng như người dân của khu vực.

Người Mỹ và người Arab chắc chắn có thể hưởng lợi từ việc tiếp tục quan hệ ở nhiều cấp độ và trong nhiều lĩnh vực. Washington vẫn ở trong khu vực và sẽ tiếp tục ở lại trong khu vực. Và cho dù họ có nhận ra hay không, Mỹ và thế giới Arab là đồng minh và là đối tác tự nhiên, các liên minh và quan hệ đối tác của họ sẽ tiếp tục phát triển lâu dài./.