Liệu bình yên có quay trở lại với nước Anh trong năm 2023?

Thứ bảy, 21/1/2023 | 09:07 GMT+7

David Lidington, cựu Phó Thủ tướng trong chính phủ của bà Theresa May, tin rằng nước Anh đang chuyển sang giai đoạn ổn định hơn về triển khai chính sách đối ngoại, khởi đầu bằng xung đột Nga-Ukraine.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo The Financial Times có bài viết "Liệu bình yên có quay trở lại với chính trường Anh trong năm 2023?" của nhà báo George Parker, biên tập viên chính trị của Financial Times.

Năm 2022, nước Anh đã trải qua một loạt biến động, trong đó phải kể đến sự sụp đổ chóng vánh của chính sách "ngân sách nhỏ," sự ra đi của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và sự nối ngôi của Vua Charles III. Trong thời gian này, Xứ sở Sương mù cũng đã có tới ba Thủ tướng và bốn Bộ trưởng Tài chính.

Vậy, điều gì thực sự đã thay đổi bên cạnh những biến động đáng kinh ngạc kia?

Đỉnh điểm của một giai đoạn cực kỳ hỗn loạn

Việc ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng vào tháng 10 được xem là đỉnh điểm của một giai đoạn cực kỳ hỗn loạn. Ông trở thành vị Thủ tướng thứ 5 của nước Anh kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016 (chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu - EU). Trước cuộc bỏ phiếu đó, nước Anh chỉ có năm Thủ tướng kể từ năm 1979.

Cách tiếp cận ít phô trương của ông Sunak trong việc điều hành chính phủ, được các đồng minh của ông mô tả là "nói ít, làm nhiều," đã giúp nước Anh tạm ngừng tiến trình chính trị hoá, nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng các sự kiện năm 2022 đã làm thay đổi hoàn toàn nền chính trị Anh.

Anthony Wells, Trưởng bộ phận nghiên cứu chính trị của YouGov (hãng nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu trên Internet của Anh), nói rằng: "Đã có sự thay đổi lớn về lập trường của các đảng phái. Có lẽ điều này sẽ khiến đảng Bảo thủ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Không hiểu họ làm cách nào để giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử sắp tới."

Ông Sunak hy vọng có thể phát huy được điều mà các đồng minh của ông thường nhấn mạnh là "sự ổn định nhàm chán" và khả năng quản lý kinh tế hiệu quả cũng như sự phục hồi sau suy thoái kinh tế để vực dậy đảng Bảo thủ trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào cuối năm 2024.

Nhưng cuộc thăm dò mới nhất của YouGov đã phản ánh những thiệt hại mà đảng Bảo thủ phải gánh chịu trong năm qua. Việc Công đảng dẫn trước đảng Bảo thủ tới 25 điểm cho thấy ông Sunak, vốn đang vật lộn với làn sóng đình công, vẫn chưa giành lại được phần lớn lợi thế đã mất dưới tay những người tiền nhiệm.

[Chèo lái nền kinh tế vượt khủng hoảng - nhiệm vụ của tân Thủ tướng Anh]

Đối với Trưởng bộ phận Wells, một thay đổi quan trọng vào năm 2022 là các cử tri đã chứng kiến tình trạng rối ren của hai nhiệm kỳ Thủ tướng Boris Johnson và Liz Truss, cung cách quản lý kinh tế thảm hại và cuộc đấu đá nội bộ không ngừng để rồi đảng Bảo thủ đối mặt với nguy cơ "ván cờ sắp tàn."

Ông nhấn mạnh: "Các cuộc thăm dò cho thấy công chúng mong đợi một chính phủ Công đảng trong thời gian tới. Điều này đang thay đổi mọi thứ theo cách rất riêng..."

Theo một số nhà phân tích chính trị, những đau thương của năm 2022 cũng là cao trào của chủ nghĩa dân túy, vốn nổi lên trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit và chạm đỉnh dưới thời ông Johnson và bà Truss, những người ra tranh cử chống lại "giới tinh hoa" mà họ tuyên bố đang quay trở lại thống trị nước Anh.

Ông John McTernan, một chiến lược gia chính trị và từng là cố vấn của cựu Thủ tướng Tony Blair, cho biết: "Tôi nghĩ đây là năm của thực tế và những dữ liệu thực chất. Những dữ liệu thực chất là vấn đề rắc rối với những người theo chủ nghĩa dân túy. Ông chỉ ra sự trỗi dậy của những nhân vật theo chủ nghĩa thực dụng trung dung như các nhà lãnh đạo Joe Biden ở Mỹ, Olaf Scholz ở Đức và Anthony Albanese ở Australia là bằng chứng cho một xu hướng rộng lớn hơn: "Họ có thể nhàm chán, nhưng họ có kế hoạch."

Bà Katie Perrior, từng là cố vấn của cựu Thủ tướng Theresa May, cũng đồng ý: "Đã đến lúc phải chấm dứt tư tưởng dân túy khi mà bạn không thể cứ tung ra các ý tưởng và không cần quan tâm đến cái giá phải trả như thế nào."

Chiến lược gia McTernan cho rằng ông Keir Starmer, lãnh đạo Công đảnh Anh, một "điểm tĩnh trong thế giới động của nền chính trị Anh," sẽ là người hưởng lợi cuối cùng của xu hướng này. Trong khi đó, chuyên gia Perrior cũng đồng ý rằng giới kinh doanh có thể cảm nhận xu hướng thay đổi của làn gió chính trị này.

Bà nói: "Đây là năm mà mối quan hệ giữa doanh nghiệp và Công đảng đã thay đổi mạnh mẽ. Hội nghị thường niên của Công đảng đối lập ở Liverpool năm nay đã chứng kiến đông đảo giới doanh nhân tụ tập ở xung quanh và trong các quán bar của khách sạn."

Một "làn gió mới"?

Ông David Lidington, cựu Phó Thủ tướng trong chính phủ của bà Theresa May, cũng tin rằng nước Anh đang chuyển sang một giai đoạn ổn định hơn về triển khai chính sách đối ngoại, khởi đầu bằng cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ông Lidington lập luận rằng cuộc khủng hoảng Ukraine "rõ ràng đã có tác động sâu rộng trong xã hội Anh", bằng chứng là những lá cờ vàng và xanh lam được nhìn thấy trên khắp đất nước và sự sẵn lòng của các gia đình người Anh tiếp nhận những người tị nạn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo ông, trọng tâm mới này hướng tới nhu cầu bảo vệ các giá trị phương Tây và an ninh ở châu Âu và trùng hợp với sự thay đổi trong cuộc tranh luận về Brexit vào năm 2022. Điều này có thể mở đường cho các mối quan hệ hài hòa và thiết thực hơn giữa Anh với EU trong những năm tới.

Ông nói: "Dù đã bỏ phiếu theo hướng nào, phần lớn người dân hiện đều thừa nhận Brexit đã không mang lại mảnh đất toàn hoa thơm quả ngọt."

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Michael Heseltine, cựu Bộ trưởng Nội các thuộc đảng Bảo thủ thậm chí còn thẳng thắn hơn: "Trở lại thời điểm vài tháng trước, mọi người bắt đầu thừa nhận rằng Brexit là một thảm họa."

Các cuộc thăm dò cho thấy ngày càng có nhiều người hối tiếc về cuộc bỏ phiếu Brexit và dữ liệu kinh tế đã làm rõ hơn tác động của sự kiện này đối với kinh tế Anh, nhưng thực tế là không một chính đảng nào muốn thảo luận về việc tái gia nhập thị trường chung châu Âu hoặc chính EU đã hạ nhiệt chủ đề này.

Ông Lidington nói: "Giờ là lúc thảo luận về chính trị châu Âu mà không cần nhắc đến năm 2016." Ông cho biết gần đây ông đã tham dự một diễn đàn Anh-Đức, nơi Brexit "hầu như không được nhắc đến." Thay vào đó, trọng tâm là Ukraine, Nga, khí hậu, năng lượng và Trung Quốc.

Người dân tại thủ đô London, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các sự kiện của năm 2022 cũng đặt ra một câu hỏi sâu sắc cho ông Sunak: Đảng Bảo thủ đại diện cho điều gì? Sau một thập kỷ tăng trưởng yếu ớt và nhu cầu đối với các dịch vụ công gia tăng, các Thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ đã buộc phải tăng thuế lên mức cao nhất sau chiến tranh.

Các Thủ tướng Johnson và Truss đã cố đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài về tình trạng khó khăn của nước Anh: EU, cơ quan tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng trung ương Anh, thậm chí cả những người sở hữu "nhà phố ở Bắc London" và các chương trình podcast...

Trong khi đó, thử nghiệm của bà Truss với việc cắt giảm thuế triệt để và bãi bỏ bớt quy định đã vấp phải sự phản đối của công chúng. Thật vậy, sự ủng hộ của công chúng đối với các y tá đình công (2/3 số cử tri ủng hộ hành động bãi công) cho thấy công chúng ủng hộ tăng đầu tư vào một lĩnh vực công đang đổ nát thay vì cắt giảm.

Các lộ trình thị trường tự do dễ dàng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, chẳng hạn như tăng nhập cư, nới lỏng luật quy hoạch hoặc tái gia nhập thị trường chung rộng lớn của EU đã bị ông Sunak bác bỏ dưới áp lực từ chính các nghị sĩ thuộc Công đảng của ông.

Trên thực tế, năm 2022 đã chứng minh rằng không có giải pháp nhanh chóng nào cho các vấn đề tồn tại của nước Anh và công chúng đã chán ngấy việc các chính trị gia đổ lỗi cho nhau. Các nhà lãnh đạo Sunak và Starmer giờ sẽ phải sống với di sản khó chịu đó./.